Saturday, February 3, 2024

HIỂU ĐỂ THƯƠNG: CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM

Câu chuyện đức Phật kể về cái chết của con trai do mẹ ruột gây ra. Một phụ nữ mất chồng khi đứa con trai còn trong bụng mẹ. Cả cuộc đời khốn khó nuôi con, tất cả tình yêu bà đều dành trọn cho núm ruột của mình. Người con trai cũng dành trọn yêu thương cho người mẹ tảo tần vì mình cho đến khi anh cưới vợ, một cô gái xinh đẹp. Kể từ đó, mọi tình cảm của con trai không còn dành cho mẹ. Người mẹ đau khổ, tuyệt vọng, quẫn trí và kết quả tang thương đổ lên gia đình: bà quyết định bỏ thuốc độc vào thức ăn, để trừng phạt đứa con trai “bất hiếu” và đứa con dâu “tội đồ”, bà cho là người cướp mất tình thương của mình. Đức Phật kết luận, hiểu để thương; người mẹ trong câu chuyện thương mà không hiểu nên phải sống trong đau đớn và ân hận cả cuộc đời còn lại: tình thương không phải là chiếm hữu người mình thương.

Câu chuyện đau lòng về bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến chết là một ví dụ cho sự hiểu biết, cả trong tình yêu thương. Học cao sẽ hiểu biết nhiều? Không hẳn. Người bố trong câu chuyện này từng du học nước ngoài và đang nắm trọng trách trong xã hội.

Anh ta không hiểu, người phụ nữ xinh đẹp mà anh ta đem lòng yêu mến không phải là phụ nữ đoan chính. “Cái nết đánh chết cái đẹp” trở thành lạc hậu? Một gia đình đang êm ấm, có con trai, con gái đề huề, sống trong môi trường “đẳng cấp” bị tan vỡ vì ý muốn của người phụ nữ xinh đẹp kia: làm gia đình anh chồng tan đàn xẻ nghé, con trai ở một nơi, con gái ở một chỗ. Đứa trai không có cha và đứa gái không có mẹ. Con chịu cảnh chia lìa chỉ vì sắc đẹp của “mẹ kế”.

Dùng sắc đẹp và thân xác hấp dẫn đàn ông có gia đình và làm cho gia đình ấy tan nát không phải là cách làm của một con người hiểu biết đạo lý. Thế mà người đàn ông kia vẫn đem lòng yêu mến. Yêu mến cuồng si đến độ mang người phụ nữ chưa cưới về làm “mẹ kế” cho con mình. Anh ta không hiểu: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Cả cuộc đời đứa con máu mủ của mình trao phó cho “mụ dì ghẻ” hiểm ác, “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bề trong nham hiểm giết người không dao”.

Bà dì ghẻ lấy cớ “rèn luyện” đứa bé quen được người lớn chăm sóc để bạo hành thể xác và tinh thần: thải hồi bà giúp việc, bắt đứa trẻ lớp 3 hút bụi, lau nhà, xếp áo quần, đổ rác…ngay cả uống nước cũng chỉ “một bình” không rõ có đủ cung cấp cho một cháu bè trong một ngày.

Người cha không hiểu, con chồng gặp cảnh vợ chết, mẹ kế sẽ có thái độ bao dung hơn con chồng có vợ bị bà dì ghẻ “cướp trên tay”. Anh thờ ơ đến nỗi không quan tâm con mình đị đánh đập rất nhiều lần. Trên thân thể đứa bé có những vết hằn cũ của những trận đòn roi. Anh ta cũng lạnh lùng đến nỗi con gái ruột thịt không dám chia sẻ sự hà khắc của bà vợ kể tương lai; hay cháu bé có chia sẻ nhưng tình phụ tử không nặng hơn tình trai gái. Cả hai đều nói lên bản chất của một người đàn ông có học mà như vô học.

Về phía “bà dì ghẻ”, còn nhiều chuyện đáng nói. Hành vi bạo hành dẫn đến chết người là hành vi phạm tội cố ý (hoặc vô ý) giết người đang  bị xã hội lên án. Cái chết gây chấn động không những trong xã hội VN. Nghe nói cô gái xinh đẹp này là con gái một gia đình “đẳng cấp”, cha là thẩm phán, mẹ là giảng viên trường cao đẳng, bản thân hẳn phải có học hành tử tế mới có thể làm trong bộ phận “phát triển nhân lực” (HR). Cô ta không hiểu, dùng roi vọt để dạy dỗ trẻ - chưa nói đến đánh đập – là chuyện không thể chấp nhận ở một gia đình thuộc giới “thượng lưu” tại một đô thị như Sài Gòn. Hay là noi theo cách làm của vị thẩm phán “mặt sắt đen sì”, cô ta cho rằng: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho đường”? Roi đòn hay gậy đòn (nguyên nhân dẫn đến cái chết) của bà dì ghẻ này là roi đòn, gậy đòn đánh vào người mẹ đứa bé, chứ không hẳn đánh vào đứa bé. Gương mặt xinh đẹp của cháu bé gợi nhớ đến gương mặt xinh đẹp của “tình địch” hay chăng? Đánh cho bõ ghét? Đánh cho chừa? Than ôi, một bé gái 8 tuổi, mất tình yêu của mẹ dù mẹ còn sống, có gì mà người dì ghẻ mặt hoa da phấn này đánh cho bõ ghét, đánh cho chừa?

