Monday, November 6, 2023

Chùa CŨ khác chùa MỚI ?

Thiền viện BẢO CHÂU, Hội An, nằm cạnh chùa Phật giáo “nguyên thủy” Theravada trên đường đi bãi biển Cửa Đại; ngôi chùa trông khá đơn sơ so với hầu hết các ngôi chùa khác ở Hội An.

Nhưng nó không đơn sơ chút nào đối với tôi, vì vị trụ trì chùa sư cô Giải Thiện, tức cô Bê, là bạn học cùng lớp với tôi khoá tú tài 1972. Bạn cùng học khác là sư cô Hạnh Phước, tức cô Tân, phó trụ trì chùa Viên Chiếu tỉnh Đồng Nai.

Do ảnh hưởng tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, lớp học sinh chúng tôi rất có thiện cảm với các…ni cô. Hai ni cô trên lại…xinh xắn, mới “ác” chớ. Chúng tôi liên tưởng mối tình trong sáng, thánh thiện, giữa Ngọc và Lan, một sinh viên và một ni cô (giả làm chú tiểu). Hai ni cô cùng lớp là hình ảnh của Lan trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, do cả hai không bao giờ giao tiếp với học sinh nam, nên lũ nghịch ngợm chúng tôi không dám “hó hé” chọc trêu (dù “nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”). Tất cả chúng tôi chỉ lợi dụng lúc hai cô trả bài hay đi vào sân trường, là trố mắt ra nhìn (công khai).

Một lần tôi hỏi sư cô Hạnh Phước, có gương mặt thanh tú hơn lúc còn là tên Tân , khi cô bước vào tuổi 60. “Có lúc nào cô lay động trước một chàng đẹp trai khi cô còn đang đi học.”Cô mỉm cười: “chưa hề”. Sư nói những ai phát nguyện đi tu lúc 9, 10 tuổi, dù sau này có xinh đẹp, họ cũng không bao giờ nghĩ ngợi gì ngoài kinh kệ và tu hành. Và sư nói thêm, những ai thất tình, đau khổ, rồi xuống tóc đi tu, họ sẽ phải tự động rời chùa, không chóng thì chầy. Tu cần có căn duyên. Tôi chẳng hiểu mô tê nhưng thấy rằng, 60 năm nay, qua rất nhiều biến cố, một số chú tiểu bạn tôi có người ra đời cưới vợ thì hai ni cô xinh như Lan trong tiểu thuyết trở thành hai vị tu sĩ đáng kính, phụ trách hai ngôi chùa có hằng mấy trăm ni (Viên Chiếu).

Là tín đồ Ky tô giáo, tôi lại “có duyên” với Phật giáo khá nhiều. Lúc tỵ nạn chiến tranh, là học sinh vùng quê, tôi học không ra gì; tha thẩn từ sông ra đồng ruộng, tắm sông, sắm ná bắn chim là chính, nên không thi đỗ vào trường công lập, buộc phải học trường tư thục Bồ Đề.

Do học khá rồi giỏi, tôi có một số bạn yêu mến đó là các chú tiểu trong chùa. Và sau này là hai ni cô kể trên, khi tôi được tuyển thẳng vào trường công lập Trần Quý Cáp nhờ đứng thứ hạng cao (từ 1 đến 3 thì phải). Gác chuông và gác trống của chùa Pháp Bảo (chùa Tỉnh hội) là nơi tôi và các chú tiểu leo lên đó để…ôn bài, chỉ bài tập cho nhau. Có lần tôi cũng được “chọn” làm người gõ khánh, một dụng cụ ngắt câu kinh của một hồi tụng (lâu quá, không rõ có phải thế không).

Hình ảnh im lặng đi lại, tu hành của các vị tu sĩ; hình ảnh Phật bằng đồng sáng chói của Thích Ca Mâu Ni với nụ cười độ lượng, từ bi; và nhất là hình ảnh Khái Hưng tả về ngôi chùa nơi xảy ra câu chuyện tình Lan và Ngọc, tất cả làm cho tôi yêu mến các ngôi chùa…cũ (chùa cổ). Các ngôi chùa mới xây sau 1975 có lẽ ít ngôi chùa nào tĩnh lặng như ngôi chùa Bảo Châu tôi ghé thăm sáng nay. Đó là những ngôi chùa ồn ào như chốn phồn hoa đô hội. Chùa cúng vong, giải hạn. Chùa xây dựng kèm chỗ nghỉ của tín đồ như khách sạn…

Người ta nói chính quyền nào dân nấy. Tôi thì nói sư nào chùa nấy. Ngoài các ngôi chùa bạn học tôi làm trụ trì hay “lãnh đạo” như Phước Tường (Đà Nẵng), Long Tuyền (Hội An), Pháp Bảo (Úc), Viên Chiếu (Đồng Nai) thì chùa Bảo Châu tôi nghĩ “sư nào chùa nấy” là đúng; rất qui củ, hết sức trang nghiêm, và đầy không khí tu tập. Tất cả sự trưng bày trong khuôn viên nhà chùa nói lên điều đó. Bước vào chùa, tôi thấy sự tĩnh lặng như bàng bạc khắp nơi. Tiếp chuyện với khách lạ, các vị sư thầy, sư cô đều đốt trầm và tự tay pha trà mời khách. Các câu chuyện họ nói ra đều nhẹ nhàng mà sâu lắng: họ giảng pháp như chuyện trò. Ra về sau khi thăm thú cảnh vật trong chùa, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, “yêu đời” không khác chi một giờ “xem lễ” ở nhà thờ có tiếng đàn vui tươi cất lên chen giữa các bài kinh ghi lời Chúa.

Đến chùa rồi ra về với tâm thái bình an không khác sau mỗi lần kết thúc buổi lễ vị linh mục cất cao giọng “chúc mọi người đi về bằng an”.

Qua cách nói chuyện của các vị sư thầy, sư cô, từng là bạn học hơn 50 năm trước, tôi nhận ra các “bạn” mình đã ở giai đoạn tu trì viên mãn (theo ý nghĩ riêng tôi). Các vị là những người tu hành chính đạo. Sự tỏa sáng của họ không phải ở sự khang trang chốn thiền môn. Hay ở những kệ sách chứa hàng ngàn cuốn kinh giá trị. Sự tỏa sáng của họ qua các câu chuyện mà có cơ duyên lắm chúng tôi mới được nghe.

Nam mô a di đà Phật. Chúc các vị luôn luôn phát ra sức mạnh của sự tu trì và đạo hạnh. Chúng sinh giải thoát hay chưa thì tôi không biết. Tôi thấy mình “giải thoát” ngay sau thời gian nghe quý vị chuyện trò. Giải thoát một số muộn phiền khi sự đời còn lắm đa đoan.