Friday, March 1, 2024

GA TÀU THỦY

Cái tên gọi dậy sóng; không hẳn nó sai văn phạm hay sai ý nghĩa. Nếu có ga hàng không thì tại sao không có ga hàng hải (có tàu thủy)? Ga xuất xứ từ gare tiếng Pháp. Người Pháp xâm lược nhưng có người Pháp chúng ta mới có đường xe lửa xuyên Việt. Ga do đó rất thân thương. Ga (Gare) là chỗ dừng và đi của tàu lửa. Chỗ diễn ra trùng phùng và chia tay. Người ta “nổi lửa” với mấy chữ Ga Tàu Thủy, một phần vì không ai gọi như vậy, nhưng phần chìm, chính là phân biệt Nam-Bắc. Bực dọc từ lâu cho cái chuyện Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất.

Vì sao lòng người Nam-Bắc không thống nhất dù đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ nay? Vì trước đây, miền Nam không theo cộng sản; miền Bắc thì ao ước “thế giới đại đồng”. Chiến tranh.

Bây giờ mà nói Nam-Bắc “phân tranh”, không khéo người nói sẽ sa vào tội “gây chia rẽ dân tộc”. Nam-Bắc phân làm hai không hẳn do chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Thời Pháp thuộc, thực dân rất am hiểu nội tình. Họ khôn ngoan khi chia Việt Nam thành ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ. Mỗi kỳ có một chế độ chính trị riêng. Chia để trị. Thời 1954-1975, ba kỳ dồn thành hai: Nam kỳ và Bắc kỳ, phân chia ở vĩ tuyến 17, bởi sông Hiền Lương (một sông Gianh thời Trịnh Nguyễn).

Sau tháng 7, 1954, Bắc (kỳ) vẫn còn là anh em với Nam (kỳ). Gần một triệu người bỏ nhà cửa, ruộng vườn, dòng tộc, mồ mả cha ông, gồng gánh vào Nam (kỳ). Một cuộc chia ly chưa từng có trong lịch sử lập quốc và giữ nước của dân tộc Việt. Lý do, ai ai cũng biết: Trốn chạy cộng sản. Cộng sản là lý tưởng. Không còn bóc lột. Không còn giai cấp. Mọi người bình đẳng. Có những cuộc “san bằng” giai cấp: Đấu tố địa chủ, phú nông- giai cấp bóc lột.

Vì sao người dân Việt Nam, hàng triệu người,  một lòng từng đứng dưới  ngọn cờ dân tộc, Hồ Chí Minh giương cao, lại trốn chạy thể chế cộng sản? Một thể chế mà cả cuộc đời của ông, không vợ, không con, hy sinh cả tuổi thanh xuân để phấn đấu nhằm mang lại cho dân tộc Việt Nam,  bị dày xéo dưới gót giày thực dân Pháp, một cuộc sống ấm no, độc lập, tự do và hạnh phúc.

Những người miền Bắc di cư vào Nam không hề mê muội. Không hề nghe theo luận điệu “Chúa đã vào Nam”.  Họ rất tự do: Không ai ép họ bỏ quê hương miền Bắc thân yêu để vào một nơi xa lạ miền Nam. Họ rất sáng suốt. Họ sáng suốt quyết định vì họ quý trọng tự do, hơn mạng sống.

Những người Bắc di cư được người Nam đón nhận, chan hòa. Không hề phân biệt Nam-Bắc. Họ thương đồng bào mình- những người trốn chạy cộng sản, trốn chạy độc tài. Người Bắc nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ VNCH ở miền Nam.

Không hẳn họ là những người theo đạo công giáo. Họ thuộc thành phần trí thức. Hầu như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ và thành phần trí thức khác đều có gốc Bắc kỳ. Họ nổi trội. Đó là sự thật. Nếu thống kê nguồn gốc xuất thân, người gốc Bắc, trong đó đa phần là người di cư- đều nằm trong hàng ngũ hay tầng lớp ưu việt sinh sống ở miền Nam sau 1954.

Nhiều nhóm dân cư “Bắc kỳ” đóng góp rất nhiều trong sự phát triển của miền Nam, không phải chỉ có tầng lớp trí thức. Không có sự phân biệt Nam-Bắc trong thời kỳ VNCH (đệ nhất cũng như đệ nhị). Vì sao? Người Nam là người Bắc. Người Nam không thể là người Chiêm Thành, người Chân Lạp. Dù hai dân tộc này đóng góp vào sự phát triển của người miền Nam.

“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ

Này cô em tóc demi garcon,

Chiều hôm nay xuống đường đón gió,

Cô có tình cờ,

Nhìn thấy anh không?

Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ

Này cô em có nụ cười ngây thơ

Thành khi không quãng đường im gió,

Không gió lấy gì lang thang,

Cô có thương thầm anh không?

Nếu coi những người Bắc vào Nam sau 1975 như người Bắc vào sau 1954, thì sẽ không có tình tự yêu thương như những câu hát Phạm Duy phổ từ thơ của một thi sĩ miền Nam.

Vì sao? Cô Bắc kỳ nho nhỏ này không phải là đoàn viên thanh niên CS HCM. Nếu cô là đảng viên, đố ông nội thi sĩ, đố ông ngoại nhạc sĩ nào dám giỡn mặt.

Ý thức hệ cộng sản và không cộng sản chia rẽ dân tộc Việt Nam. Đó là một bi kịch lịch sử của đất nước.

Trở lại câu chuyện ban đầu: Ga tàu thủy (Bạch Đằng). Hầu như mọi người đều cho, cái tên này không do người Sài Gòn đặt. Ở Sài Gòn, từ nhỏ chí lớn, từ trẻ tới già, từ bình dân đến trí thức, không ai gọi ga (Bạch Đằng). Họ gọi là bến. Bến Bạch Đằng.

Như tôi nói ở đầu bài, ga tàu thủy cũng không khác ga hàng không. Ga là gare trong tiếng Pháp. Ga xe lửa hay ga tàu lửa (sau này). Tàu lửa, tàu bay, tàu thủy có ga được không? Tại sao tàu lửa, tàu bay có ga mà tàu thủy lại không? Bất công đấy chứ. Ngôn ngữ do con người chế ra mà.

Nhưng trong chỗ thầm kín, người miền Nam- thực ra là người Sài Gòn- không thích hay không chấp nhận những cái họ cho là bị “áp đặt”. Tại sao không gọi là giao lộ (như ngã tư) mà gọi là nút giao? Tại sao không gọi bùng binh hay vòng xoay mà gọi là vòng xuyến? Có thể người đặt những danh xưng đó có thẩm quyền: đặt theo suy nghĩ của họ. Nếu người có thẩm quyền ấy không phải là người Nam, người Sài Gòn, thì nút giao, vòng xuyến là thể tất. Nhưng cách đặt tên ấy rất “trái tai “ người Sài Gòn.

Bao đời nay, người dân Sài Gòn không quen với những cái tên ấy. Phản ứng của họ có thể hiểu được. Bên “Thắng cuộc” muốn đặt sao tùy ý. Nhưng bên “thắng cuộc” thì nghĩ từ ngữ quen thuộc với họ là OK?

Tôi gây ra chia rẽ vùng miền ư? Không. Trong sâu thẳm, người miền Nam (đa phần) vẫn nghĩ người miền Bắc là “kẻ chiến thắng”. Mặc cảm “kẻ thua cuộc” vẫn còn- đó là sự thật. Chỉ một tên gọi thôi cũng dấy lên trong lòng người “thua cuộc” mặc cảm ấy. Có thể nhiều người cho tôi giàu tưởng tượng. Không đâu. Đó là sự thật.

Phân chia Nam-bắc hay Trung kỳ- Bắc kỳ- Nam kỳ không phải chỉ có trong tư tưởng của bọn thực dân. Nó có trong tư tưởng của những người lãnh đạo cộng sản- không phải bây giờ mà là thời xửa thời xưa.

Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo kiệt xuất sau Hồ Chí Minh? Không. Tôi tìm hiểu và thấy ông cũng “thường thường bậc trung” nếu so với Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp.

Tại sao cụ Hồ giao ông chức vụ phó chủ tịch nước, chỉ sau cụ Hồ Chí Minh? Không phải Tôn Đức Thắng là nhà cách mạng kỳ cựu mà vì ông là người miền Nam lớn tuổi.

Phân chia Nam, Bắc, Trung thấy rất rõ trong cơ cấu guồng máy chính phủ. Không lúc nào, những chức vụ quan trọng trong đảng, trong chính phủ không “chia đều” cho ba “kỳ”. Chẳng lẽ, ba kỳ đều có những người thông tuệ như nhau? Hoặc Bắc, hoặc Trung, hoặc Nam. Thành phần ưu tú nhất VN lại ở đều ba vùng hay sao?

Phân chia như thế, những vị cầm giữ vận mệnh đất nước này thấy ra, có khác biệt thật sự trong ba miền, mà thật ra, khác biệt ấy rất rõ trong hai miền Nam-Bắc.

Có sự phân chia “trí tuệ” đồng đều giữa người của hai miền Nam-Bắc? Tôi cho là không.

