Tuổi thơ vùng quê của tôi gắn liền với những chú chim non, trong đó có dồng dộc, (hay là dòng dọc?). Đó là loại chim có màu sắc nổi bật hơn chim sẻ, giống chim cũng rất gần gũi. Nếu so sánh tài khéo thì tổ của chim dồng dộc là một tác phẩm độc đáo. Tổ chim hình tròn, chóp nhỏ, có một ống dài bên dưới. Khi thấy cuối ống “loe” ra, trẻ chúng tôi biết là chim con trưởng thành, đủ lông đủ cánh, nghĩa là có thể bay theo mẹ một quãng đường ngăn ngắn. Bên cạnh tổ đẻ trứng, nở con là tổ “giải trí”. Phần dưới tổ có một quai ngang, như xích đu, chim sẽ đong đưa qua lại. Chỉ có chim dồng dộc mới nghĩ ra chỗ chơi cho mình và các chú chim non.
Tổ chim dồng dộc đan bằng những sợi lá lát (làm chiếu) tướt mảnh, nhỏ dài. Ở quê tôi, có những đầm rộng mọc đầy cây lát. Trên bãi xanh ngọn lát lô nhô những chiếc đầu màu vàng, trong tiếng xào xạc của gió là tiếng ríu rít của chim, những con chim đang hồi làm tổ. Có con đang tước lá, có con đang cất mạnh đôi cánh bay lên, chiếc lá trong miệng, hướng về nơi làm tổ.
Dồng dộc ít làm tổ dưới thấp. Những bụi tre cao là nơi lý tưởng, vừa thoáng đãng vừa mát mẻ, gió lộng đủ đầy. Cành tre đong đưa những tổ chim lay động; những tổ chim làm cho bụi tre vốn thân thuộc trở nên thân thuộc hơn: nhà của chim. Đặc điểm nữa là chim dồng dộc sống rất cộng đồng. Không bao giờ chúng làm tổ đơn lẻ. Chim cũng giống người thích sống quây quần bên nhau thành xóm, thành làng; xóm chim, làng chim. Mùa hè có lẽ là thời gian dồng dộc gầy tổ. Nắng ấm và gió mát là hai yếu tố xây dựng tổ ấm, sinh con đẻ cái?
Ấn tượng với tôi nhiều nhất là chỗ tụ tập của những tổ chim dồng dộc. Cả một vùng quê chỉ có một chỗ trở thành “thị trấn” của loài chim đáng mến này: Vườn ông hương Đài, làng Trúc Hà (ngôi làng vừa có cây đa được công nhận di sản quốc gia).
Chim làm tổ dày ken, không những trên bụi tre sau ngôi nhà ngói lớn mà còn trên cả cây bòng sum suê (một giống bưởi nhưng trái to hơn) trước cái sân khá rộng. Nhìn có khi không phân biệt đâu là trái bòng đâu là tổ chim. Chim nhiều đến nổi chúng rất dạn dĩ. Chúng tôi đứng bên hàng rào chè tàu quan sát rất gần mà chim vẫn điềm nhiên bay lượn vào ra tổ (chè tàu: một loại cây bụi có lá nhỏ nhiều cành nhánh đan san sát, tôi thấy có ở dinh Bảo Đại, Đà Lạt). Chủ nhà rất yêu quý chim. Đất lành chim đậu. Mà thật, bà chủ thi thoảng bắc thang lên bụi tre, cây bòng để “tỉa” bớt tổ chim và bán cả chim con lẫn tổ cho trẻ con chúng tôi, mỗi đồng một cái. Một tô mì Quảng chừng 3 đồng (thời ông Ngô Đình Diệm).
Nuôi dồng dộc là một kỳ công. Muốn chúng quyến luyến mình, chúng tôi thường chọn những con mới vừa “ra ràng” nghĩa là bụng chúng không còn có cục phân đen nhìn được qua làn da mỏng chưa phủ đủ lông. Lông tơ và lông vũ còn chen nhau. Thức ăn ban đầu cho chim non là gạo nhai từ miệng, vừa mịn, vừa có nước miếng (nước dãi), cho chim dễ nuốt. Chúng cũng ăn có lẽ ngày ba bữa như trẻ con. Nhưng thường thường, khi chúng kêu thì cho ăn nếu bữa đó người nuôi không đến trường đi học. Nhìn chúng nuốt thức ăn từ động tác “mớm” mồi của trẻ con, chúng tôi rất hạnh phúc, không khác chi, lúc còn bé mẹ mớm cơm cho con. “Miệng nhai cơm trắng lưỡi lừa cá xương”.
