Phần Lan thuộc Bắc Âu, giá lạnh. Không vì giá rét, họ không gần gũi với sông nước quanh năm băng giá. Khi khí hậu ở tầm 16 độ, người mình nghe giá buốt, người họ lại hân hoan. Các tiệm kem phải sắp hàng mới mua được. Ngồi dưới nắng ngoài sân quán (17, 18 độ), vào giữa trưa, họ mút kem, ăn kem ngây thơ như trẻ con Việt Nam mình, tôi thấy, có cả ông, bà có cháu nội, cháu ngoại. Tắm đối với họ dường như một đặc ân. Nhà nào cũng có sauna, kể cả nhà cho thuê. Biển không đẹp, không thuận lợi như VN, họ chỉ tắm hồ bơi và ao thiên nhiên. Tôi gọi ao để dễ hình dung. Ao của họ, có cái như biển Hồ, Campuchia. Phần Lan có tới 187.888 cái ao rộng 5 sào tây (acre) trở lên. Nhưng tắm ao không bằng tắm hồ, hồ bơi.
Giá vé người lớn 7 euro, già như tôi bằng trẻ con, 7 đồng hai người. Dân Tây coi trọng trẻ như già. Họ thấy tôi và nói, ông già kia hưu trí, giá bằng trẻ con. Tóc bạc rất lợi hại chỗ này.
Giá cả chẳng là vấn đề. Một ký ớt 17 đồng thì tắm hồ bơi 3,5 đồng một người tuổi hưu không phải là chuyện đáng nói. Vào tắm hồ mới quan trọng.
Mỗi người vào tắm được phát một chiếc đồng hồ nhựa nhưng chẳng có giờ ngày, chỉ là mặt tròn như mặt đồng hồ. Áp mặt này vào cột đứng ở cổng có cây quay. Đèn xanh báo, người đi qua. Chẳng thấy ai soát vé. Đồng hồ đeo tay không số này sẽ mở ngăn tủ giữ áo quần, các vật quý như vàng bạc, điện thoại, không sợ bị người khác lấy trộm, đồng hồ đeo trên tay là password mở ngăn tủ. Không ai mở được ngoài người đeo đồng hồ.
Phần này mới quan trọng. Trước khi xuống hồ bơi, mọi người đều phải tắm. Có sẵn dầu gội, xà bông. Nam, nữ khi vào hồ bơi đều có lối riêng. Chỗ tắm là những ngăn cách biệt bởi vách tường, và không có cửa ở mỗi ngăn đó. Chỉ cần chạm tay vào vào tường, có hình bàn tay, nước ấm sẽ tuôn ra, một phút hay hai gì đó, vòi nước sẽ ngưng. Không có tình trạng nước chảy mãi. Muốn tắm tiếp thì chạm lần nữa vào hình bàn tay trên tường.
Lần đầu tắm ở đây, tôi rất ngại ngùng. Hàng trăm ngăn tắm sắp xếp như xương cá, thẳng góc theo lối đi ở giữa, lối dẫn ra hồ bơi. Ai cũng ở truồng.
Sau khi tắm, người ta mới mặc đồ tắm, ra cửa dẫn vào hồ bơi.
Ảnh minh họa (trên mạng).
Hồ bơi chia ra hai thứ. Mùa giá rét, tắm trong nhà, nước hồ được hâm nóng ở nhiệt độ thích hợp. Mùa không giá rét, chưa hẳn là ấm nóng, như hôm nay 17 độ, hồ tắm sẽ ở ngoài trời. Kích thước hồ bơi không khác kích thước hồ thi đấu quốc gia, như hồ Rạch Miễu, Sài Gòn. Hồ chia ra ba khu vực. Một cho người lớn. Một cho trẻ có người lớn đi kèm. Một cho trẻ có người lớn nhưng họ chỉ đứng trên hồ, nước rất cạn. Nước ở hai hồ sau ấm hơn. Nước ở hồ người lớn lạnh thấu xương theo cảm nhận của tôi. Tây tắm được, ta thua họ sao. Nhưng khi ở dưới nước hồ bơi, chúng ta không cảm thấy lạnh là mấy.
Hồ bơi có nước không mang mùi javel, rất giống nước thường. Đáy hồ, thành hồ, đường ray quanh hồ đều làm bằng thép không rỉ, ta hay gọi là I nốc. Ngăn hồ dài 50 mét bằng những luồng có dây dài với những khoanh nhựa màu xanh, thiết kế không gây sóng cho luồng bên cạnh khi có người bơi. Hồ bơi nào cũng rứa không cứ chi hồ bơi bên Tây. Tui muốn nói ấn tượng của mình ở đây khi bơi chung luồng có mấy bà Tây, không phải ông Tây. Khi bơi, tôi không thua họ dù chỉ biết bơi chó, nghĩa là chẳng giống ai. Bơi qua lại, thấy nhau, dù không phải như trên đường đi, moi, moi, chào, chào nhé, tiếng Phần Lan, họ và tôi xem nhau như người đồng hướng, hướng bơi qua lại, chứ không phải đồng hương.
