Tôi lại không thích mừng Ngày nhà giáo. Tôi thích mừng nhà giáo nhân ngày 20 tháng 11.
Nhìn vào hình trích dẫn bên dưới, quý vị sẽ thấy lời phê của 2 giáo viên. Tôi thích gọi giáo sư trung học, như trước 1975, ở Sài Gòn. Xin lạc đề một chút. Mấy thằng thầy cúng tào lao cũng có tên pháp sư. Đánh võ giỏi, dạy môn sinh, gọi là võ sư. Một sinh viên học sư phạm, tức giáo dục, đại học (4 năm) không đáng gọi giáo sư (trung học)? Chưa kể, sinh viên học kỹ thuật 4 năm, gọi là kỹ sư. Tốt nghiệp giáo dục thì nhận cái tên "giáo viên", nghe tội nghiệp quá!.
Lời phê quý vị thấy có 2 ý chính cần nêu ra, cái phụ, thôi bỏ đi: chê bai học sinh và xem mê đọc sách là tính xấu (kỷ luật chưa cao). Gạt qua trình độ nhận thức của 2 giáo viên, không trách họ được đào tạo nặng thành tích, "ai cũng phải khá, giỏi" (kém toán, Anh là..."sỉ nhục"!), kỷ luật phải trên hết, trên cả "mê đọc truyện" (sách), chúng ta nên để ý "tác động" của lời phê ở đây trở thành "tác hại" trong suy nghĩ của học sinh cầm cái học bạ này hành trình cả chục năm ở học đường, thậm chí, cả cuộc đời, mỗi khi lấy học bạ hồi còn trẻ ra để hồi tưởng thời đi học.
Năm lớp 6 học sinh có thể kém môn toán nhưng lên lớp 7, có thể khá hơn, không có trường hợp đó hay sao? Tôi chưa nói không phải học sinh trò nào cũng giỏi tất cả các môn. Em giỏi văn đôi khi kém toán. Em giỏi vật lý lại kém môn sinh học. Đời sinh ra không ai giỏi mọi cái, học sinh nào cũng điểm 8 mọi môn. "Cào xúc" trình độ bằng phân loại giỏi, khá, trung bình, kém, là một sai lầm cực lớn trong giáo dục khi trẻ chưa đủ 18 tuổi.
Hệ tính điểm học sinh VNCH không phân ra như thế, trừ trong kỳ thi tú tài I, tú tài II. Thứ, bình thứ, bình, ưu, tối ưu, danh dự. Cách xếp bậc tương tương như trung bình, khá, giỏi, xuất sắc của giáo dục bây giờ. Nhưng, xếp hạng này, không có kém, kém là rớt. Khi tính điểm cộng lại chia đều cho các môn, học sinh sẽ có lợi: giỏi môn nào sẽ giỏi nữa môn đó, môn điểm cao sẽ "kéo" môn điểm thấp, thứ hạng sẽ cao, không có tình trạng học sinh cực giỏi, môn nào cũng giỏi, điểm trung bình còn cao hơn học sinh giỏi nhưng phải xuống khá vì có môn bị "liệt".
Đây, tôi không chú trọng về phân hạng giỏi dở, so sánh cách chấm điểm giáo dục "cũ", "mới". Tôi muốn nhấn mạnh tác động (có thể là tác hại) từ lời phê của giáo viên.
Tôi không rõ bộ giáo dục có tiêu chí nào quy định thầy cô viết "lời phê" của họ trong học bạ học sinh. Có thể đó là quyền của người dạy. Rất tốt. Nhưng tôi xin nhắc lại lời phê thời tôi đi học. Không nói xưa, nay, tốt, xấu. Tôi nêu ví dụ, tất cả học sinh thế hệ chúng tôi đều hiểu, lời phê của thầy cô, không bao giờ "chê" học sinh trong học bạ. Nếu kém môn nào, lời phê đại loại "cố gắng học thêm môn toán, môn văn". Cố gắng, thầy biết trò dở môn đó. Rất tác dụng giáo dục. Học sinh sẽ cố gắng, không mặc cảm mình kém. Tự tin trong trẻ là cái giáo dục chúng ta hiện nay ít chú trọng. Lúc nào thầy cô cũng là trung tâm, trong khi trung tâm phải là từng học sinh.
