Tôi ở miền Nam qua hai chế độ. Hội An là thành phố tôi ở thời đi học, chừng 10 năm. Tôi chưa từng nghe ngày Vía Thần Tài. Bạn tôi, nhiều thế hệ cha mẹ ông bà, sống ở đây, gốc Hoa cũng nhiều, chưa hề nghe ngày vía ấy. Dân Hội An (cổ) coi cúng kiến là hoạt động thường xuyên của họ.
Các bạn là con cháu hãng rượu chuối Lý Sanh Hưng đường Nguyễn Thái Học, tiệm ảnh Huỳnh Sỏ đường Lê Lợi, hay nhà cho thuê sách 129 đường Cường Để (tức Trần Phú ngày nay). Họ nói với tôi không hề nghe nói 10 tháng giêng là ngày vía thần tài. Mua vàng thì quanh năm. Không cứ mua ngày này thì phát tài cả năm.
Theo tìm hiểu của tôi, người miền Nam (trước 1975) coi ngày 10 tháng giêng là ngày tưởng nhớ những vị đầu tiên đi mở cõi. Và ông Địa (thổ địa) là vị thần được cúng nhiều nhất. Thần Tài thường “ngồi ghé” chỗ thờ của ông Thổ Địa. Hội An cũng không khác. Chỉ có khác: Thần Tài Hội An lại được cho “bú vú”, theo bài viết đăng trên Gia Đình & Cuộc Sống (tờ Soha đăng lại ngày 6 tháng 12 năm 2012 với tựa đề “Phong tục cho thần tài 'hưởng' nhũ hoa nữ nhân viên ở Hội An”).
Tục “hưởng nhũ hoa”, (tôi gọi ngay là) “hun vú” của thần tài được mô tả như sau: “Đầu tiên, cô nhân viên một tay cầm tượng ngài, quay mặt vào ngực mình, tay kia từ từ cởi cúc áo ra. Khi đã cởi xong áo thì áp mặt ngài vào ngực mình, di chuyển đều từ trái qua phải rồi ngược lại. Ba lần như thế là xong”.
‘Nhân chứng văn hóa’ còn nhận xét: “…cũng không biết cái phong tục kỳ lạ này có từ bao giờ, thế nhưng đa phần ở Hội An, hễ ai mở hàng, thuê nhân viên nữ bán hàng đều dặn người làm của mình tuân thủ cái lệ hàng sáng ấy”.
Nói ngay, có mấy điểm (hủ) tục này không thể có và giả như có thì nó chỉ mới "nhập khẩu" gần đây thôi:
- Nếu chủ tiệm là nam giới, liệu bắt phụ nữ cởi áo ra để đưa vú cho thần tài, ông ta có xúc phạm nhân phẩm không?
- Tượng thần tài ngày xưa làm bằng đất. Nắm cổ ổng đưa vào vú có khi nào ổng bối rối, “phi” xuống đất vỡ đầu. Đối với người Việt, bể hay vỡ - nhất là tượng thờ - là một điều vô cùng cấm kỵ.
- Tượng đất tô màu, ngày nào cũng cạ vào vú thì gương mặt thần tài có còn hồng hào không?
- Ở Quảng Nam, xuất hành mà gặp “đàn bà”, người ta cho là xui xẻo. Sao thần tài linh thiêng kia mê đàn bà đến thế?
- Tượng thờ luôn luôn cố định. Chỉ có lau chỗ mấy ổng ngồi. Quét thì không dám rồi. Ngày nào cũng ẵm ông thần tài lên cho ngửi mồ hôi gần nách phụ nữ, có ai dám giỡn mặt hay vô lễ với thần như thế?
- “Đa phần” chủ cửa hàng cho thần tài hun vú? Tại sao bạn chúng tôi, con cháu người Minh Hương ở Hội An nhiều thế hệ, chưa ai biết cái (hủ) tục này? Hiện nay, có nhiều người quen, chủ hiệu buôn bán, các cô, các chị sao không hề kể cho tôi biết tục thần tài hun vú?
Có hay không có tục này không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ trung thực. Không thể lấy một hình ảnh hay một câu chuyện kể “thần tài hưởng nhũ hoa” để kết luận người Hội An đang duy trì cái hủ tục đáng xấu hổ và buồn cười ấy.
Nhân viên cởi áo để cho thần tài hun vú theo lệnh chủ nhà có phải là phụ nữ vốn nổi tiếng đoan chính của đất lễ Hội An? Cách đây hơn 10 năm, bạn tôi ở Úc về vào quán gội đầu nhưng bị từ chối vì không có dịch vụ gội đầu nam. Nay phụ nữ Hội An "chịu chơi" hơn sao? Phồn thực có thể xuất hiện ở đâu chứ tôi tin điều đó không xảy ra ở Quảng Nam, đặc biệt là ở Hội An.
Người Quảng chúng tôi có thành ngữ “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đàng”. Tôi nghĩ, tục lệ nhân viên nữ vạch ngực cho thần tài hun vú là “tiếng dữ”. Đó chẳng phải là nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc (xin lỗi - cái con mẹ gì sất).