Saturday, February 3, 2024

XUNG ĐỘT NHÀ NƯỚC VỚI DÂN TẠO RÚNG ĐỘNG VÀ SÔI BỎNG Ở VIỆT NAM

(State vs people conflict rocks and roils Vietnam)

“Những cuộc chạm trán gây thương vong cảnh sát và dân làng ở Đồng Tâm đe dọa sự ổn định và thế đứng của quốc gia cộng sản.” (Lethal police-villager clashes at Dong Tam threaten communist nation’s stability and standing)

Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì xảy ra chính xác tháng này trong một biến cố giết chết ba cảnh sát và một người phản kháng già cả trong vụ tranh chấp đất kéo dài ở xã Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội.

Theo tường thuật, ước lượng có 3000 cảnh sát chống bạo động tiến hành một cuộc truy quét sáng tinh mơ để đuổi cư dân đi và dựng một hàng rào quanh 59 hectare đất quy hoạch sân bay quân sự tại xã, cuộc chạm trán nổ ra, căng thẳng tương tự năm 2017 với hàng chục cảnh sát bị dân làng bắt giữ làm con tin.

Theo nguồn tin truyền thông nhà nước, cảnh sát bị các cư dân giận dữ tấn công trước bằng lựu đạn thô sơ và bom xăng trong cuộc chống trả. Số người dân không rõ bao nhiêu đã bị bắt giữ, trong đó một số bị cáo buộc về tội giết người.

- Tường rào sau cảnh tấn công ở xã Đồng Tâm, ảnh Twitter/VNExpress.

Các cuộc đụng độ giữa nhà nước và người dân đánh dấu con số ngày càng nhiều những phản kháng quyết liệt của quần chúng cơ sở chống lại chính quyền cộng sản và các quy hoạch áp đặt thông thường từ trung ương lên đất đai mà người dân cho là của họ. Theo luật, tất cả đất đai thuộc sở hữu nhà nước độc đảng (By law, all land is owned by the one-party state – người nước ngoài có lẽ không hình dung sở hữu toàn dân nên bảo đất đai sở hữu nhà nước -ND)

Bạo động cũng thu hút sự chú ý quốc tế; các tổ chức nhân quyền lên án các giới chức chính quyền lạm dụng quyền lực và sử dụng mạng xã hội như vũ khí (weaponized) trấn áp người nào đề cập đến biến cố.

Sự phê phán quốc tế đó xuất hiện trong giai đoạn bất lợi đối với Việt Nam trong khi cộng đồng Châu âu (EU) chuẩn bị bỏ phiếu một thỏa thuận mậu dịch tự do mới và các chỉ trích ngày càng tăng của giới dân biểu Mỹ về thành tích nhân quyền ở VN.

VN Express, một tờ báo quốc doanh hoạt động trong bối cảnh kiểm duyệt chặt chẽ, ghi nhận các phản đối về đất đai là thường xuyên, nhưng “đây là lần đầu tiên trong nhiều năm có ba cảnh sát bị giết chết một lần”.

Bộ công an tuyên bố dân tấn công cảnh sát trước trong khi thông tin trên mạng xã hội cho rằng cảnh sát kích động đụng độ bằng việc tấn công hỏa lực vào nhà ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, đại diện lớn tuổi nhất cho những người phản kháng.

Một tiếng đồng hồ trước cuộc tấn công tản sáng (tác giả nhầm lẫn không khi internet nghe nói bị cắt?), các đại diện của xã đăng một video trên mạng tuyên bố họ sẽ bảo vệ đất bằng bất cứ giá nào và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ họ chống “giặc nội xâm”, có nghĩa là “bọn lấn chiếm” (invaders) hoặc “kẻ xâm lược bên trong” (“internal aggressors”).

Đây là từ thường dùng của ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, một người có quyền lực lớn nhất nước, để gọi những người hoạt động dân chủ và các quan chức tham nhũng.

- Chủ tịch nước, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc gặp quan chức cấp cao ở Hà Nội

Theo quân đội và các quan chức nhà nước, đất đang tranh chấp trực thuộc quân đội từ năm 1968, dân làng đã chiếm dụng trái phép hàng mấy thập niên. Ngược lại, người dân nói họ đã canh tác đất ấy ít nhất từ những năm 1980, có đóng thuế, đóng nghĩa vụ sử dụng đất cho chính quyền.

