Saturday, February 3, 2024

CHÓ: BẠN CŨNG “THỊT”.

Nếu có thống kê về số lần sử dụng từ ngữ thì “văn hóa” có thể có tần suất sử dụng nhiều nhất và cũng lạ lùng nhất. Người ta sẽ gặp rất nhiều, chẳng hạn, văn hóa giao thông, văn hóa phong bì, văn hóa nhậu, văn hóa từ chức…trong đó có văn hóa ăn thịt chó. “Ăn thịt chó là một nét văn hóa dân tộc”, có vị giáo sư nào tôi quên tên từng nhận xét như thế.

Mới đây, thành phố du lịch Hội An phát động phong trào “nói không với thịt chó” gặp phản ứng khá gay gắt của cánh theo văn hóa ăn thịt chó. Như thế, ăn (chó) là văn hóa, nuôi (chó) có văn hóa không?

Chó là vật cưng đứng hàng thứ ba sau trẻ con và phụ nữ ở Mỹ (tôi đúng không nhỉ). Tháng chạp vừa rồi, nhân sinh nhật Joe Biden, vợ chồng em trai tặng ông một con chó Đức rất đẹp. Báo CNN liền có một bài viết về sự kiện “trọng đại” này. Tổng thống đặt cho nó cái tên là Chỉ huy (commander). Báo đưa tin tiếp, trước đó trong tòa Bạch Ốc còn có chú chó Major rất được ông yêu quý. Nhưng ông Thiếu tá này hay cắn người ngay cả nhân viên thân cận tổng thống. Viên sĩ quan “cắn càn” này được máy bay chở về nhà riêng của tổng thống, theo các chuyên gia thú ý hàng đầu nước Mỹ, để ổng “không bị quấy rầy”, dễ cáu giận, sinh tật cắn bậy người.

Và BBC vừa đưa tin, một ngân hàng máu chó duy nhất của Vương Quốc Anh thành lập ra để cứu mạng chó. Có chú củn từng hiến máu 28 lần trong đời, mỗi lần, lượng máu tương đương 450ml. Người nhờ máu người và chó cũng nhờ máu chó: máu cứu lấy sinh mạng- máu nào cũng quý. Chủ của những con chó hiến máu rất hãnh diện về vật cưng của mình.

Chú cún này “động viên” các cháu chích ngừa Covid.

Ở Sài Gòn ( Hà Nội chắc cũng vậy) có một vài bệnh viện dành cho chó cưng. Chó không còn nuôi để “giữ nhà” nữa. Chó mang lại niềm an ủi cho người yêu thương chó. Nếu không có tình yêu thương vật nuôi không ai phải tốn kém rất nhiều để chăm sóc một con chó, phí tổn có khi hơn cả phí tổn cho nhu cầu bình thường của  một con người nghèo khổ.

Vì sao lại như thế?

Ngoài tình yêu của người dành cho vật nuôi,  bản tính trung thành, gần gũi, dễ mến của chó là lý do chính để chúng được con người quý trọng chứ không phải…thịt của nó.

Nhưng người “ghiền” thịt chó lại cho việc ăn thịt chó không khác chi thịt bò, thịt heo, thịt cừu…Sống trên đời không ăn thịt chó. Chết xuống âm phủ, không có mà ăn. Ăn thịt chó trở thành “triết lý” nhậu trên các bàn ê hề thịt chó.

Có vị tiến sĩ nói, “không thể nói ăn thịt chó là man rợ; chó là bạn cũng có thể là thức ăn”. Chưa nói ăn thịt chó hay không ăn thịt chó là man rợ hay văn minh, là không văn hóa hay có văn hóa, ta có thể nêu ra một sự kiện, nước nào ăn thịt chó đầu tiên và ăn nhiều nhất. Không khó để có câu trả lời đó là nước Trung Hoa. Vì sao người miền Bắc tiêu thụ thịt chó hơn người miền Nam (tôi nói trước chiến tranh, bây giờ có lẽ là “một chin, một mười”)? Tại sao Bắc Triều Tiên ăn thịt chó nhiều hơn Nam Triều Tiên, và Triều Tiên nhiều hơn Nhật Bản? Ngoài ảnh hưởng địa lý, văn hóa văn minh Trung Hoa là vai trò chủ đạo trong việc hình thành tập quán ăn thịt chó.

Cũng có thể có lý do khác như kinh tế thiếu thốn, các loại gia súc như heo, bò, trâu, cừu…tốn kém chăm sóc và khó nuôi hơn chó. Ở vùng quê nghèo khó thời xưa, tôi nghe kể lại, và chính tôi chứng kiến sau này khi còn bé, chó nuôi chủ yếu để giải quyết phân trẻ nít. Không có bô, không có cầu, đi ra đồng không được, trẻ nít ị ra được giải quyết nhanh gọn và chớp nhoáng bằng một con mực, con đốm nào đó. Và khi tới tuổi trưởng thành, trơn lông múp míp, chú mực, chú đốm ấy trở thành miếng mồi thơm lừng trên lửa nếu chúng may mắn sống trong vùng nào có truyền thống ăn thịt chó. Cũng có người nuôi chó thì chôn khi nó mãn phần.

Cũng có thể ăn thịt chó do không có đủ thịt khác để…ăn. Thịt chó mua không cần tem phiếu. Chó mổ thịt không phải làm đơn xin phép. Nhờ việc “thu dọn chiến trường” gọn ghẽ như tôi nói, nuôi chó không phải tốn khoai, tốn sắn, tốn thóc…những thứ con người có lúc không có để ăn.

Văn hoá Trung Hoa, đời sống thời “phong kiến”, kinh tế “bao cấp” biết đâu đóng góp rất lớn trong việc hình thành tập quán ăn thịt chó của chúng ta ngày nay? Rất lâu, có tờ báo thống kê hơn 5 triệu chú củn cung ứng thị trường thịt chó mỗi năm. Và, có cầu tất có cung, nghề bắt trộm chó là nghề “ăn nên làm ra” ít gặp phải tội hình sự. Công An mới bắt toán ăn trộm chó. Có thanh niên thật thà khai báo mỗi ngày hành hiệp bắt trộm, thu nhập từ 800.000 đến một triệu đồng, mỗi tuần 3 lần “triển khai công tác”.  Số chó khai ra hơn 1200 con trong gần 2 tháng.

Thịt chó trở thành một ngành “công nghiệp”? Nếu không như thế, thịt chó hình thành nếp sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc? Văn hóa ăn thịt chó?

Tôi không bài bác hay cổ vũ ăn thịt chó. Ăn hay không ăn là ý thích của mỗi người. Tôi chỉ muốn nói một điều, không nên nâng việc “ăn thịt chó” thành một “nếp văn hóa”. Hoặc không ăn, hoặc ăn. Không thể bảo chó vừa là bạn vừa là thịt. Đã là bạn sao lại thịt nó? Cái này làm tôi nhớ tới sự kiện năm 1979 khi sáu tỉnh miền Bắc bị Trung Quốc xâm lược. Tang thương chất chồng lên số phận những người dân lành và các chiến sĩ còn sống hay đã hy sinh. Bạn vàng ư? Bạn là bạn mà “thịt” thì cứ "thịt” ?