Giáo sư Trần Hữu Dũng (*) trên trang Viet-studies: “Sử gia Mỹ Ronald Spector vừa cho ra cuốn "A Continent Erupts: Decolonization, Civil War, and Massacre in Postwar Asia, 1945-1955" về các phong trào giải phóng, giành độc lập, nội chiến, và những cuộc thảm sát ở các nước châu Á sau Thế Chiến II. (Tôi biết cuốn này nhờ bài điểm trên Wall Street Journal). Tất nhiên có một chương về Việt Nam, mà theo tôi là khá khách quan, ngắn gọn nhưng nhiều chi tiết thú vị, ít người biết. (Spector từng là lính Mỹ ở Việt Nam và đã viết cuốn "After Tet", cũng rất nổi tiếng). Tôi bỏ công trích phần này để các bạn thưởng thức. (Phần tôi trích là về tình hình miền Bắc, trước phần này có vài trang về tình hình miền Nam, không chi tiết bằng, khi nào rảnh tôi sẽ trích)”.
Tôi (Nguyễn Long Chiến) dịch phần trích ấy tặng quý vị. Có nhiều chi tiết trước nay không hề nghe nói tới. Rất lý thú. Bài khá dài (trên 8500 từ), tôi đăng ra hai kỳ, đọc cho ‘đỡ ngán’.
“CHÚNG TÔI CHÔN VÙI ĐẾ QUỐC NGAY TẠI NƠI NÀY” (“We Buried Imperialism Here Today”)
Trái với tình trạng bạo lực và bất ổn lan rộng ở Nam Việt Nam và Indonesia, sự chiếm đóng miền Bắc VN của Trung Hoa diễn ra thật hòa bình và trật tự. Tưởng Giới Thạch giao cho Lư Hán, lãnh chúa Vân Nam, chỉ huy việc đem quân đến Bắc kỳ. Hầu hết quân Lư Hán đều sớm chuẩn bị triển khai lại quân ở miền bắc Trung Hoa và Mãn Châu, hai địa phương thiết yếu trong việc đối đầu dự trù với quân cộng sản Trung Quốc.
Không giống với đồng minh Anh hay Hà Lan, thực dân Pháp ở Việt Nam không bó buộc phải từ bỏ lối sống hưởng thụ một khi Đông Dương nằm dưới sự điều khiển của Khối Đại Đông Á. Cảm thấy thua sút về quân sự, được Vichy khuyến khích hợp tác, chính quyền thuộc địa Pháp dần dần nhượng bộ Nhật, cho phép họ đóng quân ở Đông Dương, sử dụng cảng biển, đường xe lửa, và sân bay. Đổi lại sự chấp nhận của Pháp trong việc chiếm đóng thực sự này, người Nhật cho phép chính quyền thuộc địa, do đôc đốc Decoux dẫn đầu, vẫn giữ nguyên hiện trạng, và thực thi hầu hết các trách vụ mỗi ngày. Cờ nước Pháp vẫn tung bay trên bầu trời Hà Nội. Hải Phòng, Sài Gòn. Cảnh sát thuộc địa Pháp tuần tra đường phố, người trong xã hội thuộc địa vẫn cứ tụ tập ở những quán cà phê, trong lúc 50 ngàn quân Nhật đồn trú khắp nước, máy bay Nhật cất cánh từ các sân bay, Hải quân Nhật thiết lập căn cứ ở vịnh Cam Ranh.
Sắp xếp tiện nghi như thế kéo dài đến tháng 3 năm 1945. Thời điểm đó, Nhật ngày càng lo lắng khả năng đồng minh đánh vào Đông Dương. Họ cũng nhận thấy, thực dân Pháp, được chính phủ vừa thành lập của tướng De Gaullet thúc giục, rối rít tạo lại phong trào kháng chiến nhằm lấy điểm với phe đồng minh. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật bất ngờ tấn công các đồn bót của Pháp khắp Đông Dương. Có ít binh sĩ Pháp kháng cự, còn đa phần bị tước vũ khí nhanh chóng, nhiều binh lính, cảnh sát, các viên chức thuộc địa bị nhốt ngay tại nhà tù của họ trước đây.
Pháp bị hất cẳng, Nhật mời hoàng đế cha truyền con nối Bảo Đại thành lập chính quyền với một Việt Nam “độc lập”. Chính quyền Bảo Đại, do thủ tướng Trần Trọng Kim lãnh đạo, ít được quần chúng ủng hộ và có ít thực lực, nhưng sự biến mất của bộ máy an ninh Pháp, sự chiếm đóng của người Nhật đang chuẩn bị đối phó đồng minh sắp đổ bộ, đem lại dịp may cho các tổ chức có tham vọng chính trị hình thành và phát triển.Tổ chức thích hợp nhất đó là Việt Minh, mặt trận bao gồm các thành phần quốc gia chống Pháp do đảng Cộng sản Đông Dương khống chế. Lãnh tụ mặt trận là Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng lão luyện từng đấu tranh nhiều thập kỷ chống thực dân Pháp. Là thành viên sáng lập đảng Cộng sản Pháp, ông Hồ được đào tạo tại Moscow trong những năm 1920, lãnh đạo việc thành lập một tổ chức cộng sản tại VN trong những năm 1930. Là nhân vật có sức cảm hóa và thu hút cá nhân, ông kết hợp sự kiên trì trong mục đích với sự linh hoạt trong hành động.
Việt Minh coi sự chiếm đóng của Nhật là một cơ hội. Đội ngũ tuyên truyền tuyên bố rỉ tai, các tờ báo phát hành bí mật nói với quần chúng, nay người Nhật là kẻ thù số một và sẽ bị quét sạch như người Pháp. Lính thực dân Pháp và lính địa phương được động viên bỏ ngũ để tham gia Việt Minh. Viên chức chính quyền, các thầy giáo, kỹ nghệ gia ở miền Bắc bí mật đứng vào hàng ngũ Việt Minh. Các tổ chức mặt trận quần chúng như hội Phụ nữ cứu quốc, hội Nông dân cứu quốc nhanh chóng hình thành. Suốt mùa xuân và mùa hè năm 1945, một trận đói kinh hoàng, do sự trưng thu lúa gạo của quân đội Nhật, càn quét miền Bắc Việt Nam. Việt Minh coi trận đói là cơ hội để tổ chức cướp các kho lương thực của chế độ thực dân, khích động quần chúng hận thù và căm ghét người Nhật, người Pháp.
Bên cạnh sự thâm nhập và vận động thành công đối với quần chúng, Việt Minh còn hưởng lợi độc nhất trong các phong trào quốc gia Việt Nam, có hợp tác với các nước đồng minh thắng trận. Từ năm 1944, VM tham gia vào việc tìm kiếm và cứu nạn các phi công Mỹ bị bắn rơi ở Đông Dương. Sau ngày Nhật hăt cẳng Pháp tháng 3 năm 1945, Việt Minh trở thành nguồn cung cấp tình báo tin cậy cho phe Đồng Minh. Tháng 7 năm 1945, chỉ huy trưởng tình báo OSS (tiền thân của tình báo CIA Mỹ-ND) phụ trách Đông Dương, thiếu tá Archimedes L. Patti gặp Hồ Chí Minh; ông đồng ý phái toán chuyên viên của OSS đến trang bị vũ khí, huấn luyện Việt Minh cách đánh du kích chống lại quân Nhật.
