Tôi thấy về mặt khoa học câu: “Hùm chết để da. Người ta chết để tiếng” có cái gì đó sai sai. Thời xưa, da cọp nghe nói bọn đạo chích thường cầm một miếng nhỏ, dễ dàng đột nhập vào ban đêm, ăn trộm tài sản của những người giàu có nuôi nhiều chó giữ nhà. Ngửi có mùi cọp, chó sợ hãi co đuôi chạy trốn, im thin thít.
Cọp có lẽ mang cái uy dũng mãnh là chúa tể sơn lâm nên mọi loài khác đều phục tòng, nể sợ - “sợ như sợ cọp”. Không thế đâu có thành ngữ “mượn oai hùm”; cái oai đó bên ngoài là bộ da. Khi chết, bộ da mục rệu trước bộ xương nhưng con người lại kết luận “hùm chết để da” mà không nói “hùm chết để xương”, tôi thấy “sai sai” là thế.
Sinh tử, thăng trầm, được mất, thịnh suy… là quy luật nhưng con người khi có quyền hành ít ai nghĩ tới. Làm tổng thống thì cứ sửa lia chia hiến pháp để lãnh đạo trọn đời. Làm vua thì bắt thuộc hạ tung hô mình “vạn tuế, vạn vạn tuế”. Khẩu hiệu có chữ “muôn năm” không hiếm thấy mỗi ngày.
Khi tại vị đầy quyền uy, ít người nghĩ lúc mình hết quyền uy, hay từ giã cõi trần, hậu thế nghĩ về mình thế nào. Lợi danh chói lói cộng thêm lời tung hô của lũ người xu nịnh làm họ như sống một cuộc đời đầy công tích, thậm chí có kẻ nghĩ mình tựa vĩ nhân. Họ quên rằng, cũng như hùm, người ai cũng phải chết. Tiếng thơm hay xú uế, chết rồi, làm sao họ biết. Chỉ những người đặc biệt thiên tư, khi còn sống họ mới hiểu nguyên lý ấy – nhưng được mấy người?
Lúc còn trẻ, tôi luôn nghĩ, học ngoại ngữ là cách để mở trí. Ngoại ngữ như một cánh cửa mở ra một nền văn hóa, khác lạ với nền văn hóa mình hấp thu từ tổ tiên vun xới, dựng xây. Lớn lên, trong thời chiến tranh đẫm máu, tôi mới ý thức học giỏi ngoại ngữ thì tốt nhưng nếu học thông lịch sử nước nhà, tôi thấy càng tốt hơn. Hiểu lịch sử nước nhà rồi so sánh lịch sử thế giới (qua ngoại ngữ) để hiểu hơn quy luật nhân quả, sinh tử, thăng trầm, thịnh suy, có rồi mất, mất rồi có…đầy rẫy ví dụ trong những bài học lịch sử.
Tôi suy nghĩ, đất nước VN đã không trải qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu để giành độc lập, thống nhất, nếu mọi người dân nghiên cứu thật kỹ chí sĩ Phan Châu Trinh, về chủ trương “bất bạo động” của ông trong đấu tranh chính trị - một thời gian áp dụng khá hữu hiệu, khiến chính quyền thực dân rất e dè, và dù bắt tù ông, họ vẫn một lòng nể phục (Cụ Phan không khác thánh Gandhi Ấn Độ chủ trương bất bạo động, sau này được Nelson Mandela, Lech Wałęsa, Stephen Biko, Aung San Suu Kyi áp dụng thành công trong sự nghiệp của họ về đấu tranh cho công lý).
Bài học lịch sử không xa xôi lắm - cuộc chiến giữa Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh. Khi nắm quyền hành, cũng vì muốn “tiệt diệt” đối phương – cả “âm phần, long mạch”, vua Quang Trung cho đào mộ 8 vì chúa kể từ Nguyễn Hoàng, không tính cha Nguyễn Ánh, đem vất xuống sông. Gia Long không vì thế mà bị tiêu tán tương lai, sự nghiệp. Mười năm sau khi Quang Trung chết, Gia Long cho đào mồ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, thân tán nhỏ, đầu lâu cho lính tiểu lên, rồi đem giam vào ngục tối.
Nhân quả không cần luân hồi nhiều kiếp; chỉ một kiếp đã tường rõ một. Quang Trung khi cho đào mộ tiên tổ đối phương không ngờ mộ mình cũng bị đối phương cho đào bới. Lịch sử không dừng ở đó. Nguyễn Ánh coi Nguyễn Huệ như hạng thảo khấu, giặc cỏ, phản loạn, nhưng hơn 150 năm sau, chính ông bị gọi là kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Lịch sử lần nữa cũng chẳng ngưng. Hiện nay, khuynh hướng bào chữa cho Gia Long có chiều hướng đến gần với sự thật: triều đình nhà Nguyễn, đứng đầu là ông, có công rất lớn trong việc hình thành một lãnh thổ ngày nay gọi là Việt Nam với một nền quản trị có thể nói rất khá thống nhất. Thời Minh Mạng, đất nước VN có diện tích lớn nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước.
Tôi không nói người viết sử (đầy thiên kiến, thông thường là viết cho người thắng cuộc; la raison du plus fort est toujours la meilleure - lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất) tôi nói diễn tiến của lịch sử: anh hùng cũng có thể thành tội đồ, kẻ tội đồ cũng có thể thành anh hùng, khi lịch sử trở nên trung thực, không bị con người bẻ cong ngòi bút khi viết lại nó. (Xưa, ở Trung Hoa, có quan viết sử hoàn toàn độc lập, không bị vua chi phối – tất nhiên, cực hiếm).
Trong lịch sử, những vị lèo lái quốc gia kể cả lúc đương chức, có vị nào đọc kỹ lịch sử, nghiên cứu tận tường lịch sử, và áp dụng chặt chẽ quy luật lịch sử nước nhà, từ cổ chí kim, vào thời gian mình nắm vận mệnh quốc gia, điều hành đất nước? Hay lịch sử cận đại, với sự du nhập của chủ nghĩa cộng sản, mới là lịch sử chính thống, lịch sử của lịch sử?
Khi hiểu quy luật lịch sử, người ta sẽ có hành xử đúng mức, không lấy thắng làm vinh, không lấy thua làm nhục, không thấy được mà mừng, không thấy mất mà lo…Thắng, thua, được, mất…là quy luật. Không tự ru ngủ khi thắng, không thất vọng khi thua. Những người quyền uy (đương chức) có khi nào nghĩ đến điều đó hay chưa? Những lời tung hô hay ca tụng “anh là lãnh đạo, anh luôn luôn sáng suốt” có khi nào làm cho người ta mất đi sáng suốt?
Tôi ngày càng nhận ra - khi tuổi càng nhiều, triết lý sống của người Việt Nam ẩn giấu bàng bạc khắp nơi trong kho tàng ca dao, tục ngữ, trong đó có “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, bây giờ thật là “thời sự”. Đất nước có những vị trách nhiệm với giang sơn, ngày nào đó từ giã cõi đời, mong cho khi còn sống, nhất là đang quyền lực, các vị sẽ suy nghĩ về cái “tiếng” sau cái “chết” của chính mình.
Mong thay. Rất chân thành.