Tuesday, February 13, 2024

CHI BẰNG HỌC

Cách đây gần cả trăm năm, cụ Phan Chu Trinh khuyên dân mình như thế. Thời đại “thông minh” ngày nay mọi cái đã có computer, học lại càng quan trọng. Học để điều khiển máy, không học máy sẽ “điều khiển” mình.

Máy đang “điều khiển” quá nhiều người trên mạng rồi đó, điển hình trong vụ Đồng Tâm. Người ta đọc được suy nghĩ của nhau trước vụ việc đau lòng này. Nổi bật nhất là những lời cay đắng chống báng nhau, kịch liệt, “máu lửa”, sắt đá chưa từng thấy. Thế giới ảo nhưng cho chúng ta biết người quan tâm VN đang chia “hai phe”: vinh danh và phỉ báng một cụ già 84 tuổi, “đầu dây múi nhợ” khởi sự từ 2017.

Người dân, ngay cả lực lượng truyền thông khổng lồ, trở thành những tòa án, đang ra những “phán quyết như đinh đóng cột” khắp nơi; phán quyết nóng đến độ chỉ mấy ngày nữa là Tết, không khí mùa xuân đang về không dễ gì dịu bớt.

Mọi “phán quyết” đều thể hiện “tự do ngôn luận” dù trong không gian ảo. “Thế trận” tôi đoán đang nghiêng hẳn về người dân “không được phép làm báo tư nhân”. Vì sao? Vì đạo lý Việt Nam cả ngàn năm nay, người yếu được bênh vực chứ không phải người mạnh. Ai mạnh ở đây tôi không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu (nhưng không dám nói bởi họ…đang mạnh).

Bây giờ, cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề, dựa vào “triết lý” KHÔNG CHI BẰNG HỌC, chứ không phải KHÔNG CHI BẰNG SỨC MẠNH.

Đồng Tâm là vụ việc tầm vóc nhỏ nhưng gây tác động lớn: nó đang gây sự chia rẽ sâu sắc trong lòng dân Việt, khích động lòng thù hận chất chứa ngày càng lớn hơn, đẩy người Việt chia hai “chiến tuyến”: kẻ phù thịnh (bên thắng cuộc), người bênh suy (bên thua cuộc).

Nếu người ta chịu khó đọc lịch sử, họ sẽ thấy mọi việc xảy ra đều theo một quy luật: thịnh rồi suy, suy rồi thịnh, không bao giờ “thịnh” mãi mãi và không bao giờ “suy” mãi mãi. Nay đúng biết đâu mai sẽ sai (mấy chục năm nay có rồi): người ta sẽ cân nhắc, suy nghĩ, khi đưa ra những “phán quyết”, ở đây là về thảm kịch Đồng Tâm, dù hiện nay kẻ phù “thịnh” đang hể hả, người bênh “suy” đang tức tối.

Vua Quang Trung lúc thắng thế, vinh quang nhờ chiến thắng quân Thanh, đã cho đào mộ các vị chúa Nguyễn ở Huế, đổ xuống sông, nhằm tuyệt diệt Nguyễn Ánh, một cái gai mà hoàng đế năm lần bảy lượt, lao tâm khổ tứ, không tiêu diệt được. Nếu thời ấy có dư luận viên, hay người phù thịnh, và có internet, chắc chắn các comments “chửi bới thế lực thù địch”, Big Data (dữ liệu khổng lồ) hẳn sẽ không còn chỗ chứa.

Nhưng chừng hơn một thập kỷ sau, khi vua con thất trận, đến lượt mồ vua cha Quang Trung bị đào lên, đầu đem giam vào ngục tối cho lính đái vào, thân bị ném xuống sông. Lúc này trên internet hay facebook, số người theo Gia Long (trong đó chắc chắn có người trước từng theo anh hùng Nguyễn Huệ) có những bài phân tích sắc sảo, họ sẽ gọi Quang Trung là ngụy, giặc, là phản động.

Nhưng người khai sinh ra triều đại nhà Nguyễn kéo dài hàng mấy trăm năm, thống nhất sơn hà, có con trai Minh Mạng, người mở cõi VN rộng nhất trong lịch sử, sau đó bị các facebookers “cách mạng” gọi là thằng “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi về giày mả tổ”. Tên tuổi vị vua “tội nghiệp” này không hề được coi trọng, thậm chí còn thua “đàn bà”, Gia Long gỡ xuống thay bằng tên Nguyễn Thị Minh Khai (tôi nhắc tới một ngôi trường ở Sài Gòn).

Thế sự đổi thay từ “sai” thành “đúng”, từ đúng thành sai, từ bạn sang thù, từ thù sang bạn, từ chính nghĩa thành ra ngụy, từ ngụy thành chính nghĩa…trên đất nước vặn mình “cong queo” (hình chữ S này) không phải sẽ chấm dứt ở thời đại "chưa từng có trước đây". Lịch sử luôn luôn là lịch sử tiến hóa.

Nếu có chút CHI BẰNG HỌC của cụ Phan Châu Trinh, sự vụ Đồng Tâm sẽ được nhìn bằng con mắt “biện chứng” hơn, bình tĩnh hơn, và bao dung hơn: hãy coi sự cố đau thương “4 người chết” (và sự mất mát thân nhân của bốn gia đình người bị nạn, cùng những người đang bị tù tội, có kẻ chắc bị tử hình) là một kinh nghiệm xương máu, để giải quyết vấn đề cốt lõi gây ra sự cố đau lòng trong những ngày giáp tết: sở hữu đất đai, một vấn nạn đè nặng người dân cả nước, trong tương lai phải được định nghĩa lại, không còn "sở hữu toàn dân", tiếng kêu than về mất nhà mất đất ngày càng ai oán sẽ không còn nữa.

Đến đây, “chi bằng học” lời Nguyễn Trãi: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “lấy chí nhân thay cường bạo”,

Phan Châu Trinh là ngôi sao lẻ loi, cô đơn, trên bầu trời chính trị VN hiện đại, lu mờ trước nhiều ngôi sao khác, lời mộc mạc CHI BẰNG HỌC của ông không những chẳng ai nghe mà còn chìm lẫn vào bóng tối để nhường bầu trời sáng rực rỡ cho các vinh quang khác đang chói lói ở Việt Nam…