Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.
Câu nói này tưởng chỉ diễn tả nỗi khổ nhọc của con người sống dựa vào rừng núi. Gánh lúa ở đồng bằng làm trĩu nặng đôi vai người làm ruộng chẳng thấm tháp gì so với gánh than củi của người làm núi. Cây đổ, cây đè, ngã hố, ngã khe, rơi xuống vực sâu…rình rập mạng sống con người mà cuộc đời của họ gắn vào rừng núi. Nước mắt rưng rưng còn ở chỗ khác.
Ấy là, rừng “vàng” nguyên sinh teo tóp, chỉ còn đôi chỗ thoi thóp trước cuồng vọng của con người từng lớn giọng “bắt núi phải quỳ, bắt sông phải lạy”. Rừng vẫn còn nhưng là “rừng” tràm “rừng” cao su. Tràm bông vàng tràn ngập những chỗ trước đây là lim, sến, dỗi, gõ, kiền kiền, dầu, sao… Cao su, ca phê, hàng hàng lớp lớp cũng ào lên vùng cao tàn phá đại ngàn hùng vĩ Tây Nguyên.
Người ta nghĩ các loại cây công nghiệp là "cứu cánh" cho kinh tế cất cánh ở những chỗ thiên nhiên ban tặng cho mình: núi rừng bạt ngàn của dãy Trường Sơn. Rừng từng che bộ đội từng vây quân thù nay còn che còn vây nổi không?
Rừng đúng nghĩa (cao su không thể gọi là rừng) thu hẹp dần. Đời sống của đồng bào cả ngàn năm coi rừng là mẹ ngày nay ra sao? Nay mẹ đang mòn mỏi héo hon. Đời sống ở rừng của họ thay đổi đưa đến điều nghịch lý: kẻ nhìn rừng thấy gỗ (lời Nguyên Ngọc) lại giàu, người coi rừng là Mẹ (cũng lời NN) đang ngày càng “mồ côi”.
Nhưng tôi không nói thêm về cuộc sống con người. Tôi muốn nói đến cuộc sống thiên nhiên khác: thú rừng và chim muông. Không khác tôi, nhiều người cảm nhận một điều: xứ sở của hàng trăm loài thú, hàng vạn loài chim, bây giờ có loài không còn để đếm (tê giác, cọp, beo…). Thú quý hoặc trở thành thuốc được cho là thần dược (mật gấu, cao ban long, cao hổ cốt) hoặc chui vào bụng của những ai ham ăn đặc sản. Con người phá hoại thiên nhiên bằng cách phá hoại môi trường sống của sinh vật, nghĩa là đang phá hủy cuộc sống của chính mình.
Hơn 60 năm trước, quê tôi còn rất nhiều thú rừng trên núi, chim chóc ở đồng bằng, những cánh đồng xen kẽ những bờ tre, con sông, bát ngát. Cha tôi thỉnh thoảng gặp dấu chân cọp trong rừng không sâu mấy. Lâu lâu, dân làng còn rủ nhau đi xẻ thịt…voi miễn phí. Có ai đó bắn voi lấy ngà, thịt không cần.
Có buổi sáng tinh mơ, mùa hè, tôi theo chị lội qua sông, vào rừng bứt đót, một loại cây có bông làm chổi quét nhà. Ở bìa rừng không xa lắm, tôi thấy một vài con mễn (mang) đang nhảnh nha ăn trên bãi cỏ non xanh mướt. Chúng hiền lành như những chú cún ở nhà qua lớp lông màu vàng thắm. Khi chúng tôi giơ cao cán rựa giả làm súng, miệng la to: đùng đùng. Một chú mển ngẩng đầu lên, ngó chúng tôi một lúc rồi thong dong bước đi. Có lẽ chúng nghĩ tôi và chị mình “chỉ là con nít “ thích giỡn đùa. Hình như chúng không sợ vì chưa hề nghe tiếng súng thật, huống hồ là súng giả của chúng tôi.
