Thursday, February 29, 2024

UKRAINE: NĂM KỊCH BẢN CHIẾN TRANH CHẤM DỨT?

Lời người dịch: Khó ai biết trước điều gì sẽ xảy trong cuộc chiến. Đây là vài kết cuộc có thể, nhưng rất là ảm đạm. Đảo chính, một trong 5 kịch bản, có thể Putin đã dự phòng. Hình ảnh ông ngồi trước Hội đồng An ninh Quốc gia cho thấy điều đó. Vài giờ trước, một đám cháy lớn do đạn pháo của quân Nga bắn vào khu nhà máy nguyên tử lớn nhất châu Âu được dập tắt. Hành động tấn công điên cuồng này có thể gây thảm họa hạt nhân khủng khiếp cho nhân loại; nhận định trong bài này về hành vi táo bạo của tổng thống Putin là có căn cứ.

(Ukraine: How might the war end? Five scenarios).

Bài của James Landale đăng trên BBC News (12 giờ trước)

1- Cuộc chiến chớp nhoáng:

Nga tấn công quân sự ngày càng ác liệt, bằng tên lửa, rocket, bằng sức mạnh không quân, vốn là chủ đạo cho đến nay. Hạ tầng cơ sở Ukraine bị phá hủy, nguồn năng lượng, mạng lưới thông tin hoàn toàn bị cắt đứt. Hàng ngàn thường dân thiệt mạng. Dù kháng cự dũng cảm, thủ đô Ki-ep thất thủ trong đôi ba ngày. Một chính phủ bù nhìn dựng lên. Zelensky hoặc bị ám sát, chạy trốn, đến phía tây Ukraine, hoặc ra nước ngoài, thành lập chính phủ lưu vong. Putin tuyên bố chiến thắng, rút bớt quân về, để lại một số đủ để duy trì quyền kiểm soát. Hàng trăm ngàn người tiếp tục chạy nạn. Ukraine cùng với Belarus “trở về mái nhà xưa”.

Kết cuộc này không hẳn không thể, nhưng nó phụ thuộc vào vài yếu tố: Quân đội Nga chiến đấu hiệu quả hơn, quân tăng viện nhiều hơn, tinh thần chiến đấu của dân quân Ukraine giảm sút hơn. Ki-ep có thể thay đổi chính quyền, không còn thân phương Tây. Chính quyền thân Nga không có tính chính danh, dễ gặp chống đối. Khả năng nổ ra chiến sự lai rai sau đó.

PUTIN CÙNG ĐƯỜNG, ĐIỀU ĐÓ LÀM TÔI THẬT KINH SỢ

(Putin Has No Good Way Out, and That Really Scares Me)

Bình luận của Thomas L. Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” rất nổi tiếng, đăng trên The New York Times ngày 8 tháng 3 năm 2022.

Nếu nghĩ cuộc chiến Putin đưa vào Ukraine tạo sự bất ổn lên thị trường và địa chính trị đã ở đỉnh điểm, quý vị sẽ thất vọng. Chúng ta chưa thấy hết đâu. Hãy chờ đến lúc Putin hoàn toàn hiểu rằng, lựa chọn duy nhất còn lại của ông ở Ukraina là, làm thế nào để thua – sớm sủa, “non hơn già”, bỉ mặt một tý, hay là càng lâu, càng thua đậm, và hoàn toàn mất mặt.  

Thậm chí tôi không tin nổi các thứ gây chấn động tài chính và chính trị phát sinh từ Nga – một đất nước sản xuất dầu đứng thứ ba thế giới, sở hữu hơn 6000 đầu đạn nguyên tử - một khi họ thua cuộc chiến phát động bởi một người - không bao giờ chấp nhận thất bại.

Tại sao lại không tin ? Bởi Putin biết chắc “truyền thống dân tộc Nga không tha thứ cho thất bại quân sự”, theo nhận định của Leon Aron, chuyên gia nghiên cứu Nga ở học viện Doanh Nghiệp Mỹ, đang viết một cuốn sách về con đường dẫn Putin đến Ukraina.

Trên tờ The Washington Post, ông viết: “Mọi thất bại lớn thật sự đều tạo ra biến động lớn. Chiến tranh Crimea (1853-1856) đưa đến cuộc Cách mạng Tự Do từ thượng tầng thời đại đế Alexandre đệ nhị. Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) đẻ ra cuộc Cách mạng Nga lần nhất. Thảm họa của Thế chiến thứ nhất dẫn đến việc truất phế hoàng đế Nicholas đệ nhị và cuộc Cách mạng Bôn-sê-vích. Cuộc chiến ở Afghanistan trở thành nhân tố trong cải cách của lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev. Không kể, việc tháo lui (hỏa tiễn) khỏi Cuba là nguyên do chính khiến Nikita Khrushchev bị mất chức hai năm sau đó.

Trong vài tuần đến, ngày càng rõ ràng, vấn nạn lớn nhất của chúng ta đối với Putin ở Ukraina là, ông ta sẽ không chịu thua sớm, hậu quả là, ông ta sẽ từ từ thua đậm, thua to. Nhưng vì là cuộc chiến do chính Putin phát động và không thể chấp nhận thua cuộc, ông ta sẽ đẩy mạnh chiến tranh ở Ukraina cho đến khi…đến khi nghĩ tới vũ khí nguyên tử.

