Thursday, December 7, 2023

YÊU NƯỚC

Ăn cơm mới nói chuyện cũ.

Tôi có nói về đề tài này một lần nhưng tôi muốn nói thêm. Trước viễn cảnh xung đột có thể dẫn đến chiến tranh xuất phát từ biển Đông (bãi Tư Chính- chẳng hạn) yêu nước cần bàn đến, cần thiết hơn bao giờ hết, trong giai đoạn đất nước hòa bình.

Yêu nước, trong quá khứ, thường được hiểu là cầm súng giết giặc. “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, “Đường vinh quang xây xác quân thù” hoặc “Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu” (quốc ca).

Hy sinh mạng sống cho đất nước, vì sự tồn vong của tổ quốc có nghĩa là…yêu nước. Những người hy sinh được phong anh hùng, liệt sĩ.

Nhưng có một câu hỏi: Những người lính VNCH đã chết năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa khỏi kẻ xâm lược Trung Quốc, dù không thành công, có phải là những người yêu nước không? Nếu yêu nước, họ có được nhà nước công nhận là liệt sĩ?

Đến đây ta thấy ra vấn đề: yêu nước cũng lắm đường, lắm nẻo, không phải ai cũng công nhận dễ dàng.

Trong cuộc chiến dai dẳng Trịnh Nguyễn phân tranh, hai phe đánh nhau, hẳn phe nào cũng cho phe kia là thù địch, phản quốc vì không yêu nước. Ngọn cờ yêu nước chắc chắn được giương lên, hồi ấy yêu nước là yêu vua, trung quân ái quốc. Hai miền như hai quốc gia riêng, ngọn cờ nào là chính nghĩa? Người bên nào là người yêu nước chân chính? Khi vua Quang Trung lên ngôi, đánh tan quân Thanh, dẹp xong chúa Trịnh, đất nước lại đẻ thêm một sức mạnh uy vũ nữa: một nhà Nguyễn nổi lên, Nguyễn Huệ chứ không phải Nguyễn Ánh – kẻ kế thừa các chúa nhà Nguyễn từ ông nội Nguyễn Hoàng.

Việt Nam lẽ ra được thống nhất thành một, non sông nối liền một dải nhưng nội chiến xảy ra. Vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc nhờ đánh tan cả chục vạn quân Thanh, giữ gìn được bờ cõi, không hề thất trận lần nào trong cuộc đời cầm quân của mình, bỗng dưng chết đột ngột khi còn khá trẻ.

Anh hùng dân tộc phút chốc trở thành…"tội đồ dân tộc", sử sách nhà Nguyễn còn gọi là Ngụy, ngụy vương; xác thân đầy chiến tích cũng không toàn vẹn, bị đào bới, chiếc sọ bị giam vào ngục tối để  lính tiểu vào.

Những người theo Quang Trung đánh Nguyễn Ánh có được coi là những người yêu nước không? Chắc chắn là không, họ chưa bị bắt tội, tru di tam tộc, là may mắn lắm. Như vậy, yêu nước chỉ dành cho những những người của “bên thắng cuộc” Nguyễn Ánh?

Nhưng những người theo Nguyễn Ánh, Gia Long sau này, cả quân lính lẫn quan lại, những người trong triều đình, một số bị cho là…phản quốc (không yêu nước) vì cái tội “tổ tông”, sử hiện đại gọi Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà”, hay nặng nề hơn “rước voi về giày mả tổ”. Công lao thống nhất sơn hà, đặt nền móng quản trị toàn nước, mở mang bờ cõi (nhà Nguyễn là thời lãnh thổ Việt Nam to lớn nhất trong lịch sử VN lúc Minh Mạng ở ngôi, chưa kể họ đã có công lao to lớn khai phá miền đất trù phú, giờ chúng ta gọi là miền Nam) không hề được nhắc tới, thậm chí một con đường tên Gia Long  cũng chẳng có, một ngôi trường mang tên ông ở Sài Gòn cũng bị tước bỏ.

Người ta nói “lịch sử mất đi khi xuất hiện các nhà viết sử”. Nghe khó hiểu, thật ra thế này. Một sự việc xảy ra trong lịch sử, hai ông viết sử, một ông theo Nguyễn Huệ, một ông theo Nguyễn Ánh, sử mỗi ông viết mỗi khác. Biết tin ông mô đây, khi những người làm nên, hay liên quan, lịch sử đều không còn. (Nhưng lịch sử cũng còn may mắn về giai đoạn này: sự ghi chép của các giáo sĩ phương Tây là sử liệu quan trọng, dù mấy ông Tây này cũng có người thiên vị…bà cố, nhưng nói chung, họ là người ngoài, những người có học vấn, cái nhìn về hai bên tương đối chân thật).

