Tuesday, February 13, 2024

PHẠT NẶNG LÁI XE UỐNG RƯỢU BIA, MỌI CHUYỆN SẼ OK?

Phải khẳng định các biện pháp hạn chế rượu bia, trong đó có nghị định phạt nặng lái xe có cồn trong người, là đúng đắn. Một đất nước còn nghèo, mỗi năm người dân uống hơn 5 tỷ lít bia, số lượng rượu -nhất là rượu “đế” – không thống kê được, quả là một vấn nạn xã hội. Khắp làng quê, khắp phố thị, mỗi chiều tối vang dội tiếng “dô dô”, 100%, như sóng biển, hết đợt này đến đợt khác. Niềm vui của thanh niên ngoài điện thoại thông minh, bia rượu có lẽ là chọn lựa thứ nhì đầy mãnh lực và lôi cuốn. Đám cưới, đám giỗ, đám lên lon, lên chức, đám thôi nôi đầy tháng, kể cả đám ma, rượu bia dường như là phần trọng yếu. Vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu…nhậu là niềm vui có vẻ như không có gì vui hơn.

Ngày xưa, ông bà chúng ta rất coi trọng việc uống rượu: vô tửu bất thành lễ. Bất kỳ một lễ nghi nghiêm trang nào cũng đều có mặt của một chai rượu. Rượu đi vào đời sống của người dân như một nếp sống lễ nghi, một văn hóa của cuộc sống. Tao nhân mặc khách cho chí dân thường đều vui vẻ với nhau bên chén trà, chung rượu.

Rượu xuất hiện rất lâu không rõ từ bao giờ nhưng uống rượu là một tác nhân văn hóa trong cuộc sống. Nhưng khi uống “quá chén”, rượu trở thành kẻ phá hoại văn hóa, phá hoại cuộc sống. “Nhất nhật độc ẩm trà, bán dạ tam bôi tửu” thì “lương y bất đáo gia”. Rượu cùng trà, uống chừng mực, có lợi cho sức khỏe dường nào.

Nhưng hiện nay, trong các cuộc gặp mặt “bù khú” liệu có ai chỉ uống một hai chung rượu hay chỉ một hai lon bia? Chắc chắn có nhưng rất hiếm. “Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm”, hoặc là “nam vô tửu như kỳ vô phong"…Thanh niên chịu chơi thì chịu uống rượu nhiều, uống không biết say, uống thể hiện bản chất “yên hùng” trên bàn nhậu. Cuộc nhậu sẽ hào hứng khi bầu được “chủ xị” oai như chủ tịch nước, phân xử, phân phối…rượu, theo dõi các chiến hữu sát sao, có “đồng chí” nào pha nước vào bia, hay lấy nước thế rượu, “qua tua” không…Sáng uống, trưa uống, tối uống…chỉ khi ngủ mới không uống. Đó là lý do các quán nhậu mọc lên như nấm và phát triển năm sau cao hơn năm trước.

Sự chừng mực và tiết chế không còn trong tâm trí người dân Việt hay sao mà mỗi lần uống bia rượu thì “không say không về”, và phải "uống cho tới bến"? Kẻ uống được bắt ép người uống ít hay không biết uống. Khi có ai từ chối uống thêm hay không uống sẽ bị coi là “mày chơi với ai, với dế à?”. Mọi quan hệ xã hội gần như qua bia rượu.

Tệ nạn phát sinh từ việc uống rượu bia quá mức chứ không phải do rượu bia. Người uống rượu sẽ văn minh nhưng khi rượu “uống” người sẽ chẳng ra gì nữa chứ đừng nói “văn minh”. Sự chừng mực hay tiết chế của người Việt qua cách uống rượu bia tôi có nhận xét là rất ít hay có khi rất hiếm.

Muốn cho xã hội điều hòa các mối quan hệ, nhà nước nào cũng có những luật lệ để khắc chế những cái quá mức, trong xã hội VN hiện nay, trước mắt là nạn rượu bia tràn lan.

