Wednesday, February 7, 2024

RƯỢU HỒNG ĐÀO HAY RƯỢU BÁCH NHẬT?

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.

Hồng Đào truyền thống?

Mỳ Quảng nổi tiếng chứ rượu Quảng không thấy tên tuổi ở các nơi. Rượu không nổi tiếng sao rượu đi vào ca dao? Có nhiều lý giải về rượu Hồng Đào, nhưng như nhiều người dân Quảng, tôi chưa biết có địa danh nào sản xuất ra một loại rượu “huyền thoại” ấy, ngay cả ngày nay, có một loại rượu sản xuất “độc quyền “, có tên Hồng Đào, trên chai ghi rõ bằng tiếng Anh, Vietnam specialty wine, với nhãn hiệu độc quyền.

Tôi có thưởng thức loại rượu này một lần và không uống lại, lý do cơ thể không dung nạp thức uống có độ cồn cao gấp 8 lần bia, chứ chẳng phải rượu không ngon. Tôi có biếu bạn thân người Nam. Họ khen ngon vì lịch sự. Có lẽ gu rượu của họ không giống gu rượu của người uống ở nơi xuất phát  Hồng Đào, dù họ từng biết qua các loại rượu Tây.

Rượu ngon nhưng chưa tạo ra tiếng tăm cho tương xứng với tên rượu đi vào ca dao, đi vào “văn học”. Có lẽ có nơi cũng chưa biết nhiều về loại rượu này. Ngay cả ở Đà Nẵng, tôi phải đi nhiều chỗ mới mua ra Hồng Đào. Không biết do hút hàng hay do ít hàng?

Tôi hơi thất vọng, không những Hồng Đào Quảng Nam, mà cả Vang Đà Lạt, Gò Đen Long An, Nàng Hương hay Vodka Hà Nội...không loại rượu nào được coi là “quốc tửu “ như  Whisky,  Sake, Mai Quế Lộ, hay Soju ...

Nói gần nói xa, không qua nói thật. Tôi muốn rượu “Hồng Đào ca dao” của tôi phải khác kia (ác nỗi, cái tên trong ca dao bị lấy mất để làm tên riêng có cầu chứng).

Mỗi mùa Xuân, độ ba tháng trước Tết, ở quê tôi Quảng Nam, người dân ngày xưa thường làm rượu từ nếp, gọi là Rượu bách nhật.

Nếp mùa thật ngon (gần 6 tháng mới thu hoạch), nấu thành xôi, để nguội, trải lớp mỏng lên nia (dụng cụ sảy lúa) rắc men ngọt (khác men rượu chưng cất), sau đó sắp từng lớp trong một cái khạp (bé hơn cái lu), đậy kín bằng nắp.

Muốn rượu ngon hơn, người ta đào đất lên, chôn  hũ rượu xuống, lấp lại thật kỹ. Thời gian này thường không có lũ lụt. 100 ngày sau, bách nhật, hũ đào lên, nhớ cẩn thận, kẻo mất rượu uống Tết nếu người đào vô ý, phang lưỡi cuốc vào nó.

Cơm nếp rục thành bột trắng đục, đọng dưới đáy hũ. Hãy lóng lấy hai phần nước bên trên, rượu bách nhật. Nước rượu có màu hổ phách, rất thơm, dù chưa uống chỉ mới ngửi. Mùi thơm ngào ngạt men rượu. Muốn nặng đô, người ta cho thêm ít rượu nếp cất 40 độ, để có rượu nồng nàn hơn.

Nhưng nếu không pha, quý vị sẽ thưởng thức một loại rượu nhè nhẹ, vương vấn mùi thơm cả khi chưa nhấm, còn đặc biệt hơn cả Sake Nhật Bản. Tôi từng làm và tôi từng thưởng thức.

Nhưng nếu chỉ lấy phần rượu bên trên mà bỏ đi phần cơm rượu nát nhuyễn bên dưới, người quê tôi không nỡ; họ bèn lấy tất, cho vào chai, mỗi lần uống, lắc chai thật mạnh, lúc này, rượu sẽ có màu trắng sữa, sền sệt, uống hơi ngọt và say khá lâu nếu thấy ngon mà uống nhiều. Các cô rất thích uống loại rượu này, vừa nhẹ, vừa thơm, họ dễ ửng hồng đôi má, và lúng luyến xuân tình.

Rượu Bách nhật luôn có mặt, hầu như trong mỗi gia đình người dân xứ Quảng, những ngày Xuân thời thanh bình, chưa có chiến tranh. Hồi ấy, rượu ít ai nấu, trừ loại rượu chưng cất công nghiệp của hãng SICA, người ta hay gọi rượu đế (quốc?).

Người dân quê bỏ công làm rượu Bách nhật để mời nhau trong mấy ngày Xuân. Rượu không hề bán phổ biến như bây giờ. Uống rượu đế thường là giới lao động, một đôi ly "giải xương cốt" sau một ngày làm việc cật lực, hay là các cụ, cuối tuần gặp nhau khề khà đôi chung rượu. Học sinh và sinh viên tôi chưa hề thấy họ uống rượu.

Rượu Bách Nhật mỗi năm làm một lần vào dịp Tết nên rượu khá hiếm, không thấy ai bày bán. Cả trăm ngày chờ đợi mới có rượu uống, đó là lý do ngày nay ít còn ai nghĩ tới cái loại rượu màu hổ phách, mới ngửi đã ngào ngạt hơi men. Các vị tiền bối Quảng Nam bèn đặt cho nó cái tên rượu Hồng Đào (chưa nhấm đã say) để nhớ tới rượu Bồ đào trong câu thơ nổi tiếng “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi”?

(Thơ Vương Hàn:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Trần Trọng San dịch:

Rượu bồ đào, chén dạ quang

Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi

Sa trường say ngủ, ai cười?

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!