Xưa có đệ tứ khoái (tôi không tiện nêu tên) nay có nhiều cái khoái, như rượu bia, thuốc lá nhưng còn một cái khoái nữa là nói chuyện thời sự. Các bà, các cô sẽ có chuyện của họ, các ông các anh sẽ có chuyện của mình: thời sự.
Thời sự thời thượng hiện nay không phải là đại hội đảng ở VN nhưng lại là một ông già (Trump khi dễ gọi là) “ngủ gục” Joe Biden. “Quà tặng” cho vị tân tổng thống là “Luật hải cảnh” hay việc cấm cản một số quan chức Mỹ vào TQ. Các chuyên gia bình luận vỉa hè “quả quyết” Bắc Kinh muốn nắn gân ông già “gần đất xa trời ở…tận nước Mỹ!
Khi cải cách mở cửa, người dân VN mới biết chuyện gì xảy ra trên thế giới. Trước đó, sau 1975, cả nước như ở trong một bức màn sắt, chỉ có thế giới XHCN.
Nhờ có thời sự, người ta mới biết đến cuộc đảo chánh ở Liên Xô, do các tướng lĩnh thiên tả bất bình trước cải cách của Gorbachev, lúc đó đang nghỉ mát ở Crimea, Ukraina. Boris Yeltsin thật oai hùng, đứng bên một chiếc xe tăng, tay cầm loa diễn thuyết hùng hồn trước rừng người biểu tình phản đảo chánh. Trump oai phong bây giờ đâu sánh Yeltsin lẫm liệt thời ấy. Thời sự càng hấp dẫn hơn. Người xem ti vi chứng kiến cảnh họp báo của các tướng lĩnh đảo chính. Gương mặt mấy vị “anh hùng” không giấu nổi sự hoang mang, sợ hãi. Có vị mệt mỏi thấy rõ. Có lẽ đêm hôm trước các vị này thức quá khuya, hay là Vodka quá chén, mừng rỡ nâng ly hay mượn rượu mạnh để trấn an nỗi sợ hãi phe Yeltsin?
Tổng thống Nga Boris Yeltsin.
Thời sự hồi hộp: đôi ba hôm sau, phe phản đảo chánh tuyên bố “tó” được các tay đảo chánh đang trên sân bay định tẩu thoát ra nước ngoài. Trong cuộc đời theo dõi thời sự- trong nước và thế giới, tôi ấn tượng nhất và sung sướng nhất khi Yeltsin ép Gorbachev đọc lệnh giải tán đảng cộng sản Liên Xô, cái đảng lãnh đạo việc chia đôi thế giới, và cùng với “bọn” đế quốc tiến hành chiến tranh lạnh, trong đó có cuộc chiến đẫm máu nhất: chiến tranh Việt Nam. Tôi ao ước, phải chi, cái đảng này bị giải tán sau khi phát xít Đức đầu hàng năm 1945 thì phúc cho nhân loại xiết bao.
Ngày nay, nhờ có internet, mạng xã hội như Facebook, thời sự càng hấp dẫn hơn. Sự việc trên thế giới, như cuộc bạo loạn của đám đông giận dữ xâm chiếm điện Capitol, ở VN, những người quan tâm thời sự đang thấy, như trước mắt, cảnh tượng hấp dẫn, còn hơn xem phim hành động Mỹ.
Thời sự bây giờ ngồn ngộn thông tin, giả có, thật có, những người quan tâm thời sự rất khó khăn không phân biệt nổi đâu là chân đâu là giả. Chính điều đó làm thời sự trở nên hấp dẫn hơn: các thông tin chính thống đối chọi thông tin phi chính thống. Vàng thau lẫn lộn. Thế là, những người yêu thời sự, quan tâm thời sự chia ra hai phe; lúc ấy, chính hai phe này lại tạo ra…thời sự. Họ múa kiếm xông vào nhau: ôi, thời sự!
Khi dư luận chia ra hai phe như thế về một ông Mỹ tóc vàng, nhà chức trách VN rất nhảnh nha. Họ mỉm cười thích thú, không còn hứng chịu những ta thán, chửi bới của những người quan tâm thời sự. Mỹ nhận lửa chuyển từ VN đổ lên đầu ông Biden hay ông Trump, thay vì bác Cả.
Facebook, bên cạnh YouTube…là diễn đàn phong phú, những người quan tâm thời sự VN lấy đó làm đất dụng võ. Trước đây, có quan chức lo lắng “Họ (ngầm nói thế lực thù địch?) lên mạng chửi không sót một ai”. Mạng xã hội trở thành một nơi mà sự diễn biến hòa bình dễ lan truyền nhất, tại sao nhà chức trách vẫn để nó hoạt động?
Lý do đơn giản: ở đây là “thời sự” chớ không phải “quốc sự”. Thời Pháp thuộc, ai hoạt động quốc sự là ủ tờ mục xương. Khi người ta đổ xô vào thời sự, thì quốc sự không phải lo. Chẳng hạn những tin như “Ngọc Hà có thai” trương lên một tít báo trang trọng như tin “tổng thống Trump bị vợ ‘bỏ rơi’ khi bước xuống sân bay”.
Người cai trị rất khôn ngoan, chuyện quốc sự sẽ nhẹ đi nếu chuyện thời sự được xả cổng: đây là lý do Facebook không bị đóng cửa ở VN, chứ không phải người ta sợ chi "đế quốc" Mỹ.
Facebook là nơi xả stress, xả xú bắp. Các nhà cách mạng trên bàn phím không nguy hiểm bằng các nhà cách mạng trên đường phố.
Thời sự luôn luôn hấp dẫn là như thế. Mỗi chiều, trong các quán nhậu khắp nước, người ta chửi chính phủ mà không sợ bị công an mời; lý do những chuyện thời sự trong các quán nhậu không phải là chuyện quốc sự. Đó cũng là lý do, mật vụ Pháp trước đây sẽ lảng vảng chỗ nào có thanh niên tụ tập uống trà. Thấy thanh niên đang uống rượu, mấy tay mật thám bỏ đi: đám nhậu nhẹt thì không thể làm quốc sự.
Tôi tự dưng nghĩ tới Facebook. Nó làm say con người còn hơn men rượu. Tôi mong Facebook không trở thành Whisky, hay rượu đế, người ta có thể uống thoải mái rồi quên đi quốc sự.