Saturday, February 3, 2024

KHÔNG CÃI KHÔNG PHẢI QUẢNG NAM

Có một vị thức giả (*) cho rằng câu:  "Học trò trong Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế, chân đi không rời" không phải là ca dao mà hai câu thơ của thi sĩ Xuân Tâm người Quảng Nam. Trước khi “cãi” (Quảng Nam hay cãi), tôi xin ghi một số dị bản hai câu (thơ hay ca dao?) trên.

- Học trò xứ Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không rời

     -"Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế, chân đi không rời".

-Học trò trong Quảng ra thi,

Mấy o gái Huế, bỏ đi không đành"

- Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Qua các dị bản, tôi suy đoán: Tác giả của chúng là người Huế (Thấy cô gái Huế chân đi không rời. Thấy cô gái Huế chân đi không đành) chứ không phải là người Quảng (Mấy o gái Huế, bỏ đi không đành).

Vì sao? Việt Nam có nhiều nơi từng là kinh đô. Khi nói đến cái nền nã, xinh đẹp, duyên dáng người ta ít nghĩ đến gái Sài Gòn, gái Hà Nội, mà nghĩ ngay gái Huế. Cái anh chàng xứ Quảng (nghèo) nào thấy gái thần kinh mà không ngẩn ngơ. khi ra “chốn đô thành”, dù chàng là dòng dõi Ngũ Phụng Tề Phi (đỗ đạt nhiều). Tôi nhớ một bài hát nói, diễu cợt sĩ tử Quảng Nam “mê” gái sông Hương, của một nhà thơ Huế (không nhớ tên bài thơ nhưng tác giả hình như là Ưng Bình Thúc Giạ Thị, sinh 1877 -  mất 1961). Tôi chép theo trí nhớ không hẳn đúng nguyên bản vì tìm trên Google không thấy:

Học trò xứ Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không rời

Sự đời nghĩ cũng nực cười

Một con cá lội mười người buông câu

Khách hà nhân giả?

Đường ngựa xe xa mã rắp đua chen

Mấy mươi năm nghiên bút sách đèn

Thi cử đến cũng một phen ra sức

Nào tiền của chõng lều lương thực

Vượt núi sông nô nức đến kinh kỳ

Tưởng rồi đây áo gấm với vinh quy

Thông kinh sử mong gì không đỗ đạt

Thú thành thị khách còn ngơ ngác

Khác chi loài mường mán lạc về kinh

Rõ oái oăm con tạo khéo đa tình

Xui cô gái Huế chàng thư sinh gặp gỡ

Khách bỗng thấy tâm hồn rạng rỡ

Chân muốn đi ngờ ngợ bước không đành

Ai nỡ nào hờ hững gái đô thành

Thân tha thướt xinh hơn cành liễu yếu

Mắt mơ mộng dòng sông Hương trong trẻo

Làn môi son như chợt ghẹo kẻ râu mày

Khách thấy mình không thuốc mà say

Cơn sóng sắc mới hay là thế thế

Châu ải gập ghềnh mong bẻ quế

Thành xuân vướng vít muốn vin hoa

Thôi võng đào, thôi lọng tía, thôi áo gấm, thôi thẻ ngà

Ba thứ ấy há ăn qua nhan sắc ấy

Lều với chõng xếp ngay vào xó vậy

Đường công danh khách đổi lấy đường tình

Phải chăng duyên nợ ba sinh?

Nếu là thơ thì tác giả của nó là một người Huế (có trong bài thơ trên), chắc chắn không phải người Quảng. Vả lại, không sĩ tử nào muốn “tự trào”, nhất là sĩ tử Quảng rất chi là sĩ diện.

Còn tập thơ của ông Xuân Tâm xuất bản năm 1941, thời điểm không còn sĩ tử ra Huế dự thi nứa. Xuân Tâm không thể “tức cảnh sinh tình”. Và thi sĩ không thể tự chế giễu mình “chân đi không rời” (hay bỏ đi không đành) trước cô gái Huế. Vị thức giả còn bảo đảm câu thơ (của Xuân Tâm) mà Hoài Thanh- Hoài Chân có trích trong Thi Nhân Việt Nam. Nếu đọc kỹ đoạn nhận xét về nhà thơ này, đọc giả sẽ thấy hai nhà phê bình ấy không hề nói thơ của Xuân Tâm. “Lỗi” của họ là quên trích dẫn câu ca dao khi nói về một thi sĩ xứ Quảng.

Xin quý vị đọc đoạn viết về Xuân Tâm.

"Chính tên là Phan Hạp.

Sinh ngày 1-1-1916

Quê: ở làng Bảo An, phủ Diện Bàn (Quảng Nam).

Học: trường Chaigneau, trường Quốc học (Huế) có bằng thành chung.

Hiện làm việc ở sở Kho bạc Tourane.

Đã đăng thơ: Tân Văn, Sông Hương

Đã xuất bản: Lời tim non (1941)

Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Tôi thấy rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm

Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn mang mác trong thơ Xuân Tâm. Tìm kiếm Xuân Tâm hoài , tôi chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng cái ẩn ước của Thanh Tịnh. Huế ở đây trong sạch đứng đắn và nhất là có chừng mực". (Hết trích).

Vị thức giả ấy nhầm lẫn lời “dẫn nhập” với thơ trích dẫn và bảo đó là thơ (có tên tác giả hẳn hoi) không phải ca dao. Xin lỗi và xin “cãi” với bác một chút, hỷ. Chúc bác luôn an vui.

Ghi chú:

(*) Ông Cuong Trương Duy, nhà văn, San Jose, Mỹ. Ông viết comment trên một status của tôi như sau: "Hai cau tho :"HOC TRO TRONG QUANG (Học trò trong Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không rời - NLC chú thêm)...." khong la CA DAO ma la 2 cau THO "De Doi" cua thi si goc QUANG NAM but hieu XUAN-TAM ten la PHAN-HAP " (Xin tim doc cuon sach phe binh tho tien chien cua cac tac gia HOAI-THANH va HOAI-CHAN  xuat ban tai HUE nam 1941).