Nụ cười nổi tiếng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam được một nhà báo Nhật ghi lại, truyền thông nhà nước gọi là 'nụ cười Võ Thị Thắng'.
Vì sao cười cũng nổi tiếng? Cười thể hiện tâm tính con người. Tâm vui thì cười vui. Tâm an thì cười an. An là niềm mong mỏi lớn nhất của loài người.
Không có dịp đi nhiều nhưng tôi có nhận xét, người Việt ít cười nhất: đó là ở các cửa khẩu sân bay.
Lần đầu tiên bước xuống phi trường Phần Lan, cửa ngõ dẫn vào các nước trong cộng đồng châu Âu, tôi hết sức lo lắng. Nghe nói có trường hợp khách phải trở về nước khi không đáp ứng đầy đủ câu hỏi của an ninh khi nhập cảnh. Và gần đúng như thế thật. Câu đầu tiên, ông có nói tiếng Anh được không? Chút chút, tôi đáp. Ông qua đây làm gì? Thăm con. Ông có thể chứng minh? Đây, thư mời. Còn gì nữa? Vé máy bay khứ hồi; giấy bảo hiểm y tế Swisscare. Welcome. Và nụ cười nở trên gương mặt ông Tây ban đầu trông lạnh như tiền.
Có visa Phần Lan, quý vị đi bất kỳ nước nào trong EU cũng được. Ở nhiều nước, an ninh sân bay đều cười và hello (chào) khi cầm passport nhìn vào mặt khách nước ngoài như tôi. Thậm chí lúc du lịch bằng tàu thuỷ qua Estonia, hàng ngàn người xuống tàu từ hải cảng Helsinki, nhân viên an ninh hải quan vẫn chào từng người với nụ cười trên môi.
Ở thủ đô Tallinn, lúc vào tham quan bảo tàng đặt trong một lâu đài cổ, khi mua vé, con tôi được hỏi, ông bà kia (chỉ tay về phía tôi và vợ) có đi chung không? Có. Họ nở một nụ cười chào và nói: người già được miễn phân nửa tiền vé, dù con tôi không rõ có quy định đó. Tóc bạc thật lợi ích (chứ không phải bất lợi: tóc bạc sớm, sinh lý yếu!). Cầm vé, chúng tôi rời quầy thì họ khuyến mãi thêm nụ cười nữa, rất tươi: Have a good trip, chúc chuyến đi vui. Không rõ dân mũi cao da trắng có ưu ái như chúng tôi hay không.
Một lần cười nữa nhưng lại “cười ra nước mắt”, tại sân bay Paris. Ở nước người tôi luôn nhớ nước mình. Thật ra là nhớ nước mắm. Đi thăm các nước châu Âu, chúng tôi luôn mang theo nước mắm; thiếu nó, bữa ăn dù có 'cao lương' cũng mất đi ý nghĩa; chất lỏng không quá 100 ml. An ninh sân bay hỏi có nước gì trong va li xách tay không. Tôi nói ‘le nước mắm’ (từ điển La Rousse có từ này). Anh ta cười và đưa tay lên mũi ra vẻ hiểu nước mắm, chắc là hôi lắm, đối với người Pháp. Chẳng may, nước mắm lại đựng trong cái chai có một nhãn hiệu khác. Xin lỗi ông, chúng tôi phải giữ chai này lại. Thế là khi từ Pháp qua mấy ngày ở Đức, chúng tôi phải nhịn thèm nước mắm. Và anh chàng Tây nở nụ cười tươi như xin lỗi chúng tôi vì phải thu lại món ăn quốc hồn quốc túy của người VN; tôi nói, 'cười ra nước mắt' là rứa.
Có sân bay, người ta soát xét rất kỹ. Chẳng hạn khách phải dang chân thật rộng, khuỳnh tay ngang hông để máy soi chiếu qua; xong, bước qua một bên, họ kiểm tra tiếp. Một thằng Tây to như núi, cúi xuống sờ vào vai, vuốt vào tay, kể cả ống quần của tôi. Tuy không mang cái gì “quốc cấm”, tôi cũng run run, lo sợ. Sau đó, họ khoát tay cho đi, và không quên nở nụ cười goodbye như thân mật lắm. Dù sao, nụ cười không rõ thế nào, tôi vẫn vui, không mất đi cảm tình vì phải nhìn gương mặt an ninh sân bay 'đằng đằng sát khí'.
Sau ba tháng ở xứ người, đi đây đi đó, tuy chỉ 4,5 nước, tôi mới thấy nước mình, nụ cười rất là tiết kiệm, ở cửa vào đất nước. Đứng gần một giờ ở cửa khẩu sân bay, người nước ngoài rất nhiều, tôi có thời gian quan sát rất kỹ an ninh nhập cảnh. Họ rất nghiêm nghị. Gương mặt căng ra, đầy chất công vụ quan trọng. Chẳng thấy một nụ cười. Tôi tự hỏi, hay là công việc kiểm tra an ninh cần một bề ngoài như vậy khi có người ngoại quốc sắp vào quốc nội?
Và nếu đúng như vậy thì khi kiểm tra xong visa, họ cũng nên nở một nụ cười nhẹ, đờ-mi cũng đặng, để người ta có cảm tình ngay với một đất nước vốn có danh là hiếu khách. Cười không những đem lại ấn tượng tốt ban đầu cho du khách, cười còn có thể giúp các anh chị phụ trách an ninh sân bay bớt đi căng thẳng vì mỗi ngày phải tiếp xúc với hàng ngàn người ra vào cửa khẩu. Thái Lan từng mở các khóa tập cười cho cảnh sát. Thì tại sao nhà nước không khuyên các nhân viên của mình nở một nụ cười đúng lúc trong công việc căng thẳng của họ mỗi ngày?
Trong hiểm nguy đối diện với tù tội, và có thể là cái chết, tiền bối của họ - bà Võ Thị Thắng - còn nở nụ cười, huống hồ đất nước mình ngày nay thanh bình, nụ cười chốn công quyền lại trở nên khan hiếm?