*Giáo sư Lê Hữu Mục.
Tôi không hân hạnh được học với giáo sư vì theo ngành Anh văn. Lần đầu tiên, tôi thấy giáo sư ở một buổi thuyết trình tác phẩm Ngựa chứng trong sân trường, tác giả nhà văn Duyên Anh có đến dự bằng xe hơi cáu cạnh, do khoa Việt-Hán trường sư phạm tổ chức, trong một hội trường lớn, dùng chung cho trường đại học sư phạm và đại học khoa học.
Giáo sư trông rất đường bệ như một quan chức chính phủ cấp cao chứ không phải là một học giả. Trong phần tranh luận, diễn giả là giáo viên cấp 3 (theo ngôn ngữ bây giờ) Huỳnh Phan Anh (?) đả kích nhà văn nổi tiếng, có sách bán chạy nhiều nhất thời ấy, “không cho thằng cùi vào đất thiêng”, ngầm ý phê phán Duyên Anh “bôi bác” học đường qua tác phẩm của mình. Vì tức giận diễn giả, nhà văn điên tiết, “các anh tưởng các anh ngon à, đại học Văn khoa chứ gì. Tôi cho đó là cái đống rác”.
Không khí phản bác nhau sôi nổi giữa một giáo viên và một nhà văn trước sự có mặt của mấy trăm sinh viên, giáo sư Lê Hữu Mục điềm đạm đứng lên, vừa sửa đôi mục kỉnh, vừa ôn tồn phát biểu giảng hòa, bằng giọng nói chắc nịch, phân tích sắc bén, diễn giải mạch lạc mâu thuẫn hai bên. Không khí sôi bỏng xém vượt khỏi tranh luận học thuật trở nên dịu lại: ai cũng nể nang bởi đây là phân giải của một học giả.
Một lần khác, sinh viên tất cả các khoa đi điền dã Suối Tiên, hồi đó còn rất nguyên sơ, lúc tụ tập ca hát, thấy thầy ngồi bất động một chỗ xa xa. Lát sau quay lại, thầy bảo thầy vừa sáng tác 1 bản nhạc ngắn bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, cho sinh viên của 3 khoa, và tập chúng tôi hát theo, bài hát vui tươi, giòn giã tiếng cười.
Ấn tượng nhất về thầy là sau mấy ngày “giải phóng”, trông thầy luôn luôn tư lự. Ngày nào, sinh viên trường sư phạm cũng được “quán triệt” chủ trương cách mạng, kể cả các giáo sư, trên sân trường nhiều cây cổ thụ trồng đâu thời tây. Lúc giải lao, mấy bạn sinh viên Việt-Hán than phiền với thầy: nhạc cách mạng nghe sao “chói tai” quá. Thầy cười hiền hòa đáp: rồi các em sẽ quen dần, có khi lại thấy…thích là đằng khác. Thầy cười ý nhị: nghe mãi sẽ thấy quen, khó gì đâu; cái gì dù không ưa, lặp đi lặp lại mãi, cũng trở thành như…tự nhiên, dù ban đầu các em không muốn.
Quả đúng lời thầy nói.
Nghe đâu, sau này thầy phải vượt biên, không thành, ở tù mấy bận, sau được con bảo lãnh qua Canada và mất ở đó.
** Giáo sư Trần Văn Tấn.
Thầy từng là chủ tịch hội đồng văn hóa giáo dục quốc gia, thỉnh thoảng vào dinh tổng thống để họp hành, viện trưởng viện đại học Sài Gòn (gồm nhiều trường đại học), kiem hiệu trưởng trường đại học sư phạm, lấy bằng tiến sĩ cấp quốc gia về toán tại Pháp (ngành này nghe nói lấy tiến sĩ rất khó). Thầy cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, luôn vận áo vest đen, thắt cravate, sơ mi trắng, đi giày đánh bóng, nhưng lại độc thân, tuổi có lẽ tầm 40.
Khi còn là viện trưởng, thầy thỉnh thoảng có ghé trường đôi lần mỗi tuần, có tài xế đưa đón, trong một chiếc xe hơi màu đen bóng lộn, loại xe tòa đại sứ Mỹ hay sử dụng, tôi không nhớ hiệu gì. Sau ngày “giải phóng”, thầy đến trường bằng xe đạp mini, áo sơ mi trắng, vẫn bỏ vào quần, vẫn giày đánh bóng, trong khi vị hiệu trưởng “mới” ăn bận lè phè, áo bỏ ngoài quần, mang dép nhựa “rọ” màu nâu.
