“Cấm” trong các chữ: Cấm Thị, Cấm Trao (sao?), Cấm Muồng… Những tên gọi vùng đất có trồng cây thị (trong cổ tích), cây trao, cây muồng (đen). Vì sao gọi là “cấm”? Nôm na, không ai được phép chặt chúng. Đây là quy định nghiêm ngặt – từ đời này sang đời khác, có từ thời cư dân theo Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp. Quá trình khai khẩn, vùng đất có các loại cây mọc kể trên được giữ lại. Tuổi thọ khá dài, những loại cây cổ thụ ấy có thân lớn bằng “mấy người ôm”. Cây càng cao, bóng càng cả, người dân sống chung quanh đem lòng kính sợ. Họ liên tưởng đến “cây đa dựa thần, thần dựa cây đa”. Rừng cấm thành rừng thiêng, dù chỉ là vạt rừng, chưa phải dãy rừng.
Cấm Thị nằm về phía Nam chân núi có tượng đài chiến thắng Thường Đức (Đại Lộc, Quảng Nam). Các bô lão còn nhớ, nơi này có miễu “Ông Cọp”. Miễu lập nên để thờ chúa tể sơn lâm. Những năm trước thế kỷ 20, con đường mòn đi qua Cấm Thị là nỗi kinh hoàng cho dân làng. Người ta nói, nhiều khách bộ hành qua đây, “một đi không trở lại”. Cọp tha mất. Không ai dám qua đây một mình.
Năm 1944 trước khi đầu hàng, người Nhật xuất hiện tại quê tôi, để “bắt Tây” đang trú đóng tại đồn Hiên (gần khu du lịch Cổng Trời ngày nay). “Lẳng lặng mà nghe. Nghe vè Nhật Bổn. Nó qua làm rộn (làm càn). Phòng thủ Đông Dương. Nó mượn nhà thương. Học trường cũng ở. Biểu (bảo) nhà phải dỡ. Lập trảng (sân) máy bay. Kế độc mưu cay. Càng ngày càng quá. Người Tây thủ hạ (cúi đầu). Nhật Bổn đè đầu”…”Ở đặng ít lâu. Lại thâu (thu) khí giới. Đồn nào cũng tới. Bắt sạch người Tây. Xiềng xích với dây. Xâu đầu (nối tù này với tù kia) lại hết. Đứa nào sợ chết. Thì lết ra xe. Đứa nào không nghe. Xách đầu nó thổ (dộng xuống đất)…Thân hình cực khổ. Quần áo sơ sài. Râu tốt tóc dài. Chưn (chân) giò chảy máu. Quan năm quan sáu (Trung tá, đại tá). Thấy cũng thất kinh”…(*)
“Thất kinh” không chỉ người Pháp. Cả người Việt Nam – đúng hơn, dân quê VN.
Đó là câu chuyện Nhựt (Nhật) đấu với cọp. Biết có cọp lẫn khuất rình bắt người, hai sĩ quan bèn "thị uy", ra oai, đeo gươm, xách súng đi vào Cấm Thị theo chỉ dẫn của người địa phương; đám đông tò mò đi theo, đứng ở xa xa. Tìm kiếm không lâu, một tiếng gầm vang lên dữ dội, lá thị như rớt khỏi cành, hai người lính thụt lại, giương cao súng; người dẫn đường vội vã chạy thoát thân. Một tiếng nổ tiếp theo. Người đứng xa vẫn nghe tiếp tiếng gầm, ngày càng lớn. Có lẽ phát đạn không trúng đích. Cọp nhảy tới người nổ súng, tát mạnh, khẩu súng trường văng xa. Người còn lại chĩa họng súng vào cọp định bóp cò. Nhưng không kịp. Bạn đồng hành đang ra đòn với cọp. Cả hai gần như quấn chặt nhau, tấn công chớp nhoáng, bằng gươm và bằng móng vuốt. Hai bên đang ra sức đánh, võ cọp và võ Judo kết hợp chiếc gươm dài sắc ngọt. Không còn sợ nữa, dân làng ngày càng đông, dạn dĩ đến gần hơn để dễ dàng quan sát trận “huyết đấu”.
