Tôi vừa có chuyến về quê Quảng Nam và Đà Nẵng. Ở Sài Gòn, khi định mua vé đi, con cái và bạn bè đều khuyên: ngoài đó “nguy hiểm” lắm, Corona đang theo chân du khách Trung Quốc. Ra “vùng nguy cơ” dịch, tôi mới thấy nỗi sợ hãi không như lúc chưa đi. Corona có chi mà khiếp sợ. Tôi thầm nghĩ.
Sân bay Tân Sơn Nhất vắng chưa từng thấy. Mọi khi tôi cần phải đến trước chừng 3 tiếng để khỏi trễ chuyến bay; nay, chưa đầy 10 phút để gởi hành lý, hoàn tất thủ tục, kiểm tra an ninh, ngồi lướt mạng trong phòng chờ trống hoác. Máy bay có khách ngồi ghế chừng 1/5 . Mọi người đều giấu mặt sau những khẩu trang đa phần xám màu tro. Không còn thấy những nụ cười tươi trên gương mặt xinh đẹp của các tiếp viên nữ: ám ảnh của vi rút Corona vô hình, nó như bám trên lưng ghế, gác tay, đường ray cầu thang máy, trong không khí tù túng khoang hành khách …và trong tâm trí mỗi người.
Không sợ hãi sao được. Giám đốc bệnh viện Vũ Hán, nơi tâm dịch, vừa mất do nhiễm Corona, trước đó là cái chết của vị bác sĩ anh hùng, một trong những người khốn đốn với an ninh vì cảnh báo đầu tiên hiểm họa, chưa kể hàng ngàn nhân viên y tế trang bị áo quần bảo hộ như phi hành gia cũng bị nhiễm bệnh, hàng chục người chết.
Không hốt hoảng sao được. Gần 60 triệu người Hồ Bắc và một số thành phố TQ bị phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ai có hành vi chống lại “dập dịch” hay làm lây lan bệnh như nhổ nước bọt vào mặt bác sĩ, bôi nước giải vào tay nắm cửa, cản trở thiêu xác bệnh nhân…có nguy cơ nhận án tù thậm chí bị tử hình.
Phản ứng của thế giới trước sự bùng phát dịch như cấm người TQ đến nước họ, ngừng các chuỗi cung ứng (đa phần các hãng nổi tiếng thế giới đều ở TQ), du thuyền có người nhiễm vi rút bị từ chối cập cảng…đã cô lập lục địa mênh mông với hơn 1,4 tỷ dân số. Những động thái ấy đã làm cả thế giới e dè bất kể cái gì “phảng phất” chút China… “Trung Quốc mộng” dường như thành ác mộng Trung Quốc.
Sự thật vi rút này có “nguy hiểm” như loài người suy nghĩ? Tỷ lệ chết của người nhiễm Corona không cao bằng dịch SARS trước đây. Chỉ có 4 người chết ngoài lãnh thổ Trung Quốc so với trên 1800 người ở đại lục, đa phần tại Vũ Hán. Nếu con vi rút giấu mặt “khủng khiếp” đem lại những cái chết kinh hoàng ngay cả cho y bác sĩ (người hiểu biết nhất về nó) và nguy hiểm như suy nghĩ của nhân loại, thì Việt Nam, với điều kiện vệ sinh hiện nay, sự có mặt có thể nói không kiểm soát được của người TQ, lại có lãnh thổ “núi liền núi, sông liền sông”, sẽ khủng hoảng vì dịch bệnh mức độ có thể còn hơn Vũ Hán. Hiện ở VN chưa có ai chết vì vi rút trong khi Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan…những nước tiên tiến y khoa đã có người bỏ mạng. VN là nước “chống dịch” khoa học nhất thế giới hay sao? Không hẳn.
Hunsen cho tàu du lịch có du khách nhiễm vi rút Corona cập cảng nước mình trong khi nhiều nước từ chối, và rất chịu chơi, bắt tay với một cụ bà sau này phát hiện đã “nhiễm” vi rút. Nghe đâu, để lấy lòng lãnh tụ Tập, ông ta tuyên bố muốn đến Vũ Hán để “thăm” Covid 19! Nếu đúng nguy hiểm, Hunsen cần phải bị cách ly 14 ngày, ngay lập tức, và nếu là lãnh đạo TQ, ông ta sẽ được dự họp bộ chính trị khi sức khỏe còn OK sau thời gian cách ly. Lý Khắc Cường thay mặt Tập Cận Bình đến ngay vùng dịch; chắc chắn là phòng xa cho sức khỏe lãnh tụ; các cựu lãnh đạo TQ trong quá khứ đều xuất hiện ở những nơi “dầu sôi lửa bỏng”, Tập Cận Bình thì không.Tập “lặn” khá lâu, chỉ xuất hiện đâu đó tại một phố ở thủ đô. Bức hình chụp ông ta mang khẩu trang nói chuyện với các bác sĩ đứng cách ông hơn 2 mét. Có lẽ ông hiểu nước miếng có thể bắn xa dưới khoảng cách đó.
Nhiều nơi, nhiều nước, có người nhiễm vi rút tai quái, nhưng không nguy hiểm như tưởng tượng, nghĩa là số người nhiễm ít, số chết vì vi rút càng ít hơn.