Nhìn gương mặt bất kỳ người phụ nữ phương Tây, tôi thấy ra, họ khá đẹp. Da trắng, mũi cao, gương mặt không mụn màn, môi mỏng, miệng nhỏ, và đôi mắt, đôi mắt xanh, đúng là xanh, không một người châu Á nào có được.
Nhưng khi cùng nhau rời hồ bơi, tôi mới tá hỏa. Không phải thấy là đúng. Phụ nữ Phần, không rõ các nước khác, trẻ có thân hình săn chắc, khỏe mạnh. Phụ nữ sồn sồn, thiệt tình mà nói, họ sồ sề quá. Nhìn họ, tôi chỉ thấy bụng, mà không thấy gương mặt đáng yêu như ở hồ bơi. Ngắm phụ nữ đứng tuổi Phần Lan, tôi mới sực tỉnh, phụ nữ Việt Nam, dẫu ở tuổi sồn sồn, ai ai cũng đẹp.
Tắm xong, người ta vào lại chỗ tắm lúc đầu. Lần này, người tắm sẽ vào xông hơi, sauna, trước khi ra về. Chỗ tắm lại mới là điều làm tôi suy nghĩ. Nam, nữ tắm riêng. Không rõ nữ thế nào. Nam thì…mắc cỡ quá.
Những ngăn tắm kéo dài hàng trăm chỗ tắm. Khi đi về chỗ gửi đồ, bạn phải đi qua hàng trăm chỗ tắm, chỗ nào cũng trống hươ, trống hoác.
Và là người đi tắm, dù nặng nề luân lý Á đông, tôi cũng phải nhập gia tùy tục. Họ không bận quần khi tắm, không lẽ mình khác người? Nghĩa là mặc quần khi bọn Tây cởi truồng?
Tôi vốn con rồng cháu tiên, rất tự trọng, có thể nói là luôn luôn gìn giữ bản sắc dân tộc, không để bọn Tây khi dễ, họ cởi truồng khi tắm mà mình lại không.
A, nhưng có điều này, cần kiểm chứng. Nhất là khi con người ta không có gì để giấu, tắm cởi truồng mà.
Có thống kê nào đó, về chiều dài của quý đàn ông. Việt Nam, đàn ông bị xếp…ngắn nhất thế giới, ấy là đo lúc của quý…bắn máy bay.
Nhưng sai tét lét. Thống kê ấy là của bọn thế lực thù địch. Thấy ta thắng Tàu, thắng Pháp, thắng Mỹ, chúng bèn chê của quý đàn ông VN, để thỏa mãn thói ghen ăn tức ở?
Mà đúng là như rứa. Khi đi về chỗ để áo quần, tắm trước khi về, tôi đi ngang qua hàng trăm chỗ tắm của bọn Tây. Dù tôi không muốn ngó, hàng trăm thằng Tây cởi truồng cũng
không thoát khỏi cái nhìn quan sát của tôi, để kiểm nghiệm xem, hễ to người là to của…quý.
Điều tôi khẳng định, quy tắc đó sai. Chỉ đi thoáng qua, và chỉ nhìn thoáng qua, của quý của bọn Tây chưa chắc to hơn của quý xứ ta. Nhiều thằng có của quý nhỏ và khô như những củ khoai từ thiếu nước, thiếu phân, nhăn nheo, như bị héo dây. Có ông Tây của quý to nhưng chẳng dài. Có ông dài nhưng chẳng to. Cũng có ông người sao “của” vậy nhưng không chiếm đa số. Hay là tôi nhận định sai? Trời lạnh 17, 18 độ cái gì mà chẳng teo? Chẳng có câu “lạnh teo chim” hay sao?
Tôi thấy rằng, ai nói gì kệ họ, ai nhận xét gì mặc họ. Trần thế đứng núi này trông núi nọ là bản chất của con người. Đàn ông luôn quan tâm đến của quý của mình. Đàn bà luôn quan tâm đôi gò bồng đảo. Đó là lẽ thường. Chỉ có bất thường khi mình mặc cảm những điều mình có. Chẳng hạn Tây “to” hơn ta. Tôi chứng kiến bằng mắt, không phải nhất thiết như thế. Người to chưa chắc của to. Người nhỏ chưa chắc của nhỏ. To hay nhỏ, cái nào đem lại hạnh phúc là OK. Tôi rút ra kinh nghiệm này là nhờ đi tắm Tây, tắm Tiên. Không được chụp hình chỗ tắm. Tôi đành nói chẳng có sách, mách chẳng có chứng.