Đúng là huyết đấu. Từ sáng tinh mơ đến gần giữa trưa, cuộc đấu bất phân thắng bại. Chỉ thấy máu văng tứ tung, trên thân cọp, trên thân người. Không biết máu bên nào. Tiếng gầm ngày càng nhỏ. Tiếng thở nặng nề của viên sĩ quan càng nặng nề hơn. Vị sĩ quan còn lại muốn nổ súng nhưng không dám. Cọp và người dường như gần dính chặt. Huyết đấu đến hồi kết cuộc. Cọp rống to một tiếng thống thiết rồi ngã quỵ trước đối thủ. Gương mặt nát bét loang đầy máu. Viên sĩ quan cũng trút hơi thở cuối cùng không lâu sau cọp. Người còn lại ôm lấy bạn, khóc lóc thảm thiết. Thấy cái chết anh dũng của con người trước kẻ thù từng gây kinh hoàng vùng Cấm Thị, dân làng lặng lẽ cúi đầu; không ai bảo ai, họ như muốn tiễn biệt một vị anh hùng không rõ tên.
Ngày nay, Cấm Thị còn không? Thưa không. Số phận nó không khác với Cấm Trao, Cấm Muồng…chỉ còn trong các câu chuyện kể và nỗi bùi ngùi của những người nặng lòng với quê hương.
Cả một vùng rộng lớn miền quê có rất nhiều miếu “Ông Cọp” (có chỗ thờ bạch Hổ, cọp trắng, theo truyền thuyết rất linh thiêng). Và cũng một vùng rộng lớn không còn một cái miểu nào. Chiến tranh chia cắt lòng người. Chiến tranh còn chia cắt quá khứ với hiện tại. Chiến tranh làm đứt lìa mạch chảy văn hóa không chỉ là miếu ông Cọp mà còn là miếu Ông, miếu Bà, chùa, đình, đền…
Tôi đi lần la nhiều thôn xóm, làng mạc; lòng ủi an đôi chút, tại ngôi làng từng có 9 công trình truyền thống bị thiêu rụi trong cuộc “tiêu thổ kháng chiến “ còn duy nhất Miếu Bà (làng Trúc Hà), còn gọi là Ngũ Long Tiên Nương. Nhìn thùng kính nhỏ chứa những mảnh vỡ chén, bình, từng dùng để cúng tế và viên gạch cũ, tôi thấy mừng: dân làng tự nguyện trùng tu nhưng vẫn không quên gìn giữ di tích, dẫu là những mảnh vỡ của quá khứ.
Có người bảo yêu quê hương vì nó như chùm khế ngọt. Còn cây khế ngọt nào đâu. Tôi yêu những người kể cho tôi nghe câu chuyện Cấm Thị… Biết đâu sẽ có câu chuyện Cấm Trao, Cấm Muồng nữa mà tôi sẽ được nghe kể sau này? Yêu quê hương không phải là “trèo hái” khế ngọt mỗi ngày. Tôn tạo ngôi miếu nhỏ này mà không trồng cây khế ngọt nào cả cũng là yêu quê hương.
Ghi chú:
(*) Trích từ một bài vè, do một nông dân làng Trung Đạo – ông Nguyễn Nhung sáng tác hồi Việt Minh; không biết chữ nhưng ông là tác giả (truyền miệng) nhiều bài hát “hò khoan”. Cả bài: “Lẳng lặng mà nghe. Nghe vè Nhật Bổn. Nó qua làm rộn (làm càn). Phòng thủ Đông Dương. Nó mượn nhà thương. Học trường cũng ở. Biểu (bảo) nhà phải dỡ. Lập trảng (sân) máy bay. Kế độc mưu cay. Càng ngày càng quá. Người Tây thủ hạ (cúi đầu). Nhật Bổn đè đầu. Ở đặng ít lâu. Lại thâu (thu) khí giới. Đồn nào cũng tới. Bắt sạch người Tây. Xiềng xích với dây. Xâu đầu (nối tù này với tù kia) lại hết. Đứa nào sợ chết. Thì lết ra xe. Đứa nào không nghe. Xách đầu nó thổ (dộng xuống đất). Thân hình cực khổ. Quần áo sơ sài. Râu tốt tóc dài. Chưn (chân) giò chảy máu. Quan năm quan sáu (Trung tá, đại tá). Thấy cũng thất kinh. Ăn hiếp dân mình. Nhựt không dám nói. Tây thời nhịn đói. Nhựt lại ăn no. Đi đâu chẳng cho. Bắt ngồi một chỗ. Đi mần cực khổ. Vô tới Trung Man. Đói khát kéo sang. Đồn Hiên mà ở. Được khi hớn hở. Mần thịt con bò. Ăn đặng bữa no. Trổ hơi (mòi) nói cượng (nói dóc)”.