Wednesday, February 7, 2024

ANGEL - THIÊN THẦN MIẾN ĐIỆN

“Cô bị bắn chết, xác cô bị quật, mồ cô bị lấp nhưng cuộc đấu tranh của cô chưa chấm dứt”

Không lâu sau khi gia đình, bạn hữu, và hàng ngàn người tưởng niệm nơi yên nghỉ của vị Thiên Thần,lực lượng an ninh Myanmar, lợi dụng bóng đêm, tiến vào nghĩa trang, vất đi vòng hoa tang, tiến hành khai quật ngôi mộ.

Sáng hôm sau, trong một đoạn phim chia sẻ với CNN, cùng với lời kể nhân chứng,trong đống rác bừa bãi bên ngôi mộ bị xâm hại, có dao mổ, ủng cao su, áo choàng giải phẫu, xẻng, và một gang tay vấy máu.

Mộ Angel trám đầy xi măng – một phiến đá xám xịt thay thế các vòng hoa tưởng niệm.

PHẪN NỘ VÀ ĐAU BUỒN LẦN NỮA

Angel (Thiên Thần) tên thật là Ma Kyal Sin, bị bắn vào đầu chết tại Mandalay ngày 3 tháng 3, trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chánh quân sự tước quyền của chính phủ dân cử.

Mặc chiếc áo thun có dòng chữ “Mọi điều sẽ tốt đẹp” (Everything will be OK), cô gái 19 tuổi nhanh chóng trở thành biểu tượng cuộc đấu tranh đẫm máu cho nền dân chủ của đất nước. Hình ảnh của cô gái được mang theo trong các cuộc nổi dậy, và lan tràn trên mạng.

Đấu tranh của cô là biểu tượng một thế hệ đấu tranh cho tự do và dân chủ, chống lại đội quân tàn nhẫn và khốc liệt, đang tấn công một cách có hệ thống, đàn áp những người biểu tình ôn hòa. Theo Liên Hiệp Quốc, it nhất có 80 người chết, hàng trăm người bị thương sau ngày đảo chánh. Hơn 2000 người bị nhốt, với cáo buộc bị tra tấn, bị cưỡng bức bắt đi biệt tăm.

Nỗi đau đớn của một thế hệ tuổi trẻ càng đau đớn thêm bởi lính và cảnh sát vũ trang đang tưới thêm dầu vào lửa phẫn nộ, quyết tâm của người xuống đường, khó mà dập tắt.

Một người bạn của Angel tuyên bố: “Chúng tôi chiến đấu đến cùng, chúng tôi không bao giờ lùi bước, chúng tôi không bao giờ khiếp sợ”.

MỘT NGÀY ĐẪM MÁU

Ngày Thiên Thần bị giết chính là ngày đẫm máu nhất, phản kháng cuộc đảo chánh, khi lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông khắp cả nước, giết chết 38 người. Qua hình ảnh ghi lại của người chứng kiến, phóng viên, và nhà báo công dân (citizen journalists), xác chết nằm la liệt ở các đường phố, trên các vũng máu, khi người biểu tình xông tới để che chở họ.

Một bạn thân kể lại, Thiên Thần tham gia cùng đoàn người phản đối ở Mandalay. Cô nằm trong nhóm người ở tuyến đầu, bảo vệ người biểu tình trước sức tấn công của cảnh sát, bằng những bình chữa cháy, vải ướt, và hô vang đám đông tiến bước.

“Ở tuyến đầu, chúng tôi gặp rất nhiều nguy hiểm nhưng Angel (Thiên Thần) là người nữ duy nhất sát cánh cùng chúng tôi. Cô can đảm nhất, hoạt động tích cực nhất, và mọi người nhất nhất nghe lệnh chỉ huy của cô.

Khoảng gần trưa, người biểu tình đối diện với lực lượng an ninh ở đại lộ 84. Các đoạn phim quay Angel có tiếng la to: “Cá nhân tôi sợ nhưng chúng ta sẽ chiến đấu cho tự do. Nhất quyết không lùi bước”.

."Một giờ sau, các video cho thấy Angel và những người phản kháng lùi lại, nằm sát đất, khi tiếng súng vang lên. Trong đoạn phim quay trước khi cô chết, người ta nghe tiếng cô thét lên: “Anh chị phía trước, hãy ngồi xuống. Các anh chị không được để mình bỏ mạng”.

Trước khi bị bắn chết, các bức ảnh cho thấy, cô quay sau, phần tóc hướng về toán an ninh. Người ta còn thấy cánh tay đưa lên khi cô ngã xuống đất.

Các bạn biểu tình mang cô bằng xe máy đi cấp cứu. Vị bác sĩ cho biết cô chết trên đường đến trạm xá. Nguyên do cái chết là sọ bị vỡ vì đạn súng trường, vị bác sĩ chẩn đoán, và xin không nêu tên vì lý do an toàn.