Thấy thầy trở nên “bình dân”, chúng tôi mon men hỏi, sao thầy không đi Mỹ như một số giáo sư của trường đào tạo ở ngoại quốc ra đi trước 30.4 khá sớm. Thầy cười trả lời: tôi từng ở nước ngoài hơn 20 năm. Tôi không muốn đi, tôi muốn ở lại quê hương, tiếp tục thiên chức dạy học của mình. Tôi không rõ, với chức vụ “lớn” như thế, thầy có được đi cải tạo để thành người “giác ngộ cách mạng” hay không. Thấy thầy đạp xe đến trường mỗi ngày, cùng chúng tôi “học tập” chính trị, tôi tự nhiên suy nghĩ: những năm về sau, thầy có thỏa nguyện ước muốn của mình hay không.
Trí thức nặng lòng với đất nước, một số vị quyết định không đi Mỹ để ở lại Việt Nam như thầy, có toại nguyện theo ý muốn, hay đã hối hận vì ở lại quê hương”?
*** Nhà thơ Xuân Diệu
Chắc các bạn ngạc nhiên tại sao tôi lại nhắc đến một thi sĩ cách mạng trong các mẩu chuyện này.
Sau 30.4. 1975, có lẽ biết học sinh, sinh viên miền Nam đều yêu quý những văn sĩ, thi sĩ thời tiền chiến, trong chiến tranh, một số họ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định tổ chức những buổi nói chuyện, các thành phần trí thức tiền chiến có tên tuổi còn sống ngoài đó vào làm diễn giả. Trường sư phạm và trường khoa học tổ chức chung cho sinh viên tập trung trong một hội trường khá lớn để dự một buổi nói chuyện như thế.
Trời tháng 5 oi bức, hội trường cả ngàn sinh viên chen chúc, các cánh quạt trần quay tít, vù vù, vẫn không làm không khí dịu đi sức nóng hừng hực, nhưng ai cũng háo hức được nhìn tận mắt một thi sĩ mệnh danh “ông Hoàng tình yêu”, chẳng ai than nóng nực.
“Bữa ấy, riêng hai dưới nắng đào
Nhìn tôi, em muốn hỏi vì sao
Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp
Một thoáng cười duyên thỏa khát khao”.
Hay là nỗi quay quắt nhớ nhung của một chàng trai:
“Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời”…
Đối với một số học sinh, sinh viên miền Nam, 2 cuốn Thơ thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, xuất bản ở Sài Gòn, là hai tác phẩm "gối đầu giường" cho những người đang lứa tuổi yêu đương, đầy ắp những bài thơ tình, mỗi thanh niên đều thấy tâm trạng của mình qua từng bài thơ, có bài thơ nói hộ tiếng lòng của một người đang yêu hay thất vọng vì yêu…
“Nói chi nữa tiếng buồn ghê gớm ấy
Để lòng ta sung sướng muốn tiêu tan”.
Hình ảnh về một nhà thơ có mái tóc quăn nghệ sĩ, bồng bềnh, đôi mắt sáng, vầng trán thông minh, người có những bài thơ tình “thanh tân, rạo rực, khát khao” như Hoài Thanh, Hoài Chân ca ngợi, luôn hiện ra trong tâm trí chúng tôi những chàng trai trẻ, những cô gái thanh xuân, dù lúc đó đất nước còn chiến tranh chia cắt.
Vì vậy, sau khi nghe 2 tiếng Xuân Diệu được xướng lên trang trọng, “người trong mộng tưởng” của chúng tôi bước lên khán đài hội trường, trong tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài mấy phút, của cả ngàn khán giả, sinh viên và giáo sư.
Chúng tôi thấy mái tóc nhà thơ vẫn quăn nhưng không được bềnh bồng như trong bức ảnh. Trán vẫn cao, tuy có vẻ vướng đôi nếp nhăn kín đáo. Ông nở một nụ cười thật rộng, thật lâu, và yên lặng chừng đôi ba phút sau khi tiếng vỗ tay chấm dứt.
“Nghe không bằng thấy”, ông duyên dáng mở đầu buổi diễn thuyết: “Lần đầu tiên tôi thấy các ‘đồng chí’ và cũng lần đầu tiên các “đồng chí’ thấy tôi”.
“Đồng chí” có lẽ thành thói quen khi nói chuyện ở miền Bắc, nghe ông gọi danh xưng ấy, chúng tôi cảm thấy hết sức bỡ ngỡ, lạ lẫm. Ở miền Nam chúng tôi hay nghe “quý vị” trong cách xưng hô trong các buổi diễn thuyết hay nói chuyện; tôi chưa bao giờ quen với hai từ đồng chí; trong các tổ chức đảng phái ở miền Nam, tiếng ấy có được sử dụng hay không, tôi không rõ mấy.
