(How Much Exercise Do We Need to Live Longer?)
- Hai nghiên cứu chỉ ra, lý tưởng nhất để sống thọ là đi bộ từ 7 đến 8 ngàn bước, hoặc tập thể dục 30 đến 45 phút mỗi ngày.
Bài của Gretchen Reynolds đăng trên The New York Times.
Tăng cơ hội sống lâu, có lẽ chúng ta cần ít nhất 7000 bước đi bộ mỗi ngày, hoặc chơi quần vợt, đạp xe, chạy bộ, cầu long trên hai tiếng rưỡi mỗi tuần, theo hai nghiên cứu quy mô mới nhất liên quan giữa vận động cơ thể và tuổi thọ. Cả hai nghiên cứu - theo dõi trên 10.000 đàn ông và đàn bà trong mấy thập kỷ- cách tập đúng, đầy đủ làm giảm nguy cơ chết sớm lên tới 70%.
Nghiên cứu còn cho thấy tập mức độ có lợi nhất ở một ngưỡng nhất định, quá ngưỡng đó, tuổi thọ không tăng , trong vài trường hợp quá đáng, lại gây tai hại.
Nhiều nghiên cứu trước đây từng chỉ rõ người hoạt động sống lâu hơn người ít hoạt động. Ví dụ, nghiên cứu năm 2018 của CDC kết luận, chừng 10% tất cả cái chết ở người Mỹ tuổi từ 40 đến 70 là do quá ít vận động. Nghiên cứu năm 2019 của châu Âu cho thấy, trong hai thập kỷ, không vận động tăng gấp đôi số chết sớm ở những người Na Uy.
Nhưng các nhà khoa học cũng chưa kết luận chính xác cần vận động nhiều bao nhiêu mới có ích cho tuổi thọ. Và cũng chẳng rõ tập thể dục quá mức tới đâu thì ảnh hưởng đến sống lâu.
Những câu hỏi ấy là trọng tâm của hai nghiên cứu mới, cho thấy sự liên quan giữa tập thể dục với tuổi thọ ở một góc độ khác biệt nhưng lại liên quan. Một trong hai nghiên cứu đó – do JAMA Network Open đưa ra tháng rồi – tập trung vào số bước. Hầu hết chúng ta quen với việc đếm các bước qua điện thoại, đồng hồ thông minh, hay các thiết bị đo đếm, giúp mỗi ngày tập bao nhiêu, thông thường là 10.000 bước. Nhưng như tôi viết ở trên, khoa học ngày nay cho thấy chúng ta không cần đi bộ 10 ngàn bước để nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu ở đại học Massachusetts, CDC (Mỹ), và các viện khác, trái lại, tự hỏi không biết số bước ít hơn có liên quan gì đến tuổi thọ. Vì vậy, họ quay qua các cứ liệu thu thập những năm gần đây trong một nghiên cứu diễn ra quy mô lớn về các chứng bệnh ở nam giới và nữ giới trung niên. Hầu hết số người này tham gia nghiên cứu trong vòng 10 năm khi họ bước qua tuổi 40. Thời gian đó, họ hoàn tất kiểm tra sức khỏe, đeo một thiết bị đếm bước đi của họ mỗi ngày trong một tuần.
Bấy giờ, các nhà nghiên cứu thu thập hồ sơ của 2.110 người tham gia và kiểm tra tên của họ trong sổ đăng ký khai tử. Họ phát hiện ra rằng 72 người tham gia đã qua đời lai rai trong thập kỷ, con số tương đối nhỏ, không đáng ngạc nhiên đối với độ tuổi của họ.
Nhưng các nhà khoa học cũng nhận thấy, mối liên hệ chặt chẽ số bước với tỷ lệ tử vong. Số đàn ông và phụ nữ, ghi nhận tối thiểu 7.000 bước mỗi ngày lúc tham gia nghiên cứu, có nguy cơ tử vong thấp hơn khoảng 50% so với những người đi dưới 7.000 bước, và nguy cơ tử vong tiếp tục giảm khi tổng số bước của mọi người tăng lên, giảm 70% khả năng chết sớm ở những người đi hơn 9.000 bước.