Trước đây không lâu, trong diễn đàn quốc hội, vấn đề cấm rượu bia khi lái xe được đưa ra. Điều ngạc nhiên, qua phiếu thăm dò, đa số đại biểu …cho phép lái xe được uống. Một xu thế rất lạ ngay cả Dương Trung Quốc, một người nổi tiếng, nhiệt liệt bênh vực cho việc uống rượu, có ví dụ hình tượng “cấm rượu” phải “cấm gạo” hay sao vì rượu từ gạo mà ra. Dư luận phản đối dữ dội, kết cuộc quốc hội biểu quyết cấm rượu bia đối với người đang lái xe.


Đến bây giờ, chỉ thị 100 lại làm “triệt để” vấn đề này: ai lái xe có độ cồn, không cần ngưỡng nào đều bị phạt, phạt rất nặng, cả tiền lẫn tước bằng lái nếu cồn ở mức cần phải thu bằng lái. Một số người hoan nghênh cổ vũ, hy vọng rồi đây, sẽ giảm tai nạn xe cộ, dân ít chạy xe ra đường, phương tiện công cộng sẽ được lựa chọn nhiều (đi xe buýt đến quán nhậu?), sức khỏe người dân được nâng cao nhờ không dám uống rượu, bệnh viện ít quá tải, mọi bề ích lợi nhờ chỉ thị 100…

Chúng ta so sánh thái độ người dân (qua đại biểu quốc hội, có lẽ qua hàng chục triệu người hay uống rượu bia) và một số người tung hô chỉ thị 100 về phạt lái xe có cồn, ta thấy người dân phân ra hai cực đối chọi nhau, chưa có thống kê nhưng chắc chắn nếu bỏ phiếu “dẹp” chỉ thị kia, có lẽ số phiếu sẽ là 90%. Số người bị "khắc tinh" bởi chỉ thị kia chiếm hầu hết dân VN.

Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy có ngày nào, có giờ nào trên đất nước này không có người nhậu, không có người uống rượu bia? Không có con số nhưng nhìn các nhà máy bia thi nhau mọc lên như nấm, ăn nên làm ra, thậm chí còn tổ chức lễ hội bia, và nhất là 5 tỷ lít mỗi năm, chúng ta thấy bia rượu đã “nhuộm men” hầu như tất cả nam giới VN. Điều đáng nói, hầu như mọi người đều chạy xe máy đến những nơi có uống rượu bia. Rượu bia và xe máy dường như “gắn kết” mỗi đời sống con người VN.

Nhưng nói là nhờ chỉ thị phạt nặng rượu bia, người VN sẽ bỏ rượu bia, xe máy ít lại, tai nạn giao thông giảm… là điều hết sức ngây thơ. Nếu vậy thì VN hạnh phúc quá, các nước sẽ đến học tập. Liên Xô thời Gorbachev quy định mỗi tuần một chai rượu và hạn chế rất mạnh việc dân Nga uống nhiều rượu bia, kết quả thế nào? Dân Nga vẫn tì tì uống rượu.

Xe máy ít ư? Đâu phải người ta dùng xe máy để đi nhậu. Ở Sài Gòn xe máy ken dày trên đường phố từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối: người lái xe đi nhậu sao? Hay họ phải đi làm để kiếm cơm? Phương tiện công cộng sẽ thay xe máy ư? Có đủ phương tiện và có đủ đường để thực hiện việc ấy hay không? Tai nạn giao thông giảm ư? Chưa hẳn, ý thức tham gia giao thông chứ không phải rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn, sau nguyên do cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng sự đi lại của người dân. Có ai thống kê chưa, nguyên do bao nhiêu phần trăm người gây ra tai nạn giao thông toàn nước mỗi ngày xuất phát từ việc lái xe uống rượu bia?

Nói như thế, tôi không cho việc phạt lái xe uống rượu bia là sai. Cần phải phạt thật nặng để người dân ý thức sự tác hại của rượu bia quá mức. Đó là lý do tại sao đa số các nước đo nồng độ cồn trong hơi thở hay trong máu của người lái xe nếu nghi ngờ họ và ở ngưỡng nào đó sẽ bị phạt chứ không phải “có cồn” sẽ bị phạt, có lúc “oan” cho những người không uống nhưng ăn một số loại trái cây trước khi chạy xe ra đường hoặc uống rượu ngày hôm trước hôm sau vẫn bị phạt vì có cồn dẫu “một tý ty”.