Khi tin tức Nhật đầu hàng lan tới miền Bắc, Việt Minh đã ở vào tư thế sẵn sàng. Chỉ trong một vài ngày, hầu hết vùng Bắc kỳ (Tonkin), và vùng Trung kỳ (Annam) lọt vào tay Việt Minh. Hoàng đế Bảo Đại thoái vị để ủng hộ chính phủ mới; quân Nhật im lìm ở hậu trường, và chuyển giao trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự cũng như các cơ sở cho chế độ mới. Chúa nhật ngày 2 tháng 9, đám đông tụ họp lên đến 300 hoặc 400 ngàn người từ vùng quê kéo về quảng trường Ba Đình kế dinh Toàn quyền ở Hà Nội để nghe Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Việt Minh biết chính phủ mới của họ phải chạy đua với thời gian. Quân chiếm đóng Trung Hoa sẽ đến trong vòng vài tuần. Pháp quyết tâm giành lại quyền kiểm soát thuộc địa của mình. Thái độ các nước đồng minh hãy còn chưa chắc chắn. Nạn đói lan tràn vẫn còn đe dọa. Các nhóm quốc gia đối lập chống Pháp, như Việt Nam quốc dân đảng, đảng (từng ủng hộ Nhật) Đại Việt, và Việt Nam cách mạng đồng minh hội do người Tàu đỡ đầu, tạm thời rút lui vào bí mật vì Việt Minh chiếm ưu thế tổ chức, lại từng hợp tác với người Mỹ; nhưng các nhóm chính trị này vẫn được nhiều người theo; họ có cả báo chí, đài phát thanh, và dân quân vũ trang.
Chính phủ VM tìm mọi cách triệt hạ đối thủ. Hàng trăm người quốc gia bị xét xử vì tội “phản cách mạng” hoặc biến mất khi lọt vào tay của các đội “ danh dự diệt trừ bọn phản quốc ” (“honor squads for the elimination of traitors”). Ngô Văn Chiêu, tham gia VM vào mùa xuân năm 1945, phụ trách công tác vận động “đóng góp” của giới giàu có người Hà Nội để giúp chính phủ mới của ông Hồ. Nhà hằng sản nào do dự không chịu đóng góp đều bị dân quân cầm tù. Các bà vợ của họ được thông báo chồng họ đang ốm và phải đóng 500 đồng bạc mỗi ngày để được chăm sóc sức khỏe. Các thành viên nổi tiếng của chính phủ Bảo Đại cũng bị hành quyết thời điểm ông ta thoái vị. Sắc lịnh ban hành ngày 5 và ngày 12 tháng 9 đặt ngoài vòng pháp luật đảng Quốc dân và đảng Đại Việt. Tuy nhiên, Việt Minh cũng không quá tay với vài đối thủ, đặc biệt là VN Cách mạng đồng minh hội có gắn bó mật thiết với người Tàu.
Quân chiếm đóng Lư Hán rề rà tiến vào Đông Dương và chỉ tới được Hà Nội vào ngày 14 tháng 9 năm 1945. Một người quan sát nhớ lại: “Lính kéo vào thành phố cả ngày lẫn đêm. Họ gây kinh ngạc cả với cộng đồng người Hoa trước đó lập ra một “ủy ban đón tiếp”…Lính tráng mang giày rơm, dép lốp cao su, thậm chí đi chân trần. Áo quần họ rách nát, trông ốm o và bơ phờ. Mỗi đơn vị đều có các đầu bếp đi kèm, mang theo lỉnh kỉnh nồi xoong va chạm nhau rổn rảng”.
Đi cùng Lư Hán là các đội liên lạc người Mỹ thuộc Bộ Chỉ huy chiến đấu Trung Hoa, một tổ chức cố vấn quân sự của Mỹ huấn luyện quân Tàu ở miền nam Trung Hoa khi thế chiến kết thúc. Các đội này nằm dưới sự chỉ huy của chuẩn tướng Philip E. Gallagher, cố vấn cho Lư Hán. Thiếu tá Patti có mặt tại Hà Nội cùng với một toán OSS, chứng kiến lễ tuyên ngôn độc lập. Ông Hồ đối xử với Patti như người bạn tâm giao, và nhờ ông chuyển tới Washington nhiều thông điệp kêu gọi Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập Việt Nam.
Mặc dù sự hiện diện của người Mỹ ở Hà Nội có vẻ như bằng chứng cho sự quan tâm cao vào số phận các nước Đông Dương, nhiệm vụ thực sự của họ bình thường hơn rất nhiều. Trong trường hợp toán OSS của Patti, sứ mạng chính, ngoài việc thu thập tin tình báo khu vực, là việc tìm kiếm và giúp đỡ tù binh đồng minh, điều tra tội phạm chiến tranh, giúp chuẩn bị cho quân đội Nhật đầu hàng và giải giáp họ. Mệnh lệnh của tướng Gallagher chỉ giới hạn “tham vấn và trợ giúp quân đội trung ương (Trung Hoa) trong việc di chuyển của họ đến nơi trú đóng” và cung ứng hậu cần thiết yếu.
Hoa Kỳ chưa hề có một chính sách nào rõ ràng về Đông Dương mặc dù tổng thống Roosevelt công khai chỉ trích chế độ thuộc địa trong các nhận định và thảo luận của ông. Với cái chết của ông vào tháng 4 năm 1945, Hoa Kỳ thực sự chấm hết vai trò tích cực của mình trong các thảo luận về tương lai Đông Dương.
Tuy nhiên, nhiều người VN coi một nhóm người Mỹ ở Hà Nội là dấu hiệu ủng hộ nền độc lập VN trong lúc người Pháp lại hồ nghi người Mỹ có âm mưu thay thế họ ở Việt Nam. Đại diện De Gaulle tại Hà Nội, đại tá Jean Sainteny báo cáo rằng “vai trò hòa giải trong cuộc xung đột này, người Mỹ dễ dàng giành lấy, họ đặc biệt quan tâm việc thiết lập quan hệ buôn bán trong tương lai”.
Pháp kỳ vọng họ là một trong các nước đồng minh thắng trận ở châu Á như họ được đối xử ở châu Âu. Không màng đến việc chế độ thực dân Pháp từng cộng tác với quân Nhật trong gần 5 năm trời – chính phủ De Gaulle nhấn mạnh rằng, phản ứng ngắn ngủi, dù thiếu tổ chức, trước cuộc đảo chánh của Nhật năm 1945 cấu thành một “cuộc phản kháng” và nước Pháp có quyền kỳ vọng đồng minh giúp họ giành lại vị trí đáng có của mình.