Rồi chiến sự xảy ra. Bom đạn ác liệt. Chất khai quang tàn sát cỏ cây. Nhưng núi rừng quê tôi dường như chẳng ảnh hưởng nhiều, dù là nơi xảy ra những trận đánh ác liệt nhất.
Thầy hiệu trưởng trường TQC của tôi, ông Nguyễn Như Thọ, 90 tuổi, đang ở Mỹ, kể lại chuyện thấy cọp lúc ông ở trại cải tạo A. Đ. Ông và một vài tù nhân phụ trách nuôi bò, sau 30 tháng 4 năm 1975. Mỗi tối, cán bộ quản giáo phải ra bắn một đôi phát súng CKC, loại vũ khí có tiếng nổ chát chúa, âm thanh rung chuyển núi rừng. Để đuổi cọp. Người ta giải thích. Cọp rất thích bắt chó, nhứt là những con màu vàng; không ai giải thích vì sao. Bò màu vàng là con mồi béo bổ hấp dẫn với cọp hay sao mà chúng hay rình rập gần chuồng bò rào thô sơ cây rừng vào những đêm tối trời.
Nếu có dịp thăm khu du lịch Cổng Trời, đi theo quốc lộ 14, quý vị sẽ thấy khu vực có cọp rất gần nơi ở của con người. Đó là năm 1975, 1976. Ngày nay, rừng nguyên sinh biến thành “rừng” tràm từ đông sang tây, từ đồng bằng đến hóc, thung. Chỉ còn chút đỉnh đầu nguồn, gần khu vực quản lý của lực lượng công an. Các vùng ở các tỉnh khác thì thế nào?
Cọp ngày nay thật ra cũng còn sống. Không biết vui hay buồn khi chúng sống trong câu chuyện kể của những người lớn tuổi. Lớp này chết đi, nếu nghe chuyện ngày xưa quê tôi có cọp, trẻ con sẽ bĩu môi không tin là thật. Ngày nay, rắn, trăn, mển, nai, chồn, cheo…chưa nghe ai nói thấy chúng khi vô “rừng”. Chim dồng dộc, loài chim rất nhiều, làm tổ rất tinh anh, nay biến mất. Nhiều loài chim khác nữa. Hoạ chăng, một cánh rừng dài còn một hai con chim chào mào, có lẽ là những con cuối cùng người ta đang ra sức bẫy về để có thêm những lồng chim tham gia thi tiếng hót trong những câu lạc bộ chim cảnh ở các thành phố lớn.
Hôm qua, tôi và các con, cháu kéo nhau vào rừng, bắt chước dân Tây thưởng thức những ngày hè ấm áp hiếm hoi ở cái xứ “quanh năm mùa đông”. Và may mắn thay, 60 năm cuộc đời, tôi gặp lại cái cảnh mà khi chín mười tuổi tôi chứng kiến như vừa kể ở giữa bài: không gặp mển mà nai, một nai con trên đường chúng tôi đi tắm hồ, lội rừng trở về. Khác con mễn của tôi năm xưa, ở khá xa, chú nai con hiền lành ngoan ngoãn như chó con: nếu được phép, tôi có thể ẵm nó về để nuôi. Nai chẳng sợ người. Tôi không hiểu vì sao.
Ảnh: Tôi có thể ôm lấy chú nai con này và mang về nhà.
Lấy que cây nhỏ tôi ẩy ẩy vào đuôi để nó đứng lên, trở vào chỗ có cha hoặc mẹ nó đang chờ. Ham chơi, chú nai con này đi lạc bố mẹ mình hay sao.
Rừng quốc gia Phần Lan không nhiều đồi dốc, cao ngút như rừng VN, chỉ toàn là thông, tùng và bạch dương. Rừng họ không đa dạng chủng loại cây cối như rừng chúng ta. So về sinh thái, rừng họ nghèo nàn hơn rừng chúng ta rất nhiều. Chúng ta có rừng vàng cho nên không cần trân quý? Vàng nhiều quá, nay “bạc” mất rồi. Rừng (thật) còn in ít, cọp thì tiêu vong; thôi thì ngâm một câu thơ cảm thán gọi là an ủi: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”. (Nhớ Rừng- Thế Lữ).