Sunday, December 3, 2023

LỚP VỠ LÒNG

"Xót mình cửa các buồng khuê.

Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!" (Nguyễn Du).

Vỡ lòng trong Kiều có vẻ xót xa. Nhưng vỡ lòng trong “lớp vỡ lòng” lại báo hiệu một điều tốt đẹp nhất của một đời người: Đi học.

Ai cũng thuộc nằm lòng đoạn văn: " Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học".

Chỉ những trẻ bất hạnh mới không thể đến trường. Lớp vỡ lòng quan trọng như thế đối với cuộc đời học sinh. Và vì rất quan trọng nên ngày xưa dạy lớp 1 thường là người lớn tuổi hay đứng tuổi. Vì sao? Trẻ lớp vỡ lòng chỉ quen với cha, mẹ, anh, chị trong gia đình. Trẻ sẽ rất bỡ ngỡ với “cha, mẹ” mới, những người răn dạy chúng  bước chập chững vào đời. Lớn tuổi có gia đình, có con cháu, người dạy sẽ dễ dàng yêu mến học sinh vỡ lòng vì họ từng hiểu biết tâm lý trẻ con.

Ngày nay, thầy cô mới ra trường có thể dạy lớp vỡ lòng. Và ngoài tình yêu trẻ, người dạy buộc phải am hiểu tâm sinh lý trẻ con tầm năm bảy tuổi. Có ai để ý thầy cô dạy lớp vỡ lòng cần phải có điều kiện tiên quyết “giàu chuyên môn”? Hẳn là hiếm. Sinh viên sư phạm nổi trội đều có đích nhắm đến: dạy phổ thông trung học, rất hiếm ai chọn tiểu học, bắt đầu từ lớp 1.

Bước chập chững vào đời cần người dìu dắt giỏi giang. Đây là điều ít xảy ra ở nền giáo dục Việt Nam. Dạy lớp càng cao, người dạy càng hãnh diện. Giáo viên tiểu học, dạy lớp 1, không phải là mong ước của nhiều sinh viên sư phạm. Điều này rất khác ở Phần Lan. Một thầy dạy mẫu giáo, tiểu học không nhìn đồng nghiệp dạy trung học cơ sở, phổ thông bằng con mắt vừa ước muốn vừa so sánh hơn thua. Họ đều có trình độ ngang nhau - thạc sĩ, và đều được đào tạo bài bản. Lương bổng của một giáo viên không cao hơn ở một số ngành nhưng làm thầy cô là niềm hãnh diện đối với một công dân Phần Lan. Thi đua, khen thưởng, danh hiệu không bao giờ là động lực dạy dỗ học sinh của người giáo viên Phần Lan.

Niềm đam mê giáo dục là động lực của cả cuộc đời người dạy học.

Có ai ở Phần Lan chán, rồi bỏ nghề cao quý ấy không? Có. Nhưng rất, rất hiếm. Họ bỏ nghề khi cảm thấy có ai (vị hiệu trưởng, chẳng hạn) can thiệp vào quyền quyết định trong cách dạy dỗ học sinh của mình. Không có ai làm đơn nghỉ việc vì thấy không thể tiếp tục “dối trá” như một vị thầy dạy ở Vũng Tàu than thở trước đây khi rời khỏi học đường.

Trong các cải cách xã hội, tôi nhận thấy giáo dục là ngành có “cải cách” nhiều nhất, rầm rộ nhất, có lẽ tốn kém nhất. Nhưng mấy ai vừa lòng với hiện trạng giáo dục nước nhà.

Vậy, cải cách (nhiều người mong là cuộc cách mạng- to tát quá) bắt đầu từ đâu? Tôi thấy bắt đầu từ lớp “vỡ lòng “. Nghe "vi mô" quá? Chẳng vĩ mô chút nào? Phải bắt đầu từ lớp người chập chững bước vào học đường. Hãy chú trọng trẻ mới vào đời. Nhân cách công dân tương lai bắt đầu từ đây. Sinh viên sư phạm giỏi nhất phải hãnh diện nếu được giao dạy lớp vỡ lòng chứ không phải lớp 12.

Thay đổi cách tuyển dụng để thay đổi quan niệm giáo dục. Ưu ái một giáo viên cấp trung học không khác ưu ái giáo viên dạy tiểu học. Những học trò lớp vỡ lòng khó dạy hơn học trò lớp 12. Không như thế, trước 1975, ở miền Nam, cô (nhiều hơn thầy) đứng tuổi được giao dạy lớp “vỡ lòng”.

Khi thu hút tài năng vào ngành giáo dục, làm sao người dạy cấp học thấp không cảm thấy “tủi” hơn người dạy cấp  học cao (như ở bậc phổ thông). Khi sinh viên chọn nghề sư phạm, điểm cao không tập trung vào ngành dạy lớp học bậc cao thì lớp vỡ lòng sẽ không kém quan trọng bằng lớp 12 chuẩn bị vào đại học. Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có giáo viên đào tạo bài bản như nhau, cùng thời gian, tuy khác giáo trình. Họ thực sự là những người dạy có trình độ đào tạo ngang nhau. Tất cả giáo viên ở Phần Lan đều phải có bằng thạc sĩ. Giáo dục nước này là  một trong các nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Lớp vỡ lòng sẽ không phải dành cho người lớn tuổi đảm trách nữa. Người dạy lớp 1 có năng lực giáo dục không kém người dạy lớp 12. Giáo dục VN, hãy "cách mạng" bắt đầu từ lớp vỡ lòng.