Monday, February 5, 2024

TỰ TRỌNG: TỰ CÓ HAY AI CHO?

Nhân vụ một du học sinh VN tại Úc giựt bỏ lá cờ vàng (quốc kỳ của chế độ quốc gia Việt Nam – trước 1954, và Việt Nam cộng hòa trước 1975) tôi mạn phép tản mạn một chút về ảnh hưởng của giáo dục. Là học sinh xuất thân từ miền Bắc XHCN, có lẽ vì chưa thấu hiểu cặn kẽ sự thật lịch sử, em đã “sỉ nhục” một biểu tượng từng thấm máu của biết bao binh sĩ VNCH.

Và cũng nhân đọc một status của tiến sĩ Chu Mộng Long (bài QUAY VỀ GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HOÀ Ư?), tôi cũng xin mạn đàm về LÒNG TỰ TRỌNG. Nhận định của tác giả: “Quan điểm của tôi, rất cần nghiên cứu giáo dục quá khứ nhưng không nên sổ toẹt, cũng không nên coi là mẫu mực”. Và lời comment của tôi: “Đồng ý với tác giả không quay về quá khứ và không phủ nhận quá khứ. Tác giả còn trẻ khi có giáo dục VNCH, chúng tôi già hơn, là học sinh, sinh viên thời đó và nếu tác giả để ý: “sản phẩm “giáo dục là chúng tôi có khác “sản phẩm” giáo dục XHCN. Đặc điểm chúng tôi tự nhận thấy: tự do trong suy nghĩ và biểu đạt, tự trọng, coi quý danh dự cá nhân, tôn kính bề trên”. Một bạn đọc khác phản bác tôi: “Ha ha. Anh bạn nghĩ mình là ai mà dám khẳng định vậy? Anh tự trọng hơn học sinh miền Bắc XHCN được mấy cm mà kiêu ngạo thế?”. (Tôi không hiểu chữ viết tắt “cm” có ý nghĩa gì, nhưng chắc là văng tục).

Trong một bài viết, tôi có đề cập sự thật đau lòng về ngày 30 tháng 4 mỗi năm: đất nước thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng tôi “chia rẽ” dân tộc. Phản ứng dữ dội của cộng đồng người Việt và người Việt trong nước nhân vụ một học sinh giật phá cờ vàng là minh chứng rõ ràng cho suy nghĩ của tôi. Ngay cả giáo dục (VNCH và XHCN) là lãnh vực có thể giúp người Việt tìm hiểu để yêu thương và đoàn kết với nhau cũng rất gian nan.

Giáo dục VNCH có triết lý: Nhân bản – Dân tộc- Khai phóng. Chỉ tồn tại chừng 20 năm, triết lý ấy khó thành sự thật, hơn nữa, miền Nam phải đánh nhau với miền Bắc, nghĩa là đất nước đang chiến tranh.

Có sách xuất bản, có hội thảo về nền giáo dục ấy nhưng đi đến kết luận nào thì tôi chưa biết nhưng tôi có biết, thế hệ trước và sau tôi (1954) là “sản phẩm” của nền giáo dục đó. Ngoài chuyện “nghênh ngang” hội họp, thoải mái biểu tình, xuống đường đả đảo…chính quyền, chúng tôi có các đặc điểm (tất nhiên theo suy nghĩ chủ quan của tôi): tự do tư tưởng, độc lập tư duy, đề cao danh dự, và nhất là luôn luôn tự trọng. Tôi xin nhấn mạnh đặc điểm sau chót.

