Nhiều giá trị thời phong kiến bị đánh đổ khi Việt Nam tiến tới văn minh. Có một giá trị đang bị đánh đổ: vị trí và vai trò thầy giáo? Vị trí của họ không quan trọng nữa theo thứ tự Quân – Sư – Phụ (Vua – Thầy – Cha). Nhưng vai trò của họ thì “nặng nề” hơn, theo nhận xét của một người thầy (*):
“Khi bạn phải làm một lúc vài chục cuốn sổ vô bổ để lãnh đạo có thể chộp lấy mà kiểm tra bất cứ lúc nào; khi bạn phải dạy một tuần vài chục tiết chính khóa và có thể cả nhiều tiết dạy thêm - phụ đạo cùng bao nhiêu cuộc họp hành; và trong khi bạn dạy thì sẽ có một đội “cảnh sát trường học” luôn lượn lờ với cuốn sổ trên tay; khi bạn có thể bị hiệu trưởng bêu tên trước học trò toàn trường trong buổi chào cờ đầu tuần; khi bạn luôn bị hăm dọa “hạ thi đua” và nhất là luôn phải là siêu nhân: bạn phải dạy làm sao để đạt chỉ tiêu mà trên giao xuống…, bạn sẽ làm gì?”. (hết trích)
Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở Hà Nội nói lên tình hình: không dễ gì là người thầy theo yêu cầu của cấp trên. Cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, sáu năm là chiến sĩ thi đua, nhưng “Không ổn định được lớp học, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cô Tuất” (Báo của ngành giáo dục). Nghe đâu, cô bị hiệu trưởng bố trí đi làm công việc như tạp vụ. Người nào mù mờ lắm mới xếp cô là giáo viên dạy giỏi, và cũng ngù ngờ lắm mới công nhận cô là chiến sĩ thi đua? Lý do vì sao cô Tuất trở thành đề tài nóng sẽ sáng tỏ về sau.
Nạn nhân của một cuộc “đấu tố” giáo duc.
Tôi xin quay lại người thầy ngày nay, dựa theo thông tin (đoạn trích)cũng của một người thầy vốn nặng tình với giáo dục nước nhà, ông Thái Hạo. Sơ lược, thầy giáo phải:
- Có “vài chục cuốn sổ” để “lãnh đạo có thể chộp lấy mà kiểm tra bất cứ lúc nào”.
- Dạy vài chục tiết chính khóa và có thể nhiều tiết dạy thêm, phụ đạo mỗi tuần.
- Dự không biết bao nhiêu là cuộc họp.
- Lo lắng sẽ “có một đội ‘cảnh sát trường học’ luôn lượn lờ với cuốn sổ trên tay”.
- Sợ hãi “có thể bị hiệu trưởng bêu tên trước học trò toàn trường”.
- Bị hăm dọa “hạ thi đua”.
- Là “siêu nhân”, “để làm sao đạt chỉ tiêu mà trên giao xuống”.
Thầy giáo Thái Hạo nói lên cái thực trạng của một người thầy ngày nay. Tôi tin là thật bởi vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Thầy như thế ông hiệu trưởng thì sao? Trong bài NGÀI HIỆU TRƯỞNG, Thái Hạo viết câu chuyện tôi xin trích "một buổi họp", để thấy vai trò và vị trí của Ngài hiệu trưởng:
"- Chúng ta họp, các đồng chí!
Khi ngài hiệu trưởng cất tiếng cũng là khi chiếc đồng hồ treo tường vừa điểm đúng 13h30.
Ngài lấy tay cài lại cặp kính rồi nhìn qua một lượt. Khi thấy Gv đã ngồi răm rắp vào những vị trí đã được phân từ trước, ngài mới nói tiếp:
- Bây giờ tôi điểm danh các đồng chí!
- Tổ Toán!
- Dạ thưa thầy, đủ ạ!
- Tổ Lí!
- Dạ thưa thầy, Vắng thầy A - đưa HS đội tuyển đi học ở Hà Nội ạ!
- Ừ, phải vậy chứ! Quyết liệt như vậy mới có giải chứ!
- Tổ Hóa!
- Dạ, cô B đang tới thầy ạ!
- Ừ! Phụ nữ vất vả vậy đấy! Chồng xa, một nách hai con, tất bật!
