Saturday, December 9, 2023

BẾN CÂY CUI

Cây cui còn có tên cây bún, thân cao năm sáu mét, hoa có mùi thơm, trên cánh có những sợi tơ như mạng nhện, người Mỹ gọi là spider tree.

Bến Cây Cui không phải là bến nước hay bến đò. Bến là khúc sông cong, nước chảy đến đây, tạo thành vòng xoáy rất mạnh; ghe thuyền có lúc quay theo xoáy nước rất nhiều lần; người chèo phải vất vả lắm mới đầy cho thuyền hay bè thoát vòng xoáy để trôi theo dòng nước.

Bến một bên có bãi cát, bên kia là vực cao chừng 4 mét tính từ mặt sông; chỗ cao nhất sừng sững một cây cui, thân to gần 2 người ôm, ngả mình gần sát mặt sông, cành sum suê, lá um tùm, tạo một  bóng đen phủ trên sóng nước, làm lòng sông vốn sâu càng sâu thẳm hơn.

Thuyền hay bè đi qua đây không còn theo sự chèo chống nữa. Dầm chèo chừng 5 mét không thể chạm tới đáy. Người ta kháo nhau, nước ở đây sâu “lút cây tre”- nghĩa là sâu hết sức sâu.

Vì nước xoáy và sâu, nhiều cái chết thương tâm xảy ra ở bến Cây Cui tại đoạn sông vắng vẻ này. Một phụ nữ buồn chuyện gia đình đã quyên sinh tại đây; khi đi tìm người nhà phát hiện dưới gốc cây cui có chiếc nón lá, đôi dép, và rất nhiều miếng bã trầu. Có lẽ người đàn bà này suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định trầm mình: hàng chục lần ăn trầu. Đó là ngày xưa khi tôi ra đời đôi ba tuổi. Bà Hà là tên người xấu số. Từ bến Cây Cui đến bến nước dân làng của bà hơn một cây số. Lạ thay, xác bà trôi đến bến sông thì nổi lên lừng đừng và dân làng phát hiện, dù trước đó cả mấy ngày người ta tìm kiếm chỗ xoáy nước, vẫn không tìm được xác.

Bà Hà trở thành nhân vật gieo vào dân làng nỗi sợ hãi cho những đứa bé chúng tôi mỗi khi ra sông tắm dù sông ở xa bến Cây Cui và không phải sâu như thế. Bà Hà trở thành ma da (gia) hay hà bá. Và Cây Cui là nỗi hãi hùng cho trẻ con hay cả người lớn một mình đi qua đó.

Sau ngày chấm dứt chiến tranh, Cây Cui vẫn là chỗ bi thương xảy ra cho dân làng. Hai chị em cháu gái chăn trâu trượt chân xuống vực sâu, vì cứu em, chị em đều chết đuối. Điều kỳ lạ là hai con trâu đứng mãi chỗ chủ mình bị nạn và không buồn ăn cỏ. Cha mẹ tìm được xác con trôi lòng vòng theo xoáy nước.

Hai cái chết khác cũng xảy ra ở bến nước ma quỉ này: Một sẩy chân khi đi trên bờ cao ngã luôn vào vòng xoáy dưới vực; một chết tại chỗ vì mìn nổ trên tay khi người cầm chưa kịp ném xuống sông để đánh cá. Chỗ nước sâu nên có rất nhiều cá lớn, nhất là cá măng lửa, có con dài hơn mét. Không thể đánh lưới ngoài thuốc nổ sau những ngày “giải phóng”, luật lệ còn lỏng lẻo về quản lý chất nổ và chất nổ cũng rất dễ kiếm.

Trước cái chết của bà Hà còn có vài cái chết khác được nghe ông bà kể lại; đó là những người chèo thuyền một mình đi qua sông trong đêm vắng. Thuyền úp ở bãi cạn bên dưới và người thì không thấy. Những người khách phương xa.

Ngày xưa, ở nông thôn, núi cao hoặc sông sâu đều có những chỗ khiến con người thời ấy kính trọng và sợ hãi: rừng thiêng, nước hiểm. Mạng sống con người rất nhỏ bé trước sự hùng vĩ và bí hiểm của thiên nhiên. Bến Cây Cui ở gần làng quê tôi là một nơi như thế.