Bạn Min Htet Oo nói: “Cô sẵn sàng đón nhận cái chết một ngày trước đó”.

Trên Facebook của mình đăng vài hôm trước, cô nguyện sẽ hiến máu, hiến tạng cho bất kỳ ai có nhu cầu.

“Lời nói như trối trăng của cô là, cô lấy làm tiếc, chưa hoàn thành sứ mạng công dân đối với tổ quốc. Min Htet Oo cho biết, anh hỏi nếu cô chết thì sao. Cô đáp sẽ sẵn sàng hi sinh mạng sống để chấm dứt chế độ này”.

LO SỢ MỘT SỰ LẤP LIẾM

Hàng ngàn người tham dự đám tang Angel, hoặc đi theo quan tài đến nghĩa trang bằng xe máy. Nhiều người đưa bàn tay chào với ba ngón đưa cao. Cách chào này lấy cảm hứng từ bộ phim Hunger Games, một biểu tượng cho sự bất khuất của những người phản kháng.

Vài giờ sau khi chôn, cảnh sát Myanmar cho đào mộ cô. Họ tuyên bố cần mổ tử thi khám nghiệm để điều tra nguyên nhân cái chết.

Một nhân chứng yêu cầu giấu tên nói với CNN, từ 4 chiều đến 7 giờ tối, có chừng 20 người đi vào cổng nghĩa trang.

Nhân chứng nói: “Họ đến đây bằng một chiếc xe hơi, một mô tô, súng lăm lăm đến mở cổng. Còn có một xe quân sự ở đằng sau”.

“Họ bảo chúng tôi không được theo họ, không được đứng nhìn, không được nói với bất kỳ ai”.

Các nhân chứng cho biết họ không thấy được nhóm người ấy làm gì trong nghĩa trang khi vào, nhưng sáng hôm sau thì họ thấy ngôi mộ “được xây lại”, mộ phần của Angel.

Các đoạn phim của người đi qua quay được cho thấy, rải rác quanh phần mộ là những chiếc xẻng, một găng tay dính đầy máu, dao mổ; rõ ràng cảnh sát bỏ lại đêm hôm trước.

Tin tức về ngôi mộ bị khai quật gây chấn động mọi người, kể cả vị bác sĩ tiếp nhận thi thể của Angel sau khi chết.

Vị bác sĩ xin giấu tên vì sợ liên lụy cho biết: “Những trường hợp trước đây, nếu muốn đào mộ để xét nghiệm tử thi chúng tôi cần có nhiều lý do, chẳng hạn do có khiếu nại hoặc gia đình cho phép,vân vân. Đào mộ thế này, tôi thấy vô pháp vô luân.

CÁC NHÀ ĐẤU TRANH LO NGẠI QUÂN ĐỘI MUỐN LẤP LIẾM VIỆC TỬ NẠN CỦA ANGEL.

Phó giám đốc cơ quan Theo dõi nhân quyền châu Á, Phil Robertson, phát biểu: “Chưa bao giờ có chuyện khai quật xác người ở Myanmar, và đây là một sự chấn động nhà cầm quyền đã gây ra”.

“Nhưng tiến hành quật mộ mà không báo trước, đang đêm tối, là đã xác nhận biểu trưng việc bất chấp pháp luật, bởi vì quân đội và cảnh sát không muốn bị quay phim khi làm công việc bẩn thỉu này”.

"Cảnh sát Myanmar tuyên bố họ muốn điều tra cái chết của Angel nhưng gia đình cô đã không đồng ý giảo nghiệm tử thi. Trong một thông cáo báo chí, cảnh sát nói, mộ cô khai quật “với sự đồng ý của một quan tòa, các quan chức cảnh sát quận, pháp y và một số nhân chứng”.

Quân đội tìm cách tránh liên đới đến cái chết bằng cách tuyên bố họ sử dụng vũ khí hạn chế tối thiểu để giải tán người phản kháng ngày hôm đó. Kết luận pháp y do cảnh sát công bố hôm ngày 4 là vết thương rộng 1,2 cm và 0,7 cm, trong sọ Angel có một mảnh chì, không phải là đầu đạn của cảnh sát.

Thông báo của cảnh sát cho biết: “Mảnh chì tìm thấy trong sọ là loại đạn bắn ra từ súng săn 0,38 ly, không như loại đạn vũ khí dẹp biểu tình của lực lượng cảnh sát”.

Cảnh sát cũng muốn tránh trách nhiệm, khi nói dù họ “đối mặt với đám đông nhưng vết thương chứng tỏ có ai từ sau bắn tới”.

Cảnh sát nói tiếp: “Những ai không muốn sự ổn định mới rắp tâm thúc đẩy xung đột leo thang”.

Nhưng một video của một người đấu tranh, quay vài giây trước khi Angel trúng đạn bị thương nặng, cho thấy một thành viên quân đội nổ súng, có vẻ là súng trường, vào người biểu tình.