Người Tàu có xu hướng không muốn hợp tác. Lư Hán không phải là Patton, quân đội của ông thiếu chỉn chu nhưng ông ta biết cách chớp thời cơ. Hà Nội thực sự không bị chiến tranh tàn phá. Các cửa hàng, các tiệm buôn, các nhà xưởng vẫn còn nguyên vẹn. Ngân hàng Đông Dương của Pháp còn giữ hàng trăm ngàn đồng bạc. Doanh trại của Pháp vẫn bị phong tỏa trong Hoàng Thành, một dinh lũy thuộc thế kỷ thứ 18, nơi người Nhật giam người Pháp sau cuộc đảo chánh.
Bỏ ngoài tai đòi hỏi và phản đối của Pháp, người Tàu nhanh chóng thỏa thuận làm việc với Hồ Chí Minh. Lính Pháp vẫn còn bị nhốt trong thành cổ. Việt Minh không bị giải giáp. Ông Hồ chịu áp lực nhưng không bị buộc phải tiếp nhận các đảng phái quốc gia do Tàu hậu thuẫn trong chính phủ của ông. Cái giá Việt Minh phải trả cho thỏa thuận này là quá đắt. Tất cả chi phí cho sự đồn trú của quân Tàu ở Bắc kỳ phải do người Việt Nam gánh lấy, sau này phải chịu bồi hoàn theo một hối đoái “công bằng”. Tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Tàu với đồng tiền Việt quy định bắt buộc ở mức 14 đổi 1, khiến đồng tiền Tàu có giá gấp 3 lần hơn ở Việt Nam so với ở Trung Hoa.
Hàng triệu tiền Tàu bắt đầu đến Đông Dương. Trong một trường hợp, có 60 triệu đồng được báo cáo trên mỗi một chuyến bay phát xuất từ Côn Minh. Thiếu tá Patti nhớ lại, sĩ quan của Lư Hán “chóng vánh tự hình thành các tập đoàn (syndicate) chặt chẽ để mua sạch mọi doanh nghiệp làm ăn có lãi với giá cực thấp…Các công ty bình phong, các tổ chức tín thác (trust) vội vã thành lập để thâu tóm quyền sở hữu toàn phần hoặc nắm lợi tức chi phối những đồn điền, nông trại, biệt thự, hầm mỏ, và cơ xưởng. Ngay cả doanh nghiệp nhỏ cũng không tránh khỏi. Nếu họ phản đối hay dám chống lại đề xuất do tập đoàn (synndicate) đưa ra, quân đội sẽ có cách chế phục”. Bằng việc thôn tính giá và các hoạt động kinh doanh khác, theo một ước tính, người Tàu đã khai thác chừng 400 triệu đồng từ một nửa nước nghèo khó hơn, có tổng sản phẩm quốc dân năm 1939 là 1.1 tỷ một đồng (bạc Đông Dương).
Để đổi lấy những nhượng bộ này, người Tàu đối xử với Việt Minh như là một chính phủ đương nhiên của Việt Nam. Nhiều sĩ quan Tàu từ lâu oán hận người Pháp và họ chần chừ chứng kiến Pháp quay lại nắm quyền. Khi chính phủ Pháp cử tướng Marcel Alessandri làm đại diện chính thức đến dự lễ Nhật đầu hàng, Lư Hán từ chối cho phép ông này tham gia vì “danh phận không rõ ràng”. Vị tướng Tàu cũng không cho cờ Pháp treo cùng với cờ các nước đồng minh.
Tuy nhiên, trong lúc Lư Hán và các tướng lĩnh sung sướng với việc từ chối người Pháp ở Hà Nội thì chính phủ Tưởng Giới Thạch nóng lòng muốn thương thuyết việc trao trả miền bắc Đông Dương cho Pháp để đổi lấy sự chấp nhận các nhượng bộ cuối cùng các đặc quyền của người Pháp tại Trung Hoa. Ngày 8 tháng giêng năm 1946, chính phủ Pháp và Trung Hoa chính thức hội đàm về việc rút quân Tàu (khỏi VN).
Từ tháng 10, ông Hồ và Sainteny đã có những cuộc nói chuyện bí mật trong một biệt thự kế công viên Paul Bert ở trung tâm Hà Nội. Sainteny, có Leon Pignon - quan chức thuộc địa kỳ cựu - tháp tùng, và ông Hồ với tùy tùng là Hoàng Minh Giám - bộ trưởng văn hóa. Sainteny nhớ lại, khi nói chuyện, ông Hồ “liên tục đốt thuốc – thuốc Tàu, thuốc Mỹ, cả thuốc Guauloise hạng nặng của Pháp. Pignon hút còn “bạo” hơn…. Buổi đàm phán kết thúc vào giữa khuya trong không gian đậm đặc khói thuốc như trong một tiệm á phiện mà chưa (ai) thấy “đã” (an opium den but without the euphoria).
Khi các cuộc đàm phán kéo dài, ông Hồ thực hiện nhiều biện pháp để có thế củng cố vị thế của Việt Minh. Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức giải tán (thay thế bằng “Hội Nghiên cứu Mác-xít”, để qua tổ chức này, đảng tiếp tục hoạt động). Để xoa dịu người Tàu và mở rộng ủng hộ, ông Hồ mở các cuộc tiếp xúc với các đảng phái quốc gia đối lập để lập ra chính phủ liên hiệp mở rộng, với các cuộc bầu cử diễn ra vào tháng giêng, dành cho VNQDĐ 50 ghế, Đại Việt 20 ghế trong một quốc hội có 350 đại biểu.
Việt Minh thắng lớn cuộc bầu cử sau đó. Chẳng có tổ chức bầu cử ở các tỉnh Vĩnh Yên, Việt Trì, Yên Bái và Lạng Sơn, nơi đó, các đảng quốc gia chiếm ưu thế, nhưng các ứng cử viên Việt Minh ở các khu vực này tuyên bố họ là những người thắng cử. Tính chung, Việt Minh thắng 300 trên 350 ghế đại biểu, tức còn 280 ghế sau khi phân bố số ghế dành cho VNQDĐ và Đại Việt. Cuộc bầu cử toàn quốc đem lại uy tín và tiếng tăm cho Việt Minh, giúp họ tự coi mình là đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam.
Giành ưu thế trong các cuộc bầu cử, Việt Minh quay ra vô hiệu hóa phía người Việt đối lập. Một vài đảng quốc gia đối lập dựa vào sự ủng hộ của người Tàu. Họ cũng kiểm soát một nền báo chí mạnh mẽ, có ảnh hưởng, trong đó có hai tờ dẫn đầu thường xuyên đả kích, lên án chính phủ của ông Hồ, kết tội chính phủ sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp. VNQDĐ cũng điều hành hai trạm phát thanh riêng.
