“Sau khi lập biên bản xác minh thông tin từ đường dây nóng về việc "thầy giáo bán khẩu trang với giá cao", Cục Quản lý thị trường Cà Mau đã bàn giao vụ việc cho ngành giáo dục”. (Báo Zin.Vn đăng lúc 19.02 ngày 03.03.2020. Lưu ý “đường dây nóng”).
“Tuy nhiên, thầy T. đã thành thật nhận vi phạm của mình và cam kết không tái phạm trong thời gian tới. Do đó, các thành viên cuộc họp thống nhất kiểm điểm thầy giáo này và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được tái phạm”. (Báo Giáo dục thời đại lúc 15:19 ngày 4.3.2019).
Nhiều người bảo đây là “chuyện bé xé ra to”. Không thể bé được, chuyện bán khẩu trang, khi lướt qua hai đoạn “tường thuật nóng bỏng” của hai tờ báo trích dẫn (trong nhiều bản tin ở các báo khác). Bé sao được khi truyền thông chính thống nói tới? Trước đó cũng có cả “hệ thống chính trị” vào cuộc như quản lý thị trường tỉnh, sở giáo dục, ủy ban nhân dân huyện, hiệu trưởng và tất cả thầy cô giáo trường trung học cơ sở, nơi thầy giáo “phạm tội” (lũng đoạn thị trường, làm sai chủ trương chống dịch của chính phủ…?)
Có người không hiểu vấn đề nên cho là “bé”: trên đường ra thành phố Cần Thơ về, thầy giáo T. mua một hộp khẩu trang (50 cái), giá 2600 đồng/cái, về thầy bán lại cho học sinh giá 3000 đồng/cái, lợi nhuận (Các Mác căm thù cái này lắm) 400/cái. “Hàng hóa” tiêu thụ 20 cái trong 2 ngày (kỷ lục bán hàng qua mạng còn thua xa); tổng số lãi sau thương vụ là 8.000 đồng (gần một vạn đồng!).
Thầy giáo “thành khẩn” nhận sai phạm sau khi được kiểm điểm “tận tình” của các đồng nghiệp cấp trên cũng như cán bộ có liên quan.
Dư luận của thế lực thù địch (?) biết được chuyện đã lên tiếng dữ dội (cũng tại cái thằng Facebook nhiều chuyện), phê phán cán bộ ở Cà Mau lấy dao mổ trâu mần thịt gà (biếm họa Tuổi Trẻ Cười), và lên án ông hiệu trưởng, người đầu tiên “phát hiện” một “thương vụ” mà giáo viên của ông tham gia. Nhiều bác biện lý lẽ, người ta bán một cái khẩu trang mấy chục ngàn đồng; nhiều tiệm thuốc tây ở Hà Nội thẳng thừng “không có khẩu trang, đừng hỏi”, có ai “vào cuộc” chưa? Người dân xếp hàng rồng rắn để mua khẩu trang mà không có thì người mua được ở xa mấy chục cây số nơi “tiêu thụ sản phẩm” về nhường lại cho học sinh, lời 400 đồng/ cái là quá lớn hay sao? Hơn nữa bây giờ đâu có tờ 200 đồng để thối. Học sinh ở cái Đầm Dơi này không có khẩu trang để hạn chế lây lan bệnh quan trọng hơn hay chênh lệch 400 đồng quan trong hơn? Ôi thôi, “thế lực thù địch” trên mạng này quả là rỗi hơi, lo toàn chuyện bao đồng.
Thầy giáo nghèo kia được dư luận khắp nơi bênh vực, cho rằng thầy không sai, giá 1 khẩu trang toàn nước chính thức là bao nhiêu, mua 2600 bán lại 3000 đồng/cái là phạm pháp? Cơ quan kỷ luật thầy là sai vì hành động quá đáng. Ông hiệu trưởng làm luôn việc của quản lý thị trường, của cảnh sát kinh tế? Đồng nghiệp nghèo phải bị nêu tên cả nước có đáng là “thành tích” cho trường, cho ông, cho huyện, cho cả tỉnh Cà Mau? “Tình nghĩa” thầy với thầy như vậy làm sao mà đòi hỏi tình nghĩa người được thầy dạy là trò với trò?
