Là chú “tí hon” bên một “đế quốc” Mỹ khổng lồ từng một lần âm mưu “đổ bộ”, và nhiều lần ám sát lãnh tụ Fidel, Cuba vẫn hiên ngang cùng thời đại. Vì sao? Dân chúng một lòng một dạ tin theo cách mạng, kiên trì, gian khổ thách thức cấm vận, không màng chèn ép.
Chủ nhật vừa qua, lòng tin ấy lung lay. Nhiều thành phố lớn nhỏ khắp nước, người dân đổ ra đường biểu tình phản đối chính phủ. Theo chủ tịch nước Cuba, các cuộc xuống đường này là do lũ “tay sai” (mercenary) bị Mỹ xúi giục gây bất ổn đất nước mình. Ông hô hào những người dân “cách mạng” xuống đường tấn công bọn “tay sai” này. Tất nhiên, nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát chìm bắt giữ. Có người biểu tình cướp bóc các cửa hàng quốc doanh bán hàng giá “nước ngoài” bằng ngoại tệ.
Các nhà quan sát quốc tế thì cho rằng, sở dĩ dân chúng xuống đường hét to “tự do” (Freedom), “đả đảo độc tài” (down with the dictatorship) chống nhà nước, số người đông chưa từng thấy mấy chục năm nay ở một đất nước “thiên đường” (giáo dục và y tế miễn phí) là do 3 nguyên nhân:
1- Khủng hoảng dịch bịnh: Dân chúng không còn chịu đựng nổi khủng hoảng y tế và kinh tế. Các biện pháp chống dịch của chính phủ ngày càng làm cuộc sống cam khổ hơn. Năm 2020, Cuba kiểm soát tốt Covid nhưng năm nay, dịch bùng phát khủng khiếp vài tuần gần đây. Hôm biểu tình, con số nhà nước công bố cuối ngày là 6750 ca với 31 người chết. Người ta nói con số này còn thấp hơn con số thực tế. Các bịnh viện gần như bất lực.
2- Khó khăn kinh tế: Một ngành mũi nhọn của kinh tế là du lịch hoàn toàn tê liệt vì dịch bịnh. Tình trạng tồi tệ này lại “bồi” thêm lạm phát phi mã, cúp điện, thiếu hụt thực phẩm, thuốc men, và các nhu yếu phẩm khác. Đầu năm, chính phủ đề ra gói cải tổ kinh tế, lương được nâng cao nhưng lại kích thích hàng hóa tăng vùn vụt. Các nhà kinh tế đại học Pontificia Javeriana, bang California dự báo, giá cả có thể tăng 500 đến 900% trong vài tháng tới. Năm ngoái, chính quyền mở những cửa hàng bán thức ăn và nhu yếu phẩm, rất khan hiếm tại đây, và bán bằng ngoại tệ. Dân chúng rất bất mãn các cửa hàng này. Những người giàu có mới sở hữu ngoại tệ. Nhiều người nghèo sử dụng đồng Peso.
3- Tiếp cận Internet: Mấy chục năm trước, Cuba không có internet. Thời Raul Castro (em trai của Fidel) mạng truyền thông có mặt, người dân sử dụng mạng xã hội bày tỏ những bất mãn với chính phủ qua Facebook, Twitter, và Instagram. Người dân có nhiều thông tin không phải từ nguồn chính thống (ở ta gọi là lề phải). Các mạng xã hội này tạo ra diễn đàn cho giới nghệ sĩ, nhà báo, các trí thức đòi các quyền tự do và kêu gọi phản đối. Các cuộc biểu tình hôm chủ nhật được tổ chức một phần qua mạng xã hội, nơi tin tức lan truyền trong chớp mắt. Chính quyền Cuba tuyên bố, mạng xã hội bị “kẻ thù của cách mạng” sử dụng để tạo “chiến lược bất ổn “ có bàn tay CIA.
Các cuộc xuống đường có thể lường trước vì các nguyên nhân dễ thấy. Cái sẽ xảy ra tương lai mới khó mà đoán định. Khi Cuba chứng kiến một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thì thế giới đang quan sát hành động của chính quyền và dân chúng Cuba như thế nào.
Số liệu, hình ảnh dựa theo BBC.
Vài hình ảnh về cuộc biểu tình.