Phạt người lái xe uống rượu, các nước tiến bộ nhắm tới đa phần người lái xe hơi, đối với VN, lái xe có đặc thù hơn: gần như gần 90% người đi lại ngoài đường đều sử dụng xe máy. Một hớp rượu cũng có thể gây hậu quả tài chánh, ba hớp sẽ không còn được lái xe…Các người thi hành công vụ tập trung gần quán, gần chỗ cưới tiệc…tha hồ mà phạt. Hàng chục triệu người uống bia rượu mỗi ngày, liệu có đủ cảnh sát giao thông để phạt ai uống rượu chạy xe hay không?

Theo tôi, mức phạt như chỉ thị là được, cần thiết phạt nặng hơn, với điều kiện khi nồng độ cồn vượt quá ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng sự kiểm soát tay lái. Có người bảo đối với một số người uống dưới ngưỡng vẫn bị tác dụng của cồn: xin thưa những người ấy “tửu lượng” kém, họ sẽ không uống hoặc uống ít vì sức khỏe của họ.

Người Việt Nam đang uống rượu bia rất nhiều, các biện pháp nào “hãm” bớt đà tăng đều ngoan nghênh nhưng biện pháp khắt khe quá chưa phải là biện pháp hữu hiệu. Uống bia rượu bia quá mức như một con “ngựa bất kham”, cũng cần có phương cách "trị" nó, thời gian để “thuần phục” nó, vội vã cột chặt có khi đứt dây, ngựa sẽ “đá” lung tung…

Hạn chế rượu bia không có nghĩa cấm tiệt rượu bia (cấm cũng không được). Luật cũng nên nhắm vào căn bản đó.

Có người bảo các nước tiên tiến còn cấm ngặt hơn ta. Tôi không biết nhiều, chỉ nghe giáo sư Nguyễn Hưng Quốc: “ở Úc nơi tôi sống, người ta định ra 3 mức:

(Trích)

“1. Tuyệt đối không uống giọt bia hay rượu nào cả đối với những người đang học lái hoặc mới có bằng lái xe (trong vòng 2 hay 3 năm đầu, tùy địa phương)

2. Có lượng cồn trong máu dưới 0.02% (Blood/Alcohol Count – BAC) đối với những người lái xe tải hoặc lái xe công cộng (taxi hay xe bus)

3. Có lượng cồn trong máu dưới 0.05% đối với tất cả những người lái xe khác”.

(Hết trích).

Giải quyết vấn nạn rượu bia quá mức cần có những phương pháp toàn diện, đồng bộ, nhiều ngành tham gia, chứ không thể dựa vào một chế tài khắt khe sẽ đem ngay lại hiệu quả. Hãy mạnh tay với nạn rượu bia quá mức, nhưng cũng nên khoan hòa với những người uống chừng mực, kiềm chế, không sa đà; chứ không phải từ cực đoan này nhảy qua cực đoan khác.

Hãy ngó qua nước Úc tiên tiến coi, bằng những biện pháp từ tốn, khoa học, có “không gian thở” cho con người, nhất là những người VN, rượu đã ở trong máu họ cả ngàn đời nay, chứ không phải mới uống khi lái xe.

Sau một thời gian nào đó, khi ý thức công dân cao lên, hình phạt như bây giờ cần được áp dụng, tôi chắc dân sẽ không quá bức xúc hay sợ hãi như hiện nay: chạy xe đi ăn cưới về không lo ngó xe, chỉ lo dáo dác ngó…công an, tai nạn như chơi.

Một chủ trương cần hợp lòng dân (đa số) là chủ trương đi vào lòng người. Tôi cho anh uống rượu bia nhưng uống quá mức cho phép, anh phải trả giá; người dân sẽ “tâm phục, khẩu phục” chứ không phải “đổ liều” chống đối người thi hành công vụ như vài hôm nay thấy trên mạng.

Hình phạt để người ta tuân thủ hơn khác với hình phạt làm người ta bất mãn hơn. Quý đệ tử Lưu Linh cũng nên ý thức: chừng mực và tiết chế khi bù khú, đừng để bị chế giễu “hãy tránh xa con cọp ba bước, và tránh xa thằng say rượu 30 bước”.