Nhưng tại sao người ta lại sợ hãi nó đến thế? Lý do: thiệt hại vật chất, tinh thần, do Covid 19 này gây ra không thể đo đếm vì tầm vóc quá lớn. Nhiều người trong chúng ta cười cợt, sung sướng mong thằng bạn vàng “nghẻo củ từ”, cho bõ ghét thói bành trướng nhưng không thấy rằng, theo ước đoán, TQ mất 10 tỷ đô do ảnh hưởng dịch thì thế giới mất 7 tỷ. Nền kinh tế VN hầu như dựa vào nền kinh tế TQ. Bắc Kinh mà chao đảo, Hà Nội cũng sẽ rung rinh.
Không gây cái chết hàng loạt cho thế giới nhưng thế giới đều sợ hãi, vì sao? Vì giấu diếm:TQ không dám hay không muốn nói lên sự thật. Hiện nay, có ai, có tổ chức nào, kể cả WHO hiểu cặn kẽ chuyện gì đang xảy ra ở Vũ Hán, ở Hồ Bắc không? Hay chỉ “nghe” nhà chức trách địa phương tại tâm dịch công bố, trước đây con số chết rất “ổn định” khoảng 2,1 % so với người nhiễm bệnh, ngày này sang ngày khác. Khi lãnh đạo Vũ Hán và Hồ Bắc bị cách chức, con số người nhiễm bệnh, người chết có “tiến bộ” hơn trước, nghĩa là nhiều hơn lúc hai ông thần kia làm lãnh đạo.
Corona cũng thấm nhuần chủ trương như thế hay sao?
Tuy nhiên, đến nay TQ vẫn có thái độ khiến người ta nghi ngờ “những con số ấy chỉ là đỉnh nổi của tảng băng”. Vì sao? Nếu thật lòng muốn dập dịch hiệu quả, đem lại an sinh cho người dân, họ phải có thái độ cầu thị, “không giấu dốt” (mượn chữ của ông Hồ), đón nhận tức thì lời ngỏ ý giúp đỡ của người Mỹ đôi ba lượt đưa ra. Nếu có sự góp tay của họ và các nước, nạn dịch sẽ sớm được chặn đứng (theo suy nghĩ cá nhân). Phát ngôn Tàu: các nhà khoa học người Mỹ nếu đến TQ cần phải được “kiểm soát”. Sợ chi hung rứa?
Thái độ lấp liếm ban đầu, chậm công bố dịch và ngần ngừ sau thời gian đối phó không xiết, “bí quá” mới chấp nhận sự có mặt của người Mỹ đã làm người ta suy diễn có gì khuất tất ở đây, họ mới “sợ” Mỹ như thế.
Sự sợ hãi vi rút càng lan rộng khi bên ngoài người ta thấy các biện pháp áp dụng hết sức khắc nghiệt tại nơi xảy ra dịch. Có thể đây là biện pháp triệt để, hữu hiệu, của nhà chức trách TQ trong công tác chống dịch. Nhưng tại sao lại “bưng bít” những sự việc đang xảy ra nơi đó. Nếu có tự do báo chí, tự do ngôn luận, họ đâu có sợ ai khi mời các nhà báo, các chuyên gia thế giới, cùng với họ chung tay dập dịch? Chính sự giới hạn hay bóp nghẹt ngôn luận đã làm người ta thêm hồ nghi: TQ đang khủng hoảng dữ dằn lắm. Thật tâm, con người thế gian sẽ thấy rằng, nếu người Trung Hoa (tôi không dùng từ người Trung Quốc) bị chết quá nhiều do dịch thì bản thân họ, nước họ, một ngày nào đó sẽ không khác chi số phận người Trung Hoa.
Việc dập dịch không còn là việc riêng của TQ. Tại sao họ lại ngại ngùng khi có ai muốn đến đó để tìm hiểu cội nguồn phát dịch, mức độ bùng phát, cách thức đối phó…để từ đó, áp dụng cho các nơi khi dịch tấn công như nước họ?
Khi sự thật không được cất lên, “sự giả” sẽ làm thay sự thật: đồn đoán, suy diễn, đầy dẫy thuyết “âm mưu”. Một trong đồn đoán đó: Corona là vũ khí sinh học của phòng nghiên cứu ở Vũ Hán “sổng” ra ngoài. Nhiều người tin sái cổ. Họ đâu thấy rằng nếu “thế giới” (ở đây ngầm chỉ Mỹ) mà ngủm vì vũ khí đó, Bắc Kinh bán hàng cho ai khi Mỹ là nước gắn bó kinh tế với họ còn hơn môi với răng, chưa kể, trình độ khoa học của Mỹ luôn luôn đi đầu; Tàu chế vũ khí sinh học được (Corona) thì Mỹ chẳng lẽ “bó tay” trong khi phát triển hiện nay của TQ hầu hết đều nhờ “cuỗm” sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Khi không có được sự thật thì giả dối sẽ lên ngôi.
Sự thật đối với một số nước XHCN sao mà khó khăn đến thế. Chernobyl ở Liên Xô nếu cho biết sự thật sớm, đâu đến nỗi dân Nga và nhân loại chịu ảnh hưởng phóng xạ nguyên tử chưa từng có trong lịch sử. Corona ở Trung Quốc cũng vậy, nếu sớm biết sự thật từ 8 vị bác sĩ đầu tiên phát hiện, các biện pháp cách ly áp dụng sớm, thế giới chung tay cấp kỳ, biết đâu TQ hiện nay không phải thất điên bát đảo, thế giới phải lo sợ ngả nghiêng.
Sự thật sao mà khó quá, khó đến nỗi ông Nguyễn Văn Linh “can đảm” tuyên bố lúc “đổi mới”: chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật. Trước nay, nhìn “xiên xiên” hay sao.