- Tổ Sinh!
- Dạ, đủ ạ!
- Tổ công dân- quốc phòng!
- Dạ, cô C đang đưa con ra gửi, xin lên trễ 5 phút ạ!
- Trễ gì mà trễ! Không làm được viết đơn đi, tôi kí! Họp hành cứ trễ, ai chả có con cái.
- Tổ Anh!
- Dạ, đủ ạ!
(Hết trích)
Giáo dục lý tưởng là giáo dục con người lý tưởng. Con người lý tưởng là biết suy nghĩ độc lập và hoàn toàn tự do trong tư tưởng. Con người lý tưởng phải đầy lòng nhân ái, và nhất là tôn trọng người khác như tôn trọng chính mình. Người thầy sẽ sinh người trò vì ai muốn làm thầy đều phải làm trò.
Qua những chi tiết tôi nêu, Ngài hiệu trưởng và Người thầy giáo trở nên “hai giai cấp” hay sao? Tôi mang câu chuyện này đến trao đổi với hai huynh trưởng cùng là sư phạm nhưng họ trưởng thành trong nền giáo dục VNCH. Có rất nhiều tư liệu nói về các “giáo sư” trung học (giờ gọi là giáo viên) nhưng “người thật, việc thật” vẫn là quan tâm của “đàn em” như tôi.
Hai huynh trưởng này từng là hiệu trưởng cấp ba trước 1975, và sau đó, hai người vẫn còn làm hiệu trưởng một thời gian, từng mở và điều hành trung tâm ngoại ngữ tại Sài Gòn từ 1996, năm đầu tiên có phong trào “phục sinh” môn tiếng Anh, trước đó bị lép vế với tiếng Nga, tiếng Trung.
- Hỏi: Nhiệm vụ của một hiệu trưởng trung học (cấp 3) là gì?
- Đáp: Chịu trách nhiệm chung về mọi việc trường học. Ký các loại giấy tờ, học bạ của trường. Đủ năm, hiệu trưởng đề nghị thăng ngạch (bậc) cho các thầy cô. Tham gia chấm thi tú tài 1, tú tài 2. Sắp sếp giờ dạy, môn dạy phù hợp khả năng thầy, cô (vì không phải môn nào cũng đủ “giáo sư”.
- Hiệu trưởng có khi nào “phê bình” thầy cô không?
- Không bao giờ. Mỗi thầy, mỗi cô đều có tư cách. Tự trọng và coi danh dự là trên hết.
- Hiệu trưởng không góp ý “chuyên môn” à?
- Thầy, cô tốt nghiệp trường đại học sư phạm (2 năm, 4 năm) đều đầy đủ năng lực. Người ta không bao giờ “đặt vấn đề” chất lượng dạy dỗ của một người tốt nghiệp sư phạm. Tất nhiên, họa hoằn cũng có một vài thầy “lè phè” nhưng hầu như không có vì người bản tính “lè phè” thường không chọn ngành mô phạm.
- Thầy cô có dạy thêm không?
- Hầu như không. Cũng có vài lớp mở dạy học sinh thi thú tài nhưng phải là thầy, cô xuất sắc thì mới có học sinh. Có thầy dạy còn không nhận học phí vì lương của họ dư sức sống. Thầy cấp ba lương cao hơn quận phó, kỹ sư, kể cả bác sĩ. Mỗi thầy dạy 16 giờ chính thức mỗi tuần. Ai dạy thêm sẽ hưởng thêm tiền, ngoài tiền lương chính thức, gọi là giờ “phụ trội”. Một thầy, cô dạy cấp ba có thể mua một chiếc xe Honda mới cáu sau một năm dạy học (xe chừng 4, 5 cây vàng thời đó).
- Thầy cô có phải bồi dưỡng "chính trị" hay “nghiệp vụ” gì không? Ba tháng hè, thầy cô làm gì?