Tại sao tôi nói thất bại ở Ukraina là do lỗi của Putin, vấn đề chỉ còn là thời gian và mức độ? Bởi ông ta suy nghĩ hời hợt, cuộc tấn công sẽ dễ dàng, đơn giản, nhân dân Ukraina sẽ nhiệt liệt đón mừng (quân Nga). Mọi cái đều xuất phát từ Putin khi xem thường ý chí chiến đấu vì độc lập của Ukraina, và Ukraina trở thành một phần của phương Tây. Putin hoàn toàn xem thường ý chí của nhiều con dân Ukraina chiến đấu, ngay cả hy sinh mạng sống, vì hai mục tiêu ấy. Ông ta hoàn toàn đề cao quân đội của mình. Ông ta hoàn toàn xem thường năng lực của tổng thống Joe Biden phát động thành công liên minh kinh tế và quân sự toàn thế giới, giúp người dân Ukraina đứng vững, chiến đấu, hủy hoại nước Nga tại quê hương mình – một nỗ lực xây dựng liên minh hữu hiệu nhất của Hoa Kỳ kể từ thời George H.W. Bush khiến Saddam Hussein phải trả giá đắt cho việc điên cuồng đánh chiếm Kuwait. Putin hoàn toàn đánh giá thấp khả năng của các công ty, các cá nhân trên khắp thế giới tham gia, mở rộng các trừng phạt kinh tế lên Nga – còn nhiều hơn tất cả những gì các chính phủ phát động hay ra lịnh.

Khi phạm nhiều sai lầm lãnh đạo, tốt nhất bạn nên chọn “thua non hơn thua già”. Trường hợp Putin, điều đó có nghĩa là rút quân tức thời khỏi Ukraina; “dựng” lên câu chuyện để tránh mất mặt, để giải thích cuộc “hành quân đặc biệt”, dạng như là, quân đội đã thành công trong việc bảo vệ thường dân Nga sinh sống ở Ukraina; rồi hứa hẹn sẽ giúp “người anh em” tái thiết. Nhưng sự sỉ nhục khó tránh chắc chắn không thể nào chịu đựng nổi đối với con người luôn ám ảnh việc đặt nặng danh dự và sự thống nhất của đất mẹ Nga.

Không phải tình cờ, những thứ đang xảy ra ở Ukraina giờ đây không nằm ngoài khả năng Putin sẽ sớm thua đậm. Tôi không cá cược, nhưng mỗi ngày trôi qua, binh sĩ Nga bị giết ngày càng nhiều ở Ukraina, có ai biết được chuyện gì xảy ra cho tinh thần chiến đấu của những tân binh trong quân đội Nga, bị buộc phải bắn nhau sống mái trong các con phố, chống lại những đồng bào Slav của mình, chỉ vì một chính nghĩa chưa bao giờ giải thích thật tỏ tường cho họ.

Trước sự kháng cự của quân dân Ukraina ở khắp nơi đối với sự chiếm đóng của quân Nga, để Putin “thắng” về mặt quân sự trên thực địa, đội quân của ông ta phải chiếm tất cả các thành phố lớn. Bao gồm cả thủ đô, Kyiv – chắc phải sau nhiều tuần đánh nhau ác liệt, thương vong dân chúng xác người chất chồng như núi. Nói cho gọn, chiến thắng chỉ có được khi Putin và các tướng lĩnh gây ra tội ác chiến tranh chưa từng có ở châu Âu kể từ thời Hitler. Nó sẽ khiến cho nước Nga của Putin trở thành một quốc gia bị quốc tế luôn luôn xa lánh (a permanent international pariah).

Hơn nữa, làm thế nào Putin duy trì kiểm soát một quốc gia khác –Ukraina – có dân số bằng 1/3 dân số Nga mà dân chúng luôn căm thù Mát-xcơ-va? Ông cần phải duy trì đội quân trên 150.000 người đóng ở đó, nếu không nói là phải nhiều hơn.

Đơn giản không có cách gì tôi thấy Putin thắng ở Ukraina một cách bền vững, bởi vì, giản dị đây không phải là đất nước như ông nghĩ – một đất nước sẵn sàng chờ nhóm lãnh đạo “phát xít” bị thanh trừng nhanh chóng, để nhẹ nhàng sà vào lòng mẹ đại Nga.

Hoặc là Putin chấm dứt tổn thất, chịu nhục thua cuộc – hy vọng ông ta tránh được cấm vận để hồi phục nước Nga, tiếp tục nắm quyền – hoặc đối mặt cuộc chiến dai dẳng chống Ukraina và chống lại hầu hết nhân loại, cuộc chiến sẽ dần dần hủy hoại sức mạnh nước Nga và làm đổ sụp hạ tầng.

Hình như Putin đang “thí mạng cùi” (hellbent) với chọn lựa thứ hai, tôi thấy thật đáng sợ. Bởi vì có một điều duy nhất còn tồi tệ hơn nước Nga hùng mạnh dưới thời Putin – đó là một nước Nga suy yếu, nhục nhã, rối loạn có thể tan vỡ hoặc chìm trong hỗn loạn tranh quyền lãnh đạo kéo dài, với nhiều phe phái giành giựt quyền bính, tất cả còn đó với đầu đạn hạt nhân, tội phạm công nghệ, các giếng dầu mỏ bao quanh.

