Saturday, December 9, 2023

ÁN TỬ HÌNH: NÊN BỎ

Nợ máu phải trả bằng máu. Đó là quy luật công bình, áp dụng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây,  từ Âu sang Á. Nhưng áp dụng án tử hình có giảm bớt tội phạm dã man không? Không. Nghiên cứu ở New Zealand (bỏ án tử hình năm 1961) cho thấy tội phạm giết người giảm hơn rất nhiều so với trước. Án tử hình có làm cho tội phạm ma túy ngày càng giảm hơn? Không. Buôn bán ma túy vẫn phát triển “năm sau cao hơn năm trước” và ngày càng tinh vi, số người bị tử hình nhiều hơn.

Tử hình còn những hệ luỵ khác. Người thi hành án (đội hành quyết) sẽ cảm thấy cắn rứt khi phải cầm súng giết người dù đó là người tử tội. Dùng thuốc độc hay ghế điện cũng cần tới bàn tay con người. Bàn tay vô tình vấy máu tử tù vì nhiệm vụ.

Khi một người chết đi- dẫu đó là tử tội- thân nhân, cha mẹ, ông bà, con cháu, anh em họ sẽ rất đau lòng khi thấy người thân bị hành quyết. Cuộc sống của gia đình tử tù liệu không bị ám ảnh triền miên bởi cái chết của người thân yêu?

Giết người thì phải đền mạng không còn trong suy nghĩ của con người ở một số nước bãi bỏ án tử hình.

Tử hình còn một hệ luỵ nữa. Những người bị giết oan vì xử oan không còn cơ hội sống sót. Có ví dụ không hiếm ở VN. Nhiều tử tù không mắc tội sát nhân khi có kẻ đầu thú nhận cái tội tòa đã tuyên cho người vô tội. “Loại ra khỏi xã hội” là mỹ từ để chỉ việc thực hiện án tử hình. Nếu người bị loại là oan thì oan sẽ ngất trời, án sẽ lòa mây.

Căm hờn sẽ sâu hơn ở những người còn sống khi người thân họ chết oan. Cũng có thể vì oan nên đến bây giờ,  sau mười mấy năm, án tử hình cho Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng vẫn chưa được thi hành. Lòng dân mong chủ tịch nước ân xá cho họ vì suy nghĩ án tại chứng, không phải tại cung. Ép cung có trường hợp đã xảy ra rồi. Và theo án lệ các nước văn minh: Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn kết án oan người vô tội.

Án tử hình chuyển sang chung thân không ân xá được áp dụng tại một số bang ở Mỹ. Kẻ giết người trong tù không còn “nguy hiểm” cho xã hội thì tại sao phải  cần “loại khỏi xã hội” với hệ luỵ như tôi nói ở trên? Một tên giết hàng loạt 50 người ở New Zealand vẫn còn sống trong tù- đương nhiên là mãn đời. Mọi sinh vật đều đáng sống- kể cả rắn độc hay cá mập sát thủ, huống hồ sinh vật đó là con người?

Tôi nhắc qua một chút về lịch sử của án tử hinh.

Cảnh tử hình. Ảnh của Huy Đức.

Thời kháng chiến chống Pháp, án tử rất dễ xảy ra. Và người ta không sửa lại được quá khứ vì người chết đã chết; không thiếu những cái chết oan. Tôi biết một vùng quê như thế. Khi Pháp chiếm đóng vùng tự do (VM kiểm soát), vì tuyên bố lếu láo trong cuộc rượu say “du kích là dích cu”; “Tây lên là dích cu chạy như chuột trốn vào rừng” mà ba người, một lý trưởng (ông xã Tri), hai hương chức (ông cửu Oai, ông phó Đàn) bị mất tích, cho đến nay không biết xác thân trôi dạt nơi nào.

Không chấm hết tử hình sau 6 ngày chiếm đóng của bọn Pháp, 3 “ Việt gian” đền tội. Một tòa án nhân dân lập ra liền sau đó (năm 1946) dưới quyền của bí thư huyện là ông Tr. Nh. Tại “bãi bắn” cấm Thị, 12 phạm nhân bị bắt ở những vùng khác trong huyện. Họ can rất nhiều tội. Dẫn Tây tìm nhà một vài cán bộ chủ chốt VM. Không trốn vào rừng mà ở nhà ăn cắp lúa, gạo, bắt gà làm thịt, chèo thuyền đưa quân địch sang sông, lý trưởng “ác ôn”… mà còn hút thuốc phiện (ông xã Nhiếp)…

Rất may chỉ có 6 trong 12 người bị tử hình. Sau khi đọc bản án hài tội từng người, đội hành quyết thực thi nhiệm vụ. Lúc chưa tuyên án, dân chúng tụ tập đến xem rất phấn khởi: bọn “Việt gian” sắp bị bắn. Nhưng khi thấy máu trên tử tù đổ xuống, vị chỉ huy kê súng bắn an ủi vào đầu từng nạn nhân dù họ đã chết, cả đám đông im phăng phắc. Họ không ngờ vừa chứng kiến cảnh tử hình đầu tiên trong cuộc đời họ, rùng rợn như thế.

Trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, không thể có những bước điều tra, tìm chứng cứ, xét xử qua các tòa án, có luật sư bào chữa, dưới sự soi dẫn của luật pháp, nhiều cái chết xảy ra chóng vánh khi ai đó bị coi là Việt gian, phản quốc. Người chết đi nhưng oan khuất vẫn còn. Và đây chính là lý do cuộc chiến tranh VN kéo dài. Những người có quan hệ huyết thống với người đã chết, có người cọng tác đắc lực với “quốc gia” tìm giết những người hoặc thân nhân những ai trước đây là Việt Minh.

Chính những án tử hình thời chiến ấy làm cho sau này, người giết người, nồi da xáo thịt, hận thù chồng chất. Nhắc lại quá khứ không phải khơi lại hận thù. Nhắc lại quá khứ để thấy rằng, bất kỳ con người nào bị giết- dù là tử tù cần phải “đền tội”- cũng mang lại những hệ lụy khôn lường.

Hãy bỏ đi án tử hình. Vừa thể hiện sự quảng đại, bao dung, của người với người, vừa bớt máu đổ, giúp pháp luật tiếp bước theo đà tiến bộ của văn minh nhân loại, và gần gũi nhất, không có ai vô tội phải chết vì  án oan.