Monday, February 5, 2024

TRUNG QUỐC TỰ BIẾN MÌNH THÀNH KẺ THÙ

Người dịch: Ham mê quyền lực, Tập Cận Bình tưởng mình khôn ngoan hơn Đặng Tiểu Bình không muốn “ẩn mình chờ thời”.

(China is its own worst enemy)

Biden vừa trải qua hơn 100 ngày làm tổng thống, nhưng tới thời điểm này, hy vọng nồng ấm quan hệ Trung-Mỹ nhanh chóng biến khỏi Bắc Kinh lẫn Washington.

Thực sự, chính sách về TQ của Biden không khác mấy người tiền nhiệm. Trung Quốc vẫn là đối thủ địa chính trị nguy hiểm nhất của nước Mỹ. Khỏi cần nói, Bắc Kinh cũng coi Mỹ là đe dọa như thế.

Rất ít lãnh đạo TQ phủ nhận Hoa Kỳ là đe dọa hiện hữu đối với đảng CSTQ cũng như tham vọng nước này trở thành siêu cường quốc tế. Câu hỏi duy nhất là làm thế nào để đặt một nền tảng bên dưới mối quan hệ hai bên ngày càng nhiều thù địch, tránh một cuộc chạm trán quân sự trực tiếp.

Trong cuộc đối đầu chiến lược còn để ngỏ với Hoa Kỳ, các lãnh đạo TQ rõ ràng sẽ rút nhiều bài học  từ Chiến tranh lạnh, cũng như đối phương của họ ở Washington.

Hai bên sẽ sớm đi đến nhận định toàn cục như nhau. TQ phấn khởi – không nhầm lẫn – khi nhận thấy họ sở hữu nhiều sức mạnh mà Liên Xô không có. Về kinh tế, họ có một hệ thống kinh tế phối hợp hiệu quả hơn kinh tế chỉ huy của Liên Xô. Vị trí trung tâm của TQ trong nền kinh tế toàn cầu, vừa là nước cung ứng lớn nhất hàng sản xuất vừa là thị trường lớn thứ nhì về nhập khẩu – 2000 tỷ Mỹ kim năm 2020 – khiến Hoa Kỳ không dễ gì ngăn chặn hoàn toàn họ về kinh tế.

Xét về cân bằng quyền lực tương đối, dù TQ còn kém trong một số lĩnh vực trọng yếu, sức nặng định lượng của họ không thể chối cãi. Theo so sánh sức mua, kinh tế TQ lớn hơn kinh tế Hoa Kỳ. Tính về đồng đô la, họ hiện nay đạt gần 75% của Hoa Kỳ. Lúc cao nhất, kinh tế Liên Xô chỉ gần chừng 50% của Hoa Kỳ.

Quan trọng hơn, khi TQ vẫn còn động lực tăng trưởng mạnh hơn Hoa Kỳ, nền kinh tế của họ tiếp tục tăng dần sức mạnh và sẽ vượt nền kinh tế Hoa Kỳ tính bằng đô la chỉ trong một thập kỷ nữa. Nếu Liên Xô phá sản vì chạy đua vũ trang không cân sức với Hoa Kỳ, áp dụng cùng chiến lược làm “khánh kiệt” TQ như thế cần thời gian nhiều hơn, cứ cho là thành công đi, thì TQ vẫn còn nhiều nguồn lực để tiếp tục cuộc chơi.

Các lãnh đạo TQ có thể phấn khởi hơn nhờ  hoàn cảnh địa chính trị thay đổi rộng lớn giữa cuối thập niên 1940 và ngày nay. Vào cuối đệ nhị thế chiến, thiết lập liên minh chống Liên Xô ít thách thức, lý do là Moscow luôn tạo mối đe dọa thường trực đối với các nước láng giềng và ngang nhiên khuếch tán chủ nghĩa cộng sản ra khắp thế giới. Ngày nay, mối đe dọa từ TQ thì mơ hồ hơn.