Nước Nga của Putin chẳng phải là quá lớn không thể thất bại. Tuy nhiên, nó chẳng lớn đến mức không thể thất bại mà không làm rung chuyển thế giới.

Nguyễn Long Chiến dịch.

CHẤM DỨT THẾ NÀO? LỐI THOÁT CAM GO CHO CHIẾN TRANH UKRAINE. ((

Cầu cho nhân dân Ukraine kiên cường sẽ không bị thảm họa hạt nhân vì một sa-hoàng quẫn trí.

How Does It End? A Way Out of the Ukraine War Proves Elusive).

Bài của hai tác giả David E. Sanger and Eric Schmitt trên The New York Times, ngày 13 tháng 3 năm 2022.

Hoa Kỳ tiên đoán chính xác chiến tranh Ukraine, cảnh báo sắp nổ ra dù Moscow luôn chối và phương Tây hồ nghi. Có ba kênh thương lượng qua trung gian Pháp, Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây là Đức. Cả ba nỗ lực đều chạm phải khối đá của tổng thống Vladimir Putin. Bộ quốc phòng Mỹ hình dung nhiều kiểu xung đột mang lại nhiều cái chết vô ích , sự tàn phá trên một đất nước dân chủ non trẻ; người khác cho là mục tiêu ban đầu của Putin: chiếm giữ những vùng rộng lớn phía Nam, phía Đông, nối với đất liền đến Crimea, sáp nhập 2014.

Và một cái kết thúc đáng sợ, nếu có một nước NATO bị cuốn vào xung đột, tình cờ hay hữu ý. Khả năng đó dễ xảy ra khi hôm chúa nhật tên lửa Nga đánh vào khu vực phía Tây, cách biên giới Ba Lan vài chục km. Nga tuyên bố vũ khí tiếp tế cho quân Ukraine khiến đoàn công voa của họ trở thành mục tiêu dễ bị tấn công; một cảnh báo cho thấy, vũ khí tập kết ở lãnh thổ NATO không có nghĩa sẽ không bị tấn công.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đều đồng ý một điểm: Hai tuần qua cho thấy quân đội từng được ca ngợi của Nga tỏ ra lúng túng, hai hay ba tuần nữa sẽ cho biết Ukraine có trụ vững để đi đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh hay không. Diễn tiến cơ bản nhất cho đến nay, như thiết lập hành lang nhân đạo, vẫn còn nan giải.

Giờ đây, các quan chức phương Tây lo lắng là Putin sẽ đẩy mạnh tấn công, mở rộng chiến tranh ra ngoài biên giới Ukraine. Họ còn quan ngại ở chỗ riêng tư, Putin có thể chiếm Moldova, một nước rất yếu. Họ còn lo lắng cho Georgia, từng đánh với Nga năm 2008, có thể là một thử nghiệm cho một cuộc xung đột lan rộng. Một khả năng nữa, tức giận vì cuộc tấn công chậm chạp, Putin có thể cậy tới vũ khí khác: hóa học, sinh học, hạt nhân, tin tặc.

Cố vấn an ninh của TT Biden, ông Sullivan, nhắc tới tình huống đánh bom (gần biên giới Ba Lan) hôm chủ nhật: “Một trong các lý do Putin sử dụng chiến thuật cực đoan – như vũ khí hóa học – là vì ông tức giận quân đội của Nga không tiến lên nổi”. Ông cố vấn TT Mỹ còn nói Putin sẽ chuốc lấy “hậu quả nghiêm trọng” mà không nói rõ nghiêm trọng cái gì. Ông nhắc lại, một điều sẽ lôi kéo Mỹ và đồng minh vào chiến tranh nếu một nước trong NATO bị trực tiếp tấn công. Mỹ âm thầm lên phương án đáp trả chiến tranh leo thang, như tấn công mạng vào hệ thống tài chính Mỹ hoặc Putin sử dụng vũ khí chiến thuật hạt nhân trên chiến trường khi ông ta không thể nghiền nát Ukraine.

Mặc cho người Ukraine kêu gọi thêm vũ khí tấn công và nhờ Mỹ can thiệp, ông Biden vẫn quyết tâm không trực tiếp đối đầu với một cường quốc hạt nhân. Ông nói đại ý nếu Mỹ điều máy bay, xe tăng, xe chở quân đến chiến trường, đó sẽ là Thế Chiến thứ III.

NGOẠI GIAO: GIẢI MÃ THÂM TÂM (bottom line) PUTIN

Có hy vọng le lói vào tuần trước khi khởi đầu các cuộc thương lượng về hành lang nhân đạo, và có thể là chuyện ngưng bắn. Phát ngôn viên thân cận của Putin lặp lại, Nga sẽ “ngưng ngay tấn công” nếu Ukraine thay đổi hiến pháp để thành nước “trung lập”, không tham vọng gia nhập NATO, công nhận độc lập cho hai vùng ly khai, và Crimea thuộc Nga.

Tổng thống Zelensky cởi mở nói, ông sẽ thôi chuyện gia nhập NATO vì cho rằng đồng minh phương Tây “không sẵn sàng đón nhận Ukraine”. Khi chẳng nói có chịu đất nước bị “chia cắt” hay không, ông tuyên bố: “Chúng tôi có thể thương thảo để tìm một sự dung hòa cho việc giải quyết vấn đề lãnh thổ này”.