Nhưng ở mức 10 ngàn bước, lợi ích chững lại. Phó giáo sư về vận động học (kinesiology) trường đại học Massachusetts Amherst, Amanda Paluch thực hiện nghiên cứu mới nhất cho biết: “Ở một thời điểm, lợi ích sẽ giảm dần”. Những ai đi bộ trên 10.000 bước, thậm chí nhiều hơn, khó sống thọ hơn những ai đi bộ ít nhất là 7.000 bước mỗi ngày.
Nghiên cứu thứ hai, thật hữu ích, do Mayo Clinic Proceedings công bố trong tháng tám, xác định mức độ hoạt động tương tự rất có ích cho tuổi thọ. Nghiên cứu này bao gồm số liệu từ nghiên cứu Tim mạch thành phố Copenhagen trong nhiều thập kỷ, tuyển lựa hàng chục ngàn người trưởng thành Đan Mạch từ thập niên 1970, và hỏi họ bỏ ra bao nhiêu giờ mỗi tuần chơi thể thao hay tập thể dục, từ đạp xe (rất phổ biến ở nước này), đánh quần vợt, chạy bộ, bơi lội, ném bóng, cử tạ, vũ cầu, đá banh đến các môn thể thao khác.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào 8.697 người Đan Mạch tham gia trong thập niên 1990, ghi chép thói quen hoạt động, sau đó kiểm tra tên tuổi trong sổ khai tử. Trong vòng 25 năm hay gần như thế, từ khi bắt đầu tham gia (nghiên cứu), chừng phân nửa số họ qua đời. Những ai có ghi nhận tập thể dục, chừng mực nào đó, từ 2,6 giờ đến 4,5 giờ mỗi tuần thì tỷ lệ chết thấp hơn 40% so với số người ít hoạt động cùng thời điểm.
Quy các giờ tập này thành các bước đi bộ không phải chính xác về mặt khoa học nhưng các nhà nghiên cứu ước tính người tập 2,6 giờ mỗi tuần, chừng 30 phút mỗi ngày, có thể tích lũy các bước từ 7 đến 8 ngàn, giữa tập thể dục và cuộc sống hằng ngày, trong khi những ai hoạt động 4,5 giờ mỗi tuần có thể đạt ngưỡng 10.000 bước mỗi ngày.
Và ở mức độ đó, trong nghiên cứu thứ nhất, ích lợi không thay đổi. Nhưng trong nghiên cứu thứ hai này, thật ngạc nhiên, lợi ích lại kém đi ở một số ít người hoạt động 10 giờ hay hơn mỗi tuần, hoặc khoảng 90 phút mỗi ngày.
Tác giả của nghiên cứu này, bác sĩ James O’Keefe, giáo sư đại học y khoa, giám đốc viện tim St. Luke’s Mid America cho biết: “Chính nhóm người hoạt động, hơn 10 giờ mỗi tuần, mất đi một phần ba ưu thế sống thọ”, so với những ai tập thể dục từ 2,6 đến 4,5 giờ một tuần.
Tuy thế, cả hai nghiên cứu đều có tính liên hoàn, nghĩa là, vận động cơ thể liên quan đến tuổi thọ, nhưng không có nghĩa, vận động tích cực hơn giúp tuổi thọ kéo dài hơn.
Nói tóm lại, hai nghiên cứu cho ta đúc kết hữu ích muốn sống lâu sống khỏe:
- Bác sĩ O’Keefe: Tốt nhất để tập luyện và sống thọ là đi bộ khoảng 7.000 đến 8.000 bước mỗi ngày, hoặc khoảng 30 đến 45 phút tập thể dục. Tập nhiều hơn một chút có thể kéo dài một ít tuổi thọ nhưng nhiều quá, đến ngưỡng nào đó, lợi bất cập hại, lại phản tác dụng.
- Tích lũy thời gian tập và đo đếm thế nào “tốt nhất cho bạn. Đếm bước đi có thể tốt cho ai không có thời gian tập thể dục lâu hơn. Nhưng lần tập nào phù hợp nhất cho thói quen sinh hoạt và động lực của bạn cũng đều rất tốt. Mục đích chính là năng vận động”, theo lời bác sĩ Paluch.
Nguyễn Long Chiến dịch từ https://www.nytimes.com/.../exercise-daily-steps...