Lãnh tụ phản kháng đã chết Lê Đình Kình là một trong những người bị bắt vào tháng 4 năm 2017 khi dân làng phản đối dự định tịch thu ruộng đất của họ dọn đường cho việc xây dựng xưởng sản xuất của Viettel, một tổng công ty quân đội tầm cỡ.

Điều này thúc đẩy dân làng bắt giữ 38 cảnh sát và quan chức địa phương làm con tin trong một tuần lễ, một cuộc đối đầu chấm dứt yên bình nhờ sự can thiệp của chủ tịch ủy ban nhân nhân thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.

Nhưng cuộc tranh chấp tiếp tục âm ỉ. Tháng bảy, 2017, các tòa án Hà Nội ra phán quyết có lợi cho tuyên bố chủ quyền bên quân đội, trong khi tháng 10 năm ngoái, các giới chức chính quyền lần nữa lại ra lệnh dân làng chấp thuận một khoản đề nghị bồi thường không đáng kể để họ trả lại đất.

Tuy nhiên nhiều tháng trước đó, một tòa án khác của Hà Nội tuyên phạt 14 quan chức các án tù dài hạn vì lợi dụng chức quyền trong nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp đất Đồng Tâm. Tuy vậy, các giới chức chính quyền lại đổ tội cho những người phản kháng về những đụng độ gần đây.

Dây cáp điện thoại và internet nghe nói là bị cắt ở những vùng gần xã Đồng Tâm, những người bên ngoài bị cấm không cho vào nơi xảy ra biến cố theo khoanh vùng của cảnh sát vẫn còn duy trì.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, còn có tên là Anh Chí, cho biết một luật sư trước đây trợ giúp dân làng trong các cuộc tranh tụng đã bị cảnh sát ngăn không cho đi vào xã.

Những video lưu truyền trên mạng cố ý cho thấy vợ ông Kình bị băng bó (ông này nhầm khăn tang trên đầu chăng?) sau trận tập kích và bị cảnh sát tra khảo. Bà nói chồng mình bị cảnh sát bắn bốn phát, hai phát thẳng vào đầu.

- Lãnh tụ đối kháng bị giết Lê Đình Kình, ảnh tư liệu BBC, ban Việt ngữ.

Trong khi đó, các tin tức cho biết chính quyền đã khóa tài khoản ngân hàng của một nhà hoạt động khác nhận tiền giúp đỡ gia đình ông Kình sau khi ông bị giết.

Thứ trưởng bộ công an ông Lương Tam Quang tuyên bố con ông Kình và anh em họ đã nhận tiền từ các phần tử và các nhóm chống đối nước ngoài nhưng lại không trưng ra bằng chứng nào.

Cuộc điều tra quốc tế về biến cố đang gia tăng.

Phó giám đốc tổ chức theo dõi Nhân quyền quốc tế, ông Phil Robertson, kêu gọi một cuộc điều tra trung thực và minh bạch về biến cố, để biết chuyện gì thật sự đã xảy ra và  liệu xem cảnh sát có sử dụng quá mức vũ lực hay không.

Hôm 13 tháng giêng, cảnh sát Hà Nội thông báo họ sẽ mở cuộc điều tra đối với 20 nông dân xã Đồng Tâm với tội giết người, cả con ông Kình, anh Lê Đình Công, cũng là người đại diện trong suốt cuộc tranh chấp đất kéo dài.

“Quyết định của Việt Nam truy tố đến 20 dân làng về tội giết người trong khi họ không đá động tới các hành vi của hàng ngàn nhân viên an ninh…dấy lên những quan ngại nghiêm trọng rằng chỉ có một bên trong cuộc tranh chấp sẽ chịu trách nhiệm cho việc bạo động, kéo dài nhận thức bất công và tạo thêm nhiều người tuẫn tiết vì bất bình chống lại chính quyền Việt Nam”. Ông Robertson nói với Asia Times như thế.

Giới chức chính quyền rõ ràng nhạy cảm đối với chuyện bạo liệt của nhà nước bày ra trước mắt công chúng, vì Việt Nam chứng kiến ngày càng nhiều những cuộc phản kháng đấu tranh trong những năm gần đây. Sự xung đột mới nhất này xảy ra khi Trung ương đảng Cộng sản chuẩn bị đại hội vào đầu năm 2021, lúc các đại biểu trong đảng sẽ bầu chọn hàng ngũ lãnh đạo mới.

- Một viên cảnh sát ngăn cản các nhà phóng viên chụp ảnh, nguồn Facebook.