Nhưng không rõ Putin có chấp nhận như thế không. Lãnh đạo các nước như Pháp, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không rõ vai trò đóng góp thương thảo của họ tới đâu với Putin khi chiến tranh cứ tiếp tục. Họ thất vọng với sự thành tín của Putin. Ông ta vẫn quyết định chiến tranh. Theo Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, chẳng có dấu hiệu gì từ các cuộc thảo luận cho thấy Putin thay đổi. Ông vẫn “quyết hủy diệt Ukraine”. (“intent on destroying Ukraine”).

Các vị lãnh đạo trên đều tham khảo chính phủ Mỹ trước và sau khi nói chuyện với Putin cũng như với ông Zelensky. Hoa Kỳ giữ khoảng cách với Nga vì cho đến nay chưa có quan chức cấp cao nào của hai bên liên hệ nhau.

Hy vọng lớn nhất, quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, Putin thấy ra ông phải giới hạn bớt các mục tiêu theo đuổi khi bị trừng phạt kinh tế - đặc biệt là sự sụp đổ của ngân hàng trung ương và viễn cảnh nước này nhanh chóng vỡ nợ trong các nghĩa vụ  của mình. Tuy nhiên, liệu Zelensky có đạt thỏa thuận gì với Putin, một điều sẽ gây khó cho Hoa Kỳ: không biết phải gỡ bỏ bao nhiêu trừng phạt Mỹ đã phối hợp với các nước khác trên thế giới.

CHỌN LỰA THAY THẾ: THỜI GIAN LÊ THÊ NẶNG NỀ

Mặc cho khó khăn hậu cần, có vẻ Putin vẫn tăng cường chiến dịch bao vây thủ đô Kyiv và các thành phố lớn. Một viên chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết, ngay cả Putin gây sức ép khuất phục Kyiv, lực lượng không quân và bộ binh Nga đang phải đối đầu với quân Ukraine hăng say nỗ lực chiến đấu. Giám đốc tình báo Mỹ cho các nhà làm luật biết sẽ có “vài tuần lễ ảm đạm phía trước”. “Tôi nghĩ Putin đang thất vọng và tức giận". Có thể ông ta sẽ “cố nghiền nát quân đội Ukraine mà chẳng cần để ý dân thường thương vong”.

Thật sự, ngay cả Nga mở rộng tấn công bằng bom, đạn pháo, tên lửa hôm chủ nhật, quân đội hai bên đều cho thấy trận đánh ở Kyiv đúng là đỉnh cao. Trong quá khứ đánh nhau ở Chesnia và Si-ri, Putin cho thấy, không những đánh bom nặng nề vào khu đông dân cư mà còn lấy thương vong dân thường làm đòn bẩy hạ gục kẻ thù. Các quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho biết, vài tuần tới sẽ xảy ra trận ác chiến kéo dài, hàng ngàn thương vong cho cả hai bên cũng như số thương vong trong 1,5 triệu người ở lại thành phố.

Lực lượng hai bên đang đọ sức ác liệt với nhau trên từng con phố quanh thủ đô. Quân Nga nhiều hơn quân Ukraine nhưng họ bị phục kích dữ dội bằng hỏa tiễn vác vai do Mỹ và NATO cung cấp.

Giám đốc tình báo quốc phòng cho các nhà lập pháp Mỹ biết, thời gian Kyiv giữ vững rất hạn chế khi ba mặt tấn công của Nga thắt chặt gọng kìm. Ông nói: “Tiếp tế bị cắt, tôi có thể nói, thành phố ở vào thế tuyệt vọng trong vòng 10 ngày hoặc hai tuần”. Một viên chức Mỹ cao cấp giấu tên cho biết, theo phân tích tình báo đáng tin cậy, quân Nga cần hai tuần để bao vây Kyiv và ít nhất một tháng mới chiếm nổi. Đó là với điều kiện không ngừng dội bom, và có thể vài tuần hoặc vài tháng xáp chiến trên từng con phố.

Cựu tư lịnh quân lực phụ trách châu Âu, thống tướng James Tavridis nói: “Nga phải trả một giá rất cao về nhân mạng”. Giá phải trả quá cao ấy sẽ khiến Putin cho hủy diệt thành phố bằng bom, tên lửa, đạn pháo, “tiếp tục một loạt tội ác chiến tranh chưa từng thấy trong thế kỷ thứ 21”.

TỪ BỎ KẾ HOẠCH A, VÀ CHIA CẮT QUỐC GIA

Cuộc tấn công của Nga cho đến giờ này không đạt được các mục tiêu ban đầu của Putin. Nhưng trên chiến trường, ông đến gần với mục tiêu hơn.

Ngoài Kyiv, các thành phố phía Bắc, Kharkiv, Chernihiv và Sumy bị bao vây, hay gần bị như vậy, đang bị pháo kích nặng nề. Tiến bộ ở phía Đông và phía Nam tuy chậm nhưng chắc chắn. Nhưng nó cũng cho thấy một Ukraine bị chia cắt.

