Tôi xin trích bài viết của tác giả Nguyễn Văn Nghệ:
"Bỏ 'Tiên học lễ' thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? (...). Lễ và Văn là nền tảng đào tạo nên một con người tốt cho xã hội. Sách Luận ngữ có viết: “Bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (dùng văn chương mở rộng kiến thức của ta, dùng lễ để ước thúc hành vi bản thân ta).
Năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm 'tiên học lễ hậu học văn' trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” [Bài đăng tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31, tháng 7/1973] mà động cơ viết bài này, theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo”.
Ngay sau khi bài báo xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của Trung ương Đoàn (số 2351, ra ngày 16/08/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình, nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo”. “Chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!” (…)Tiếp theo bài báo này, báo “Tiền phong” còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất kể trên của nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng ông Phạm Văn Đồng đã can thiệp dừng lại. (Hết trích).
“Ông (Trần Ngọc Thêm) cũng đề xuất không dùng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vì không thể hiện được tính dân chủ trong giáo dục. Giáo dục phải khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo; chống học thuộc lòng; thay đổi quan niệm về sách giáo khoa; không ra đề thi kèm đáp án; giáo dục cá nhân hóa…Để có con người trung thực, ngành giáo dục phải dạy và học trung thực, xây dựng liêm chính học thuật, chống bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó. “Mắt xích trung tâm trong toàn bộ quá trình này là triết lý giáo dục. Cốt lõi triết lý giáo dục trong nghĩa hẹp là phải tập trung ba phẩm chất: sáng tạo, chủ động và trung thực”. (Trích báo Vietnam+)
Trong phần lớn các bài viết phản bác và không phản bác “Tiên học lễ”, chữ LỄ không có ý nghĩa nào cho thật rạch ròi, được nhiều người hay mọi người công nhận. Nguyễn Văn Nghệ thì cho “lễ” dùng để ước chế hành vi bản thân. Nguyễn Lân thì Lễ hàm ý lễ nghĩa, cách ứng xử của học sinh với người lớn. Quan điểm này có lẽ hợp ý ông Phạm Văn Đồng (can thiệp ngưng đả kích Tiên học lễ). Ông Trần Ngọc Thêm thì “tiên học lễ, hậu học văn” không thể hiện được tính dân chủ trong giáo dục.
Đối với quảng đại quần chúng (trong đó có tôi) và có lẽ đối với tất cả học sinh, LỄ hàm ý lễ nghĩa và đạo đức. Học sinh tôn trọng thầy. Học sinh tôn trọng học sinh. Trẻ tôn trọng người lớn. Có thể là “tôn ti trật tự”. Tôi hình dung LỄ như là quy tắc ứng xử hợp đạo lý. Trong cải cách ruộng đất, con không nên đấu tố cha, đó là lễ. Trong luật pháp hiện hành, con không mắc tội tòng phạm nếu biết cha mình phạm tội mà không tố cáo, đó là lễ. Không ngược đãi cha mẹ. Không bỏ đói họ dù bản thân nghèo khó. Không hỗn láo với anh (chị), không hiếp đáp em út. Mượn phải trả, hư phải đền. Ăn quả nhớ người trồng cây. Lấy ân báo oán. Thương người như thể thương thân. Lá lành đùm lá rách. Bầu ơi thương lấy bí cùng. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ….Tôi cho những cái vừa nêu (chưa đầy đủ) chính là LỄ.
Hằng năm, học sinh phải tặng quà thầy, cô nhân ngày nhà giáo. Gặp thầy, cô học sinh phải cúi đầu cung kính chào (dù trong lòng không muốn). Gọi thì dạ, bảo thì vâng. Trứng không khôn hơn gà. Không bận áo quá đầu. Cha đặt đâu con cái ngồi đó. “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”…hoặc “Không thầy đố mày làm nên”…Rất nhiều, rất nhiều những thứ “lễ nghĩa” hình thức “câu thúc” trẻ nhỏ người lớn đặt ra hay “xưa bày nay bắt chước” . Tất cả, những thứ ấy, theo tôi không phải là LỄ.
