Thursday, December 7, 2023

ĐÀN ÔNG, YÊU TỪ TUỔI NÀO?

Nhiều người đồng hương Quảng Nam khuyên tôi bớt viết về chính trị, vì nó “nguy hiểm “ lắm. Nay, tôi sẽ thử, xem sao. Đề tài an toàn: đàn ông biết yêu từ lúc nào?

Đa số cho rằng tuổi biết yêu bắt đầu từ 16 nếu là nam và 13 nếu là nữ. Nữ thập tam, nam thập lục. Nữ bắt đầu có kinh nguyệt, nam bắt đầu dậy thì. Tuổi có thể sinh con.

Các nghiên cứu về con người, về hình thành tình yêu, về phát triển tính dục hầu hết từ người nước ngoài; người Việt cũng có nghiên cứu nhưng không đầy đủ bằng. Do đó, kết luận tuổi nào thì bắt đầu yêu không hẳn đúng cho mọi người VN.

Yêu sớm có lẽ dễ thấy nhất ở trường hợp Hoàng Cầm, khi cậu bé mười mấy tuổi “đem lòng yêu mến “ một người chị và “đòi” cưới làm vợ- tôi suy diễn thôi. Thương hại cậu bé, người phụ nữ xinh đẹp kia ra điều kiện, “xin lấy làm chồng “ khi nào tìm ra lá diêu bông. Cả đời Hoàng Cầm và cả cuộc đời chúng ta sẽ không thỏa nguyện lấy ai làm vợ với điều kiện tìm ra lá diêu bông.

Biết yêu như vậy không hẳn ở tuổi 13, có khi còn nhỏ tuổi hơn. Sigmund Freud, nghe đâu có nói, “tình yêu là tình dục thăng hoa”. Từ đó suy ra, khi các bộ phận thể hiện tình dục phát triển “chín muồi “ thì con người mới có thể bắt đầu yêu.

Tôi cho là không đúng hoặc chưa đúng. Không căn cứ vào nghiên cứu khoa học, tôi lấy (bản thân) mình ra làm ví dụ. Có ai đó nói “ không có cái gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”. Có khi là nguyên tắc “dĩ nhất suy chi” (lấy một suy ra).

Khi học lớp  Tư (lớp 2 bây giờ), tầm 8,9 tuổi, tôi bắt đầu để ý đến “mấy con trong lớp” dễ ngó, nghĩa là tóc mượt, mắt trong, da sáng, hàm răng trắng đều…không siết, không sún, không sâu. Lẽ tất nhiên, trong lớp năm sáu chục học sinh, không phải học sinh nữ ai ai cũng lọt vào “tầm ngắm “ của tôi. Trên đời, người đẹp không nhiều.

Cho đến khi thi tiểu học, tuổi 12,13 gì đó (hồi trước tuổi đi học không hạn chế) tôi vẫn còn “bỏ bụng” thầm nhớ những “giai nhân” còn bám váy mẹ khi ra chợ hay đi chơi. Thứ năm và chúa nhật là ngày nghỉ học. Tôi nhớ lớp vô cùng. Thật ra là nhớ đến hình ảnh thơ ngây của “nàng” búp bế. Nghỉ hè 3 tháng là thời gian “đau khổ” nhất: hình ảnh cô bạn bé nhỏ đáng yêu trong lớp ám ảnh tôi không nguoi trong cả những đêm không ngủ. Để vuốt ve nỗi nhớ nhung khôn tả, tôi bèn đánh bạo tìm cách đi qua nhà “nàng”. Bắn chim với chiếc ná thun là lý do hợp tình nhất. Những cây ổi, cây cau , có chim bay kêu  ríu rít trong vườn nhà “con bé” là cơ hội lý tưởng để có cớ thấy lại “người xưa”.

Nhưng Trời không thương người bất chính. Tài bắn ná của tôi không vào hàng thượng thặng. Thay vì trúng vào con chim đang đậu trên cành cây ổi trước hiên nhà, viên đạn sỏi của tôi xông thẳng vào nhà “nàng”, cánh tủ kính không dễ gì ai có ở thôn quê vỡ toang. Bỏ chạy tức thì nhưng tôi vẫn nghe tiếng kính rơi loảng xoảng. Tôi hoảng sợ chết khiếp. Và người như chết điếng khi nghe tiếng của “con bé “ cất to: “Thằng bắn ná đó học lớp con” khi nghe người cha hỏi kẻ nào làm vỡ tủ kính.

Không nói, quý vị cũng biết, cả lớp, cả trường, cả làng trên xóm dưới của cô bé cũng biết cái thằng Ch. ở dưới làng Trung Đạo lãnh hậu quả nặng nề không chỉ là những vết roi mây vào mông đít của thằng bé học lớp nhất. Và đau đớn hơn cả là “giai nhân” trong mộng gọi tôi bằng “thằng “ mà không gọi bằng tên, và từ đó, “nàng” không bao giờ nhìn tôi thân thiện nữa, cái nhìn mà trước đó, trong lòng tôi cứ nghĩ đó là những ánh nhìn âu yếm, yêu thương.

Những năm học về sau, hình ảnh những cô bạn học xinh xắn nhất nhì trong lớp đều lọt vào trái tim tôi và cho đến khi biết tỏ tình (bằng  thư), thật sự tôi không hiểu có phải mình đã biết yêu tự lúc nào. Điều chắc chắn không phải mỗi mình tôi “yêu” sớm như thi sĩ Hoàng Cầm. Nhiều đứa bạn học chung hồi “để chỏm” hơn nửa thế kỷ gặp nhau, người con gái họ “để ý” đúng cái cô bé tôi thầm để ý, cô bé gọi tôi bằng “thằng” ở trên.

Khi về già người ta mới trở nên thành thật và can đảm. Họ dám nói mình bắt đầu để ý người khác phái rất sớm. Và tình cảm dành cho mấy“đứa giai nhân “ kia có phải là tình yêu trai gái?

Tôi xin kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi: Các bà, các cô, biết “để ý đến” người khác phái lúc nào? Hay phải đợi đến tuổi “thập tam”?