Lực lượng Nga vẫn khống chế thành phố Mariupol trong vòng vây và dội bom, sắp chiếm lấy thành phố cảng chiến lược phía Nam này, cùng lúc, một cầu nối trên bộ từ Crimea ở phía Nam tới Donbass vừa bị quân ly khai năm 2014 chiếm giữ. Và nếu Nga chiếm được Odessa, thành phố cảng quan yếu ở Biển Đen, có lẽ là vùng biển còn lại ở hướng đông nam, họ sẽ cắt đứt đường đi quan trọng của Ukraine ra hướng biển.

Các quan chức cao cấp Ngũ Giác Đài nói rằng, vấn đề cốt tử bây giờ là, duy trì sức ép cực lớn lên Nga với hy vọng Putin sẽ giảm bớt tổn thất và giải quyết ổn thỏa cho vùng phía Nam và phía Đông có nhiều người gốc Nga.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Nga ở phía Tây Ukraine trong hai ngày qua nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, bắt đầu từ Kyiv. Vẫn còn chưa rõ, Putin lấy lực lượng ở đâu để chiếm giữ Ukraine với cuộc chiến tranh du kích đẫm máu kéo dài nhiều năm.

Nhắc đến mô hình sau cuộc chiến Balkan thập niên 1990, ông Stavridis nói: “Kết cục khả dĩ nhất, thật buồn, là sự chia cắt Ukraine. Putin sẽ chiếm vùng đông nam đất nước, nơi người Nga tập trung nhiều nhất. Phần còn lại đa phần người Ukraine tiếp tục là một quốc gia có chủ quyền”.

KỊCH BẢN TỒI TỆ NHẤT: LEO THANG (CHIẾN TRANH)

Lo sợ hiện nay là cuộc chiến sẽ mở rộng.

Càng đánh nhau về hướng tây, càng có khả năng một hỏa tiễn bay lạc vào lãnh địa NATO hoặc Nga bắn rơi một máy bay của NATO.

Putin quen sử dụng vũ khí hóa học với các đối thủ chính trị và những người đào thoát, và có thể ông ta có khuynh hướng sử dụng lần nữa. Sử dụng vũ khí hạt nhân chiến trường sẽ đi quá giới hạn, hầu hết quan chức Mỹ tin rằng, ngay cả Putin cũng không làm, trừ phi ông ta phải đối mặt sự bí bách phải rút quân. Nhưng khả năng kích hoạt vũ khí hạt nhân được bàn luận rất nhiều trong hai tuần gần đây hơn rất nhiều năm trước.

Cuối cùng, là các cuộc tấn công mạng, lạ lùng không thấy có trong cuộc xung đột cho đến nay. Đây là đòn trả đũa hiệu quả nhất Putin sẽ dành cho Mỹ vì đã gây họa cho nền kinh tế Nga.

Cho đến nay, không có quy chuẩn nào đưa ra cho các phi công Mỹ và Nga áp dụng như hồi ở Si-ri, ví dụ, để ngăn chặn một cuộc chạm trán tình cờ. Putin hai lần ám chỉ kho hạt nhân của mình, nhắc nhở thế giới, nếu cuộc chiến không như ý ông muốn, ông ta có loại vũ khí khủng vô cùng đáng sợ để đưa vào cuộc thư hùng.

NỖI LÒNG TÙ BINH NGA (tựa tôi đặt)

Tựa đúng là: “Tất cả chúng tôi sẽ bị phán xét”. Tù binh chiến tranh Nga cất lên tiếng nói bất an và hổ thẹn về cuộc chiến ở Ukraine (‘We all will be judged.' Russian prisoners of war voice disquiet, shame over war in Ukraine

Bài của Tim Lister và Sebastian Shukla, CNN, ngày 16 tháng 3 năm 2022.

Những lời bộc bạch của một vài tù binh Nga (trong số 600 người bị bắt) trước báo chí. “Tôi muốn nói với tổng tư lịnh tối cao, hãy ngưng ngay hành động khủng bố ở Ukraine, bởi vì khi trở về, chúng tôi sẽ đứng lên chống lại ông”. Tổng thống Vladimir Putin “ra lịnh (cho chúng tôi )phạm tội ác. Không phải là phi quân sự hóa, hay đánh bại quân đội Ukraine, giờ đây những thành phố yên bình đang bị hủy diệt”. “Tội ác rành rành. Tất cả chúng tôi sẽ bị phán xét”.

Xuất hiện trước công chúng như thế có thể không đúng với Công Ước Geneve về đối xử với tù binh. Có ba phi công để CNN phỏng vấn cho biết họ không bị sức ép nào. Cuộc phỏng vấn thực hiện bằng tiếng Nga.

Các tù binh không bị còng tay; tuy ngồi một chỗ, có vẻ họ không bị thúc ép thân thể. Ba viên phi công ngồi quanh bàn tròn, một trong ba mang vết thương ở trán trước khi bị bắt. Anh nói: “Họ chăm sóc chúng tôi, cho ăn, cho uống, săn sóc thuốc men”. Ba sĩ quan phi công cho CNN biết họ rất bồn chồn khi thực thi nhiệm vụ, lo lắng cho sự khốn khổ của dân thường Ukraine. Họ sử dụng ngôn từ tức giận với tổng tư lịnh tối cao Putin.