Tuy nhiên, các đảng phái này không đoàn kết với nhau, tất cả cho thấy họ dễ bị thâm nhập và gây cản trở bởi Việt Minh đang có trong tay lực lượng cảnh sát, an ninh trong các thành phố lớn và nhiều vùng ở các tỉnh. Quân chính quy và dân quân du kích cũng nằm dưới sự kiểm soát của Việt Minh. Các tổ chức ấy được sử dụng để kiểm soát, phá hỏng các hoạt động của phe quốc gia đối lập, đồng thời thâm nhập vào hàng ngũ lãnh đạo của họ. Người nào ở phe quốc gia có vẻ thiếu gan dạ thì bị áp lực rời bỏ hàng ngũ về với Việt Minh thông qua thuyết phục, tuyên truyền, gây áp lực gia đình, hù dọa, bắt cóc, thậm chí nhục hình.
Phó tổng lãnh sự Mỹ ở Hà Nội, James O’Sullivan nhớ lại, “một trong những thủ đoạn được ưa dùng là bắt các phần tử đối lập liên quan tới tiền giả. Mọi người đều xài tiền giả bởi vì đó là cái người Tàu làm rất giỏi. Nếu người (của ông Hồ) bắt được ai thì anh ta luôn luôn có tiền giả trong người. Nếu đọc báo quý vị sẽ thấy, dân quân tự vệ bố ráp nơi ở của đảng viên VNQDĐ và phát hiện rất nhiều tiền giả. Rồi có thể họ đào chung quanh đó và tuyên bố phát hiện ra các bộ xương…Đây là cách thức trong phương sách nhất quán để loại bỏ phe đối lập. Mấy vị này bị bắt và biến mất tăm”.
Ở các vùng ngoại ô thành phố, các thành phần quốc gia đánh trả thành công hơn nhưng lại suy yếu vì không đoàn kết và thiếu hợp tác. Sự ủng hộ của Tàu rất thường thay đổi và bất định trong lúc đó, người Pháp bắt đầu nhìn Việt Minh như một phe họ có thể thỏa thuận được. Một tướng Pháp viết: “Ơn trời, Hồ Chí Minh là người quyết định mọi thứ. Ông muốn loại trừ VNQDĐ, việc này hỗ trợ cho mục tiêu của chúng tôi”. Sainteny nhận định rằng, trong khi các đối thủ cánh quốc gia đối trọng ông Hồ đòi hỏi độc lập toàn diện và tức thời phải là điều kiện tiên quyết để thương thuyết thì ông Hồ có vẻ mềm dẻo hơn.
Ngày 2 tháng 2 năm 1946, chính phủ Pháp và Tàu kết thúc đàm phán về sự “trợ giúp” của người Pháp về phí tổn trú đóng của người Tàu. Một phái bộ viễn chinh Pháp dưới quyền tướng Leclerc đang trên đường đến Bắc kỳ bằng đường thủy. Tuy nhiên, ông Hồ và Sainteny vẫn chưa đi đến thỏa thuận nào. Cuối cùng, sáng sớm ngày 6 tháng 3 khi phái bộ viễn chinh chuẩn bị cập bến, hai bên (Pháp-Việt) đạt được thỏa thuận. Pháp “công nhận Cộng hòa Việt Nam là quốc gia tự do có quốc hội, quân đội và tài chánh”. Các vấn đề liên quan tới sự thống nhất ba kỳ sẽ được giải quyết bằng trưng cầu dân ý. Đổi lại, chính phủ Việt Nam đồng ý “đón tiếp thân thiện” quân đội Pháp khi họ trở lại “thay phiên” (relieve) quân đội Trung Hoa.
Ngày 18 tháng 3 năm 1946, tướng Leclerc dẫn đầu hàng đoàn xe nhà binh chở sư đoàn thiết giáp số 2 diễn hành qua trung tâm Hà Nội. Các kiều dân Pháp ở đây “nghĩ rằng thành phố được giải phóng” nên sắp hàng dài đón chào nhiệt liệt đoàn diễu binh. Chuyên viên mật mã của OSS George Wickes nhận xét “Điều họ không nhận ra đó là Leclerc đã mất thể diện thể nào trước khi được cho phép tiến vào thành phố ‘với đội quân danh dự’ một ngàn quân.
Một tuần sau, ông Hồ gặp đô đốc Thierry d’Argenlieu, cao ủy phụ trách Đông Dương, trên tuần dương hạm đậu tại vịnh Hạ Long. Là cựu tu sĩ công giáo, một sĩ quan hải quân, d’Argenlieu là đệ tử nhiệt thành của de Gaulle. Về chính trị, ông nghiêng về cánh hữu như Louis XIV. Về cá tính, ông là người ngạo mạn, tỏ ra oai vệ, và cố chấp cực kỳ. Trong đệ nhị thế chiến, ông gây ra ý nghĩ ‘tự đập đầu vào tường’ trong hàng ngũ sĩ quan Mỹ, những người chẳng may phải đối mặt với ông - tư cách một thống chế nước Pháp tự do của Tân Caledonia. Trong lời phẩm bình sớm nổi tiếng, d’Argaenlieu tuyên bố: “Tôi ngạc nhiên, vâng, đúng là ngạc nhiên, tại sao nước Pháp có một đội quân viễn chinh tinh nhuệ mà lãnh đạo của đội quân ấy lại thích đàm phán hơn là chiến đấu”. Mất một vài giờ trao đổi, vị đô đốc thuyết phục ông Hồ rằng, muốn có tiến bộ thực sự thì cần phải đàm phán trực tiếp với chính phủ ở Paris. Leclerc và Sainteny đồng ý với quyết sách của ông Hồ là đàm phán trực tiếp; vào ngày 30 tháng 4 ông Hồ và phái đoàn Việt Nam đáp máy bay của Pháp trong một hành tình dài đi tới nước này.
Sau vài ngày nghỉ ngơi tại biệt thự của Sainteny ở Biarritz, ông Hồ đến Paris, trả lời báo chí, tiếp đón khách, thu hút rất nhiều người quan tâm. Các buổi đàm phán sớm đi đến thất bại. Nội các luôn thay đổi, bất ổn của Pháp chẳng để ý đến; họ giao cuộc thương thảo vào các tay già nua nằm trong bộ Thuộc địa. Thêm vào đó, d’Argenlieu ra sức phá hoại toàn bộ tiến trình bằng cách đơn phương lập ra “Cộng hòa tự trị Nam kỳ”, sau đó, kêu gọi hội nghị đại biểu Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào và Cam- bốt để thảo luận một Liên bang Đông Dương tương lai. Trong khi đại biểu phái đoàn Pháp tại Paris vừa từ chối ngày giờ nhất định cho việc trưng cầu dân ý ở Nam kỳ vừa không muốn công nhận VN độc lập, thì phái đoàn VN hủy bỏ đàm phán và quay về nước. Ông Hồ nán lại sau đó ở Paris, và thắng lợi với việc đàm phán một thỏa ước tạm thời với bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet ngày 15 tháng 9. Thỏa ước sơ bộ được xác định như “Thỏa ước tháng ba”, kêu gọi ngưng bắn ở nam Việt Nam; các cuộc đàm phán vòng hai sẽ tổ chức ở Paris vào tháng giêng năm sau.
