“Quê hương là chùm khế ngọt.
Cho con trèo hái mỗi ngày”.
Thi sĩ Đỗ Trung Quân tài hoa của tôi đã “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì là “khế ngọt” nên người ta cứ “hái” mỗi ngày cái quê hương còn lắm nỗi lo toan.
Đối với tôi, quê hương là khác. Khi xa đất nước dù đôi ba tháng, tôi vẫn thấy nhớ quê quay quắt. Cái quê đó là cuộc sống ồn ào sôi động của Sài Gòn đang vươn vai lớn mạnh. Khi về lại căn nhà nhỏ trong cái đô thành chen chúc người và người đó, tôi lại nhớ một cái quê khác, và những năm tháng sống gần bóng mát của những cánh rừng cao su xanh bát ngát, mênh mông. Rồi quê nhà, nơi còn giữ chiếc rốn nhỏ hơn bảy mươi năm trước, cái làng Trung Đạo lại canh cánh trong tôi.
Ảnh: Con sông quê.
Tôi có cảm giác Đỗ Trung Quân không đúng khi viết: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi”. Khi rời đất nước, quê tôi là Việt Nam. Khi ở Sài Gòn quê tôi là Đồng Nai. Và khi ở miền Nam quê tôi là miền Trung, rõ hơn là Quảng Nam, rõ thêm chút nữa, là làng Trung Đạo. Tôi có tới hai người mẹ, yêu thương hai bà như nhau, sinh dưỡng đạo đồng, tại sao lại “chỉ một mẹ thôi”?
Quê hương là nơi mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị, các cháu tôi yên nghỉ. Quê hương là con đường lên xuống của ngôi làng. Quê hương là lối đi ra bờ sông, bến sông, ra ruộng đồng, cồn bãi, núi non. Rất giản dị. Không nhớ quê hương trong lúc vùi đầu sinh kế xứ người, vì lưu lạc phương xa; chẳng ai trách “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”
Mở ngoặc chỗ này: Hai câu thơ trên sai hoàn toàn. Không có một người VN nào mà quên quê hương, tôi xin khẳng định. “Không lớn nổi thành người “ là câu dạy dỗ trẻ con. Không nghe tao, mày sẽ chẳng nên người. Mọi người phải nhớ quê hương. Đứa mô không nhớ “sẽ không lớn nổi thành người”. Văn dĩ tải đạo không có nghĩa người sáng tác văn học phải răn dạy người khác: phải yêu cái này cái nọ. Yêu hay ghét là tình cảm tự nhiên. Kẻ nào dạy người khác yêu và ghét, kẻ đó là giả nhân giả nghĩa.
Trở lại quê hương. Ăn một món canh cải, món “rau sống” (rau ghém) món cá kho nghệ, món thịt heo luộc xắt lát(*) làm theo cung cách của những người thân trước nay không rời khỏi ngôi làng, hay rời thời gian ngắn, tôi cảm thấy trong ngần ấy thứ, cái hương vị đặc biệt, cái mà tôi từng ăn từ thuở mới tập ăn: hương vị quê hương, không phải trong từng trang sách vở, cái hương vị của tình thương gia đình, dòng tộc, làng trên xóm dưới; cái hương vị không phải một mình tôi cảm nhận, cái hương vị mà bất kỳ ai, trở về quê hương, đều cảm nhận như tôi. Món ăn ấy không phải thuộc hàng “cao lương mỹ vị”; nó là món ăn của quá khứ. Quá khứ là tài sản duy nhất của những người trở về quê hương khi chiến tranh thay đổi mọi thứ và hoà bình thay đổi mọi cái. Món ăn ấy có người cha, người mẹ, người anh, người chị…những người thân, từng ngồi bên nhau trong quá khứ, quá khứ đầy binh đao và biến loạn. Chiến tranh có thể giết chết con người, tàn phá xóm làng, nhưng chiến tranh không thể giết chết hình ảnh những người thân yêu và tàn phá kỷ niệm- những giây phút yên bình, rất hiếm đối với người VN khi đất nước bị loang lỗ bởi đạn bom.