Các nhà quan sát nhân quyền lo ngại đám quân đảo chánh tìm mọi cách làm để Angel không biến thành một anh hùng.

Robertson cho biết: “Quân đội Miến sẵn sàng giết hàng chục người phản kháng nhưng lại sợ tạo ra nhiều kẻ tử vì đạo như từng thấy với Kyal Sin. Vì vậy, theo kiểu bá đạo quân sự, họ quật mộ vào ban đêm nhằm lý giải sự lấp liếm với một kết luận về y tế, chẳng có mấy người tin”.

“Những người có mặt trên đường phố ngày hôm đó là quân đội và cảnh sát và cũng nhiều người thấy cô bị bắn chết. Bằng cách đào mộ, xóa nhòa ký ức về cô, tất cả những việc nhà chức trách làm đã khơi thêm phẫn uất chính đáng về cái chết và như vậy càng rạng danh cho cô”.

Người của gia đình Angel yên lặng trước truyền thông từ khi cô chết. Khi CNN xin tiếp cận, người trong gia đình không muốn lên tiếng về cái chết hay việc mổ giám nghiệm tử thi, họ lo sợ hậu quả.

ĐỘI QUÂN KHÉT TIẾNG, VŨ KHÍ TẬN RĂNG

Xúc phạm mồ mả Angel là một phần của cách gia tăng bạo lực của quân đội chống dân lành Miến Điện.

Hôm thứ năm, một quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc qui trách nhiệm hoàn toàn cho lực lượng an ninh. Ông nói “Phản ứng bạo tàn” của quân đội chống người biểu tình ôn hòa có thể là “chạm đến ngưỡng pháp lý về tội ác chống loài người”.

Đặc phái viên đặc biệt về nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Myanmar, Tom Andrews, tuyên bố trong một thông cáo gởi tới Hội đồng nhân quyền LHQ ở Geneva: “Nhân dân Myanmar không cần lời nói ủng hộ mà cần hành động ủng hộ. Ngay bây giờ, họ cần sự giu đỡ cộng đồng quốc tế”.

Tổ chức Nhân quyền quốc tế đánh giá đây rõ ràng hành động coi thường mạng sống con người quân đội triển khai “lực lượng khét tiếng, trang bị tận răng” trong cuộc “tàn sát toàn nước” ("killing spree").

Tổ chức này còn tuyên bố, quân đội Myanmar đang áp dụng chiến thuật ngày càng chết người, sử dụng vũ khi qui ước chỉ có trong chiến trường, để chống lại những người phản kháng, những người tham gia ôn hòa, và đôi quân đó – dữ liệu chứng minh vi phạm quyền con người ở những nơi có xung đột – lại triển khai ngay trên đường phố.

Xác minh hơn 50 video từ cuộc trấn áp đang xảy ra, phòng thí nghiệm Bằng chứng tạo khủng hoảng của tổ chức Ân xá xác định lực lượng an ninh đang thực hiện một chiến lược hoạch định sẵn, có tính hệ thống, cả việc tăng cường sử dụng lực lượng sát thương, nã đạn bừa bãi ở vùng đô thị, và ghi nhận nhiều trường hợp hành quyết không qua xét xử.

Nhưng, các người trẻ phản kháng vẫn tiếp tục tràn xuống đường mỗi ngày trên khắp đất nước.

Robertson cho biết: “Quân đội Miến không bao giờ ngờ rằng, một khi người dân đang hưởng những quyền tự do căn bản, như nhân dân Myanmar từng có trong thập kỷ qua, họ sẽ chiến đấu hết mình để giữ quyền tự do ấy. Quân đội cũng đánh giá thấp sự bất khuất và khôn ngoan của những người trẻ Miến Điện, trưởng thành với gắn bó thế giới qua internet, họ sẽ không bao giờ để mình bị kéo lùi vào quá khứ, biết bao nhiêu cơn ác mộng cai trị bởi quân đội họ nghe cha mẹ mình kể lại”.

Bạn bè của Angel gọi cô là người anh hùng. Nhưng hàng chục bạn trẻ khác đã chết tương tự cô dưới bàn tay quân đội.

Một bạn của Angel nói, “cô gái trẻ – thích nhảy nhót, quay video đăng trên Tik Tok, huấn luyện thái cực đạo – sẽ được tưởng nhớ như biểu tượng của sự bất khuất”.

Như nhiều người phản kháng khác, xuống đường ban ngày nhưng lẫn trốn ban đêm tránh bố ráp, một người bạn của cô nói: “Angel thích sống tự do, cô yêu thương người khác. Cô sẵn lòng giúp đỡ. Cô hi sinh mạng sống của mình vì nền dân chủ Myanmar”.

Bài của các phóng viên: Sandi Sidhu, Helen Regan, Ivan Watson và Salai TZ, đăng trên CNN ngày 13 tháng 3 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.

Một số hình ảnh về Angel Miến Điện.