Vào lúc 4 giờ chiều ngày 20 tháng 10 năm 1946, chiếc tàu đổ bộ Dumont Durville tiến vào cảng Hải Phòng treo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam Dân chủ cộng hòa bên cạnh cờ tam tài của Pháp trên cột buồm. Con tàu phát lên tiếng còi lanh lảnh và được đáp lại ngay bằng tiếng còi lanh lảnh không kém từ nhà hát thành phố. Hồ Chí Minh bước lên bờ để gặp các chức sắc Pháp và Việt cùng với đội quân danh dự trong khi một ban nhạc đang cất lên quốc ca Việt và Pháp.
Phạm Quang Lễ, một kỹ sư trẻ tháp tùng ông Hồ từ Pháp về VN thấy rằng “tình hình rất căng. Thực dân Pháp quay trở lại chủ trương của họ. Quần chúng nhân dân hừng hực lửa chiến đấu. Họ căm hận kẻ thù, sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc cho dù súng đạn còn thiếu thốn”.
Trong khi tiến hành đàm phán ở Paris, trong nước VM lợi dụng quân Tàu rút binh để “thanh toán” các đảng phái quốc gia đối lập. Các đảng Việt Nam quốc dân, Đại Việt, VN Cách mạng đồng minh hội có lực lượng đáng kể và chiếm giữ một số thị trấn quan trọng, nhưng các phe phái hiếm khi nỗ lực hợp tác hay phối hợp, ngay cả lúc họ không đánh phá nhau.
Lực lượng VM trang bị vũ khí tốt hơn và kỷ luật hơn, lại được Pháp thuận tình và đôi khi được họ trợ giúp; Pháp hài lòng thấy sự thất bại của các đảng phái quốc gia, đối tượng họ coi còn nguy hiểm hơn Việt Minh. Một báo cáo của Pháp nêu ra, Việt Minh “có khả năng loại trừ các đảng phái đối lập, cản trở quyết tâm của họ nhờ sự bàng quang của chúng ta và đôi khi là sự giúp đỡ nữa”. Từ tháng 6 cho đến tháng 11 năm 1946, lực lượng VM chiếm giữ cứ điểm của phe quốc gia ở Việt Trì, Lào Cai, Lạng Sơn và Phú Yên. Một số người quốc gia cầm cự và rút về phía nam Trung Hoa. Một số khác hoặc “hồi chánh”, hoặc bị hành quyết.
Quốc hội nhóm họp vào cuối tháng 10, chấp thuận một nội các mới, các vị trí bộ trưởng quan trọng đều do VM nắm giữ. Ông Hồ được bầu làm chủ tịch kiêm thủ tướng. Hiến pháp tạm thời được chuẩn thuận hai tuần sau đó, công bố Việt Nam hoàn toàn độc lập mà không tham chiếu ý kiến của Liên hiệp Pháp
Lúc này rắc rối xảy ra về phía người Pháp. Tại cảng Hải Phòng, Pháp tiếp tục hành xử như thể họ toàn quyền kiểm soát, phớt lờ cơ quan hải quan VN, tự tiện ngăn tàu nào họ cho là buôn lậu. Ngày 20 tháng 11, xung đột nổ ra khi một tàu tuần tiễu Pháp bắt giữ một chiếc tàu nhỏ của người Tàu vừa thông qua hải quan VN. Quan chức cấp trên của Việt và Pháp cố thu xếp một cuộc ngưng bắn hôm sau nhưng giới chức Pháp ở Sài Gòn đã quyết định một trận ‘sống còn’. Tướng Jean Valluy, quyền thống đốc, tư lệnh quân đội viễn chinh, kiên định “hết sức cần kíp cho Pháp tận dụng cơ hội này để khẳng định chỗ đứng của chúng ta tại Hải Phòng”.
Tướng Louis Moliere chỉ huy ở khu vực Hà Nội. Ông là một vị lính già, trước đây tiếp xúc với người Việt dưới cương vị phục dịch hay lính tráng trong quân đội thuộc địa trước thế chiến, nhưng ông tin rằng, nước Pháp có thể chung sống với một nước VN độc lập, và nếu buộc phải ‘sống còn’ thì “sẽ chấm hết hoàn toàn Hiệp định 6 tháng 3 (VN hay gọi Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3) và chiến tranh sẽ lan rộng đến tất cả đơn vị đồn trú của chúng ta ở Bắc kỳ”. Tuy nhiên, Valluy đã ra lệnh cho đại tá Pierre Debes, chỉ huy quân Pháp tại Hải Phòng, yêu cầu tất các lực lượng quân sự VN phải triệt thoái khỏi khu vực Hải Phòng. Vào chiều ngày 22 tháng 11, Debes ra tối hậu thư cho giới chức VN, buộc lực lượng quân sự của họ phải di tản khỏi thành phố. Chẳng bao lâu, sau 10 giờ sáng ngày hôm sau, pháo binh hạng nặng của Pháp bắt đầu nã đạn cấp tập vào các khu phố. Chính phủ VM ở Hà Nội chẳng hề được thông báo về tối hậu thư cho đến khi người Pháp nổ súng. Phó tổng lãnh sự (Mỹ) O’Sullivan nhận định: “Người Pháp nghiêm chỉnh mong muốn tối hậu thư được hồi đáp, thực sự là không tưởng”.
Pháo 105 và 155 ly, hầu hết có được từ thuê-mượn của Hoa Kỳ, tàn phá các khu phố Việt, gây thương vong nặng nề đối với thường dân chưa kịp rời đi. Binh sĩ VN ngoan cường chiến đấu, sau hai ngày mới chịu rút lui. Rất nhiều người tỵ nạn tụ về xã Kiến An sát nách thành phố. Nhưng xã Kiến An không có chỗ trú ẩn khi pháo binh của Debes, phối hợp với hỏa lực trên không, dưới biển, trở thành bình địa mà phó tổng lãnh sự Mỹ gọi là một “biện pháp tàn sát”.
Dù Hải Phòng không thể tránh khỏi đánh nhau, cả hai bên đều do dự, không dám lấn sâu vào cuộc chiến toàn diện. Pháp lo ngại về sự an toàn của kiều dân họ sống trong những khu phố bị cô lập của Hà Nội cũng như sự yếu kém của các đơn vị đồn trú xa xôi trên khắp Bắc kỳ. Hồ Chí Minh và một vài lãnh đạo khác vẫn nuôi hy vọng cho một giải pháp thương thảo, nhưng VM vẫn tiếp tục chuẩn bị cho chiến tranh.