Nhiều nước có cách chấm điểm(kỳ lạ) bằng chữ A, B, C, D, A+, A-(hồi tôi học sư phạm 1972, môn Anh, chấm theo chữ này)..., học sinh không nghĩ ngay trên trung bình, hay dưới trung bình; có nước điểm số học sinh chỉ có 3 người biết: học sinh, thầy cô, phụ huynh. Vì sao? Người ta muốn học sinh không có cảm tưởng thua bè kém bạn, mặc cảm "dốt nát".
Lớp 6 giỏi, học sinh giỏi ấy có giỏi khi lên lớp trên hay không? Và ngược lại, lớp 6 kém, biết đâu lớp 7 giỏi hơn. Giáo dục cần khuyến khích tài năng, giáo dục không là chánh án, phán quuyết trình độ học sinh bằng những lời phê quý vị thấy tôi trích dẫn.
Một ý nữa về "ý thức kỷ luật chưa cao" trong lời phê vì "mê đọc truyện".Mê đọc truyện là điểm yếu của học sinh ư? Vị thầy này trong nhà chất đầy bằng khen, giấy khen, chứ không có cuốn sách nào? Sự xuất hiện của internet, smartphone, làm đảo lộn nhiều sinh hoạt con người, trong đó có thói quen đọc sách. Văn hóa đọc (sách) phai nhạt dần. Người ta lười đọc dài. Sách lúc nào cũng nhiều trang, đọc đôi ba ngày mới xong 1 cuốn. Chán quá?
Các status nhiều người viết rất hay, đọc không mất tiền, lại nhận cái còm "mất lửa": dài quá, ai mà đọc ! Phải 10 hàng đổ lại mới nhiều lịke, nhiều view. Viết dài mà hay, viết ngắn mà dở, cái nào tốt hơn? Hay: có lợi cho người đọc. Bill Gates là mọt sách. Ông đọc rất nhiều. Tôi có 5 người con, những đứa thành đạt nhất về học vấn, 2 cháu du học lấy thạc sĩ ở Helsinki, lúc nhỏ đọc sách nhiều nhất, tủ sách gia đình. Hiện tôi có 1 cháu ngoại cũng "mọt sách" như ông ngoại, cháu rất lưu loát khi nói chuyện trước đám đông, toàn người lớn (phụ huynh học sinh).
Tôi "khoe" như thế để nói lên lợi ích của đọc sách trong gia đình. Vậy mà, thầy giáo nào đó phê phán học sinh của mình, "ý thức kỷ luật chưa cao" và mở ngoặc vì "mê đọc truyện". Giáo dục mà như vậy hay sao? Tất nhiên, tôi chỉ nhận xét riêng trường hợp này, không nói tất cả.
Những nhận xét của thầy cô sẽ "đồng hành" cả đời một học sinh. Vì vậy, nếu là thầy cô giáo, tôi ao ước quý vị hãy cẩn trọng trong "kết luận", em này kém, dở môn này môn kia. Xem số điểm, học sinh sẽ hiểu mình học thế nào, đâu phải mãn đời xấu hổ, mặc cảm vì bị chê kém, chê dở.
Bài khá dài, tôi muốn kết luận, bằng một lời phê trong học bạ của tôi lúc học lớp 6, môn Anh văn, cô Tống Nữ Mộng Hoa, đang ở Mỹ, ghi trong phiếu điểm: "Nếu cố gắng, sẽ khá môn tiếng Anh".
Và, lời phê ấy theo tôi cả cuộc đời. Tôi học ở trường, học ở nhà, học lúc trẻ, nay già vẫn còn học, học thích thú cái môn mà Cô tôi, ở cách một vòng trái đất, ghi trong học bạ hơn 50 năm trước, tôi nhắc lại : Nếu cố gắng, sẽ khá tiếng Ạnh.
Thưa Cô (tôi), thưa tất cả quý thầy, cô khác trên đất nước này, hãy cẩn thận với lời phê của mình trong học bạ; lời phê của quý thầy cô biết đâu mang lại kết quả cho học sinh của mình như tôi đang có (tuy chẳng phải là vinh dự gì): nay, tôi có thể đọc sách, dịch sách tiếng Anh và không ngừng tự học mỗi ngày.