Ở lớp, chúng tôi không hề được phân hạng giỏi, khá, trung bình trong học bạ. Hằng tháng, hằng học kỳ, hằng năm, học lực học sinh đều sắp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Học sinh và cha mẹ học sinh không bao giờ chạy điểm. Các thầy cô giáo cũng chẳng ai phải “phóng điểm” cho học trò được giỏi, xuất sắc. Lớp học, nhà trường, thầy cô không ai lo sợ thành tích học tập. Thi đỗ hay ở lại lớp không bị quy trách nhiệm cho thầy cô. Thầy cô có ai muốn học sinh mình thi rớt hay ở lại lớp. Tính tự trọng, tôi nghĩ, xuất phát từ chỗ này: chấp nhận sự thật. Vì giả dối – qua thi đua chẳng hạn – sẽ khiến con người đánh mất lòng tự trọng: dốt nhưng muốn thành giỏi, để người ta đạt thành tích với cấp trên, nghĩa là có tấm vé dễ dàng “thăng quan tiến chức”.

Khi còn nhỏ, học sinh sống trong môi trường tự trọng, đề cao danh dự cá nhân; do đó, khi lớn lên, trưởng thành ra xã hội, tính tự trọng, đề cao danh dự theo họ suốt cuộc đời.

Sau những ngày của 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta có biết , bao nhiêu người vì lòng tự trọng, vì danh dự, đã tự kết liễu cuộc đời mình, không muốn “sống” với Giải Phóng? Cấp tướng có tới 5 người, còn cấp tá, cấp úy, cấp hạ sĩ quan, cấp binh sĩ…bao nhiêu? Họ chết ngay ngày “giải phóng”, và sau này trong rừng, trong trại cải tạo, ngay cả tại nhà. Tôi có biết một vị hiệu trưởng tiểu học (có nghề y tá khá nổi tiếng) đã uống thuốc salicylate (dầu nóng) cùng với một người bạn thân, hai người tự vẫn sau mấy ngày được phóng thích từ trại cải tạo. Một viên chức cấp ty tiểu học treo cổ tự tử trong trại cải tạo vì bị đối xử như một tù thường phạm. Và bạn tôi kể, một đồng đội vụt chạy trước mặt cảnh binh trại tù chỉ để được bắn chết vì anh ta luôn luôn chống đối ban quản trại khi họ xỉ vả tù nhân “cầm súng giết hại nhân dân”.

Tôi không ca tụng những người tự vẫn. Tự vẫn là trốn tránh sự thật. Tự vẫn không giải quyết vấn đề. Những người chọn lấy cái chết như thế thì nghĩ rằng họ chết cho tổ quốc, cho quê hương. Nếu những người này không tự trọng, không đề cao danh dự cá nhân, chắc chắn họ không chọn lấy cái chết. Tôi nhắc chuyện quá khứ đáng buồn để nhớ chuyện hiện tại, còn đáng buồn hơn của người còn sống – những người dính dáng ngày lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

Trước và sau ngày trọng đại này, ngoài chuyện tranh công ai chỉ huy xe tăng húc sập cổng dinh Độc Lập, còn chuyện tranh giành ai thảo diễn văn đầu hàng cho tổng thống cuối cùng của VNCH, ông Dương Văn Minh.

Người soạn bài diễn văn đầu hàng cho tổng thống “Ngụy” là trung tá Bùi Văn Tùng nhưng lại bị ông đại úy Phạm Xuân Thệ tranh công, cho là chính ông soạn. Ông Thệ sau này lên tướng và được xem như vị anh hùng. Con đường công danh như thế chứng tỏ ông là vị tướng được đào tạo bài bản.

Vì sao tranh công ồn ào khi sự thật rõ ràng, ai là tác giả soạn diễn văn đầu hàng? Vị tướng kia không có lòng tự trọng ư? Danh dự một bộ đội cụ Hồ để đâu?

Tất nhiên, không thể lấy một cá nhân để đánh đồng tập thể. Lấy một để kết luận mười. Nhưng nhân cách một cá nhân nổi tiếng lịch sử như thế khiến người ta suy nghĩ về lòng tự trọng. Trong những ngày cắp sách đến trường, ông không được giáo dục lòng tự trọng, hay nhà trường có giáo dục, nhưng ông là cá biệt?