Bấy giờ các đơn vị vũ trang của Việt Minh đã lớn mạnh và được tổ chức thành Quân đội nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, một luật sư (chỗ này tác giả nhầm chăng? -ND), thầy giáo dạy sử, một nhà chiến lược, nhà chiến thuật quân sự tự học. Một người theo chủ nghĩa dân tộc rất sớm, có vợ, cha (?) và chị gái bị chết trong nhà tù người Pháp, ông Giáp là cộng sự thân tín của Hồ Chí Minh từ cuối những năm 1930. Một tướng lĩnh người Pháp nhận xét: “Tướng Giáp thể hiện mức độ cao nhất đức tính của người VN: can cường, bền bỉ và khôn khéo…Khác với Hồ Chí Minh, một con người có bề ngoài của một nhà Nho (old Vietnamese man of letters), Giáp chứng tỏ mình là một người Việt âu hóa, hiện đại, lúc nào cũng mặc vest, đeo cà vạt, và đội mũ nỉ. Gương mặt tròn, đầy đặn của ông ta đem lại ấn tượng một nhân cách quyền uy”.
Quân của ông Giáp không tới 70 ngàn lính chính quy. Những chiến binh dày dạn là cựu binh xuất phát từ đội quân thuộc địa Pháp (Garde Indigene Indochine: lính địa phương Đông Dương -lính khố đỏ?), địa phương quân do Nhật tổ chức, cựu du kích Việt Minh thời 1945 (một số người trong đó được OSS huấn luyện và vũ trang), một số kiều bào có kinh nghiệm chiến đấu ở Pháp và Trung Hoa. Số còn lại là tân binh trẻ tham gia từ Cách mạng tháng tám. Tự vệ quân (dân quân du kích) có trên 100 ngàn nhưng không phải tất cả đều biết chiến đấu, nhiều người trang bị vũ khí thô sơ như giáo, mác và súng hoa mai.
Để phát triển quân đội, ba trường quân sự thành lập vào tháng 3 năm 1946 ở miền Bắc và miền Trung, tại đó, các sĩ quan tương lại được huấn luyện căn bản về bộ binh, học tập chiến thuật đánh nhỏ lẻ và chiến tranh du kích, rèn luyện theo lý thuyết và học thuyết của đảng. Mỗi trung đoàn trong quân đội còn tự lập trường huấn luyện cơ bản của mình.
Giống như ở Indonesia, sự đóng góp của số ít người Nhật đào thoát chứng tỏ rất giá trị trong việc giúp đội quân mới nắm vững kỹ năng cơ bản và kỹ thuật quân sự. Có chừng một đến ba ngàn lính Nhật đào thoát trong tháng 8 và tháng 9 năm 1945 tham gia vào đội ngũ những người yêu nước VN. Một số người Nhật tham gia vì tin tưởng: là đàn ông, phải có nguyện vọng tiếp tục chiến đấu cho một Châu Á đại đồng chứ không chịu đầu hàng. Đại úy Kanetoshi Kobayashi cho rằng đầu hàng là điều “không ai nghĩ tới”. Ông không thể có ý nghĩ trở về Nhật trong khi nhiều đồng đội đã bỏ mình cho nước Nhật.
Một số lớn lính Nhật đào thoát vì họ hồ nghi phải chờ nhiều năm để hồi hương hay tương lai kinh tế mờ mịt dù cho họ về nước. Một số lấy vợ hay quan hệ với phụ nữ Việt. Một số có mặt ở VN trước chiến tranh có nguyện vọng ở lại. Ông Takahata, một thương gia ở Hà Nội, được gọi nhập ngũ năm 1944 với công việc thông dịch viên quân đội. Tiếp sau Nhật đầu hàng, ông tham gia Việt Minh và trở thành một đại đội trưởng.
Sĩ quan Nhật huấn luyện người Việt trong việc sử dụng và bảo dưỡng vũ khí, chiến thuật đánh theo đơn vị nhỏ, và thông tin liên lạc. Còn các chuyên gia thì huấn luyện về lĩnh vực y tế, nhân sự và quản trị. Hạ sĩ quan được đào tạo trong các buổi tập trận cấp đại đội và cấp tiểu đoàn. Người Nhật hướng dẫn cho người Việt chiến thuật đánh du kích, trước đó họ định sử dụng để đánh lại đồng minh trong những tháng cuối cùng cuộc chiến. Cố vấn Nhật giúp Việt Minh trong kế hoạch hành quân, đôi lúc còn chỉ huy đơn vị VM trong các trận đánh. Một cựu chiến sĩ Việt Minh, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhớ lại, trung đội của bà có một cố vấn người Nhật biệt danh “Anh Hai” và đơn vị của bà được giúp súng đạn ngay sau ngày Nhật đầu hàng. Báo cáo của tình báo Pháp kết luận: “cán bộ, chuyên gia, huấn luyện viên người Nhật đóng góp rất lớn trong chiến đấu” cho phe Việt Minh. “Là chiến binh, họ cho thấy những yếu tố hung hãn và đáng sợ nhất trong những người không chịu đầu hàng”.
Quân đội Nhân dân không thiếu người tình nguyện gia nhập nhưng thiếu trầm trọng súng đạn. Ngay cả súng có được khi Nhật đầu hàng, súng trường Mỹ M-1 do OSS cung cấp trong những tuần cuối của cuộc chiến, súng mua lậu qua ngả Tàu và Thái, tình báo Pháp ước lượng người Việt chỉ có một khẩu súng cho hai chiến binh. Ước tính có chừng 1000 súng máy, 55 khẩu pháo hạng nhẹ. Vào tháng 12 năm 1946, “tiểu đội” 16 người của Ngô Văn Chiêu sử dụng thay phiên “3 khẩu súng Anh, hai khẩu súng săn cũ, bốn khẩu súng trường Pháp và một khẩu súng lục”. Trong toàn đơn vị của ông, chỉ có một tiểu đội lính địa phương Nhật huấn luyện trước đó, do một sĩ quan Nhật chỉ huy, là trang bị tương đối tốt với nhiều khẩu súng trường, một súng máy, và một súng cối nhỏ (mortar).
Kỹ sư trẻ Phạm Quang Lễ được bổ nhiệm làm cục trưởng cục quân khí thuộc bộ quốc phòng. Ưu tiên một của đơn vị là sản xuất lựu đạn, súng phóng lựu đạn, mìn và súng cối. “Thật sự mà nói là không có thuốc súng. Chỉ một ít lấy ra từ đầu đạn pháo thu được của địch dành cho chế tạo đạn bazooka. Vì vậy, chúng tôi quay qua thuốc pháo (=black powder?) không còn ai dùng trên thế giới…Súng cối hết sức cần thiết nhưng chúng tôi không có phương tiện để chế tạo theo cách thông thường. Thợ của chúng tôi phải làm ống đạn súng cối 50,8 ly bằng thủ công từ các thanh ray (xe lửa). Để có súng lớn hơn, chúng tôi dùng các bình chứa oxy cưa ra”. Bắt đầu mùa thu năm 1946, VM bắt đầu di chuyển các xưởng chế tạo vũ khí đến phía tây bắc VN gọi là Việt Bắc, nơi VM ban đầu phát động cuộc chiến tranh du kích chống Nhật.