Cách dẫn chuyện của ông hết sức thu hút, hầu hết nội dung nói về thơ ca, nhất là những đoạn nói về kháng chiến “chống Mỹ cứu nước”. Ông cho biết, ở miền Bắc ông đi khắp nơi để bình thơ, từ hợp tác xã cho đến nông trường, nhà máy, xí nghiệp, kể cả các đơn vị chiến đấu. Ông bảo có làm thơ tình nhưng chưa tiện công bố vì đất nước còn chiến tranh, Huy Cận rất quý mến ông, và có lần, ông được gọi vào phủ chủ tịch để bình thơ cho cụ Hồ nghe, khi cụ không còn tham gia việc nước. Sau Tố Hữu, người ông ca ngợi nhất là Trần Đăng Khoa, ông gọi một thần đồng thơ. Ông trích đọc nhiều đoạn thơ ca ngợi thôn quê miền Bắc, ca ngợi hợp tác xã, ca ngợi cuộc kháng chiến "chống Mỹ cứu nước".
Có mấy câu ông trích dẫn tôi cho rất hay, giờ vẫn còn nhớ, khi tả về cây dừa “Đứng canh trời đất bao la. Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi”. Khi nói về trăng, nhà thơ cười, tôi tả trăng đã hay: “Trăng vú mộng suốt muôn đời thi sĩ. Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”, vừa nói ông vừa đưa hai tay lên cao như xoa xoa ý nhị, rồi cười thật tươi: “Thằng” Khoa tả trăng còn sinh động hơn tôi. “Em đi trăng theo bước. Như muốn cùng đi chơi” hay “Trăng bay như quả bóng. Đứa nào đá lên trời”.
Ông say sưa diễn đạt, trôi chảy, có lúc hùng biện, có lúc dí dỏm, có lúc như phẫn nộ, có lúc như khoan hòa…Chúng tôi thấy ông có tài của một nhà diễn thuyết tài ba, ngoài một nhà thơ nổi tiếng.
Từ 8 giờ sáng cho đến quá trưa, chúng tôi vẫn thấy thời gian trôi quá nhanh, dù không khí trong hội trường càng lúc càng hầm hập. Nhà thơ vừa nói, vừa cầm một cái quạt giấy mang theo sẵn, phe phẩy liên hồi, mồ hôi tươm đầy mặt, thỉnh thoảng ông lấy khăn mui-soa ra lau, dù gần ông cũng đặt một cái quạt máy.
Không hiểu lúc đó có ai gợi ý hay chỉ là tình cờ, để “giải khát” cho nhà thơ, một chai la-de con cọp (bia 65 cl) và một ly đá mang ra chỗ diễn giả. Nét mặt nhà thơ bỗng nhiên rạng rỡ. Ông khoan khoái rót bia vào ly, bưng lên tu một hơi dài, sảng khoái. Tiện tay ông rót tiếp, chưa uống liền, ngẩng nhìn khán giả cười giải thích: "Ở Hà Nội, mỗi lần tôi ra hồ Tây uống bia Trúc Bạch, ai thấy tôi, họ cũng đều vui vẻ “mời” bia (có lẽ là “bao” cho nhà thơ). Khi nói thêm độ nửa giờ, một vài chai bia ướp đá mang ra. Lần này, nhà thơ không phải rót ra ly, ông uống như ta thấy Obama uống lúc qua Việt Nam, cầm chai tu, khỏi ly, gật gù, không quên khen bia miền Nam ngon quá.
Đến bây giờ, tôi mới để ý cách trang phục của nhà thơ. Ông mặc áo hơi cũ màu vàng úa, ngắn tay, bỏ ra ngoài quần, quần nâu sẫm, chân mang dép nhựa có quai (ở miền Nam gọi là dép rọ, bao lấy bàn chân, có nhiều khe hở).
Thấy cách thưởng thức bia và cách ăn mặc của nhà thơ, tôi nghĩ, nếu ông ở Sài Gòn thay vì Hà Nội, tiền tác quyền in sẽ khổng lồ, không biết bao nhiêu lần tái bản Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Phấn thông vàng (văn xuôi)…dư sức để ông mua xe hơi như Duyên Anh và uống rượu tây, nghĩa gì mấy chai la de, người miền Nam uống mỗi lần cả két.
Tôi thấy thương cho thi sĩ có rất nhiều bài thơ tôi thuộc nằm lòng từ hồi còn trẻ. Và tôi cũng thấy thương cho hai thầy tôi những ngày sau “giải phóng".