Saturday, February 3, 2024

CÁCH THỨC QUÁ KHỨ TRUNG HOA HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TẬP CẬN BÌNH – VÀ THẾ GIỚI QUAN CỦA ÔNG TA.

(How China’s past shapes Xi's thinking - and his view of the world)

TQ giờ đây là một siêu cường, mấy chục năm trước chưa ai nghĩ tới. Sức mạnh nước này đôi lúc là kết liên với thế giới bao la hơn, ký kết hiệp ước khí hậu Paris là một ví dụ.

Hoặc đôi khi là cạnh tranh - như Sáng kiến một vành đai, một con đường, mạng lưới xây dựng hạ tầng cơ sở với hơn 60 quốc gia, đổ đầu tư vào nhiều nơi trên thế giới không mượn được vốn phương Tây.

Tuy nhiên, luận điệu với thế giới mang âm hưởng khá đối đầu. Bắc Kinh lên án Hoa Kỳ tìm cách “ngăn chặn” TQ qua hiệp ước chế tạo tàu ngầm (Úc-Anh-Mỹ), cảnh cáo Vương quốc Anh sẽ lãnh “hậu quả” nếu để người Hong Kong nhập tịch vì luật An ninh hà khắc, và còn bảo đảo quốc Đài Loan nên chuẩn bị (tinh thần) thống nhất với đại lục.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định vị thế TQ trên trường quốc tế, mạnh mẽ hơn bất cứ người tiền nhiệm nào kể từ Mao Trạch Đông, lãnh tụ tối cao trong thời chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, các yếu tố để ông ta cao giọng dựa vào nền tảng lâu đời trong quá khứ lịch sử, cả xưa và nay.

ĐƯỜNG LỐI KHỔNG GIÁO

Hơn 2000 năm, tư tưởng Nho giáo định hình xã hội Trung Hoa. Triết gia Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) thiết lập hệ thống đạo lý tôn ti trật tự, xác định vị trí người dân trong xã hội, dựa vào NHÂN (benevolence) để cai trị dân, bề trên chăm lo bề dưới.

Thích nghi qua thời gian, hệ Khổng giáo làm bệ đỡ cho các triều đại Trung Hoa cho đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), khi cuộc lật đổ vị vua cuối cùng dấy lên phong trào đả kích dữ dội Khổng Tử và di sản của ông, bởi các thành phần quá khích, trong đó có cả Đảng Cộng sản. Một đảng viên CS, ông Mao Trạch Đông, căm thù sâu sắc triết lý truyền thống Trung Hoa những năm ông nắm quyền (1949-1976). Nhưng đến 1980, Khổng Tử trở lại với xã Hội TQ, đảng CS ca tụng là biểu tượng sáng chói, với nhiều giáo huấn cho một Trung Quốc đương đại.

Ngày nay, TQ đề cao “nhân hòa”, xem nó là “giá trị xã hội”, ngay cả khi nó vẫn còn hơi hướm Nho giáo. Trong quan hệ quốc tế, đề tài nóng vẫn là vấn đề, làm thế nào NHÂN ("benevolence" (ren), chữ của Khổng Tử, có thể định hình quan hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài. Giáo sư Dương Thiệu Hùng, đại học Thanh Hoa, từng viết TQ nên dùng “nhân trị” ("benevolent authority) hơn là “khuất phục” ("dominance") để đối lại những cái ông cho là vai trò “kém nhân trị” của nước Mỹ. Ngay tư tưởng Tập Cận Bình về “cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh” cũng mang hơi hướm triết lý này – và Tập đi thăm nước Lỗ, nơi sinh Khổng Tử, trích dẫn công khai lời dạy của vị “vạn thế sư biểu”.

THẾ KỶ Ô NHỤC

Những cuộc đối đầu lịch sử thế kỷ 19, 20 vẫn hằn sâu nếp nghĩ của người Trung Quốc về thế giới.