Vào cuối tháng 11 năm 1946, cả hai phía đều chuẩn bị chiến tranh. Tướng Moliere có khoảng 4500 quân ở Hà Nội cộng với pháo binh và hai tiểu đội thiết giáp. VM có trên 10 ngàn quân, trong đó chính quy là 2500. Nhưng quân chính quy chỉ có 1500 súng trường, với cơ số đạn chưa tới 12 viên cho mỗi khẩu, một ba-zô-ka, và bốn súng máy. Tự Vệ quân có chỉ 1100 khẩu súng trường cho 80 ngàn du kích. Pháo binh Việt Minh ở Hà Nội có chừng sáu khẩu 75 ly của Nhật.
Đầu tháng 12 Hà Nội vẫn yên tĩnh nhưng không khí hết sức ngột ngạt. Bộ đội và du kích Việt Nam bắt đầu dựng lên rào chắn và chướng ngại vật ở những điểm trọng yếu. Các nhà liền kề đều được khoét thông tường để chiến binh có thể đi từ nơi này đến nơi khác tránh khỏi hỏa lực đối phương. Chính phủ Việt Nam bắt đầu cho dân di tản. Lãnh sự O’Sullivan nhớ lại, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày Hà Nội thưa vắng người. Nhiều kiều bào Pháp và nước ngoài lũ lượt kéo ra khỏi thành phố.
Hầu hết Việt Minh tái bố trí quân ra ngoại thành. Quan chức chính phủ VM bắt đầu ra ngủ đêm ở ngoại ô; các bộ lần lượt di chuyển văn phóng và tài liệu ra khỏi thủ đô. Bệnh viện và trạm xá không còn thuốc men và dụng cụ y tế, tất cả đều được chở về Việt Bắc. Đi với họ có cả y tá, dược sĩ và bác sĩ Việt Nam. Ngay cả vài khoa của trường y Hà Nội cũng bỏ đi theo Việt Minh. Radio, điện thoại, máy phát điện, ngay cả máy chuyển phát ở đài phát thanh của Pháp cũng biến mất về nông thôn. Sinh viên lặng lẽ “mót máy” nào giấy, nào mực, ngay cả máy in, đem vào cho cơ quan của tân chính phủ.
Pháp bắt đầu hàng loạt yêu sách mà người Việt hay nói là tối hậu thư. Họ hay gọi Moliere là “Tướng tối hậu thư”. Đầu tiên, Pháp yêu cầu VN phải dỡ bỏ rào chắn và chướng ngại vật. Nếu không hợp tác, Pháp sẽ dẹp sạch chúng ngay. Cùng ngày, một quan chức Pháp phát đi thông báo, vì cảnh sát VN không đủ sức duy trì luật pháp và trật tự, người Pháp sẽ làm thay. Hai ngày sau, 17 tháng 12, một yêu sách đưa ra, quân du kích phải giải giáp, phía VN phải ngưng việc chuẩn bị chiến tranh.
Ông Hồ gởi lời kêu gọi cuối cùng tới Leon Blum, lãnh tụ nổi tiếng cánh tả Pháp vừa nhận chức thủ tướng. Blum vừa viết một bài xã luận trên báo kêu gọi “thỏa thuận trên cơ sở một nền độc lập” cho VN, chấm dứt việc “quân đội hoặc các kiều dân ở Đông Dương kiểm soát chính sách (Pháp) về VN”. Trong lúc đó, Quân đội Nhân dân hoàn tất phương án chiến tranh. Ông Hồ hỏi ông Giáp nếu chiến tranh xảy ra, VM giữ được Hà Nội bao lâu. Chừng một tháng, tướng Giáp đáp. Ông Hồ nhận xét gọn lỏn, “một tuần là tôi mừng rồi”.
Vương Thừa Vũ, cùng với chính trị viên của mình Trần Độ, chỉ huy các cuộc tác chiến ở khu vực Hà Nội, lên kế hoạch tổ chức tấn công bất ngờ những trọng điểm trong thành phố với 5 tiểu đoàn quân chính quy với sự hỗ trợ của 9 ngàn dân quân. Họ cố gây càng nhiều thiệt hại càng tốt lên lực lượng và cơ sở của Pháp trước khi rút ra ngoại ô. Một tiểu đoàn quân chính quy và hầu hết dân quân tự vệ sẽ trụ lại phía sau khu phố Việt-Hoa để án ngự vị trí cuối cùng. Nam nữ dân quân tự vệ ở lại phía sau để bảo vệ Hà Nội, hầu hết đều trẻ, chỉ có súng lục, lựu đạn, và một súng trường cho hai người, cộng thêm 2 khẩu súng máy với một ít đạn dự phòng, đa phần đều không có kinh nghiệm chiến đấu.
Ngày 13 tháng 12, 1946, ông Giáp phát lịnh cuối cùng đến các tư lệnh khu vực thông báo về chiến sự sắp xảy ra. Vào lúc đó, cầu cống, đường phố khu vực Hà Nội được đặt mìn để chuẩn bị phá hủy. Thành phố cho đào các đường hầm bên dưới, các cây lớn khoét lỗ để đặt chất nổ, sẽ cho chúng ngã xuống nhằm cản trở bước tiến của đối phương. Lãnh đạo VM tổ chức cuộc họp cuối cùng tại xã Vạn Phúc cách Hà Nội chừng 10 cây số, địa điểm nổi tiếng nghề dệt lụa từ xưa. Ngày 18 tháng 12, gần ngôi chợ, hàng mấy chục năm sau có những chiếc xe buýt đầy khách du lịch thế kỷ thứ 21 rộn rịp mua hàng, Việt Minh ra một quyết định mở màn cuộc chiến 7 năm.
Sau 8 giờ tối một chút, ngày 19 tháng 12, lưới điện Hà Nội bị cắt đột ngột. Tướng Moliere lịch cho viên trợ lý gọi máy tới trạm phát điện. Một người Việt tiếp máy. Việt Minh đã chiếm quyền kiểm soát tổng đài điện thoại. Người trực máy hỏi: “Ông muốn gì?”. Viên trợ lý đáp: “Tôi muốn biết tại sao điện cúp”. Trả lời: “Đó là cái lo ít nhất cho ông đấy”.
Các đơn vị dân quân tấn công tất cả vị trí của Pháp trong thành phố. Chừng 200 dân thường người Pháp lẫn nước ngoài bị bắt làm con tin, một vài người bị sát hại dã man. Người Việt tấn công đám quân lộn xộn ở khách sạn Metropole, văn phòng cao ủy Pháp, cầu Doumer bắc qua sông Hồng, kho chứa dầu hãng Shell, cùng các mục tiêu khác. Họ nỗ lực cách ly quân Pháp đồn trú trong Hoàng Thành bằng cách đưa vào “một đoàn tàu chất đầy gạch đá và đủ thứ xà bần. Họ cho dừng tàu ngay giao lộ…Thật may, một sĩ quan Pháp tình cờ biết lái tàu lửa”. Trong lúc đơn vị đồn trú trong Hoàng Thành đánh trả với Việt Minh, viên sĩ quan nhảy lên đầu máy, lái cho tàu chạy ra chỗ trống.
