Tôi có duyên quen nhiều bạn, bạn già đáng kính và bạn trẻ đáng yêu, nhất là bạn trẻ phụ nữ. Duyên có lẽ từ kiếp trước, hai bạn trẻ là người dạy Yoga.
Yoga phát xuất từ Ấn Độ. Không quốc gia nào có nhiều nghịch lý bằng. Một quốc gia có hàng ngàn ngôn ngữ nhưng lại lấy tiếng của kẻ đô hộ mình làm ngôn ngữ chính; đất nước thương yêu con người nhưng lại có quá nhiều giai cấp, hàng mấy trăm giai cấp. Không quốc gia nào đông dân bằng và cũng không quốc gia nào có tôn giáo ảnh hưởng thế giới ở mọi thời đại bằng đạo Phật. Và không quốc gia nào mà con dân trong đó xem cái chết thân xác nhẹ tựa lông hồng nhờ niềm tin của một tín ngưỡng khác: “Cát bụi trở về cát bụi”, chết là thiêu xác thành tro bụi. Một quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu thăm dò đáp xuống, thành công, ở cực nam của mặt trăng, một nỗ lực, mà nước Nga “vĩ đại”- quốc gia đầu tiên trên thế giới có tàu bay vào vũ trụ- cũng chào thua khi tàu của họ banh xác vì không đáp nổi xuống một vị trí mong muốn; thất bại ê chề.
Dông dài như thế để thấy rằng Yoga- “sản phẩm” của Ấn Độ- có tầm quan trọng cho sức khỏe của loài người. Yoga có hít vào, có thở ra, có định tâm, có tịnh trí không khác chi Thiền. Còn hơn cả Thiền, Yoga chữa được bệnh tật.
Tôi không nói Yoga chữa lành tất cả các chứng bệnh kể cả nan y, như ung thư hay suy tim. Có mấy ví dụ Yoga thay đổi sức khỏe của người luyện tập bài bản. Mẹ người “bạn trẻ” của tôi ở Vũng Tàu (Bila Bila), chẳng may bị tai biến. Chị ở tuổi 60. Bệnh viện lớn không làm cho chị lành hẳn. Chị tập Yoga do con chị hướng dẫn. Con dạy mẹ chứ không phải mẹ dạy con: Yoga. Không cần thuốc men, sức khỏe của một người tai biến phục hồi gần như bình thường sau 3 tháng luyện tập.
Ảnh: Cô giáo Bila, Vũng Tàu.
Tôi không nêu nhiều ví dụ “ Yoga chữa lành bệnh” đầy rẫy trên mạng. Tôi chỉ nói trường hợp chắc chắn chữa lành của môn này mà tôi biết được. Một xơ công giáo 50 tuổi, mắc chứng mất ngủ, tay chân luôn rã rời, tóc rụng gần như trui, ăn không thấy ngon. Soeur cầu nguyện hằng đêm với Chúa nhưng vẫn không khỏi binh. Bà bèn tìm đến lớp Yoga do cô bạn nhỏ của tôi phụ trách (người trong ảnh) ở Hoà Khánh, Đà Nẵng.
Ảnh: Cô giáo Hoài Thanh, Đà Nẵng.
Trước khi tập, người thực hành Yoga phải ngồi thiền định. Thiền là khái niệm dễ hiểu nếu ai theo đạo Phật. Đối với tu sĩ kitô giáo, Ý niệm thiền không hẳn vị nào cũng biết, cũng thực hành. Nhưng, vị tu sĩ 50 tuổi thực hành rất tốt. “Cô giáo” Yoga trẻ này soạn ra “hướng ngôn” phù hợp cho một tu sĩ công giáo. Thiền gần như cầu nguyện không lời- tĩnh tâm. Không quá 3 tháng kiên trì luyện tập, tóc soeur bắt đầu lún phún, tay chân bớt rã rời, ăn ngon, và quan trọng nhất: ngủ được. Ông bà ta: “Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”.
Cô giáo Yoga là người theo đạo Phật. Soeur theo đạo Thiên chúa giáo. Nhưng hai người trở thành bạn rất thân sau 3 tháng cùng nhau luyện tập.
Qua hai trường hợp Yoga chữa bệnh: một của cô bạn trẻ ở Vũng Tàu; một của cô bạn trẻ ở Đà Nẵng, tôi rút ra kết luận: Ấn Độ không những đem đến thế gian đạo Phật. Ấn Độ còn đem đến thế gian Yoga.
Yoga có thể chữa lành bệnh người này nhưng chưa hẳn chữa lành bịnh người khác; khi thực tập Yoga không phải ai ai cũng như nhau: về thể trạng và tâm trạng, về thể chất và tâm hồn, không ai giống ai.
Cái tôi ngạc nhiên không phải là nghe “Yoga chữa bệnh”. Cái tôi ngạc nhiên, Yoga thay đổi cái nhìn của hai “ cô giáo Yoga”: Họ yêu thương cuộc sống vì họ yêu thương bản thân mình. Họ hiểu cơ thể họ, vì vậy, họ hiểu cơ thể của người khác. Họ hiểu tâm tính mình, do đó, họ có thể hiểu tâm tính của người khác. Yoga của họ truyền đạt cho người khác dễ dàng mang lại kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất.
Yoga ngày càng len lỏi vào cuộc sống của những người trẻ tuổi đô thị. Không phải quan tâm luyện tập nó để họ có một cơ thể thon gọn “nhất dáng nhì da”. Ai luyện Yoga, tôi thấy, đều có một cơ thể rất “bắt mắt”; dù già, mắt mũi kèm nhèm, gặp ai đẹp, tôi cũng tưởng là…người thân quen.
Yoga có một triết lý, tôi cảm nhận, quan trọng nhất, đó là: Hiểu mình để nâng cao lấy mình. Ở lớp học của một ông thầy người Ấn Độ tại Sài Gòn, tôi thấy câu châm ngôn (bây giờ hay gọi là khẩu hiệu): Don’t try to dance better than others. Try to dance better than yourself. Không cố tập hơn người. Hãy cố tập hơn mình. Một triết lý mà thời buổi này ít ai để tâm. “Tự hào quá VN” chi phối suy nghĩ mọi người trong khi đất nước con lắm nỗi lo toan. Thi đua hơn người là mục tiêu lý tưởng. Không ai nghĩ phải thi đua hơn mình.
Một môn tập với một triết lý “tu thân” như thế xứng đáng để người VN đi theo. Tôi rất mừng, có hai bạn trẻ của mình là những người gieo hạt giống đẹp lấy từ quê hương xa xôi mà gần gũi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.