Ai cũng nghĩ nịnh là xấu nhưng thật ra nịnh rất tốt trong một số trường hợp. Chẳng hạn như Tú Xương:
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.
Không hiểu sao ông bà xưa có câu “ Đàn ông miệng quắp râu vô. Ham ăn với vợ, hàm hồ với con”. Râu là đặc trưng của nam giới. Quắp râu vô, nhiều người lầm tưởng “râu quắp” là tướng xấu; họ không hiểu ông bà ta dùng từ “quắp” diễn tả ý nghĩa cao xa hơn, không phải râu “quắp” là râu “cong” vào. Đàn ông khí thế nhờ “râu” (không hẳn ai cũng có râu thật: “nam tu nữ nhũ”) nhưng râu mà quắp vô, nghĩa là như “co quắp”, giống như đầu hàng trước khó khăn: ham ăn, hàm hồ, đúng là bản chất. Cái ông đại tá nhà báo nào đó nghĩ “mặt dơi mõm chuột” là tướng xấu mà không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó đâu có khác “quắp râu vô”. Đó là một biểu tượng, một ước lệ, không phải là sự thật.
Vuốt râu nịnh vợ….Ai mà không nịnh vợ, tây văn minh, nó còn nịnh vợ hơn ta, rất nhiều; họ gọi là nịnh đầm (dame). Nếu tinh ý, quý vị sẽ thấy trên Facebook trước đây, ngoài like, chàng trai Mark còn cho dislike, thích và không thích. Nay chỉ còn like không có dislike. Mỹ thống lĩnh thế giới không phải họ giàu mà là họ khôn.Dale Carnegie nổi tiếng với cuốn “ How to Win Friends and Influence People” (Đắc nhân tâm, Nguyễn Hiến Lê dịch, cái tên ngắn mà quá hay) có nói nên khen không nên chê, khác với những người cộng sản Việt Nam, phê bình và tự phê bình, nghĩa là chê người và chê luôn mình (tự phê).
Phê và tự phê, chê nhiều hơn khen, là vũ khí xây dựng Đảng nhưng cũng bị một số người lợi dụng, đấu đá nhau nhiều hơn xây dựng, mấy chục năm nay.
Khen nhiều thường được cho là nịnh.
Carnegie bảo: Khen đúng không phải là nịnh. Thủ trưởng ngu thấy mẹ, nhưng cấp dưới khen nức nở, đó là nịnh. Thủ trưởng thông thái, cấp dưới nhận định thông thái, ấy là khen, khen đúng, khen thật.
“Chống diễn biến, chống chuyển hóa” hay chống “tự diễn biến, chống tự chuyển hóa” là cuốn cẩm nang xiển dương và nâng cao chủ trương của chế độ. Cuốn sách ca ngợi chủ trương của Đảng (viết hoa) và nhà nước. Nhưng người chủ biên lại tự diễn biến, tự chuyển hóa. Hóa ra ông ta không khen ngợi chế độ nhưng là nịnh bợ chế độ, để nuốt nhẹ, nuốt êm, mấy trăm ngàn đô la tiền của “đế quốc Mỹ” in ra.
Kết quả của công trạng nịnh bợ đã đưa người chủ biên sớm vô tù ngồi gỡ lịch, “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt. Ta nằm dài xem ngày tháng dần qua”.
Nịnh, như vậy có thể chia làm hai: nịnh "trong sáng" (Tú Xương, và tất cả những đàn ông nịnh vợ, nịnh đầm, có cả tôi) và nịnh "không trong sáng" (một số siêu nịnh đang thở như leo dốc, heo hắt trong tù và một số còn nhảnh nha hí hửng bên ngoài).