Sunday, December 31, 2023

ĐI LẠI (Ở Phần Lan)

Tại thủ đô Helsinki, việc đi lại không lấy gì làm nhộn nhịp. Ngay tại trung tâm – ga xe lửa với tám đường ray – số hành khách rất là thưa thớt. Thời tiết giá lạnh, tháng 4 buổi chiều vẫn còn 3, 4 độ, khiến người Phần Lan ngại ra ngoài? Hay là tại diện tích trên 333 ngàn km2 (xấp xỉ VN) quá lớn so với số dân (chưa tới 5,6 triệu người)? Theo ước lượng bằng mắt, số xe hơi lưu thông tại thủ đô có thể bằng 1 phần 100 của Sài Gòn chúng ta, nghĩa là rất “lèo tèo”.

Nhưng các ngã tư thì khá là nhiều và đều có đèn hiệu, chuyển rất nhanh từ đỏ sang xanh, chừng 2, 3 phút, làn xe di chuyển diễn ra rập rang, gọn ghẽ, không thấy xe nào cố vượt khi đèn chuyển vàng. Điều ngộ nghĩnh là, thỉnh thoảng có bảng to bằng 2 bàn tay gắn ở các ngã tư có hai chữ WC (tức cầu tiêu, mũi tên chỉ hướng đi và cung độ).

Ngoài xe buýt, xe hơi còn có tàu điện dài gấp đôi xe buýt chạy trên đường ray trên mặt đường. Người đi bộ, đi xe đạp thấy cùng tham gia giao thông nhưng có vẻ ít hơn. Có bãi cho mướn xe đạp điện. Ai muốn đi thì tải một app về điện thoại, trả tiền qua tài khoản, sẽ nhận một mật mã, và nhập nó để chọn bất kỳ xe nào mình muốn. Và cũng thấy ít người sử dụng. Đa phần khách bộ hành đi thăm thú các phố trung tâm.

Tôi có đi Singapore và thán phục sự sạch sẽ của họ. Nhưng tôi càng thán phục hơn sự sạch sẽ ở Helsinki. Có lẽ ít người hơn chăng?

Nhờ sát biển, thủ đô có âm thanh của những loài chim biển bay từng bầy, át hẳn tiếng xe cộ đi lại. Điều buồn cười, cả ba tiếng đồng hồ đi lang thang trên các phố chính, tôi không hề nghe dù là một tiếng còi xe. Hay là quen tĩnh lặng, không thích bon chen, dân Phần Lan chẳng vội vã nhấn còi xin đường, đi trước? Cảnh va quẹt xe máy, rồi quát tháo nhau do chen lấn không thể xảy ra vì lưu lượng xe cộ đi lại quá nhảnh nha và thưa thớt? Bất giác, tôi bỗng thấy nhớ quê nhà, không khí lúc nào cũng đượm mùi xăng dầu, và không gian đầy ắp tiếng còi, tiếng xe, tiếng nhạc, tiếng rao hàng, tiếng quảng cáo bằng loa, cả tiếng loa phường.

Biết đâu sự ồn ã và dày đặc xe cộ lưu thông ở quê nhà lại là dấu hiệu cho đất nước tiến lên? Tiến lên sá gì lá phổi, lỗ tai!

Ấn tượng đi lại ở Phần Lan không phải ở điều tôi vừa mới nói. Đó là ưu tiên giao thông ở những thành phố không hề có đèn đường dù có ngã tư, ngã ba.  Xe đang ở vòng xoay sẽ hưởng ưu tiên hơn xe đang trên đường dẫn vào vòng xoay. Qua đường, ngã ba, ngã tư, ở các thành phố không phải thủ đô, tôi không hề thấy có đèn đường. Và ưu tiên theo thứ tự: người đi bộ, người đi xe đạp, người đi xe hơi kể cả xe buýt, xe chuyên dụng (tôi không rõ xe cứu hỏa, xe cứu thương thế nào).