Thấy trên Facebook của cô có trích dẫn một câu tiếng Anh rất là triết lý. Có lẽ học hành cũng khá. Tại sao cô không hiểu đánh trẻ con là tàn nhẫn, dù đánh nó vì lý do “răn dạy” (trong khi chưa phải là “kế mẫu” mà có là mẹ cũng không được đánh trẻ), cũng sẽ phạm luật, huống hồ đánh đập con của chồng mình, với sự căm tức vô cớ, để dẫn đến chết đầy oan khuất ?

Vì quá cuồng si ông chồng đẹp trai, đủ đầy vật chất, cô quên rằng, lòng căm tức đứa bé cô đánh đến chết khiến dư luận suy đoán, trong tiềm thức của một người đàn bà muốn chồng mình không chia sẻ tình cảm cho ai kể cả là con ruột, cô trút căm hờn lên cháu bé, và coi nó là “hình ảnh” của một người đàn bà có chồng bị cô cướp mất?

Nếu không như thế thì đòn roi của cô có mục đích gì? Thi thể một đứa bé bầm dập, cũ có, mới có, không bao giờ biện minh cho lý do đưa ra “thương cho roi cho vọt” của bà mẹ kế tương lai.

Nếu là người thấu hiểu, cô sẽ yêu thương cháu bé ấy như con ruột: đây là cách yêu thương thật sự cha của nó và cách khiến cha nó yêu thương thật sự “kế mẫu” của con gái.

Có dư luận phê phán “hàng xóm” không can thiệp kịp thời để dẫn đến cái chết thương tâm. Thật sự thì xã hội VN chưa đạt đến mức mọi người coi cha mẹ đánh đập con cái của họ là chuyện “xã hội”. Thường là chuyện gia đình người khác “không nên chõ mũi vào”, dây vào “rắc rối” và nhất là những gia đình “có máu mặt”. Một cú phone cho cảnh sát biết đâu cứu được một mạng sống. Cũng chính chưa hiểu cặn kẽ nhân quyền (hai từ này “úy kị” lắm), người ta mới vô tình kiểu “đóng cửa dạy nhau” (hay đóng cửa đập nhau – ai mà biết) hoặc “đèn nhà ai nấy rạng”. Không được xâm phạm thân thể là một phần của nhân quyền chứ nhân quyền không phải chỉ là cơm no, áo ấm, rồi ai cũng có quyền dạy dỗ con cái bằng biện pháp bạo hành. Hàng xóm hiểu cần can thiệp để cháu bé được sống là tình thương chứ không hẳn chưng ảnh, hoa, đèn…là tình thương dành cho người đã mất.

Hiểu để thương trong gia đình này còn phải kể đến ông bà nội cháu bé. Ông bà ở đâu mà cả năm trời cháu ruột của mình bị hành hạ bởi một “con dâu hờ” ác độc? Việc sẽ cưới cô này cho con trai là phước hay họa khi sự xuất hiện của một cô dâu xinh đẹp là thảm cảnh ập tới một gia đình đang êm ấm ?

Con dâu tương lai nếu không đếm lịch trong song sắt liệu có cư xử với gia đình cha mẹ nhà chồng hiếu đạo không? Hay một ngày nào đó, sắc đẹp vẫn còn, thân thể vẫn nóng bỏng, biết đâu con trai họ sẽ bị con dâu đá văng để tìm một tấm chồng khác, trẻ hơn, giàu hơn, danh giá hơn?  Người cướp chồng, phá nát gia cang nhà chồng, lại đang tâm hành hạ một đứa bé không mẹ cho đến chết thì cô ta sẽ không từ một thủ đoạn nào đâu. Ông bà yêu con sao không yêu cháu? Hay cháu kia là con của một con dâu “đáng ghét”?

Vì thương mà không hiểu, những người trong gia đình này phải chịu bất hạnh:  Một cháu bé 8 tuổi với gương mặt ngây thơ, non dại chết tức tưởi. Con dâu hờ sẽ ngồi tù không phải là ba năm như báo nào đó đưa tin đâu. Chồng tương lai sẽ nghĩ về cô như thế nào khi con anh ta bị cô giết chết? Ông bà nội có cắn rứt lương tâm khi cháu ruột mình bị con dâu hờ cướp mạng sống mà họ không kịp thời can thiệp? Và người đàn ông “trụ cột” kia sẽ đối diện với dư luận xã vốn hội khinh ghét ai vì ham mê sắc dục mà vô tâm với giọt máu của mình.

Cái chết thương tâm của một bé gái 8 tuổi, ngoài tiếng chuông thức tỉnh xã hội ý thức về quyền con người (không thể bị xâm hại thân thể ), nó còn nhắc nhở: hãy hiểu khi yêu, như lời dạy của đức Phật cách đây mấy ngàn năm.