Lời khai của họ trùng khớp với các đánh giá của phương Tây, tinh thần khá sa sút trong hàng ngũ binh sĩ Nga. Phi công ném bom chiến đấu, anh Maxim phát biểu nhiều nhất. Với gương mặt nhiều vết bầm, nước da nhợt nhạt, anh lại có giọng nói đĩnh đạc của một vị sĩ quan dày dạn chiến đấu. Anh nói, “lệnh chiến đấu bí mật” ban ra chỉ trước một ngày Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Được hỏi, các anh nghĩ gì về tuyên bố của Putin rằng, Ukraine do bọn tân Quốc xã chi phối, Maxim đáp: “Tôi nghĩ đó chỉ là cái cớ, ở đây thế giới chẳng hiểu nổi đâu. Nhưng Putin và bộ sậu cần nói như thế để đạt mục tiêu họ muốn. Đấy là bước đi có lợi cho thông tin sai lạc về chủ nghĩa phát xít và Quốc xã. Chúng tôi không thấy bọn Quốc xã và bọn phát xít. Người Nga, người Ukraine có thể nói cùng một thứ tiếng; họ là những người tốt. Thật khó để đánh giá trực tiếp hành động của Putin nhưng ở mức tối thiểu, xét đoán hậu quả do lịnh ban ra, ông ta đã sai”.

Trong cùng buổi họp báo, một sĩ quan trinh sát có tên Vladimir cho một số ký giả quốc tế biết, “Chính phủ chúng tôi bảo là cần phải giải phóng quần chúng nhân dân. Tôi muốn nói với các bạn chiến binh Nga: hãy buông vũ khí, rời khỏi đơn vị, đừng có đến đây. Mọi người đều mong ước bình yên”.

Sau đó, Vladimir táo bạo hơn: "Tôi muốn nói với Tổng tư lệnh của chúng tôi, hãy dừng các hành động khủng bố ở Ukraine bởi vì khi quay về nước, chúng tôi sẽ nổi dậy chống lại ông."

Một binh sĩ 22 tuổi  không tiện nêu tên chỉ cho biết phiên hiệu đơn vị: “Chúng tôi đến đây không phải để gìn giữ hòa bình, mà là để chiến đấu. Chúng tôi hỏi các vị chỉ huy như thế. Nếu quay đầu lại, chúng tôi sẽ bị bắn vì tội đào ngũ”.

Anh nói thêm: “Không có dân thường trong các chung cư. Nhưng họ có ở đó. Điều này làm chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhận ra tên lửa đang bắn vào thường dân chứ không hẳn chỉ các cơ sở quân sự. Họ làm ngược điều nói với chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải đầu hàng”.

LỊNH VÀO PHÚT CHÓT

Phi công Maxim nhận lịnh chiến đấu một ngày trước khi Putin phát động tấn công.  Sau đó, điều ngạc nhiên xảy ra. “Lệnh hủy bỏ. Một số phi đội cất cánh phải quay trở lại. Chúng tôi sung sướng và nghĩ các thứ chắc được giải quyết hòa bình”. Anh lầm – ngay sau đó là danh sách tọa độ cho các mục tiêu ở miền Đông chung quanh Izium và Chuhuiv.

Anh nói mình không chắc sẽ đánh bom cái gì. “Không thể biết được cái gì ngoài biên giới liên bang. Ví dụ, họ đánh dấu một xe tăng. Nhưng chúng tôi không chắc, có đúng là xe tăng hay không”.

CNN phân tích nhiều trường hợp bom rơi vào khu thường dân từ ngày khởi đầu cuộc chiến (24/2).

“Chúng tôi chỉ phóng những hỏa tiễn không định vị”, hàm ý nói điều các nhà phân tích gọi là “bom câm” (dumb bombs), một loại bom không được điều khiển, nguy cơ tàn phá bừa bãi hơn. Maxim cho biết thêm: “Tôi sử dụng bom nổ thông thường, cấu tạo bằng gang, giống loại bom dùng trong đệ nhị thế chiến có thay đổi chút đỉnh chỗ nọ chỗ kia qua nhiều năm. Có nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo hiện đại hơn, nhưng sự thật là chúng tôi không được sử dụng chúng”.

Tuần rồi, quan chức Mỹ và NATO cho biết Nga đang dựa nhiều vào các loại “bom câm” ít tinh vi so với vũ khí dẫn đường đang chứa trong kho.

Một quan chức cấp cao NATO nói: “Ở thời điểm này, khó có thể nói, Nga làm thế vì sợ tốn kém, hay vì thiếu vũ khí tồn kho, hay là vì muốn tạo ra sức công phá ác liệt trong vũ lực.

Các binh sĩ bị bắt khác cũng nói về những mệnh lệnh phút chót. Sergey ở đơn vị pháo binh, nói trong cuộc họp báo trước đó, “lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng hai (24 tấn công), họ được tập họp, vị chỉ huy thông báo lệnh tấn công Ukraine của Putin, chiếm thủ đô Kyiv, và bảo vệ nhân dân chống lại chủ nghĩa phát xít và bọn độc tài ở Ukraine”.

TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH

Các phi công nói với CNN không rõ cuộc chiến sẽ chấm dứt thế nào. Maxim nói: “Tôi hy vọng cấp trên của chúng tôi kiểm soát được tình hình. Chuyện gì xảy ra trong tương lai, hy vọng cho một kết cuộc, tôi không biết làm gì ở đây để nói điều tôi muốn”.