Khi thấy bạn đứng bên lề hay sắp đến lề có vạch trắng (zebra), xe sẽ dừng lại sau khi chạy chầm chậm và bật đèn xi nhan bên trái. Những lần qua đường đầu tiên, tôi rất ngại ngùng khi thấy xe hơi dừng lại để chờ mình. Có lần thấy xe chạy chầm chậm tôi đứng yên, cố ý đợi xe qua hẳn, mình sẽ qua đường. Nhưng không, xe dừng hẳn và đèn nháy bác tài kiên nhẫn chờ tôi, không hề có tiếng kèn “nhắc nhở” hay “cho phép”. Khi qua đường, tôi rất áy náy. Mình đã làm trễ một đôi phút chiếc xe kia chăng?

Tôi có đem chuyện này ra kể với đứa con trai (sắm xe hơi khi đến Phần Lan). Nó nói việc tuân thủ luật đi đường là điều đương nhiên ở đây. Và người Phần Lan không hề  cảm thấy “bực dọc” khi phải chờ rất lâu một người đi bộ, dắt con nít, đẩy xe nôi, hay đi xe đạp băng qua đường, qua giao lộ.

Sự tuân thủ luật lệ và chờ đợi dường như là…niềm vui của họ. Do không phải tranh nhau trên lối đi, họ không cảm thấy áp lực khi xe của họ phải chờ người đi bộ qua đường? Đương nhiên chỉ ở chỗ nào có vạch trắng cho phép.

Có lần, gần tới chỗ qua đường, tôi chờ một đoàn xe nối đuôi nhau qua vạch ngang. Chiếc xe cuối cùng lại dừng, dù tôi nghĩ họ sẽ “nương” theo mấy chiếc kia để khỏi phải chờ tôi. Thế là, ba chân bốn cẳng, tôi chạy qua đường, có cảm giác vừa “hàm ơn” người lái xe hơi. Ý tưởng này có lẽ có sẵn trong tôi vì ở Sài Gòn: ai nhường mình trên đường, đó là hạnh phúc. Một lần khác, do chưa lên lề băng qua đường, một chiếc xe trờ tới và rà thắng chờ tôi. Tôi vội vã đưa tay vẫy ra hiệu cho xe hãy chạy. Xe chạy qua, người phụ nữ ngồi trên xe nở một nụ cười thật tươi có lẽ muốn…cám ơn tôi chăng? Trên đường bách bộ vào siêu thị, lòng tôi cảm thấy hân hoan như vừa làm một công việc gì “vĩ đại” lắm.

Tuân thủ luật lệ…Chờ đợi…Thảnh thơi…Không bon chen…khi lái xe đi trên đường, có lẽ là bản chất của người Phần Lan hay của bất cứ người phương Tây nào? Đường sá ngang dọc như bàn cờ đan dưới những hàng cây thông, cây tùng, cây bạch dương; nhiều, nhưng rất vắng vẻ dù ở thành phố các con tôi ở có rất nhiều bãi đỗ xe ngoài trời theo từng cụm dân cư.

Điều rất lạ là buổi sáng lạnh 1, 2 độ, không thấy ai đi bộ…tập thể dục, ngoài tôi và một vài con chó với chủ của chúng, hầu hết là phụ nữ. (Có lẽ dân chúng quen đi bộ đến trạm xe buýt quá nhiều. Đi bộ tập thể dục là chuyện dư thừa?) Những chú chó đẹp nhiều màu lông, hình dáng, có con nhỏ như thỏ, có con to như sư tử, mặt mũi dữ dằn…

Thấy tôi chăm chú quan sát con chó “sư tử”, bà chủ thích thú khoe “he’s nice” (nó không sao) rồi bảo tôi hãy vuốt đầu nó…Tôi  vội vã ‘thank you’, cười, và lắc đầu. Lỡ nó hổng nice, táp một cái thì những chiếc răng trắng nhởn kia sẽ xiên qua bàn tay ông già Việt này thì oan mạng cho tính tò mò và cả nể.

Nếu lề đường không thi thoảng rơi vài cục phân chó tập thể dục buổi sáng thì đất nước hạnh phúc nhất thế giới này sẽ hạnh phúc hơn. Ấy là thành phố Veikkola bạt ngàn thông nơi tôi đang ở, cách Helsinki 30 km.