Cuộc sống con người hiện tại tất bật, đa đoan, tiếng ồn sinh hoạt có vẻ không phải là quan tâm lớn đối với họ, nhưng nó gây hậu quả, chưa khủng khiếp nhưng thật đáng lo âu: ở Hà Nội, hàng xóm sử dụng bom xăng để "giải quyết" nỗi bực tức vì tiếng ồn của karaoke tra tấn.
Cách đây chừng vài năm, cũng vì hàng xóm hát hò inh ỏi, một người ở sát bên nhà đã xách dao đâm người, một cách "giải quyết" tiếng ồn.
Không rõ ở cường độ bao nhiêu thì tiếng ồn gây hại cho người. Cư dân thành phố Sài Gòn là những người chịu đựng giỏi nhất tiếng ồn. Ngoài tiếng xe cộ qua lại, đặc nghẹt mọi con đường, tiếng kèn bóp đinh tai, vô tội vạ, các loa quảng cáo, nhỏ to đủ loại, thi nhau phát ra các lời chào mời, một âm thanh hỗn loạn, người nghe cũng bối rối, vừa chạy xe vừa chịu đựng. Thán phục nhất là các nhà nằm trong vùng "phủ sóng," của các loa quảng cáo, bên lề đường, gắn trên xe ba gác, xe máy, xe đạp hay nằm chình ình trước nhiều cửa hiệu.
Người đô thị làm việc nhiều, làm việc căng thẳng, âm thanh chói tai va vào màng nhĩ của họ, sáng, chưa, chiều, tối...không rõ có tác động hay tác hại gì không. Chưa kể, mỗi khu phố nhà chen chúc, ở khu dân cư đông người, các bác "loa phường" làm việc cần mẫn, giọng oang oang sáng, chiều, mặc có ai nghe hay chẳng muốn cũng phải nghe.
Âm thanh quá mức có sức mạnh khủng khiếp. Cách nay hơn mươi năm, âm thanh đã giúp Mỹ bắt giữ tổng thống Panama. Số là, Noriega chạy vào trốn ở tòa đại sứ Rome tại đây. Không ai được vào nơi này vì miễn trừ ngoại giao, kể cả Mỹ. Thế là, hàng dọc những loa công suất lớn, hướng loa chĩa vào tòa đại sứ, phát nhạc, âm thanh cực cao. Chưa tới 3 ngày, tòa đại sứ phải đầu hàng tiếng nhạc nhức óc, tổng thống xin tỵ nạn bên trong cũng đầu hàng theo.
Quý vị nào đọc kiếm hiệp Kim Dung còn nhớ môn võ công Sư tử hống của Tạ Tốn. Khi bị kim trâm đâm mù mắt trong hang động, ông liền triển khai môn võ công này, kết quả nhiều cao thủ võ lâm vây đánh ông rách màng nhĩ, chảy cả máu máu tai mà chết. Nghe có vẻ vô lý nhưng nguyên lý không sai, âm thanh cực cao có thể phá vỡ cửa kiếng những nhà gần phi trường, khi lần đầu, các phản lực cơ bay lên xuống sân bay, tốc độ vượt qua tốc độ âm thanh.
Ở Sài Gòn, âm thanh người ta phải chịu mỗi ngày to không đến nổi như Sư tử hống, như máy bay phản lực, nhưng chắc chắn nó có ảnh hưởng sức khỏe, thể xác lẫn tinh thần, của trên 10 triệu cư dân. Nhà chức trách đang ở đâu? Chỉ kêu gọi trên loa phường mỗi ngày, "âm thanh quảng cáo không nên quá lớn", có tác dụng ngăn ngừa, răn đe gì không? Quá lớn là lớn cỡ nào? Âm thanh quá lớn có lẽ quá nhỏ trong quan tâm của họ?
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ thời VNCH khi tôi còn nhỏ cho đến trưởng thành, trước 1975. Lúc chiến tranh, tiếng súng, tiếng bom, tiếng đạn pháo kích, là âm thanh người ta nghe mỗi ngày, nông thôn, thành phố. Vậy mà, mỗi khi gần 12 giờ trưa, 10 giờ tối, từ các chiếc radio, không phải nhà nào cũng có, người ta nghe giọng nhỏ nhẹ của phát thanh viên nữ: "Xin quý thính giả điều chỉnh máy thu thanh vừa đủ nghe, để khỏi làm phiền hàng xóm, đang cần yên tĩnh để nghỉ ngơi".
Nhiều người cười tôi hoài cổ, cái gì cũng VNCH, xưa cũ, lạc hậu quá rồi. Không, tôi thấy cái chế độ non trẻ ấy, ngay cả âm thanh nhỏ của chiếc radio, người ta cũng sợ nó "làm phiền" người khác; hoài cổ của tôi đáng cười hay sao? Bây giờ, âm thanh tra tấn cư dân đô thị mỗi ngày, không đáng để quan tâm?