Saturday, December 9, 2023

TÍNH CÁCH VIỆT QUA CÁCH CHẠY XE.

Không ai giải thích thỏa đáng vì sao ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, từ sớm tới tối, ngày này qua ngày khác, cả tháng này qua tháng khác, nói chung cả năm, người ta chạy xe ngoài đường nhiều vô kể, không hiểu, chạy làm gì. Lúc nào đường cũng dày đặc xe cộ, xe máy chiếm số lượng nhiều nhất.

Nhìn vào cách sắp hàng của người dân như mua hàng, lên xe buýt, đi vào chỗ đông người,  ta có thể đánh giá văn minh hay văn hóa của dân tộc đó. Tôi thì cho rằng, muốn đánh giá tính cách người Việt- hay “lên gân” một chút- căn tính Việt, hãy nhìn vào cách chạy xe của họ.

- Vô kỷ luật, vô tổ chức. Kẹt đường sẽ có người chạy xe máy lên lề đường. Kẹt xe càng kẹt thêm vì ùn ứ. Đèn đỏ không có cảnh sát: vù qua. Đèn chuyển vàng, cẩn thận, thì lên ga phóng như ma đuổi. Đường có dải phân cách, quay xe xa, người ta chạy ngược chiều, cho tiện. Hàng chục ví dụ nữa cho biết thói vô kỷ luật của người Việt.

- Ích kỷ: Ra đường là giành chạy trước, thay vì tuần tự, bất kể nguy hiểm cho người khác khi có va quẹt. Không phải là xe ưu tiên như cấp cứu hay cứu hỏa, xe cố qua mặt vượt lên, nhanh như ma đuổi. Bấm còi vô tội vạ để người khác nhường đường dù người chạy trước không có chỗ nhường đường.

- Thiếu khiêm cung, nhường nhịn: Chỉ cần nhường nhau, xe cộ sẽ trở nên trật tự. Dù có chậm một đôi giây, giao thông sẽ dễ dàng, thông suốt. Càng chen lấn, muốn chạy hơn xe trước, kẹt xe càng dễ xảy ra. Nhiều tài xế đi tù vì gây tai nạn do tức giận, muốn cho xe phía trước “biết lễ độ”, nhấn ga phóng tới, cho xe đó “ngửi khói”. Ở nước văn minh, trừ đường cao tốc, tôi không thấy xe hơi bóp còi rồi qua mặt xe khác. Sự nhường nhịn, nhường nhau trong chạy xe là nếp sống của người văn minh.

- Thiếu ý thức và tư duy: Xen ken nhau, nhích từng chút trên đường, người lái xe phía sau cứ bóp kèn inh ỏi dù vẫn biết người phía trước không có chỗ nhường đường. Nhiều xe đậu quá chỗ có đèn tín hiệu. Khi đèn hết đỏ thì không quan sát, các xe sau nhấn kèn inh ỏi mới rú ga đi tới. Qua ngã ba, quẹo xe sát ngược bên lề trái khi cua, không thấy xe chạy lề phải đối diện. Va nhau như cơm bữa. Nguyên tắc chạy xe là luôn đi lề phải; xe trên đường đâm ngang phải nhường cho xe đường chính. Không luôn luôn đội nón bảo hiểm khi chạy xe. Thường hay đối phó, đội nón khi có hay gặp cảnh sát và đội mà không cài quai chặt chẽ. Nhiều cái chết đơn giản chỉ va quẹt nhẹ, té ngã, gây chấn thương sọ vì không nón bảo hiểm.

- Tuỳ tiện, làm lấy được: Muốn rù ga hay bóp kèn xe lúc nào thấy hứng. Xe máy nhưng gắn còi xe hơi. Tiếng còi khiến người đi xe phía trước giật mình, bủn rủn, cứ ngỡ xe hơi sắp cán vào mình. Cấu kết xe thay đổi theo ý thích, kể cả bộ phận dẫn lực, tạo đà. Sơn lại xe với những màu sắc chói lói dị hợm.

- Liều lĩnh vô lối, nguy hiểm: Qua các giao lộ, xe không giảm tốc độ. Các vạch đường dành cho người đi bộ không có giá trị khi không đèn giao thông. Xe phải chạy chậm để nhường  đường cho người đi bộ. Người đi bộ qua các vạch đường rất sợ hãi khi thấy xe chạy gần họ mà vẫn giữ tốc độ trong khi ưu tiên lại trở thành yếu thế: người đi bộ sợ người đi xe- xe máy, xe hơi, nếu không muốn vô nhà thương hay nghĩa địa. Ở Singapore khi thấy tôi lưỡng lự trước vạch trắng qua đường, tài xế dừng hẳn xe, hạ cửa kính, đưa tay ra hiệu cho tôi bước qua. Ở VN, ưu tiên phải là…xe hơi. Nếu quý trọng mạng sống người khác thì việc giảm tốc độ xe nhường đường, nhường người là điều bắt buộc. Sự khinh xuất coi thường mạng sống người khác, trớ trêu, lại coi thường mạng sống của chính mình là điều kẻ lái xe liều lĩnh không hề nghĩ tới.

Còn nhiều tính cách nữa, nhất thời, tôi chưa nghĩ tới khi quan sát người Việt Nam chạy xe ngoài đường. Nhưng cái quan trọng nhất không phải ở người “tham gia giao thông” mà ở trách nhiệm của người “điều khiển giao thông”.

Đường mở ở đâu, rộng hẹp thế nào, ở đâu xe chạy hai chiều, ở đâu xe chạy một chiều; bao nhiêu xe hơi, xe máy, được phép giao thông trong một thành phố. Hạn chế loại xe nào vào giờ nào có thể tránh nạn kẹt xe. Nhiều nơi trên thế giới quy định số xe nhất định, chỉ thay mới, không mua mới, để duy trì mật độ xe thế nào thích hợp cho quy mô của một thành phố, ngăn ngừa nạn kẹt xe.

Văn minh một quốc gia thể hiện đầu tiên ở trật tự và phương tiện giao thông trong các đô thị. Giao thông bát nháo, tai nạn chết người nhiều, kẹt xe, nghẽn xe, khói bụi dày đặc, lề đường bị chiếm dụng, che khuất biển báo, che lấp tầm nhìn … tất cả là “nhiệt kế” đo tài lãnh đạo của những người “điều khiển giao thông” chứ không hẳn trách nhiệm hoàn toàn vào người “tham gia giao thông”. Một dân tộc tự hào đánh thắng các đế quốc to sẽ càng tự hào hơn khi “đánh thắng” vấn nạn giao thông.