Chiến tranh Nha phiến giữa thế kỷ 19 chứng kiến những nhà buôn phương Tây dùng bạo lực để mở cửa Trung Hoa. Phần lớn thời gian từ thập niên 1840 đến thập niên 1940 được nhớ tới như “một thế kỷ ô nhục”, một thời tủi hờn biểu hiện sự nhu nhược của Trung Hoa khi đối diện với sự xâm lược của người phương Tây và người Nhật Bản. Cái giai đoạn mà TH phải nhường Hong Kong cho Anh quốc, lãnh thổ đông bắc Mãn Châu cho Nhật Bản, cùng với nhiều đặc quyền thương mại cho hàng loạt nước phương Tây. Vào giai đoạn hậu chiến, chính Liên Xô còn tạo ảnh hưởng của họ lên các vùng biên giới giáp ranh – Mãn Châu và Tân Cương.

Kinh nghiệm quá khứ ấy tạo ra mối hồ nghi đối với các ý định của thế giới bên ngoài. Ngay cả các động thái có vẻ hình thức, như việc chấp nhận TQ vào WTO năm 2011, về cảm nhận tinh thần, vẫn bị xem là “các thỏa thuận bất công” khi nền thương mại TQ bị các nước ngoài chế ngự - một tình huống mà ngày nay đảng CSTQ quyết không bao giờ để xảy ra lần nữa.  Hồi tháng ba năm nay, cuộc họp toàn thể đầy khúc mắc giữa các nhà đàm phán Trung-Mỹ ở Alaska, người ta thấy người TQ phản bác người Mỹ với chỉ trích nước chủ nhà “trịch thượng, đạo đức giả”. TQ của Tập không chịu nổi ý tưởng người ngoài xem thường họ mà tránh khỏi trừng trị.

ĐỒNG MINH KHÔNG TÊN (Forgotten ally)

Tuy nhiên, ngay cả các biến cố khủng khiếp cũng đưa lại nhiều thông điệp bổ ích hơn. Một thông điệp như thế đến từ giai đoạn thời đệ nhị thế chiến, Trung Hoa chiến đấu đơn độc với Nhật sau khi bị xâm chiếm năm 1937, trước cả lúc các đồng minh phương Tây tham gia chiến tranh châu Á ở Trân Châu Cảng năm 1941. Trong các năm đó, TH hy sinh hơn 10 triệu người, cầm cự với hơn nửa triệu quân Nhật ở lục địa, một chiến công vinh danh lan tràn trên sách vở, phim ảnh, truyền hình.

Trung Quốc ngày nay tự thể hiện họ là thành viên “đồng minh chống phát xít” bên cạnh Hoa Kỳ, Anh quốc và Liên Xô, tự cho mình là nền tảng đạo lý để nhắc cho thế giới thấy vai trò của họ là người chiến thắng chống phe Trục (Đức-Ý-Nhật)

TQ còn dựa vào vai trò lịch sử - lãnh đạo thế giới thứ ba, thời Mao (ví dụ tại hội nghị Bandung 1955, và các dự án như thiết lập đường sắt tại đông Phi thập niên 1970) để đánh bóng thành tích là nước đứng đầu trong thế giới không có phương Tây.

Lịch sử hiện đại vẫn còn quan trọng cho tính chính danh của họ. Tuy một số yếu tố lịch sử đó – nhất là nạn đói kinh hoàng gây ra bởi chính sách kinh tế tai họa của Đại Nhảy Vọt từ 1958 đến 1962- hầu như bị lãng quên trong một TQ ngày nay. Và một số cuộc chiến tranh đương đại còn được sử dụng với mục đích xách động nhiều hơn. Một năm sóng gió quan hệ Mỹ-Trung là một năm xuất hiện nhiều bộ phim mới, kỷ niệm cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cuộc xung đột mà người TQ nhớ tới với một cái tên khác “Cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

CHỦ NGHĨA MÁC

Con đường lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê vẫn hằn sâu trong tư tưởng chính trị ở người TQ, lại đang được hồi sinh mạnh mẽ thời Tập Cận Bình.

