Monday, February 5, 2024

30 THÁNG 4: PHẢI LÀ NGÀY HÒA GIẢI.

Trong lịch sử đất nước, chưa có cuộc chiến nào khốc liệt như cuộc chiến chấm dứt ngày 30 tháng 4 và cũng chưa có cuộc chiến tranh nào kéo dài chia rẽ âm thầm, dai dẳng như thế, hơn nửa thế kỷ nay.

30.4: NGÀY CHIẾN THẮNG?

Đế quốc bỏ hơn 58.000 nhân mạng; “Ngụy” chừng ba trăm ngàn; “Ta” bao nhiêu? Chắc không dưới nửa triệu người. Dân thường có lẽ cũng vài triệu, cả hai miền Nam Bắc. Chất độc da cam còn ảnh hưởng kéo dài. Hàng trăm ngàn người bỏ xác ở Trường Sơn. Chiến thắng: đúng, nhưng chiến thắng đẫm máu.

30.4: NGÀY GIẢI PHÓNG?

Năm 1954, khi Cách Mạng giải phóng Hà Nội, gần 1 triệu người bỏ chạy vô Nam, nơi kìm kẹp của Mỹ-Ngụy. Mùa hè đỏ lửa 1972, hàng chục ngàn người chạy thục mạng theo chân Ngụy quân, bỏ quê hương Quảng Trị thân yêu. Đầu tháng 4 năm 1975, hàng chục ngàn người khác bỏ chạy theo đoàn quân thất trận khi Buôn Ma Thuột được giải phóng. Sau những năm 1975, hàng triệu người trốn khỏi đất nước tự do, tìm nơi có bọn tư bản đang giãy chết; hàng chục ngàn người khác bỏ xác dưới đáy đại dương. Tại sao người ta sợ Giải Phóng?

30.4: NGÀY THỐNG NHẤT?

Đây là câu trả lời có lẽ đúng nhưng là câu trả lời cần suy nghĩ. Tây Đức tư bản với Đông Đức cộng sản: thống nhất êm thắm – chỉ cần đập bỏ bức tường ngăn cách ở thủ đô. Đức không đổ máu khi thống nhất.

Hàng triệu quân nhân, công chức “Ngụy quân- Ngụy quyền” bị tập trung cải tạo, có người không chịu nổi bịnh tật, đói rét mà bỏ xác ở núi rừng. Con em của hàng triệu người này mang trong lòng nỗi đau bị phân biệt đối xử trong cuộc sống. Nam-Bắc thống nhất, lòng người có thật sự thống nhất?

Các lập luận trên sẽ là bị xem là “phản động” cho đến ngày hôm nay. Nhiều người (có dính dáng đến VNCH) đều không dám nói ra, ngoài chỗ thân tình.

Đối với tôi, ngày 30 tháng 4, có thể gọi là ngày HÒA GIẢI. Đất nước thống nhất không còn nạn binh đao. Nhưng sẽ thật sự thống nhất khi con người xuất phát từ hai miền Nam-Bắc thật sự yêu thương nhau. Máu của “Ngụy” hay máu của Việt cộng cũng là máu Việt Nam. Cái chết nào của hai phe cũng làm mẹ Việt Nam đau đớn.

Vì sao người ta vẫn ca tụng hằng năm ngày 30.4 theo ý nghĩa: chiến thắng và giải phóng?

Máu của chiến binh miền Bắc, của cán binh cộng sản miền Nam, đổ ra quá nhiều, quá lớn. Nỗi đau ấy khó mà nguôi ngoai. Trong tâm trí những chiến binh còn sống và con cháu họ, sự mất mát ấy không thể nào bù đắp vì mấy chục năm qua, họ được giáo dục lòng căm thù, ban đầu là đế quốc, sau đó là Ngụy quân- Ngụy quyền như là “tội đồ” của dân tộc.