Anh cũng nhắc lần đầu tiên liên lạc về cha mẹ sau khi bị bắt. “Con còn sống đây. Con vẫn còn sống và đang là tù binh". Chúng tôi nói chuyện cá nhân. Chuyện con cái, chuyện nhà; không dám nói chuyện quân sự. Dĩ nhiên, chúng tôi mong thấy gia đình, những người thân. Mong gặp họ và ôm lấy họ bởi họ rất lo lắng”. Maxim còn nói, họ còn lo nhiều thứ sẽ xảy ra cho họ.

“Tội ác chúng tôi gây ra; chúng tôi sẽ bị phán xét giống nhau. Còn hơn thế nữa, tôi không thể nói ra. Không thể biết được…người ta sẽ phán xét chúng tôi thế nào”.

Một tù binh nữa trong một cuộc họp báo khác cũng bày tỏ tình cảm tương tự. “Nhận lỗi lầm thật kinh khủng đối với chúng tôi. Cần phải nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ để hàn gắn rạn nứt anh em (giữa Nga và Ukraine). Ước chi tôi có thể chui xuống đất mà biến mất”.

Nguyễn Long Chiến lược dịch từ https://edition.cnn.com/.../ukraine-russian.../index.html

Bài phát biểu 50 NĂM HỌP MẶT TRƯỜNG

Kính thưa:

- Quý thầy, quý cô.

- Quý quan khách.

- Quý bạn học thân mến.

Được vinh dự đại diện cựu học sinh Bồ Đề niên khóa 1965 đến 1975, tôi xin phát biểu cảm tưởng nhân buổi họp mặt trân trọng và hiếm có nầy.

54 năm là cả quãng đời khá dài đối với thầy, cô, và tất cả chúng ta đang ngồi ở đây, trong hội trường này.

Thời gian đổi dời  dâu bể, thời gian đằng đẵng cách xa, nhưng các thầy, các cô, các bạn từ mọi nẻo đã tề tựu về đây, vui vẻ hớn hở tay bắt mặt mừng, rôm rả không ngừng những  câu chuyện về  thời còn đi học ở ngôi trường này.

Vui mừng và xúc động xiết bao khi nhìn thấy thầy, thấy cô, và thấy nhau, những người của gần nửa thế kỷ trước.

Thầy cô vẫn còn đây, thầy cô vẫn là hình ảnh yêu quý như mấy chục năm trước chúng em từng yêu quý thầy cô.

Ở tuổi trên dưới 80 mà thầy cô vẫn vui, vẫn nhớ đến chúng em, nhớ đến ngôi trường này.

Hạnh phúc nào sánh bằng, đối với chúng em đây?

Càng hạnh phúc chúng em càng  ngậm ngùi nghĩ đến nhiều thầy cô đã nằm sâu trong lòng đất, đã từ giã cõi đời này, chúng em không bao giờ được gặp lại.

Thầy cô chúng em người còn đây hay đã khuất luôn nhắc nhở chúng em không bao giờ quên, ở những lớp học này, ở ngôi trường này, trong năm tháng chiến tranh, chúng em đã lớn lên, được dạy dỗ, được yêu thương; những lời giáo huấn của thầy cô lúc ấy luôn là hành trang thân thiết trên con đường đời của tất cả chúng em.

Ngồi ở đây, chúng em vẫn không quên những người thầy, người cô, đang sinh sống ở những phần xa xôi nhất của trái đất.

Kính thưa thầy cô,

Nhân dịp gặp gỡ này, chúng em gởi đến thầy cô trong nước và  ngoài nước lòng tri ơn chân thành của những ông cựu học sinh, những bà cựu học sinh, có người đã phơ phơ đầu bạc, mấy chục năm trước, là những cậu bé, cô bé, tóc còn mướt xanh, nay xin hứa vẫn còn là học sinh bé nhỏ, ngoan ngoãn của các thầy cô những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Học sinh chúng em cũng không quên ơn những vị tu sĩ Phật giáo, cùng những nhân sĩ trí thức, đã sáng lập ra ngôi trường tư thục cấp 2 và cấp 3 đầu tiên của tỉnh Quảng Nam năm 1965.

Thời buổi loạn ly của chiến tranh, cái chết luôn cận kề mọi người dân thời ấy, các vị đã hy sinh tài năng, công sức, xây dựng một ngôi trường khang trang cho mọi học sinh  không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dành cho những học sinh không may mắn như những học sinh may mắn khác được vào học trường công.

Chúng em xin gởi lời tri ân đến những vị còn sống và thắp nén nhang tưởng nhớ những vị không còn, chúng em không quên đạo lý ăn quả nhớ người trồng cây

Xin  quý vị cho phép tôi thưa chuyện cùng các bạn học của mình.

Thưa các bạn,

Năm tháng in hằn những nếp nhăn sâu thẳm trên mỗi gương mặt của chúng ta.

Năm tháng của già nua tuổi tác, của những thăng trầm cuộc sống.

Nhưng năm tháng khắc nghiệt ấy đã không thể làm héo đi những nụ cười lúc mới gặp, chúng ta vừa dành cho nhau: những nụ cười tươi của ngày xưa thân ái.