- Không. Chính trị không được nói tới trong trường học. Bạn tôi Nguyễn Anh Khiêm giảng những bài thơ "phản chiến" trong trường, phụ huynh có người báo lên tỉnh. Ông tỉnh trưởng mời thầy lên và yêu cầu rời khỏi tỉnh mà không dám "giao cho an ninh". Thầy về trình diện nha Nhân viên của bộ giáo dục, sau đó bố trí dạy trường khác ở sát Sài Gòn, cũng cấp ba. Quan chức cấp tỉnh không có quyền bắt nạt thầy. Nghiệp vụ làm gì khi học sinh xuất sắc mới có thể đậu vào sư phạm và tự học là thói quen của học sinh từ khi vào đệ thất (lớp 6). Thầy cô không có soạn giáo án khi đến lớp. Họ am hiểu môn họ dạy. Nhiều thầy không mang sách giáo khoa đến trường. Họ chỉ có viên phấn trên tay. Giáo trình nằm trong đầu của họ. Cả ba tháng hè, thầy nghỉ dạy vẫn ăn lương.
- Như vậy làm sao biết kết quả dạy học của một thầy giáo?
- Không người thầy nào muốn học trò của mình thi rớt hay ngu dốt. Dạy học sinh hiểu biết tùy vào lòng nhiệt huyết của người thầy mà không tùy vào chỉ tiêu thi đua, và không có ai có quyền xếp “thi đua” thầy cô. Mặt khác, đa phần học sinh nỗ lực tự học. Có vị thầy dạy sử cấp ba vào lớp là nói chuyện thế giới, chuyện thời sự. Học sinh lo lắng, sắp thi rồi thầy. Thầy cười, các em có sách sử rồi, về nhà tự học, nếu không muốn vào lính (học sinh, sinh viên đều miễn dịch vì lý do học vấn. Nếu ở lại hay thi rớt một năm thì học sinh phải đi lính).
- Không có biện pháp nghiêm khắc để kiểm tra việc dạy dỗ của thầy cô, liệu người ta có tin tưởng vào kết quả giáo dục không?
- Có thanh tra nhưng năm thì mười họa. Thanh tra thường không báo trước. Kiểm tra chất lượng học của học sinh để đánh giá chất lượng dạy của thầy. Và thời gian kiểm tra chớp nhoáng. Có khi mấy năm mới thấy thanh tra. Thanh tra đều tin tưởng người thầy vì người thầy tin vào lương tâm của chính họ. Không có bộ máy nào có thể kiểm tra tư tưởng và trái tim con người, nhất là những người mang trọng trách giáo dục.
- Có học sinh lớp 5 nào “đấu tố” cô mình không?
- Học trò đều yêu quý và kính trọng thầy cô. Ngay cả gặp thầy, cô học sinh cúi chào rồi lẳng lặng kiếm lối khác mà đi. Uống cà phê hay nhậu với thầy: không bao giờ có.
Có nhiều câu hỏi nữa tôi không nêu ra đây vì sợ quá dài. Qua câu chuyện với hai vị huynh trưởng, tôi nhận thấy, tư cách những người thầy ở tuổi của họ thời VNCH rất đáng kính nhưng hiện không còn mấy người, họ đã lần lượt rời cõi tạm. Một ngày nào đó, họ sẽ không còn có dịp kể lại vui buồn của người thầy một thời. Họ thường nuối tiếc mỗi khi nhắc đến.
Tôi có kể câu chuyện so sánh người thầy ngày nay và người thầy ngày trước (1975 ở miền Nam, có lẽ cả miền Bắc nữa?) với một người quen từng là chức sắc cao bên “thắng cuộc”, và câu giải đáp cũng là câu hỏi của anh ta: “Giáo dục tốt như thế sao ‘các anh’ không thắng chúng tôi?”.
Ảnh: Về thầy trò “cũ, mới”. Hai vị (ngồi, giữa) từng là hiệu trưởng, thầy dạy. Một vị là tác giả sách Ký ức sơ sài, một vị từng là phó chánh chủ khảo hội đồng khảo thí cụm thi Đà Nẵng 1973 (gồm nhiều tỉnh), họ đều tuổi 82.
Tôi bó tay, và câm mồm. Giáo dục VNCH thật sự “thua”. Giáo dục ngày nay đang thắng. Chỉ có một vài người, như thầy Đỗ Việt Khoa, cô Nguyễn Thị Tuất, và một em học sinh mới bị đâm chết trong giờ chơi, là đang thua.
(*) Thầy Thái Hạo (chỉ biết thầy trên Facebook).