Có một số người chưa hiểu ra, thế giới sau 1945, các nước chia làm hai phe: tư bản và cộng sản. Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh này. Việt Nam không đủ sức mạnh để đứng trên đôi chân của mình. Phong kiến vua chúa, ách cai trị thực dân (đất nước chia làm ba kỳ, chia để trị) không làm cho VN thoát khỏi quỹ đạo của cuộc chiến tranh khốc liệt.

Có người Việt Nam nào mong muốn cầm súng giết nhau – những khẩu súng khắc tên Nga, tên Mỹ?

Dân trí, chính dân trí, là cách duy nhất để mỗi người Việt Nam hiểu cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua, và quan trọng hơn, từ đó sẽ hiểu nhau hơn, và yêu thương nhau hơn. Nhưng đây là vấn đề cực kỳ nan giải.

Hiểu nhau và yêu nhau, xuất phát điểm, phải là từ bên “thắng cuộc”. Đòi hỏi hiểu nhau và yêu thương nhau TRƯỚC từ bên “thua cuộc” là việc rất khó. Mặc cảm thua cuộc, ký ức bị ngược đãi trong quá khứ, vẫn còn âm ỉ trong lòng họ, không phút nguôi ngoai.

Kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc xảy ra từ gần nửa thế kỷ nay, kết quả thế nào? Hòa giải và hòa hợp dân tộc nghe hoài cũng…ngán. Nhưng hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ không bao giờ thành hiện thực?

Tôi thấy một trong những trở ngại đó là tư tưởng ở những người thuộc bên “thắng cuộc” (không phải tất cả). Tư tưởng “giải phóng miền Nam” hun đúc từ khi trẻ con bước chập chững vào trường học miền Bắc XHCN. Khó mà xóa nhòa một sớm một chiều. Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cộng sản có 4 người trong gia đình bị “địch” giết, tâm tình (đại ý): Mỗi năm kỷ niệm ngày 30 tháng 4 có hàng triệu người vui thì có hàng triệu người buồn. Tất cả bên “thắng cuộc” có đồng ý với nhận định của ông? Câu trả lời ai cũng biết.

Giáo dục, chính giáo dục “căm thù giặc”, là tác nhân khiến cho không phải tất cả người bên “thắng cuộc” chấp nhận đường lối hòa giải của một con người có nhân cách, có tầm nhìn như Võ Văn Kiệt.

Tôi kết thúc bài viết này bằng trích dẫn một bài thơ cho lập luận của mình, khi đọc xong, quý vị sẽ thấy giáo dục quan trọng trong hình thành tư duy như thế nào. Người viết bài thơ này giết chết bạn thân mình thời thơ ấu; ông là một trí thức, đã trưởng thành khi tiếp xúc giáo dục “căm thù giặc”. Những hậu sinh của ông được giáo dục từ nhỏ, làm sao họ có thể gột bỏ tư tưởng hận thù một cách dễ dàng để mục tiêu hòa giải và hòa hợp dân tộc trở thành sự thật khi ngày 30 tháng 4 được kỷ niệm tưng bừng hằng năm?

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI (1)

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

Những ngày xưa thân ái

Chắc hắn quên rồi

Riêng tôi, tôi nhớ:

Đồng làng mênh mông biển lúa

Sương mai đáp trắng cỏ đường

Hai đứa tôi,

Sách vở cặp chung

Áo quần nhàu giấc ngủ

Song song bước nhỏ chân trần

Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn

Nón rộng hỏng quai

Trong túi hộp diêm nhốt dế

Những ngày xưa êm đẹp thế

Không đem chung hai đứa một ngày mai

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay

Tôi buồn tôi giận,

Đêm nay gặp hắn,

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

Xác hắn nằm bờ ruộng

Không phải hắn thưở xưa

Tôi cúi nhìn mặt hắn

Tiếc hắn thời ấu thơ.

Phạm Hổ (2) ,1957

Khi xã hội ngưng tuyên truyền "địch ta" (giữa Nam-Bắc), nhà trường ngưng giáo dục lòng hận thù

Ghi chú:

(1)  Bài thơ này cần phải vứt vào sọt rác quá khứ.

(2) Anh trai của Phạm Thế Mỹ.