Ông bà ta có câu đúc kết sâu sắc: “Con khôn hơn cha là nhà có phước”. Như vậy, lễ sẽ đúng nếu tất cả vì trẻ thơ, tất cả vì học sinh thân yêu (không hô khẩu hiệu ở đây).
Vì sao giáo dục VN một thời gian lên án “Tiên học lễ, hậu học văn”, cho nó là triết lý Nho giáo lạc hậu cần đổ vào sọt rác? Sau 1975 một thời gian lại bới cái “đống rác” lấy lại câu khẩu hiệu ấy và dán thật to, thật bề thế trên mỗi ngôi trường học cả nước? Và giờ đây, lại có ý kiến của một số thức giả muốn vất câu ấy vào sọt rác?
Hiện tượng trên cho thấy một sự thật: Giáo dục VN đang mất phương hướng.
Trước đây, nếu tôi không lầm, mọi ngôi trường VN đều trương thật to, thật trang trọng câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” với ghi chú bên dưới “lời Hồ chủ tịch”. Tôi hết sức ngạc nhiên, tại sao người ta cho câu nói ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh dù hầu hết những quan chức trong ngành giáo dục đều biết đó là của một người Tàu có tên Quản Trọng. Sao chỉ là 100 năm trồng người mà không là 1000 năm? Biết nhưng không ai dám nói sai cũng vì mọi người phải giữ LỄ. Lời của Bác là chân lý. Ai nói ngược lại Bác là vô lễ dù, tôi chắc chắn, nếu còn sống, chủ tịch HCM sẽ bảo phải đính chính lại câu khẩu hiệu “triết lý” ấy vì nó không phải của ông. Và trớ trêu thay, các trường học VN thay vào sau đó là câu trong mỗi trường học thời VNCH đều có :Tiên học lễ, hậu học văn.
Khẩu hiệu mang một phần triết lý giáo dục. Nay, có phong trào đòi gỡ bỏ câu khẩu hiệu ấy khỏi học đường vì nó “trói buộc” học sinh, “quá nâng cao” vai trò thầy giáo, làm cho giáo dục mất đi sinh hoạt dân chủ, học sinh là trung tâm, có người còn bảo khẩu hiệu ấy là tàn dư của thứ Nho giáo “phản động”, “phản tiến hóa”.
Dẹp bỏ Tiên học lễ, hậu học văn, giáo dục VN sẽ chọn câu khẩu hiệu nào biểu thị triết lý giáo dục đổi mới? Chắc là phải họp. Và sẽ có nghị quyết?
Theo tôi, cũng nên bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ra khỏi giáo dục.
Khẩu hiệu phần nào cho thấy một triết lý gởi gắm trong đó. Ví dụ: “Tổ quốc trên hết”, “Cư an tư nguy” (Sống bình an nên nghĩ tới nguy nan). “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường vơi máu đổ”. “Kỷ luật là sức mạnh quân đội”… Người ta nêu khẩu hiệu và người ta thực hành khẩu hiệu.
Giáo dục VN nêu cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng những người làm giáo dục thực hiện được chưa mà lo sợ cho học sinh bị “áp đặt” khuôn phép lễ nghĩa? Bỏ đi câu khẩu hiệu này là đúng. Để mà không làm thì để làm chi?
Nếu thực hiện “tiên học lễ” trong giáo dục thì sẽ không có trường đại học làm tiền nhờ bán bằng giả, thầy không gạ sinh viên muốn đậu phải vào khách sạn làm tình, vị bác sĩ tim mạch tài ba nhất nước không vướng vòng lao lý, dược sĩ sẽ không cam tâm nhập thuốc giả để chữa người ung thư cận kề cái chết…
Giáo dục VN cần định hình lại phương hướng và phải có một triết lý soi dẫn. Xã hội cũng chẳng phí sức phản bác hay bênh vực những câu khẩu hiệu…bởi khẩu hiệu lúc nào cũng chỉ là khẩu hiệu, để hô, không phải dễ làm.
Ảnh minh họa:
Cô giáo thời VNCH.
Trường bán bằng.