Kỷ niệm thời đi học ở ngôi trường này đã ùa về trong lòng mỗi học sinh: kỷ niệm của những trang lưu bút ngày xanh, kỷ niệm của những lần thức khuya bên ngọn lửa hồng đêm cắm trại, kỷ niệm của những mối tình học trò e ấp tinh khôi giữa  những chàng trai, cô gái tóc xõa ngang vai, những tà áo trắng phất phơ bay trên những con đường đi hoc, kỷ niệm của biết bao bài thơ, những bức thư tình non dại, viết ra mà không hề được gởi đi…

Thưa các bạn, càng vui  chúng ta càng bùi ngùi nhớ đến một số bạn không có dịp hiện diện trong buổi họp mặt này, hay những bạn đã vắng bóng khỏi cuộc đời, xác thân chôn trên  đất liền, hay vùi sâu dưới biển, qua tao loạn và năm tháng chiến tranh.

Cuộc sống là như thế: Cái này mất đi để có cái khác được sinh ra. Cái sinh ra đó là tình yêu thầy trò, tình yêu  bạn hữu, một tình yêu cao thượng.

Thưa quý thầy cô, thưa quý quan khách, và thưa các bạn,

Trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời chúng ta, ngày họp mặt hôm nay sẽ là ngày đáng nhớ nhất, ngày chúng ta kỷ niệm sự ra đời của một ngôi trường 54 năm về trước, một ngôi trường đã dìu dắt chúng ta chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc sống, dẫu là cuộc sống riêng tư, tất đều mang đậm những dấu ấn của yêu thương, yêu thương của  thầy cô, và các bạn, những năm tháng của tuổi học trò.

Trước khi dứt lời, cho tôi lần nữa được thay mặt tất cả cựu học sinh Bồ Đề xin gởi lời chúc sức khỏe đến quý thầy, quý cô, quý quan khách, và tất cả các bạn.

Xin kính chào và cảm ơn tất cả quý vị.

ÔI, CHIẾN TRANH

Hãng tin CNN: Thi thể của 20 thường dân bị chết nằm rải rác trên một con đường ở Bucha, gần thủ đô Kiev. Một số người nằm úp mặt xuống đất, một số người khác ngửa mặt lên trời, miệng há hốc. Tất cả minh chứng nỗi kinh hoàng sau thời gian chiếm đóng của quân Nga. Một người bị trói ngoặt tay ra sau bằng dải băng trắng (loại vải lính Nga buộc dân Ukraine phải đeo trên cánh tay để dễ phân biệt “địch, ta”). Một người khác nằm trơ trọi, chiếc xe đạp đè lên người gần một bãi cỏ. Người thứ ba nằm giữa đường, bên cạnh xác một chiếc xe cháy như than. Hình ảnh ấy được hãng AFP chụp lại ngay ngày quân Nga rút lui vì không chiếm nổi thủ đô Kiev.

Hãng tin REUTERS: Một người đàn ông nằm sóng soài bên vệ đường ở Bucha hôm chúa nhật, tay bị trói ra sau lưng, một vết thương to ở đầu do đạn. Đây là cái chết của một trong hàng trăm người dân thường khác trong 5 tuần thành phố bị quân Nga chiếm đóng…Có ba người ăn mặc thường dân bị bắn vào đầu ở tầm rất gần dù tay không bị trói. Một phụ nữ có chồng bị quân Nga bắt đi. Chị đi tìm và biết xác chồng nhờ đôi giày anh mang và chiếc quần anh mặc. Anh bị bắn vào đầu, mặt mày, tay chân bị nát không rõ vì đạn hay vì bị chém bằng dao. Sau khi tìm ra xác, người phụ nữ chôn trong vườn gần nhà, đào hơi sâu để khỏi bị chó đang đói đi bới xác. Một phụ nữ khác tìm ra xác chồng mắt trái bị nát do vết đạn bắn vào. Thành phố Bucha bị quân Nga chiếm ngay sau ngày tấn công 24 tháng 2.

Hãng tin AP: Ukraine nói có 410 xác thường dân ở các vùng quanh thủ đô Kiev sau khi quân Nga rút đi. Ở Bucha, chúng tôi thấy 21 người chết. Một nhóm 9 người, mặc thường phục, nằm rải rác ở khu vực dân chúng bảo là chỗ Nga đóng quân. Tất cả họ có vẻ bị bắn chết ở cự ly rất gần. Có hai người tay bị trói quặt sau lưng. Hình ảnh xác người bị bắn nát nằm rải rác trên các con phố hoặc bị lấp vội vã ở các mồ chôn tập thể làm dấy lên làn sóng căm phẫn báo hiệu một bước ngoặt quan trọng sau 6 tuần chiến cuộc.

Tổng thống Zelensky và một số lãnh đạo vài nước châu Âu đang mạnh mẽ lên án quân Nga phạm tội ác diệt chủng (genocide).

Trăm nghe không bằng một thấy. Quý vị thông cảm cho tôi đăng một số hình ảnh đau thương ở cuối bài viết. Tại Việt Nam, ai cổ vũ cho chiến tranh, ai cổ vũ cho Putin, ai cổ vũ cho hào quang Liên Xô cũ, hãy nhìn và suy nghĩ:  xác người Ukraine, xác người Nga, cũng không khác xác người Việt Nam một khi có chiến tranh.

Ai sẽ là tội đồ của Nga? Ai đang là đồ tể của Ukraine? Còn Putin là còn máu đổ.