Khi lớp lông phủ gần kín, thức ăn cho chim không còn là bột gạo nhai. Cào cào hay châu chấu, những con nho nhỏ, cho vừa miệng chim. Không để chúng “hóc xương”. Ruộng đồng bát ngát. Thức ăn cho chim con rất dồi dào. Hồi ấy, không có thuốc diệt sâu rầy. Giống lúa mùa, năng suất không bằng “thần nông”, kháng sâu bệnh rất tốt. Trên đường đi học về, bãi cỏ, bờ mương là chỗ có rất nhiều thức ăn cho chim non.
Lớn lên, niềm vui lớn của trẻ con là “đi đâu chim theo đó”, như một người bạn thân. Không ngoắt đuôi như cún, chim ríu rít như chuyện trò. Chúng thích nhất khi đậu trên ngón tay hoặc đứng trên vai người. Khi quen thuộc và có trí khôn, chim biết phân biệt con người. Là bạn quen, chim có thể không sợ hãi nếu bạn ấy đưa ngón tay ra cho chim đáp. Người lạ, nó không bao giờ dám. Khi trưởng thành, chúng tự bay đi tìm mồi. Trẻ con chúng tôi không phải lo cho chúng miếng ăn.
Thú vui ở thôn quê thuở ấy là nuôi chim, bắn bi, chơi “dây thun”(dây cột miệng túi ni lông bây giờ) hoặc lớn hơn là đánh ngụ (đánh tổng), u mọi, nhảy lò cò hay chơi ô ăn quan…Và nuôi chim dồng dộc là thú vui “đầu bảng” đối với trẻ con.
Dồng dộc nuôi khó hơn chim sẻ nhưng nó khôn ngoan hơn và tình nghĩa hơn. Chim sẻ có thể bay đi mất nhưng dồng dộc thì không khi thả khỏi lồng.
Khi con người gần gũi với thiên nhiên, con chim là người thân thuộc đầu tiên. Nhồng, sáo, cưỡng, vẹt (két) chào mào, khứu, chim cu…luôn ở cạnh con người, dù chúng phải nhốt trong lồng.
Thói quen giữ chim muông trong nhà bằng những chiếc lồng, kể cả lồng son, tôi không thấy phổ thông ở những nước văn minh, qua tìm hiểu cũng như qua thực tế. Nếu so sánh chủng loại, nước Phần Lan tôi ở 3 tháng, VN giàu có bội phần các loài chim dù núi rừng không bằng họ (diện tích họ gần bằng chúng ta, rừng chiếm 75% diện tích).
Chim ít chủng loại nhưng rất nhiều chim. Chúng rất dạn dĩ. Khái niệm nuôi chim hay bắn chim không thấy có trong câu chuyện hằng ngày của xứ sở quanh năm giá buốt nhiều hơn nắng ấm. Đa dạng thực vật, sinh vật họ là con số quá bé so với chúng ta.
Nhưng vì sao chúng ta càng phát triển thì sinh vật, thực vật (tôi muốn nói núi rừng) lại co thắt lại? Không nói lý do vì ai cũng biết: quản trị quốc gia quá yếu dù con người Việt Nam không thua kém bất kỳ ai về trí tuệ.
Vừa rồi ở Hà Nội, công an đi săn chim bắn nhầm dê. Có bản tin, người chết vì đạn súng săn. Chúng ta có chỗ để săn bắn chim muông ? Chúng ta có chỗ để săn bắn thú rừng? Vậy tại sao còn duy trì súng săn?
Thuốc bảo vệ thực vật giúp sản phẩm nông nghiệp cho năng suất cao lại tiêu diệt, vô tình, những sinh vật ở ruộng đồng: rắn nước, cua cá, tôm tép, ốc vẹm, kể cả con đỉa- vốn sống rất khoẻ- cũng ngày càng sạch bóng trong ruộng đồng, cả sông lẫn suối. Vậy mà con người vẫn sử dụng xung điện để chích giết cá vùng nông thôn. Dẹp nạn sản xuất bình điện huỷ diệt môi trường sinh thái khó lắm hay sao?
Chim dồng dộc trong tuổi thơ những đứa bé nông thôn như chúng tôi trở thành truyện cổ tích: Giống chim gần gũi con người này hầu như tuyệt chủng ngày nay. Còn những giông chim khác thì sao? Tôi thấy người ta sử dụng keo dính chuột để bẫy chim sẻ bằng máy phát tiếng chim gọi bầy, hàng mấy chục con mắc bẫy. Những chú chim tội nghiệp này sẽ có mặt trong các quán nhậu hay chen chúc nhau trong các lồng sắt bán cho những người làm từ thiện “phóng sinh” ở nhà chùa?
Khi “ăn mòn “ môi trường sống của mình, con người sẽ sống với ai? Bảo vệ môi trường sinh thái bắt đầu từ đâu? Câu hỏi còn bỏ ngỏ. Dồng dộc ơi!