“Fight-or-flight” là một thuật ngữ trong một cuốn sách tôi vừa dịch cho nhà xuất bản Phương Nam. Theo đó, con người từ khi xuất hiện trên trái đất đã áp dụng phương thức này để sinh tồn. Triết lý: lúc cần “chiến đấu” mà “bỏ chạy” sẽ chết không khác chi lúc cần “bỏ chạy” mà lại “chiến đấu”.
Một con virus mắt thường không thấy nhưng lại gần như “vô địch”, một đất nước 1,4 tỷ dân cũng phải lao đao, khốn khổ vì nó. Chỉ với chừng hơn 2 tháng số người nhiễm lên hơn 107 ngàn, và số người chết là 3600. Từ chủ tịch nước Trung Quốc, tổng thống Donald Trump, 2 cường quốc hàng đầu, cho đến người dân khố rách áo ôm trên trái đất đều đang sống trong lo lắng sợ hãi.
Hà Nội hoảng loạn đua nhau mua hàng hóa thức ăn dự trữ khi chỉ nghe có thêm mỗi một ca bệnh thứ 17. Một vài thành phố phát hiện thêm một hai người nhiễm (không phải chết) dân cả nước cuống cuồng như sắp động đất.
Nhiều nguyên do cho nỗi sợ. Virus không phân biệt chủ tịch nước với người dân quèn, lây lan lặng lẽ, không kể biên giới, vô hình, mau lẹ nhất trong máy bay, tàu thủy du lịch. Một người nhiễm vi rút hàng trăm người bị theo dõi, cách ly. Chỉ có 6 người nhiễm bệnh ở một xã miền Bắc mà cả số dân 11 ngàn bị “cô lập”. Chính sự cô lập do vi rút làm mọi hoạt động xã hội, nhất là hoạt động kinh tế ngưng trệ. Không rõ bao người chết, người nhiễm mà gần 60 triệu dân Hồ Bắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; Một nước có GDP chỉ kém có Hoa Kỳ bây giờ đối diện với tăng trưởng âm vì dịch. Không hốt hoảng sao được.
Hốt hoảng hay sợ hãi là bản năng sinh tồn. Chính bản năng này giúp con người sống sót. Nhưng sợ hãi rồi “bỏ chạy” trong tình hình “nguy cập” hiện nay sẽ ích lợi gì trong khi “chạy trời không khỏi cô Vy”.
Fight or Flight, chiến đấu hay bỏ chạy? Chiến đấu làm sao khi chưa có vũ khí diệt vi rút như thuốc đặc trị hay vaccine chích ngừa? Chỉ có một cách duy nhất mọi người đều biết: tránh nơi đông người, nhất là trong không gian đóng kín, nếu cần phải đến nơi đó nhất thiết phải đeo khẩu trang, không đứng gần ai có dấu hiệu bệnh hắt hơi sổ mũi, ăn uống đủ chất, năng tập thể dục, nhà cửa thoáng đãng, nếu có dấu hiệu sốt, ho khan, liệu mà đến ngay y tế…và quan trọng hàng đầu: KHÔNG SỜ TAY LÊN MẶT.
Các nhà khoa học nhận thấy vi rút lây chủ yếu qua màng nhầy ở vòm miệng, hốc mũi và mắt. Vật trung gian đưa cô Vy lên nơi đó là bàn tay. Tay luôn sờ lên mặt. Không nên sờ lên mặt, nói dễ nhưng làm rất khó.
Năm 2015, một đại học ở Sidney quan sát 26 sinh viên y khoa bằng camera trong ngày, thì thấy rằng trung bình một giờ, các bác sĩ tương lai này sờ tay lên mặt 23 lần, và 44% những lần sờ đó nhắm vào mắt, mũi, miệng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ một lần tiếp xúc thì Corona trên các ngón tay đã chui vào cơ thể qua đường mũi, mắt, và miệng. Vi rút tấn công hệ hô hấp được tìm thấy ở ba nơi này. Tay mất vệ sinh (không rửa bằng xà phòng sát khuẩn, dung dịch 60% cồn) khiến con người dễ dàng nhiễm bệnh.
Sờ tay lên mặt là thói quen cả đời của con người, không dễ gì bỏ hay hạn chế số lần sờ mặt. Một chuyên gia y tế đang giảng giải cho khán giả cách thức phòng bệnh Corona , bằng cách không sờ tay lên mặt, chạm vào mũi, miệng, mắt nhưng khi lật sách tham khảo qua chương khác, bà ta đã đưa ngón tay lên miệng thấm nước miếng để dễ lật trang giấy. Donald Trump tuyên bố, ông là người chúa ghét vi trùng (germaphobe): “Tôi cả mấy tuần rồi không sờ lên mặt. Tôi quên nó rồi” (ổng “hề” thôi) khi tiếp các chuyên gia chống Corona trong tòa bạch ốc nhưng tức thì một bức ảnh chụp ông ta đang tỳ một ngón tay lên mặt ngay sau đó (ảnh).
Vì sao người ta hay sờ tay lên mặt? Ngay khi năm bảy tuổi, con người đã luôn sờ tay lên mặt. Một nghiên cứu cấp liên bang (Mỹ) năm 2014 cho biết sờ tay lên mặt liên quan đến stress. Sờ tay lên mặt giúp người ta giảm bớt lo lắng, bất an, hay khó chịu. Cử chỉ sờ tay lên mặt xảy ra cả ngày không phải là một động tác tạo cảm thông, và thường ít được hay không được ý thức.
Không bỏ được thói quen sờ tay lên mặt không phải là “bó tay chấm com”. Sau đây là vài gợi ý cho quý vị có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm khi phải sờ tay lên mặt.
Hãy nhớ chú ý đến thói quen này khi bạn sổ mũi, hắt hơi, nên luôn có khăn giấy bên mình. Có chúng bạn sẽ không phải dùng đến các ngón tay để chạm vào nơi nhạy cảm là màng nhầy ở mũi, miệng. Kế đến hãy rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, nếu không có thì rửa bằng cồn 60% ít nhất 20 giây (phải rửa đúng cách).
Rồi quý vị cũng phải chú ý đến các “vật trung gian truyền bệnh” khác ta tiếp xúc cả ngày như điện thoại, chìa khóa xe, nắm cửa ra vào, thang máy…kể cả tiền mặt, thường “trôi nổi” thập phương. Hãy chú ý chúng có thể dính vi rút và chuyển mầm bệnh vào cơ thể mình qua các màng nhầy ở mũi, mắt, miệng, và có khi qua vết xước nhẹ ở mặt, cổ. Nếu muốn "bắt tay" thì dùng tạm cái chân, đá vào nhau như dân Vũ Hán vừa sáng tạo khi chào hỏi nhau mùa dịch.
Chiến đấu là đây: hãy rửa tay thường xuyên, cố gắng tránh đưa tay sờ mặt, và nếu có muốn “yêu đương tha thiết” hoa khôi du lịch từ ổ dịch ở nước Ý trở về, thì hãy đợi đến hết mùa dịch hay qua 14 ngày cách ly, sẽ ôm nhau, hôn nhau, sờ vào nơi nhạy cảm có cấu tạo màng nhầy (mucous membrane) – không có gì phải vội để rồi hoảng hốt.
Chú thích ảnh: TQ có nguy cơ tăng trưởng âm. Giáo phái Tân Thiên Địa nguồn gây bệnh vì tín đồ ngồi sát nhau, "đông đen". Tổng thống Donald Trump và hoàng đế đỏ Tập Cận Bình.