Cả thế kỷ 20, Mao Trạch Đông và các lãnh đạo chính trị cộng sản cao cấp mở ra các cuộc tranh biện lý thuyết về chủ nghĩa Mác, hậu quả thật khôn lường.  Lấy ví dụ, khái niệm “đấu tranh giai cấp” đưa đến việc sát hại hàng triệu địa chủ trong những năm đầu cầm quyền của Mao. Ngay cả “giai cấp” không còn ưu tiên trong sự định hình xã hội, ngôn ngữ chính trị ngày nay vẫn hình thành bởi ý tưởng “đấu tranh”, “đối kháng”, khái niệm “chủ nghĩa xã hội” đối nghịch với “chủ nghĩa tư bản”.

Các tạp chí lớn, như tờ Cầu Thị thuộc cơ quan tuyên giáo của đảng, đều đặn lập luận “mâu thuẫn” trong xã hội TQ là dựa vào lý thuyết mác-xít. TQ của Tập định nghĩa cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là cuộc đấu tranh có thể hiểu là sự “đối kháng”, theo chủ nghĩa Mác. Điều đó cũng đúng đối với các lực lượng kinh tế trong xã hội, sự tương tác của chúng – những khó khăn trong phát triển kinh tế và giữ sự phát triển ấy lành mạnh thích hợp được lý giải qua sự mâu thuẫn. Theo chủ nghĩa Mác cổ điển, khi bạn đạt đến điểm thống nhất, hoặc sự tổng hòa, thì trước đó phải kinh qua những giai đoạn “đối kháng” thường đau đớn, kéo dài. (Gọi là thời kỳ quá độ?)

VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN

Bắc Kinh nhấn mạnh số phận không thể lay chuyển của đảo Đài Loan họ luôn minh định phải thống nhất với lục địa Trung Hoa.

Tuy nhiên, lịch sử thế kỷ qua của Đài Loan cho thấy vấn đề hiện trạng của nó mờ nhạt trong nền chính trị Trung Hoa. Năm 1895, sau cuộc chiến đẫm máu với Nhật Bản, TH buộc phải mất Đài Loan, để nó trở thành thuộc địa của người Nhật nửa thế kỷ tiếp theo. Từ 1945 đến 1949, Đài Loan thống nhất ngắn ngủi dưới chính quyền quốc gia. Dưới thời Mao, TQ bỏ lỡ cơ hội thống nhất đảo quốc; chính quyền Truman của Mỹ lẽ đáng trao trả lại cho Mao nếu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không tham gia cùng người Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn năm 1950, đưa đến Chiến tranh Triều Tiên, bất ngờ biến Đài Loan thành đồng minh trọng yếu trong chiến tranh lạnh.

Mao tổ chức tấn công bờ biển Đài Loan năm 1958, nhưng rồi quên đi lãnh thổ này 20 năm sau đó. Sau khi Hoa Kỳ và TQ tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, có một thỏa thuận không mấy dễ dàng, theo đó các bên nhất trí Một Trung Quốc, nhưng lại không nhất trí chế độ Bắc Kinh hoặc Đài Loan, bên nào là nước cộng hòa chính danh.

Bốn mươi năm trôi qua, Tập Cận Bình khẳng định phải sớm thống nhất trong lúc luận điệu hiếu chiến và số phận Hong Kong khiến cho công chúng Đài Loan – công dân tự do dân chủ - ngày càng căm ghét liên hệ gần hơn với lục địa Trung Hoa.

Ảnh đăng trong bài báo:

Bài của Giáo sư Rana Mitter, đại học Oxford đăng trên BBC. Nguyễn Long Chiến dịch theo https://www.bbc.com/news/world-asia-58969969