Một vấn đề gai gốc và hết sức nổi gai ốc xuất hiện: những người cầm súng chiến đấu dưới hai nền đệ nhị cộng hòa vì một quốc gia VNCH chống lại “sự xâm lăng cộng sản” của những người cũng cầm súng bên VNDCCH đi “giải phóng miền Nam”, có yêu nước không?

Câu hỏi chỉ để hỏi, câu trả lời đơn giản: “ngụy quân, ngụy quyền” làm sao mà yêu nước. Dưới cái nhìn của “bên thua cuộc”, họ chống trả lại quân “giải phóng” vì lòng yêu nước. Họ muốn miền Nam của mình không theo…cộng sản. Trong quá khứ 9 năm đánh Pháp, thêm diễn biến “cải cách ruộng đất” long trời lở đất ở miền Bắc, họ rất sợ cộng sản. Những người yêu nước bên thắng cuộc (sau này) bị họ xem là “phản quốc”, không yêu nước, chỉ yêu cộng sản (thực ra, yêu nước và yêu cộng sản thường được trộn lẫn, hai trong một, như cà phê hòa tan). Những người bên thắng cuộc thì cho những người cầm súng chống lại họ, “chống” lại đồng bào, là phản quốc, ôm chân đế quốc Mỹ, quay lại đàn áp nhân dân, bắt nhân dân sống kiếp lầm than: “Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người”.

Lý kẻ mạnh nhất bao giờ cũng nhất, (la raison du plus fort est toujours la meilleuse), nếu tôi bênh vực quân đội VNCH yêu nước thì tôi sẽ bị…"bắt tội". Chỉ một người quàng một chiếc cờ vàng thôi, hệ lụy đã chừng nào, ai cũng biết.

Ở đây, tôi muốn đào sâu “vấn đề yêu nước”, để thỏa cái khí chất “Quảng Nam hay cãi” của chính mình. “Yêu người yêu cả lối đi. Ghét người ghét cả tông ty họ hàng”. Những người “yêu nước” bên thua cuộc đã trả giá đau đớn cho “lòng yêu nước” của mình trong quá khứ, không nên nhắc lại, một sự trả giá cho đến bây giờ vẫn còn hậu quả dai dẳng xót xa (tôi không đi sâu).

Nhưng giả sử, nếu bên thua cuộc trở thành bên thắng cuộc khi kéo quân ra “giải phóng miền Bắc”, thống nhất đất nước bằng bạo lực, những người bên thắng cuộc này sẽ đối xử người của bên thua cuộc cộng sản thế nào?

Các tòa án binh, tòa án hình sự, xử những người dính vào chiến tranh, vào cải cách ruộng đất, hay can dự vào việc thủ tiêu những thành phần quốc gia không cộng sản trong thời gian chống Pháp, sẽ không được dựng lên ở Hà Nội? Giả sử, nhưng tôi nghĩ là có thể: trả thù là một đặc điểm của người châu Á, thù dai là một phần căn tính của họ (quân tử 10 năm trả thù chưa muộn). Nợ máu phải trả bằng máu, dù người Việt đa phần theo Phật giáo “lấy tình thương xóa bỏ hận thù”.

Yêu nước có vai trò nào, thể hiện ra làm sao, trong những tình huống như đã dẫn ở trên từ phần mở bài? Yêu nước phải đồng hành với yêu chủ nghĩa xã hội? Không yêu chủ nghĩa xã hội, người ta có quyền yêu nước không? Chắc chắn là không, theo quan điểm hiện nay. Lịch sử đã chứng minh mấy chục năm nay. Yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội, nghĩa là phải yêu chủ nghĩa cộng sản.

Như vậy, yêu nước không có một định nghĩa nào thật chính xác như trong từ điển?

“Yêu nước là gắn kết con người trong cùng một đất nước lại với nhau, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Trên đây là một trong những định nghĩa yêu nước, tôi muốn trích dẫn, vì yêu nước có nhắc đến yếu tố yêu con người.

Yêu nước thì phải yêu con người trong nước đó. Rất dễ hiểu: không ai yêu nước khi nước đó không có đồng bào của họ. Không ai nói yêu nước bằng cách yêu sa mạc (giả như ta có được), ta không thể hãnh diện vì một đất nước rộng lớn như sa mạc Sahara bên châu Phi (9,4 triệu ki lô mét vuông) nhưng không có người VN nào ở đó.

Và, thật trớ trêu, nếu quan niệm: yêu nước là phải yêu con người, thì hóa ra trước nay, người Việt chẳng yêu nước (ngoại trừ đánh giặc ngoại xâm)?

Từ chiến tranh Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn, chiến tranh giữa nhà Nguyễn của Quang Trung với nhà Nguyễn của Gia Long, cho đến chiến tranh 1945 đến 1954, chiến tranh 1954 đến 1975…giữa VNDCCH miền Bắc, VNCH miền Nam, không người nào tham gia trong 2 phe đối địch…được coi là đã yêu nước, vì họ đã giết nhau quá dữ hay sao? Thiệt nan giải.

