Có việc phải về Đồng Nai, chập choạng tối, một chiếc xe máy chạy ngược chiều tông thẳng vào xe tôi. “Khổ chủ” văng vào lề, người gây tai nạn nằm sóng soài ngoài lộ. May mắn, cả hai vô sự. Chỉ xe tôi lãnh thẹo: vỡ nát áo trước. Trên đường về lại Sài Gòn, thấy xe máy nào chạy ngược chiều, tim tôi muốn rớt ra ngoài. Rất nhiều người chạy lề trái chiều. Họ xem thường mạng sống và vô tâm trước sự an toàn của người khác.
Ảnh xe bị vỡ nát áo ngoài.
Vì sao người Việt rất tùy tiện trong lối sống, thể hiện nhiều nhất ở ngoài đường, bây giờ người ta hay gọi “tham gia giao thông”? Ngoài chạy ngược phía đúng của người khác, người ta còn thi nhau chạy xe lên lề khi có kẹt xe. Làm như thế, tình trạng ùn ứ tăng lên và kẻ phá luật đi đường chính là thủ phạm mà họ không nghĩ tới, họ chỉ nghĩ tới bản thân họ. Vì sao như thế?
Truyền thông luôn ra rả “văn hoá giao thông”. Văn hóa không chỉ có phát trên loa đài, in trong sách báo, hay đưa vào nghị quyết thì xã hội sẽ…có văn hóa. Cần một hay hai thế hệ, những tập quán tốt mới trở thành nếp sinh hoạt con người, ta hay gọi là văn hóa.
Tính “vô kỷ luật” rất thường thấy trong các hành vi của người Việt Nam (tôi không nói tất cả).
Cái căn tính ấy, theo một giải thích tôi nghe cách đây 50 năm, của thầy Huỳnh Văn Quảng, tiến sĩ tâm bệnh học đầu tiên của miền Nam tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Ông dạy môn tâm lý giáo dục cho sinh viên chúng tôi ở khoa Anh, trường đại học sư phạm Sài Gòn.
Từ bé trẻ con VN không sống theo một khuôn khổ nhất định. Lúc khóc thì mẹ đưa vú cho bú, không định kỳ một thời gian nhất định như người phương Tây ( hay như một số bà mẹ trẻ tiến bộ thời nay). Ngay cả đi vệ sinh, các bà mẹ Việt ngày xưa không tập bé đi bô vào giờ nhất định. Mà tội nghiệp, thời ấy làm gì có bô nhựa. Ăn cũng vậy. Trẻ không được tập ăn đúng bữa. Giờ ngủ cũng thế. Mẹ ngủ là con ngủ hoặc con ngủ là mẹ ngủ. Giờ giấc lung tung.
Thầy tôi nói, từ nhỏ như vậy, con người Việt đã sống rất “tự do” theo nghĩa muốn gì được nấy. Nên chuyện vượt đèn đỏ khi vắng cảnh sát ở ngã tư hay không thấy có nhiều xe là chuyện năm 1972 ở đô thành Sài Gòn đã có chứ không phải bây giờ mới có. Không khác nhau cái tính vô kỷ luật; chỉ khác nhau, mức độ năm sau nhiều hơn năm trước, thế hệ sau tràn lan hơn thế hệ trước.
Gia đình và nhà trường (nhất là nhà trường) góp phần rất lớn vào căn tính vô kỷ luật của mọi công dân trong xã hội. Chương trình giáo dục ngày nay là gánh nặng đè lên vai học sinh; nhiều cái gánh nặng không cần thiết như ca tụng lãnh tụ lúc bé rồi chính trị Mác Lê-nin khi trưởng thành.
Văn hoá giao thông, hiện tượng đi lại của xe cộ mỗi ngày ở mọi thành phố, hình thành từ học đường không được chú trọng. Vứt rác ngoài đường là ví dụ. Trẻ mẫu giáo học trong các trường quốc tế ý thức rất tốt việc tìm chỗ bỏ rác. Cháu tôi lúc 5 tuổi, cầm giấy rác trên tay thắc mắc với ông nội thùng rác ở đâu trong một quán ăn khi cháu thăm ông ở quê. Vất đại xuống đất đi con. Bà chủ quán vui vẻ chỉ dẫn. Cháu lắc đầu không chịu. Tôi phải dỗ dành và lấy chỗ rác ấy cho vào túi đem về nhà.
Giáo dục giúp hình thành văn hóa, văn hóa giao thông. Khen Tây không khác khen hoàng tử tốt áo. Nhưng tôi cũng muốn nhắc đến họ. Trong ba tháng ở Phần Lan, tôi quan sát rất nhiều sinh hoạt của trẻ con. Trẻ Phần không bụ bẫm, mập tròn, phúng phính, đẹp như trẻ con tôi gặp ở Sài Gòn. Đứa nào cũng gầy gầy. Chúng đi bộ hoặc đi xe đạp từ nhỏ. Ra đường nhiều, chúng làm quen với luật đi đường rất sớm. Cháu nội gái hơn 3 tuổi của tôi biết các vạch vôi trắng là chỗ được phép băng qua đường. Mỗi một tuần, trường mẫu giáo phải cho học sinh ra khỏi trường một lần, kể cả mưa tuyết khắc nghiệt. Trong các lần đi “dã ngoại”, các cháu được hướng dẫn băng những con đường không có đèn đỏ, xe hơi qua lại liên tục.
Khi thấy người chuẩn bị qua đường ở vạch vôi trắng, xe hơi, kể cả xe buýt ưu tiên, xe công cụ, đều dừng lại, nối thành đoàn, chờ các em nhảnh nha đi, vừa chuyện trò vừa đùa nghịch. Văn hoá giao thông phát xuất từ bé cho đến già, chính là chỗ này: nhường nhịn, không đua tranh, không muốn chiếm phần tiện nghi về mình.
Giao thông đô thị là vấn nạn hàng đầu đối với nhà chức trách nào có lương tâm; chứ không phải là trách nhiệm nhiệm kỳ, xong việc lãnh đạo thì phủi tay về nhà với chiếc huân chương “hoàn thành công tác”.
Kẹt xe là trở ngại rất lớn cho nền kinh tế vì sự trì trệ; thiệt hại của nó vô hình nên ít ai nghĩ tới để có một sách lược lâu dài to lớn. Nhưng tai nạn giao thông là nỗi bất hạnh đau đớn nhất cho con người, cả người có, lẫn người không tôn trọng luật lệ giao thông.
Tôi bị tông xe, không có thiệt hại về người cũng vì có kẻ đi sai luật. Nhưng hàng mấy chục người chết mỗi ngày trên đất nước chuyển động nhanh chóng này có làm cho người ta nghĩ đến văn hóa giao thông - tức là văn hóa nhường nhịn- để xã hội ngày một an toàn hơn. Hãy bắt đầu từ giáo dục, nghĩa là từ mẫu giáo.
Trẻ con cần dạy dỗ tinh thần thượng tôn pháp luật nhiều hơn là mênh mông kính yêu lãnh tụ. Lớn lên khi ra đời, chúng thực hành mọi việc với một tinh thần kỷ luật, trong đó có tôn trọng kỷ luật khi tham gia giao thông. Làm được như thế lãnh tụ nếu còn sống cũng mỉm cười hài lòng chứ không phải ở trên cao mỉm cười mãi mãi bằng các tượng đài chót vót. Đi đúng luật chính là yêu mình, yêu người. Tai nạn giao thông sẽ không còn là nỗi bất hạnh ám ảnh người lái xe trên mọi miền đất nước.