Ảnh tác giả: Bờ tre bên kia từng là chỗ có cây cui để bến có tên Cây Cui.

Khi chưa có thuỷ điện và núi rừng còn nguyên sơ, dòng sông luôn luôn sâu thẳm; bóng tre ở đối diện bên kia bờ cát phủ bóng xuống mặt sông; dòng sông sâu càng thấy sâu hơn. Cảnh ấy làm cho mặt sông mênh mông càng mênh mông hơn.

Dòng sông tuổi thơ chỉ là những chỗ có bãi cát dài thoai thoải, nước chảy trong veo, có thể nhìn thấy cá bơi lội; càng xa bãi thì nước càng sâu. Chỉ những ai biết bơi lội mới có thể tắm xa bờ. Ngày xưa, đúng là “con sông tắm mát”. Mọi sinh hoạt như tắm, giặt, lấy nước về uống đều từ con sông yêu dấu của mỗi làng quê.

Ngày nay, sông ô nhiễm vì đầu nguồn khai thác khoáng sản hay xây dựng đập thủy điện; cây rừng nguyên sinh không còn. Sự có mặt của loại cây “mì ăn liền” như tràm bông vàng- nguyên liệu làm giấy- làm cho các dòng sông trở thành thác lũ, bùn đỏ trôi theo những cơn mưa như trút vào những tháng mưa dầm bão tố. Ba năm, tràm thu hoạch, người ta cắt sạch núi đồi. Sau đó là đốt trụi để trồng lại lứa tràm mới. Dòng sông chạy dưới chân núi hứng chịu hậu quả của đốt rừng trồng cây. Mùa mưa, các dòng sông đỏ lừ như máu: đất trôi từ núi trọc tràm chưa kịp phủ xanh.

Sinh nhai khiến con người hành hạ núi rừng, làm cạn kiệt các dòng sông. Một ngày nào đó, đời sống con người khá lên. Cây “ăn liền” sẽ biến thành cây lâu năm. Thuỷ điện và rừng với thẩm thực vật không nhiều, nên các dòng sông rất cạn, những chú chó có thể lội đến giữa dòng đùa giỡn. Tôi mong ước có nguồn điện thay thế như điện nguyên tử, điện gió, điện mặt trời. Thuỷ điện sẽ trả lại những dòng sông tuổi thơ cho những vùng quê.

Quê tôi gắn bó với nhiều dòng sông từ bao đời. Bến Cây Cui tuy hãi hùng nhưng vẫn là ký ức trong lòng mỗi người dân quê ngày trước.

Gần đứng bóng trưa hôm nay, tôi một mình tha thẩn đi dọc bờ sông xưa. Ngang qua khu vực vừa kể ở trên, tôi không còn giữ cái cảm giác rùng rợn như khi còn nhỏ, một mình đi qua chỗ vắng vẻ này. Sông đã cạn. Mùa này chưa mưa, nước sông không đục, chỉ ngà ngà. Dưới bờ đất không còn cao bên kia, cây Cui đã vắng bóng, tự bao giờ. Hình ảnh bí hiểm của một bến nước sâu hun hút không còn. Mấy con trâu nằm dưới nước ngay chỗ trước đây là dòng xoáy sâu hút của bến Cây Cui.

Nhìn dòng sông và bến sông cạn cợt lòng tôi man mác buồn. Bến Cây Cui không còn bí ẩn hãi hùng. Và những con trâu nằm đằng kia một ngày sẽ mất đi. Chúng không còn là sức kéo. Con trâu không còn là “đầu cơ nghiệp”. Trâu sẽ thành món ăn cho người. Máy móc biến số phận những con trâu ngắn ngủi trên cõi đời này. Bến Cây Cui chỉ còn là ký ức. Con người quên hẳn nó không phải vì nó là nơi bí hiểm chết người. Con người quên nó như ai đó nói “nhân loại vừa cười vừa tách ra khỏi quá khứ”.

Lặng lẽ rời bến Cây Cui giữa dòng sông vắng lặng, tôi thơ thẩn về nhà.