Yêu nước không cần yêu con người nước đó, yêu đồng bào của mình? Giết đồng bào ruột thịt cầm súng không thuộc phe "ta” cũng là yêu nước?

Có người bảo giết kẻ “bán nước” là yêu nước. Tôi không lấy ví dụ về Việt Nam, ví dụ e rõ quá, sẽ vướng tội “tuyên truyền xuyên tạc” hay “chống phá nhà nước”. Tôi lấy ví dụ của Nam Bắc Triều Tiên.

Số phận của hai miền Nam Bắc Hàn hơi giống số phận Nam Bắc Việt Nam. Đất nước cũng chia đôi bởi vĩ tuyến, thuộc hai phe XHCN và TBCN, một bên theo “cộng sản”, một bên theo “quốc gia”, bị chia đôi không theo ý muốn dân tộc, phải theo ý muốn các cường quốc, và cuối cùng cũng có một cuộc chiến tranh đẫm máu, dù không dài và khốc liệt như chiến tranh Việt Nam.

Phe ta thì có Trung Quốc, Liên Xô, các nước XHCN, phe địch thì có đế quốc Mỹ và bè lũ “chư hầu”. Trong chiến tranh, chắc chắn phe “chính nghĩa” Bắc Hàn sẽ chửi bới phe "phi nghĩa" Nam Hàn bán nước, ôm chân đế quốc, ăn bơ thừa sữa cặn, phản động đồi trụy, đánh thuê cho đế quốc Mỹ, giết hại đồng bào…

Nhưng không biết may mắn hay rủi ro cho dân tộc này, phe chính nghĩa lại không giải phóng thành công phe phi nghĩa, thống nhất đất nước, ca ngợi sức mạnh xứ củ Sâm vĩ đại, đã đánh thắng một đế quốc đầu sỏ, tiêu diệt “ngụy quyền" Seoul… (không phải "ngụy quyền" Sài Gòn).

Nếu giải phóng thành công, các hãng xe Hyundai và Daewoo, điện thoại Samsung, các phim ảnh Hàn Quốc với những diễn viên đẹp như tiên… làm gì có cơ mà ló đầu ra, chi phối kinh tế nhân loại và làm rung động trái tim hàng triệu nam thanh nữ tú thế giới?

Nam Hàn thật bất hạnh, không được giải phóng, thống nhất. Đế quốc Mỹ không chịu cút về nước, ăn dầm nằm dề tại bán đảo Triều Tiên, lại có bọn bán nước nào đó còn yêu cầu đế quốc đừng có rút đi; đúng là quân bán nước.

Dông dài mà quên nói chuyện yêu nước. Những người của hai bên Bắc Hàn và Nam Hàn, ai là những người thực sự yêu nước?

Chúng ta không thể kết luận Bắc Hàn hay Nam Hàn ai mới yêu nước Triều Tiên. Hai bên sẽ không muốn đánh nhau nữa, cất vào kho những vũ khí nguy hiểm như bom hạt nhân, tên lửa đạn đạo, hay sử dụng chung tàu ngầm…gạt bỏ quá khứ, hướng tới tương lai, chủ nghĩa cộng sản của vị cha già dân tộc Kim Nhật Thành được giảng dạy tại Seoul, các cuốn phim nóng, hình ảnh bốc lửa của những nữ diễn viên Nam Hàn được chiếu rộng rãi ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-un nắm tay tổng thống Hàn Quốc đi uống bia và đánh golf (không cần quỵ lụy anh chàng tóc vàng trịch thượng Donald Trump kia nữa).

Hai bên cùng hát bài ca thái bình để dân chúng hai miền và thế giới thấy: tụi tao yêu nước, đâu cần giết nhau để thống nhất, đâu cần phải đánh nhau bươu đầu sứt trán.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó, chuyện đó không bao giờ xảy ra, vì hai miền đang yêu nước rất dữ, nhất là anh Un, có lúc thề phóng tên lửa cho Seoul ra tro, nóng lòng trống giong cờ mở giải phóng Nam Hàn, giang sơn thu về một mối.

Đến đây tôi như lạc vào mê cung, đầu óc choáng váng, yêu nước hiểu như thế nào đây? Yêu nước không yêu người thì rất dễ, nhưng như thế yêu nước đúng đắn chưa? Người ta muốn loại trừ "thế lực thù địch" ra khỏi nhân dân nhưng không rõ có thành công không. Là một kitô hữu hơi mộ đạo, tôi cầu nguyện hằng đêm, làm sao thế lực thù địch sẽ “nhỏ như con thỏ”, để tất cả người VN không bị cái ảo giác chúng giật dây liên tù tì; tất cả đoàn nên kết bên nhau trước một kẻ thù nguy hiểm; bởi quá khứ nó là bạn, hiện nay trở nên thù, mới mà cũ, đang giương oai diễu võ ở biển Đông.