Bất ổn quần chúng là điều Đảng không muốn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Việt Nam bị chao đảo bởi các cuộc phản kháng cả nước năm 2016 sau khi một nhà máy thép do Đài Loan sở hữu đổ hàng tấn chất thải độc hại vào các vùng biển miền Trung, làm nhiễm độc nhiều vùng nước biển và cả trong lòng đất.

Tháng 6 năm 2018, những cuộc xuống đường biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ xảy ra khắp nước nhằm phản đối một dự luật về các đặc khu kinh tế mà nhiều người thấy là sẽ mở đường cho việc người Trung Quốc mua mất đất Việt Nam.

Ngày 10 tháng giêng, một facebooker có tên Chung Hoang Chuong (với cái nick Lucky Chuong) bị bắt ở Cần Thơ vì đăng tin về cuộc bố ráp (raid) của cảnh sát ở Đồng Tâm, trong lức đài Á Châu Tự Do ban Việt ngữ nhận một thông báo “rút bỏ” của Youtube ngày 11 tháng giêng vì vi phạm “quy tắc cộng đồng” sau khi tường thuật về biến cố đó.

Trong những năm gần đây, các công ty internet như Facebook và Youtube sẵn lòng kiểm duyệt nội dung mà giới chức đảng Cộng sản đánh dấu để tuân thủ luật an ninh mạng khắt khe ban hành đầu năm 2019. Không kiểm duyệt được những nội dung được cho là quan trọng đối với đảng Cộng sản sẽ ảnh hưởng nặng nề tới lợi nhuận của các công ty mạng lưới toàn cầu hoạt động tại Việt Nam.

Thực tế, RFA tường thuật rằng một tờ báo quốc doanh, Hà Nội Mới, ngày 11 tháng giêng trích lời một quan chức bộ Thông tin và Truyền Thông nói rằng Facebook và Google - chủ sở hữu You Tube, tích cực trong việc gỡ bỏ nội dung “sai trái” khỏi các diễn đàn của họ ở Việt Nam những tuần gần đây.

Nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng sự xung đột Đồng Tâm sẽ không đánh dấu chấm hết cho những vấn nạn tranh chấp đất đai sôi sục, cho đến nay vẫn là những vấn nạn bùng nổ mang tính chính trị và xã hội nhạy cảm nhất ở Việt Nam ngày nay.

Ví dụ năm ngoái thôi, có những cuộc phản ứng nhỏ sau khi chính quyền phá hủy 112 căn nhà ở vườn rau Lộc Hưng, thành phố Sài Gòn, một mảnh đất giáo hội Công Giáo nói họ làm chủ và là nơi trú ngụ của nhiều thương phế binh VNCH.

“Nhiều tranh chấp về đất đai liên quan đến các dự án công cộng hoặc dự án mà nhà nước thu hồi trên danh nghĩa các công ty quốc doanh như trường hợp Đồng Tâm sẽ còn xảy ra trong tương lai.” Đó là nhận xét của ông Lê Hồng Hiệp, thành viên viện nghiên cứu Yusof Ishak ở Singapore viết ngay sau các cuộc xung đột.

Cách thức VN xử lý vấn đề này có thể ảnh hưởng việc tiếp cận các thị trường nước ngoài và quan hệ an ninh trọng yếu với Hoa Kỳ.

Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu trong tháng tới liệu có chuẩn thuận hiệp định tự do mậu dịch EU-Việt Nam (EVFTA) hay không, một bước đột phá quan trọng đối với Hà Nội vì Cộng đồng châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN.

Mặc dù thỏa hiệp được Ủy hội châu Âu thông qua, một số các nghị viên được biết đang lưỡng lự về việc ghi nhận các điều khoản ưu ái Việt Nam với điều kiện phải có những cải thiện dân chủ cơ bản hoặc có những tiến bộ về nhân quyền.

Hoa Kỳ, hiện đang coi Việt Nam là một trong những đồng minh chính của họ ở Đông Nam Á, đã làm ngơ đối với các chiến thuật đàn áp của Hà Nội kể từ chính quyền Barack Obama.

Tuy thế, những năm gần đây, một số dân biểu Mỹ đã yêu cầu Washington phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Việt Nam về nền chính trị quốc nội, kêu gọi một cách công khai cần có những biện pháp cấm vận đối với số đảng viên Đảng Cộng sản liên hệ đến việc lạm dụng quyền hạn của mình.

Bài của DAVID HUTT  trên Asia Times ngày 18 tháng 1 năm 2020. Nguyen Long Chien dich.