Tuesday, December 5, 2023

Thưa chuyện cùng tiến sĩ Vũ Thị Nghĩa.

Tôi thấy một bản chụp câu nói cho là của chị (nếu không phải, xin chị thứ lỗi, coi như không có cuộc nói chuyện này), nội dung: “Chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn không phải sự áp đặt từ phía Đảng hay một lực lượng chính trị nào khác mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho phép khẳng định: ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng”.

Không biện giải bằng một lập luận khác, tôi chỉ xin đặt một số câu hỏi về sự khẳng định của chị.

   1- Chế độ một đảng không ai áp đặt mà là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Chị giải thích rõ hơn, bằng cách nào chị lại BIẾT lựa chọn đó là của dân tộc, của nhân dân? Có ai đại diện (bằng bầu cử dân chủ) cho nhân dân đứng ra lựa chọn không? Chị quên rằng, muốn BIẾT có lựa chọn đó, một QUYẾT ĐỊNH về vấn đề tầm vóc quốc gia, ảnh hưởng vận mệnh dân tộc như thế, người ta phải tổ chức trưng cầu dân ý toàn nước. Quyết định “nhỏ” như tách khỏi EU của Anh có hẳn một cuộc thăm dò ý dân như thế.

   2- Chị nói: Từ thực tiễn cách mạng VN cho phép khẳng định: không cần và không chấp nhận đa đảng. Tôi không rõ chị có học lịch sử cận đại VN chưa. Thực tiễn cách mạng VN mấy chục năm qua “cần” đa đảng, “chấp nhận” đa đảng đó chị. Bên đảng Lao động VN (Đảng Cộng sản VN) còn có đảng Xã hội, thành lập năm 1946, trụ sở tại Hà Nội, bí thư sau cùng là ông Nguyễn Xiển, giải tán năm 1988 sau 42 năm hoạt động; đảng Dân chủ, thành lập năm 1944, trụ sở ở Hà Nội, bí thư là ông Nghiêm Xuân Yêm, giải tán năm 1988 sau 44 năm hoạt động. Thực tiễn cách mạng chị nói có đúng với thực tiễn lịch sử không vậy?

   3- Vì là tiến sĩ, chắc chắn lý luận của chị sẽ dựa vào nguyên tắc có tính khoa học, nghĩa là, chị sẽ chấp nhận ý kiến của tôi: sự vật tiến hóa không ngừng, và theo triết học Marx-Angels, hẳn chị thuộc nằm lòng, nếu không nhờ tiến hóa, thì con người bây giờ cũng sẽ là những con vượn thời tiền sử. Mâu thuẫn cần cho tiến hóa; có mâu thuẫn sẽ có tiến hóa. Đảng cầm quyền – “mâu thuẫn” với một hay nhiều đảng đối lập - sẽ có những quyết sách đúng đắn, ít gặp sai lầm cho đất nước.

Chị có tìm hiểu về cải cách ruộng đất, đánh đổ tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế tem phiếu…chưa? Người dân có quyền chọn đảng nào làm tốt lên cầm quyền bằng lá phiếu của mình? Một đảng hay nhiều đảng thay nhau điều hành đất nước qua cạnh tranh bằng các cuộc bầu cử, cái nào tốt hơn? Một đảng là “nhất nguyên”, nhiều đảng, đa đảng là “đa nguyên”. Theo chị, nhiều đảng xấu hơn một đảng, phải không? Đa nguyên xấu hơn nhất nguyên?

Có một chuyện "nhỏ như con thỏ" ở Trung Quốc vừa qua; lúc covid-19 mới xuất hiện diện hẹp, nếu bác sĩ Lượng có quyền tự do cất tiếng nói, tiếng nói ấy được mọi người lắng nghe đúng lúc (“đa nguyên”, chứ không phải độc một cái “tiếng nói” của đảng bộ địa phương, hay chờ chỉ đạo của Bắc Kinh) thì nhân loại biết đâu đã tránh được thảm họa dịch bệnh, mấy triệu người bỏ mạng, kinh tế thế giới đình đốn. Nhờ tự do ngôn luận (nhiều chiều, đa nguyên) biết đâu nhân loại đã khống chế Covid-19 ngay trong một bệnh viện, một địa phương, không để chúng đi khắp thế giới, gieo rắc oan khiên, tang tóc?

Đa nguyên là bản chất cuộc sống. Các nước tiến bộ thật sự trên thế giới đều có một chế độ chính trị một đảng hay nhiều đảng? Ngay cả nước Nga (yêu dấu một thời của trí thức miền Bắc) cũng theo chế độ đa đảng. Những nước từng cùng chế độ với VN trong khối Đông Âu, đất nước của họ thế nào? Tốt hơn hay tệ hơn với thể chế chính trị đa nguyên? Một người hưu trí tầm thường như tôi cũng biết huống hồ chi chị, một tiến sĩ.

Hình minh họa: Một đảng ở Bắc Hàn có phải là lựa chọn của dân tộc họ, nhân dân họ hay không; đa đảng ở Nam Hàn không rõ có bị ai áp đặt không, chứ cuộc sống hai bên chênh nhau “quá cỡ thợ mộc”.

Một ví dụ gần đây thôi. Những người đứng đầu ở ba thành phố lớn nhất của 3 miền là Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, kẻ vô tù, người chịu kỷ luật mất chức. Vì sao? Vì không có một sức mạnh đối trọng, “soi rọi”, từng chân tơ kẽ tóc, việc cất nhắc người điều hành nắm các chức vụ quan trọng, để “lọt lưới” vào cơ quan công quyền cao ngất những phần tử xấu, bên ngoài luôn luôn mang bộ mặt “liêm chính, vì nước vì dân”.

Tôi biết chị sợ, đa đảng sẽ uy hiếp vai trò lãnh đạo của đảng chị đang theo, sẽ gây “rối ren” không khí chính trị trong nước (như một thời  ở Sài Gòn trong chiến tranh). Thôi, cũng không sao. Lo lắng của chị có thể hiểu được.

Chị bảo chế độ một đảng là lựa chọn của nhân dân trong quá khứ. Lần này, chị có dám để họ có một lựa chọn nữa: nhân dân (không đảng) có thể ra tranh cử các chức vụ chính quyền, được không?