Thật ra, nhiều quốc gia dân chủ lo âu sự trỗi dậy của một gã khổng lồ toàn trị nhưng các quốc gia đang phát triển có vẻ cũng mừng khi có ai cạnh tranh với nước Mỹ bá quyền. Khi TQ là mối đe dọa an ninh đối với các nước láng giềng - đặc biệt là Nhật Bản, Ấn Độ, và Đài Loan mà họ coi là lãnh thổ của mình - các nước lớn khác thì không coi TQ đe dọa họ. Thật sự, có nước thậm chí coi cuộc thập tự chinh địa chính trị của Mỹ chống TQ không có gì ngoài nỗ lực duy trì vị trí nước lớn của mình, và họ lưng chừng không muốn ngả về phe nào.

Các yếu tố nghiêm túc này khiến Hoa Kỳ khó mà sử dụng đối sách chiến tranh lạnh để kìm hãm TQ. Trớ trêu thay, những điều kiện thuận lợi như thế lại cho Bắc Kinh cái cảm tưởng sức mạnh vượt trội, với hậu quả cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, cái niềm tin Bắc Kinh cho rằng rất ít nước dám tách khỏi nền kinh tế TQ có nguy cơ đưa đến các hành động gây hấn khiến các  bên trung lập ngả vào vòng tay Hoa Kỳ.

Lấy ví dụ, hành động gây hấn mới đây của TQ ở biển Đông) – tập trung nhiều tàu đánh cá quanh đảo Philippines tuyên bố chủ quyền – làm Manila tức giận, và nếu hành vi gây sự này tiếp diễn, có khi sẽ mở màn một chiến lược cho Hoa Kỳ. Sự trở lại của Hải quân Mỹ ở vịnh Subic sẽ thay đổi thế cờ và là một thất bại cho chính TQ.

Tương tự như thế, TQ duy trì đàn áp nhân quyền khiến cho tính trung lập của EU ngày càng khó biện minh. Tháng trước, tổng hành dinh EU trừng phạt một số ít quan chức TQ về vai trò của họ trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Thay vì phản ứng thầm lặng, Bắc Kinh trừng phạt trả đũa, sự việc này đe dọa thỏa thuận đầu tư to lớn của TQ ở EU.

Tự mãn thái quá có thể làm hại những cải cách cần kíp trong nước. Về mặt lý thuyết, Bắc Kinh vừa đề ra một lộ trình kế hoạch 5 năm định hướng lại nền kinh tế, tự túc về kỹ thuật công nghệ. Nhưng thành công còn xa mới được bảo đảm.

Những cải cách quyết liệt, đặc biệt đòi hỏi phải thu hẹp vai trò doanh nghiệp quốc doanh và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân – cần nới lỏng sự kiểm soát của đảng, sẽ thách thức niềm tin cốt lõi của Tập Cận Bình đối với tư bản nhà nước và vai trò thống trị của đảng.

Nếu ông ta nghĩ rằng TQ đủ mạnh, không cần cải cách như thế, mọi chuyện sẽ chẳng tốt lành. TQ có thể rơi vào bế tắc như là một hệ quả giống Liên Xô  ở những năm giữa thập niên 1970.

Không mấy khác, tính cao ngạo sẽ khiến Bắc Kinh phạm phải hàng loạt sai lầm chiến lược không chỉ là đúng mà còn rất nhiều.

Môi trường ra quyết định, quá tập trung quyền lực từ trên cao, thiếu thông tin phản biện trái chiều, là mảnh đất màu mỡ cho những tư duy ru ngủ và ảo vọng mơ hồ.

Bài của giáo sư MINXIN PEI, đại học Claremont McKenna, Mỹ.

Ảnh :

- Hàng không mẫu hạm TQ tự làm đầu tiên đang rời cảng Đại Liên tháng 11 năm 2019: TQ có tiềm lực duy trì cuộc chơi. © Imaginechina/AP

-  Công trình xây dựng tại trung tâm tài chính Lujiazui, Thượng Hải, chụp hôm 15 tháng 4: Nền kinh tế TQ có lẽ vượt Hoa Kỳ tính bằng Mỹ kim trong thập niên tới. © VCG/Getty Images.