Trẻ em ngày nay có lẽ tự tin hơn trẻ em ngày xưa như chúng tôi. Hóng hớt chuyện bên các cụ thường bị rầy “con nít, đi chỗ khác chơi”. Trẻ con lúc nào cũng được người lớn “răn dạy” mỗi ngày. Kết quả sẽ có những người con “ngoan ngoãn” biết vâng lời, tuy không phải lúc nào người lớn cũng có “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”.
Khi tiếp tục bậc đại học, tôi thấy các sinh viên miền Nam rất tự tin, nhất là người Sài Gòn. Sau tháng 4 năm 1975, chúng tôi được dự các buổi học chính trị, để gột bỏ “tư tưởng Mỹ-Ngụy” trong đầu óc lớp sinh viên “trong vùng mất tự do”. Nhìn các vị “giáo sư” tiếp quản, trong sắc phục bộ đội , đôi dép “râu” cùng chiếc nón cối lạ lẫm, chúng tôi cảm thấy bất an và e dè. Nhiều vị nói chuyện trí thức, cũng có vi nói như máy hát, mỗi lần thả kim vào đĩa, máy phát ra âm thanh rè rè, nhưng mọi người đều phải lắng nghe, đương nhiên, tuyệt đối yên lặng.
Sau buổi học tập là phần thảo luận. Hầu hết chẳng sinh viên nào có ý kiến gì khác. Họ e ngại lời phát biểu của mình có thể vô tình “phạm chính trị”. Có một nữ sinh viên trẻ, xuất thân từ trường Pháp, phát biểu hùng hồn nhất. Cô phản bác câu: “Chủ nghĩa Mác-Lê nin bách chiến bách thắng”. Phản biện của cô căng thẳng đến nỗi, anh chi hội trưởng thanh niên ở khoa ngắt ngang lời cô, chỉ vào mặt và quát “đồ phản động”. Vị giáo sư chủ trì buổi học rất hiền hòa. Ông nhẹ nhàng can gián, có lẽ là “chữa cháy”: “Chính còn nhiều sinh viên như chị, chúng ta cần nhiều buổi học tập, quán triệt quan điểm đúng đắn của Cách mạng”.
Đa số chúng tôi cho kẹo cũng không dám ho he nói cái gì “nguy hiểm” về chính trị. Cô sinh viên tự tin ấy sau đó bỏ học ra chợ Bến Thành bán đồ cũ như bút bi, radio, đồng hồ cho bộ đội. Nếu còn đi học, sự thẳng thắn nhờ tự tin của cô không biết có di họa gì không. Những sinh viên từng tham gia xuống đường biểu tình chống luật “tổng động viên” năm 1972 của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trở nên hiền hòa, dễ bảo, sau những ngày Sài Gòn “giải phóng”.
Tự tin có được, theo tôi, xuất phát từ văn hóa và giáo dục. Trẻ được người lớn tôn trọng chắc chắn sẽ tự tin hơn những trẻ bị người lớn áp chế. Tôi chứng kiến trẻ bị tát vào mặt, đuổi đi chỗ khác, vì chen ngang một nhận xét vào chuyện tranh cãi của bố với khách, bằng câu “bố nói sai rồi”.
Viết đến đây tôi nghĩ đến các cuộc thảo luận trong đại hội đảng cầm quyền VN. Vì những chuyện hội họp và bầu bán cấp lãnh đạo đất nước thuộc danh mục “bí mật quốc gia”, dân thường chúng tôi không được phép nói tới, chỉ hóng hớt các tin đồn gần 2 tháng nay, ai là tứ trụ, ai đi ai ở. Trong gần 1600 vị ưu tú tụ tập về thủ đô, tôi tự hỏi có bao nhiêu vị có sự tự tin mạnh mẽ. Có nghĩa là họ “dám nghĩ, dám nói” như cô bạn sinh viên của tôi hồi sau 1975 ở đại học sư phạm?
Không biết có vị nào đặt ra các câu hỏi như:
- Vị tổng bí thư tuổi “xưa nay hiếm” (77), sức khỏe có thể không còn ổn, làm lãnh đạo đủ hai nhiệm kỳ, tại sao không để cho ông nghỉ ngơi? Tất cả nhất trí yêu cầu ông tại vị thêm một nhiệm kỳ thứ 3, bỏ qua điều lệ đảng quy định, mỗi cá nhân không làm quá hai nhiệm kỳ vị trí tổng bí thư. Nếu vì việc nước, làm việc nhiều, ông bất ngờ ngã bệnh, chẳng ai nghĩ tới sức khỏe của lãnh đạo mình ư?
- Các đại hội sau này, có xảy thêm “trường hợp đặc biệt” nào không? Luật lệ phải áp dụng cho tất cả, từ dân thường tới nguyên thủ. Nếu có trường hợp ngoại lệ thì đặt ra luật lệ làm gì? Chúng ta từng biết, một thủ tướng nước Úc phải đóng tiền phạt mấy trăm Úc kim vì vi phạm lái xe không cài dây an toàn khi ông vội vã chạy trốn các ống kính của các phóng viên muốn chụp hình ông.
- Có người bảo tình hình đất nước cần sự có mặt của vi tổng bí thư 77 tuổi, nhất là sự nghiệp diệt trừ tham nhũng còn dang dở. Vậy, tại sao ông lại không tìm ra người kế thừa mình? Hàng ngũ ưu tú đất nước không ai tài đức bằng ông? Trường hợp chủ tịch nước Hồ Chí Minh thì sao? Khi còn khỏe, còn minh mẫn, được nhân dân miền Bắc tin yêu, chủ tịch tự nguyện trao quyền lãnh đạo cho vị trẻ hơn, ông Lê Duẩn, người đưa miền Bắc đi đến thắng lợi, thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh tháng 4 năm 1975.
- Khi một người ở tuổi khá cao, sức khỏe có vấn đề, phải tiếp tục làm việc, cái cơ chế nào không tìm ra vị kế thừa? Tại sao người ta không tìm ra một cái cơ chế “đất nước không thể thiếu kế thừa” trong lãnh đạo? Cơ chế do con người đặt ra, tại sao con người không chỉnh sửa? Khi cống hiến nhiều như thế, ông Nguyễn Phú Trọng có quyền được nghỉ ngơi, đó là đạo lý Việt Nam: tre già thì măng mọc.
- Trong hai người, ông Vũ Đức Đam và ông Trần Tuấn Anh, có ai trong đại hội tự tin, cất lên tiếng nói: vị phó thủ tướng anh hùng dập dịch kia phải có vị trí chính trị như ông bộ trưởng nổi tiếng vụ “dùng xe công đón vợ tại sân bay” chứ?
Người dân như tôi không biết chuyện gì xảy ra trong việc bầu bán ở cấp thượng đỉnh nên có mấy suy nghĩ như thế. Tất nhiên, suy nghĩ này có dạng như suy đoán. Dân ngu khu đen như tôi đâu được phép nhắc tới những chuyện lớn lao của đất nước.
Tôi chỉ thắc mắc, không rõ công dân trẻ VN bây giờ có còn nhiều người tự tin, dám nghĩ, dám nói, chứ chưa nói tới dám biểu tình chống tổng thống, như thế hệ sinh viên miền Nam trước 1975? Tất nhiên, tôi không thể biết có ai như thế trong hàng ngũ quan chức VN.
Riêng mình, tôi tự an ủi bằng hai câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Bắt phong trần, phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. (Chứ không phải có đứa “xấu miệng” sửa lại: “Bắt ở trần, phải ở trần. Cho may-ô mới được phần may-ô (áo lót).
Ảnh: thời sinh viên của tôi.