-Mày là giáo viên, không phải giáo sư.
Đó là xác nhận của một thằng bạn cùng tuổi trưởng thành trong giáo dục XHCN khi nó hỏi tôi trước học sư phạm, ngành gì. " Ngành huấn luyện giáo sư trung học đệ nhị cấp".
Nó giật thót, nghĩ ngợi một chút, cười to: “giáo viên cấp 3, nói ngay như thế cho dễ hiểu”.
Tôi tức khí: “Sao thằng học y xong đại học gọi là bác sĩ? Kỹ thuật thì gọi kỹ sư, kiến trúc thì gọi kiến trúc sư, luật đi hành nghề gọi luật sư, tao học giáo dục, không gọi giáo sư mà gọi giáo viên?”.
Bạn tôi cười to: “đúng là Quảng Nam hay cãi. Mầy nên hiểu giáo sư chỉ để gọi người dạy đại học được nhà nước phong hàm sau khi là phó giáo sư. Oai lắm, mầy giáo viên mà muốn gọi giáo sư, lộn tùng phèo, đâu có được”.
Quả thực, thời VNCH, sinh viên sư phạm 4 năm tụi tôi, ra trường còn hơn giáo sư bây giờ về đãi ngộ.Không sinh viên trường nào (trừ Quốc gia hành chánh đào tạo công chức từ phó quận trưởng trở lên) có học bổng 3000/tháng đủ để ở trọ, ăn uống nữa.
Chỉ số lương sinh viên khi ra trường cao hơn phó quận trưởng (=450, "giáo sư = 470, mức cao nhất khi mới ra trường của công chức quốc gia).
Học sinh xuất sắc mới đậu vào sư phạm cấp 3 (4 năm, cấp 2: 2 năm).
Là "giáo sư" bạn có quyền tìm 1 phụ nữ dễ ngó, có khi đẹp nữa, để làm người nâng khăn sửa túi, và nàng sẽ hãnh diện khi ra xã hội có ai gọi nàng vợ "giáo sư" .
Bạn tôi nói ở Bắc hồi xưa có câu: Nhất y, nhì dược, bách khoa tạm được, sư phạm bỏ đi. Hay là: chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm.Hắn là người Hà Nội, chứ người Sài Gòn, sẽ bị cho là “xuyên tạc”; tôi chẳng rõ có đúng thế không.
Trong mục tiêu cải cách giáo dục, việc thay đổi sách giáo khoa là cần thiết, nhưng nội dung phải gọn nhẹ, thiết thực, học được, không phải học để thi rồi bỏ khi ra đời, như môn tích phân, vi phân... chi đó.
Tri thức là thống soái, chính trị không nên thống soái trong giáo dục, nếu chịu chơi, bỏ mẹ nó môn này.
Giáo dục xuống cấp - nếu có - ngoài tòng phạm là sách giáo khoa, con người là nguyên do chính.
Một thầy giáo, một cô giáo, phải sống đầy đủ, nuôi cả gia đình nhờ lương (như thời của tôi) thì người ta mới an tâm cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tất nhiên, ngành giáo dục sẽ thu hút nhân tài, chứ nhân tài sẽ không đua vào ngành công an, quân đội, với điểm thi ngất ngưởng.
Công an, quân đội quan trọng, giáo dục còn quan trọng bội phần; có người giỏi được giáo dục tốt sẽ có công an, sĩ quan giỏi, tốt, phục vụ đất nước hiệu quả biết bao.
Trong khi giáo viên ngoài Bắc thời chiến tranh, bao cấp, chỉ có 13 cân gạo mỗi tháng, tôi chỉ mới sinh viên sư phạm thôi, ngoài học bổng, lương sẽ cao, mỗi bữa trưa tôi được ăn ở căng tin trường, một bữa cơm tươm tất và hoàn toàn miễn phí.
Có thực mới vực được đạo. Nghe "sòng phẳng" quá nhưng thật đúng quá.
(Hình thẻ quán cơm của tôi)