Khi có dịp vào những nơi trọng yếu như cơ quan công an, viện kiểm sát, hải quan, sân bay... ở một số nơi, nhất là Sài Gòn, tôi thấy người nói giọng Bắc nhiều hơn người nói giọng Nam. Cũng phải thôi. Trước đây, sau 1954, những người nắm trọng trách trong guồng máy chính phủ ở miền Nam, hai phần ba, hay hơn phân nửa, là người miền Bắc.

Lịch sử tạo ra sự chênh lệch văn minh, văn hóa. Những người xuất xứ từ Thăng Long chắc chắn sẽ vượt trội hơn những người vùng khác, kể cả Thanh Hóa, Nghệ An- đất vua chúa, đất học. Thăng Long như cửa nước. Nó thu hút những con cá lớn về đó. Huế cũng thế. Nếu là thủ đô 1000 năm tuổi, chắc gì Hà Nội qua mặt nó. Sài Gòn cũng vậy. Nó là cửa ngõ thu hút nhân tài dù sự hình thành của nó chỉ là “đàn em” của Hà Nội, Huế.

Sự giao thoa văn hóa bắt đầu từ sự giao thoa chính trị. Những người tỵ nạn cộng sản- Bắc kỳ- được chào đón ở Nam kỳ. Nam kỳ và Bắc kỳ “di cư” thương nhau vì lý tưởng Tự Do.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, có tình thương nào giữa người Bắc và người Nam? Không. Người miền Nam có cảm giác bị người miền Bắc đánh ngã. Người miền Bắc mang sứ mệnh giải phóng người miền Nam. Nhưng, nói cho thật thà, người nghèo giải phóng người giàu? Người đói giải phóng người no? Người sống ràng buộc giải phóng người phóng khoáng? Có ai dám đả đảo chính phủ của mình như người miền Nam? Ai đả đảo chính phủ miền Bắc mà không khỏi vô tù?

Người miền Nam có cảm giác “thất thế”. “Thế” mà người Mỹ giương ra để bảo vệ miền Nam không cộng sản chấm hết. Mỹ qua VN để ngăn chặn Trung Cộng. Nay Mao bắt tay với Nixon. Miền Nam đâu có là “nghĩa địa” gì với chính quyền Mỹ. Mỹ bỏ rơi người miền Nam là hiểu được; tính cách của mấy chú Sam rất thực dụng.

So với sự phát triển kinh tế, những năm chiến tranh, miền nào hơn miền nào? Câu trả lời rất dễ. Ai ai cũng hiểu.

Hàng triệu người vượt biên, hàng trăm người bỏ mạng, nơi biển cả, giữa rừng sâu. Nỗi đau mất nhà, mất đất, mất tài sản, mất quyền sống, mất quyền công dân vẫn còn hằn sâu trong những gia đình có người sống dưới hai nền cộng hòa. Đó là sự thật. Đó là cái nhà đương cục, nay cũng như mai, cần để ý. Do hoàn cảnh lịch sử, bên nào cũng không nhìn bên nào như sự thực vốn có. Nam “quốc gia” nhìn Bắc “cộng sản” như hiểm họa dân tộc. Bắc (thắng cuộc) coi Nam (thua cuộc) như tay sai bán nước.

Ông Võ Văn Kiệt vì sao hiểu thấu và cảm thông VNCH? Vì gia đình ông bị đối phương giết chết vợ và các con. Chiến tranh gây tổn thất. Sau chiến tranh, người cộng sản này không lấy sự thù hận làm cách xử thế. Ông lấy tình thương đồng loại mà đối đãi với nhau: "Chiến thắng 1975 làm hàng triệu người vui; nhưng nó cũng làm hàng triệu người buồn”. Ai buồn, nếu đó không phải là người miền Nam?

Chiến tranh Việt Nam vẫn còn là một vết thương chưa lành. Tôi thành thật nhận xét. Mọi sự có thể gây hiểu nhầm đều nên hết sức tránh. Chữ “Ga tàu Bạch Đằng” có thể gây thêm một “Bạch Đằng giang" nữa. Vì sao? Vì Nam-Bắc chưa thật tâm hiểu nhau. Do đó, Nam-Bắc chưa thương nhau.

Hãy trân trọng tình cảm của nhau. Không ai thắng ai thua. Chiến tranh là điều bất hạnh cho dân tộc. Chia rẽ mới là sự thất bại. Chia rẽ mới là kẻ thù. Dẫu đó là chia rẽ rất nhỏ, trong cách gọi "Bến tàu thủy Bạch Đằng" hay "Ga tàu thủy bạch Đằng".