"Cuộc đời như mây nổi như gió thổi như chiêm bao".
Ngắt câu này ra khỏi một bài thơ dài của Nguyễn Công Trứ không nói lên ý muốn của tôi. Cuộc đời sao mà ảm đạm. Không phải như thế. Người yêu cuộc sống hăm hở nhất trong các nhà thơ "cổ" VN không ai ngoài Uy viễn tướng công.
Từ lúc làm người quảy đạo cụ cho gánh hát nói (hát ả đào), ông đã tỏ ra yêu đời lắm lắm.
Còn thiếu niên nhưng Uy viễn tướng công rất yêu phụ nữ xinh đẹp. Thấy đôi gò "bồng đảo" của người đào chính, Nguyễn Công Trứ không kìm giữ được khao khát gái trai. Ông không cưỡng nổi khi thấy: "Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm. Một lạch đào nguyên nước chửa thông"(Hồ Xuân Hương).
Khi là đại tướng, vốn yêu đào nữ, ông mời đoàn hát nói về phủ, tình cờ có "giai nhân xưa" cất tiếng hát, "Giang sơn một gánh giữa đồng; thuyền quyên "ứ hự" anh hùng nhớ chăng ?". Sao không nhớ chứ; quãng thời gian làm thuê gánh mướn, giữa đồng, làm chuyện "thuyền quyên" trong đêm tối... đến nỗi giai nhân "ứ hự", nhắc nhở "thằng nhóc ranh", ông bèn lấy nàng làm hầu thiếp (Trai năm thê bảy thiếp).
Chỉ học một bài thơ của một thi sĩ, lũ học sinh chúng tôi bỗng yêu người rồi yêu đời. Đọc tiểu sử của Nguyễn Công Trứ, chúng tôi muốn: " Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả trả vay. Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể"
Thơ văn nung nấu ý chí con người. Thời buổi chúng tôi trong chiến tranh, ý chí ấy lại nung nấu... nồi da xáo thịt.
Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh là những anh hùng nằm sâu trong lòng đất, tên tuổi nêu danh khắp mọi miền. Anh hùng thời đại Nguyễn Công Trứ: "Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong. Chí những toan xẻ núi lấp sông. Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.. Đường mây rộng thênh thênh cử bộ. Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo. Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu".
Anh hùng của Nguyễn Công Trứ không là tượng đài, không là những bài học lịch sử, không là lăng miếu chứa xác anh hùng. Anh hùng của Nguyễn Công Trứ chỉ là: "Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo".
Nguyễn Công Trứ.