Trả lời gọn: Vì tư hữu không được công nhận.
Cái này bắt đầu từ khi thực hiện…sở hữu toàn dân. Ở nhà máy, xí nghiệp, người lao động (giới vô sản, đại diện giai cấp tiên tiến) “làm chủ”. Ác nỗi, họ cần người thay mặt họ để lãnh đạo; họ chỉ là ông chủ trên danh nghĩa. Ông giám đốc nhà máy hay xí nghiệp ấy lại là người do một giới khác cất nhắc. Ai cũng biết giới ấy là ai. Vì làm ăn lương, mấy ông “chủ” này đâu có quan tâm sản phẩm làm ra. Do đó, có những sản phẩm như ống kem đánh răng, để lâu thì phải nghiến răng bóp lớp kem ngoan cố mới chịu lòi ra. Chưa kể đánh gãy bàn chải nhưng răng vẫn vàng ố như răng người tiền sử .
Vì “làm chủ tập thể “ nên sản phẩm kém chất lượng, hay may mắn có chất lượng, một số cũng bị mất cắp. Lương không đủ sống, ăn cắp trong các nhà máy, xí nghiệp không thể ngăn chặn xuể. Bảo vệ dâu phải ai cũng là trăm tai nghìn mắt ? Đâu phải ai cũng là Tề Thiên Đại thánh. Tôi có biết một xí nghiệp gỗ, những năm sau ngày giai phóng chuyên sản xuất sản phẩm gỗ phải phá sản. Gỗ lấy từ rừng, không phải mua. Chỉ tốn công cắt gỗ, vận chuyển bằng xe về thành phố, đưa vào xí nghiệp gỗ, cưa ra thành phẩm và bán cho cơ quan, xí nghiệp có nhu cầu . Vậy mà xí nghiệp làm ăn thua lỗ và kết cuộc là giải tán .
Vì sao? Ăn cắp. Tức tham nhũng. Ban giám đốc “ăn cắp “ theo cách của họ . Nhân viên ăn cắp theo kiểu nhân viên . Người lao động ăn cắp theo kiểu của người làm công. Người người ăn cắp; ai ai cũng ăn cắp; mỗi ngày một ít. Càng lâu thì ăn cắp càng nhiều . Vì sao? Xí nghiệp đâu thuộc sở hữu của ai. Nếu có ông A hay bà B là chủ thì đố có mất. Mạt cưa chưa chắc đã mất. Đây là ví dụ về “công nghiệp”.
Về “nông nghiệp “, chúng ta lấy ví dụ của hợp tác xã nông nghiệp .
Làm chủ xã hội chủ nghĩa, xã viên hợp tác đối xử với hợp tác xã, tổ chức tiên tiến nhất của nông nghiệp nông thôn “ mới” sẽ như thế nào ? Rất miễn cưỡng. Xã viên sẽ không màng bảo vệ sản phẩm hợp tác - lúa, hoa màu, trâu bò - như là của cá nhân họ. Vì ăn điểm- điểm sẽ qui ra lúa, nên năng suất lúa không có . Người ta chạy theo công điểm (làm lấy lệ, lấy nhiều ) mà không chạy theo năng suất . Do đó, hợp tác xã đem lại cái đói, triền miên và te tua. Nhưng nếu là ruộng của họ , mà không phải của chung, thì có ai muốn làm dối để ăn điểm mà không làm thật để ăn lúa, ăn cơm?
Cách mạng công nghiệp và nông nghiệp như nói ở trên gây ra hậu quả sai lầm vì quan điểm công hữu tư liệu sản xuất? Một phần. Phần lớn là cuộc “cách mạng” quan hệ sản xuất ấy kéo dài trong một thời gian đủ điều kiện để hình thành một cái văn hóa “của chung”, hay có thể gọi là của chùa cũng được.
Cái “cốt” tham nhũng hình thành từ một hay hai thế hệ con người trong xã hội coi của chung là của chùa. Họ coi tài sản nhà nước (của chung) là của chùa. “Cho quan trèo hái mỗi ngày”. Nếu tài sản của tư nhân liệu có xảy ra tham nhũng? Elon Musk hay Bill Gates, trong cơ ngơi trùng điệp tài sản của họ, có ai “tham nhũng “ không ?
Tôi nghĩ , nhà nước càng ít tài sản thì guồng máy của nó sẽ ít đẻ ra tham nhũng. Người ta nói, càng nhiều dân chủ càng ít tham nhũng. Tôi không nghĩ như thế. Ở Hàn Quốc nhiều dân chủ (so với mợ số nước), tổng thống không đi tù vì bê bối tham nhũng sao ? Trưởng ban đối ngoại thượng viện Mỹ sẽ không bị mất chức vì tham nhũng ?
Cho người ta “làm chủ” một tài sản khổng lồ không phải của họ thì có ai chắc chắn ông chủ kia liêm khiết mãn đời? Quan chức chỉ điều hành quốc gia. Không giao cho họ làm chủ hay có quyền làm chủ tài sản quốc gia. Anh ta có nhiệm vụ giám sát tài sản ấy. Và làm chủ nên giao cho người dân. Chính phủ Mỹ thậm chí có khi phải mua máy bay và bom đạn của tư nhân chế tạo . Họ không sợ Elon Musk phóng vệ tinh lên không gian cạnh tranh với NASA.
Quan chức phải trở về vai trò “công bộc”. Còn làm chủ hãy trao lại cho người dân. Càng”làm chủ” quan chức càng dễ vô lò. Đất nước cần xây cái gì ích lợi hơn là xây lò, đốt lò- hao tốn củi, hao tốn cây rừng, hao tổn nguyên khí quốc gia.