Khắp miền Bắc và miền Trung VN, mọi nơi đồn trú của Pháp đều bị tấn công. Cố đô Huế được trấn giữ bởi tiểu đoàn bộ binh thuộc địa số 21 dưới quyền đại tá LaCoste. Tiểu đoàn gồm 750 lính cầm cự trước sự bao vây của Việt Minh tới 47 ngày. Có người kể lại, hôn thê của đại tá LaCoste, một phụ nữ Pháp trẻ trung xinh đẹp, bị bắt sống, bị hiếp, và bị sát hại dã man. Điều này khiến viên đại tá “càng quyết tâm dữ hơn để bảo vệ Huế”. Trong quá trình giao tranh, toàn bộ phố người Pháp bị phá hủy cùng với hầu hết nhà cửa lân cận, cầu cống bị giật sập, hoàng cung triều Nguyễn “biến thành gạch vụn” (?). Cuộc bao vây cuối cùng chấm dứt nhờ sự tiếp viện của tiểu đoàn bộ binh thuộc địa số 23, dù vài nguồn tin cho biết, đóng góp vào việc “giải phóng” Huế là công của tiểu đoàn Lê dương Pháp (Légion étrangère, lính tuyển mộ từ người nước ngoài - ND). Theo lời kể, bộ chỉ huy cấp cao của Pháp ếm nhẹm câu chuyện có thật này để vinh danh cho các đơn vị người Pháp.
Phía Nam Huế với con đường vòng vèo trên núi dẫn về cảng Đà Nẵng, VM trấn giữ vững vàng, theo báo cáo của Pháp, “từ vị trí thuận lợi trên núi cao họ đã đánh sập cầu để ngăn cản đoàn công voa”. Một phóng viên Mỹ mô tả Đà Nẵng nhìn như “một ngôi làng hoàn toàn trống vắng – ngoại trừ quân lính…Tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ hầu như đều khắp Tourane (Đà Nẵng) hằng đêm. Dù được canh giữ hùng hậu quanh thành phố, quân Việt Nam vẫn xâm nhập được và tung lựu đạn vào chỗ quân Pháp trú đóng”.
Ở Hà Nội, đánh nhau tiếp tục quyết liệt. Cầu Paul Doumer nối Hà Nội với Hải Phòng, có sân bay Gia Lâm cận kề, bị VM nhanh chóng chiếm đóng, nhưng cách đánh rời rạc không gây nhiều thiệt hại, họ bị Pháp đẩy lui nhờ xe tăng và xe bọc thép. Qua ngày thứ hai giao tranh, Pháp mở cuộc tấn công vào dinh toàn quyền, đầu não của ủy ban trung ương VM. Nhưng ủy ban trung ương đã rời thủ đô cùng với các nhân vật chủ chốt của tân chính phủ.
Tại dinh Toàn quyền, Lê Gia Đinh ra lệnh cho đại đội tự vệ của mình rút lui trong khi ông vẫn ở lại cố thủ với quả pháo sẽ kích nổ khi quân Pháp tiến vào. Quả pháo xì vẫn chưa phát nổ, Lê Gia Đinh cố cầm cự, cuối cùng là đổi lấy 10 mạng lính Pháp trước khi ông chết. Lê Gia Đinh trở thành anh hùng cách mạng. Một con đường ở Hà Nội mang tên ông, trong năm 2000, ông được phong danh hiệu cao quý nhất.
Vào đêm Giáng Sinh, Việt Minh mở cuộc tấn công vào Gia Lâm, đường đi Hải Phòng bị chặn, chỉ còn sân bay là lối duy nhất để tiếp viện và tăng cường quân Pháp tới thủ đô đang bị vây hãm. Cuộc tấn công vào phi trường bị đẩy lui nhưng phía VN ở ngoại vi sân bay vẫn bắn hạ vài máy bay ném bom của Pháp. Tuy nhiên, phi trường vẫn tiếp tục hoạt động, tạo điều kiện cho máy bay vận tải Pháp chuyên chở quân nhu thiết yếu đến. Có ngày tới 150 chuyến bay đáp xuống Gia Lâm.
Lúc này, phần lớn lực lượng VM lui quân về phía đông Hoàng Thành đến khu phố Tàu- Việt gọi là “36 phố phường”. Đây là khu vực phòng ngự lý tưởng nhờ các con đường quanh co, nhỏ hẹp, nhiều đường dẫn vào ngõ cụt. Một sĩ quan Pháp nhớ lại, “mỗi nhà trong khu phố tự nó là một pháo đài. Khu phố cần phải tái chiếm từng căn một, từng dãy một”. Một cuộc tấn công của Pháp vào khu phố ngày 27 tháng 12 bị thất bại, cái giá phải trả là 45 người thương vong. Trong lúc giao chiến, cửa tiệm người Hoa vẫn mở và tranh thủ bán buôn.
Valluy tin tưởng như lúc ở Hải Phòng rằng giải pháp phải là ‘hủy diệt’ nhiều hơn. Ông ta ra lệnh cho Moliere “đánh mạnh chúng (VM) bằng pháo và bom” để đè bẹp những kẻ cố thủ “và để chứng tỏ cho kẻ thù thấy sự vượt trội tuyệt đối của khả năng chúng ta”. Moliere phớt lờ sự bối rối của Valluy. Ông biết rằng chính phủ Trung Hoa cực lực phản đối Pháp sử dụng hỏa lực mạnh đánh vào thành phố có hàng ngàn Hoa kiều bị mắc kẹt bởi giao tranh. Vào giữa tháng giêng, các lãnh sự quán Anh, Trung Hoa và Mỹ dàn xếp cuộc ngưng bắn ngắn để chừng 6500 người Hoa và Việt rời khỏi 36 phố phường. Pháp mất tới hai tháng mới chiếm lại khu phố; vào những ngày cuối khoảng 2000 quân Việt Minh thoát khỏi thành phố bằng một đường hầm.
Lần phòng thủ cuối cùng của khu vực thực hiện nhờ “Trung đoàn thủ đô” gồm chừng 1000 chiến sĩ du kích vừa nam vừa nữ. Có cả “Đội phòng vệ thiếu nhi” gồm các trẻ em từ 8 tới 12 tuổi chủ yếu tuyển chọn từ những trẻ em mồ côi trong trận đói khủng khiếp 1944-1945. Vào lúc các chiến sĩ cuối cùng của Trung đoàn Thủ Đô rút qua sông Hồng giữa tháng giêng năm 1947, “Đội phòng vệ thiếu nhi” gánh chịu nhiều tổn thất, gần 35 % số cháu phải hy sinh.
Nguyễn Long Chiến dịch.
(*) Trần Hữu Dũng là giáo sư trường đại học Ohio, Hoa Kỳ, con trai Trần Hữu Nghiệp, cố thứ trưởng bộ y tế VNDCCH. Ông vừa qua đời năm ngoái. Trang Viet-Studies của ông bỏ dở, thật tiếc cho một trang web bị chặn vào Việt Nam.