Thầy giáo nghèo tội nghiệp còn lãnh búa rìu nặng nề hơn khi cho rằng mình…sai, các quan chức định kỷ luật thầy là đúng, trong khi xã hội, những người lương thiện, đều cho thầy không sai và ra sức bênh vực thầy. Họ cảm thấy hụt hẫng và cho rằng thầy…hèn nhát, không dũng cảm, đã phụ lòng của họ. Nhà cháy lại còn đạp đinh. Tội nghiệp cho thầy, có cái gì đó bất nhẫn ở đây chăng.
Thầy giáo nghèo không có chọn lựa nào hơn ngoài đi dạy, cả người vợ của mình.Thầy sống và cảm nghiệm trong môi trường giáo dục, người thầy không phải làm tròn trách nhiệm với học sinh là đủ. Thầy còn phải có trách nhiệm với ông hiệu trưởng, với phụ huynh, với các “hệ thống chính trị” khác nữa. Đời sống của thầy chỉ có một chọn lựa duy nhất: chấp hành, chấp hành, và chấp hành. Thầy thấy nhãn tiền, chỉ với 8000 đồng, chưa tới một ly nước uống, cuộc đời của thầy như bão nổi mấy ngày nay, huống hộ chuyện “lớn hơn” trong tương lai, nếu thầy không chấp hành tổ chức công nhận mình đã…sai (dù có thể trong lòng thầy đầy ấm ức). Thầy có lẽ đã hình dung câu “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” nên vui lòng chấp nhận mình hoàn toàn sai. Thầy là người không dũng cảm?
Nhiều người bảo hèn nhát là phân bón cho độc tài. Hết sức đúng. Nhưng thử hỏi gần 100 triệu dân (tôi tính luôn 4 triệu đảng viên) có ai dám làm khác thầy trong hoàn cảnh ở Đầm Dơi? Nếu có, ngoài số vô tù vì đấu tranh cho mục tiêu dân chủ, tôi đoán chỉ đếm được vài ngàn (trong đó coi chừng không có tôi!). Đến những vị chức vụ nằm tóp tót vời khi về hưu, lúc gần gặp Lê Nin, Các Mác, mới dám “thỏ thẻ” những điều ruột gan chân thật của mình, tôi nhấn mạnh, chỉ “thỏ thẻ” thôi, huống hồ những người khác?
Phải nhìn nhận người ta rất thành công khi hình thành một xã hội mà sự sợ hãi là cách thức quản trị ưu tiên nhất chứ không phải luật pháp ưu tiên nhất (thượng tôn luật pháp, Rule of Law).
Võ Nguyên Giáp, người hùng của chiến tranh chống Pháp, cho chúng ta thấy, nếu không biết sợ hãi, thì ông đã không nhận công việc đại tướng phụ trách “sinh đẻ có kế hoạch”.
“Nhỏ” hơn là các người trí thức như Xuân Diệu lúc tham gia cách mạng, cùng với nhiều văn sĩ, thi sĩ khác, nếu có dũng cảm đã không “đoạn tuyệt” các tác phẩm ruột gan của mình như Thơ thơ, Gửi hương cho gió, vì chúng bị lên án quá “ủy mị, lãng mạn, sặc mùi tiểu tư sản, toàn than mây khóc gió”…(trong khi đời thơ của ông thật sự gắn liền với hai tác phẩm đó). Nguyễn Tuân tâm sự: tôi còn đến bây giờ cũng nhờ tôi biết sợ. Ông lẩy Kiều “Bắt ở trần phải ở trần. Cho may-ô (áo lót phân phối) mới được phần may-ô” (Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao- Nguyễn Du).
So với thầy giáo ở Đầm Dơi, dũng cảm của các vị trên hẳn cao muôn trượng. Mắng thầy “hèn nhát” e sẽ mang tội quá nóng nảy không.
Trong một xã hội pháp luật thống lĩnh, ông thầy tội nghiệp kia sẽ không còn phải sợ hãi ai khi mình không làm gì phạm pháp chứ không phải chỉ nghe 2 từ "kiểm điểm" thôi, thầy đã "hồn phi, phách tán".