Ảnh: Trâu đằm.
Quê hương có khi là tin tức về những người già còn sống ở thôn làng. Năm ngoái còn gặp họ, năm nay đến nhà, họ yên vị trên bàn thờ sau bát hương đầy nhang khói. Quê hương là những câu chuyện kể, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu chuyện làng, có khi là những câu chuyện gặp ma, thấy ma, khi ánh sáng làng quê là những chiếc đèn dầu leo lét. Quê hương là chỗ mỗi năm một lần chạp mả, con cháu nơi xa tụ về đông đủ, hàn huyên tâm sự, chia sẻ trải nghiệm thăng trầm trong cuộc mưu sinh xa xứ. Quê hương là những kỷ niệm của thời còn cắp vở đến trường. Những câu chuyện tình non dại thời đi học làm cho quê hương đáng yêu lại còn đáng yêu hơn.
Khi ra chợ (muốn biết mức sống, hãy ra chợ), quý vị sẽ lấy làm lạ lẫm, khi chỗ này, chỗ kia, có một vài cụ bà với chiếc rổ bên trong chưa tới một chục trứng hay nửa buồng cau. Hay một đôi chị với vài bó rau lang, rau muống.
Chợ ở quê tôi không phải là nơi mua bán đúng nghĩa. Chợ đối với dân quê là nơi trao đổi con cá, bó hành, vài củ khoai môn, khoai tím, khoai từ. Ở cái quê mà bạn không hề lo ngại có thuốc trừ sâu hay chất bảo quản trong từng cọng rau, trong từng củ, quả. Vì là “trao đổi”, sản phẩm dư mang ra chợ để đổi lấy tiền mua thứ mình thiếu. Thịt sạch, cá sạch, rau sạch…không hề có trong ngôn từ ở con người quê nơi tôi về mỗi năm. Quê hương là mùi lúa chín, mùi rạ thơm. Quê hương là khúc sông tắm mát mỗi chiều mùa hè oi ả. Quê hương là những hàng cau, bụi chuối, bờ tre; quê hương là những dãy núi dài la đà đôi đám mây buổi sáng. Quê hương là những nụ cười chào hỏi của những người quen và những người không quen là con cháu của những người quen.
Quê hương của tôi không phải là chùm khế ngọt. Quê hương của tôi còn nhiều nỗi lo toan. Quê hương của tôi còn hằn lên gương mặt những nông dân mà con cái họ bỏ ruộng đồng cho cha mẹ già để vô Nam tìm việc, và gửi về những đồng tiền mồ hôi cho gia đình không thể khá lên nhờ ruộng lúa.
Quê hương tôi rộn rã tiếng cười mỗi mùa Xuân đến: Sum họp vui vầy những người vì mưu sinh mà phải rời quê xa xứ. Tôi yêu quê tôi với những cái giản dị tầm thường. Tôi không yêu quê hương qua những bài thơ ướt át hay những bản nhạc trữ tình lớn tiếng ca ngợi quê hương. Tôi yêu cái quê tôi đang có, mộc mạc và hiền hòa. Tôi khinh bỉ những ai coi “quê hương là chùm khế ngọt “ để rồi họ thản nhiên “trèo hái mỗi ngày”.
Quê hương là nơi con người đang sống. Quê hương trong trái tim mọi người. Quê hương là bùn, là đất, là nơi ta ở. “Nơi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn “(**). Do đó không thể có “quê hương mỗi người chỉ một”.
(*) Ca dao Quảng: Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè. Nhớ hồi ’thượng mã lên xe’ (có lẽ đánh cờ chăng, quê làm gì có xe, có ngựa, hay là mơ ước?). Nhớ bát nước chè nhớ chén đường non. Nhớ hồi cá trụng y con. Thịt heo xắt khúc (không phải lát) lòng còn ước mơ “.
(**) Thơ Chế Lan Viên.